Làm thêm từ lâu trở thành một phần không thể thiếu của đời sống sinh viên, bên cạnh những lợi ích thì vẫn còn nhiều những ảnh hưởng tiêu cực.
Khi bước chân vào môi trường đại học, không chỉ đối mặt với những vấn đề liên quan đến kinh tế, mà còn là nỗi bâng khuâng về kinh nghiệm sau khi ra trường. Bài học từ giảng đường hoàn toàn không thể đáp ứng đầy đủ những kỹ năng trong công việc của bản thân. Vì vậy, nhiều sinh viên đã lựa chọn công việc làm thêm bên ngoài. Tuy nhiên, cần nên xem xét và sắp xếp thời gian hợp lý bởi việc này cũng sẽ đi kèm theo những tác hại.
Lợi ích từ công việc làm thêm
Vấn đề có thêm khoảng thu nhập luôn là lý do hàng đầu của sinh viên. Khi vào đại học, đồng nghĩa với việc ta phải tự chi tiêu về tài chính nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện trang trải cho mọi thứ, lúc này công việc làm thêm sẽ giúp chúng ta có thêm nguồn thu nhập riêng cho bản thân.
Hơn nữa, nó sẽ giúp ta hiểu được giá trị của đồng tiền và thêm trân trọng sức lao động. Đối mặt với vấn đề tài chính cũng là một cách giúp chúng ta trưởng thành.
Bất kể đó là công việc gì thì vẫn sẽ cho chúng ta nhiều kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết, mà thậm chí trường đại học cũng sẽ không thể dạy được. Có thể nó sẽ không liên quan đến chuyên ngành nhưng sẽ rất cần thiết cho cuộc sống đời thường của chúng ta, ví như kỹ năng về giao tiếp. Chính những tiếp xúc và va chạm từ công việc làm thêm sẽ là tiền đề cho sự phát triển của bản thân mỗi sinh viên sau này.
Hầu hết các nhà tuyển dụng đều đòi hỏi kinh nghiệm làm việc từ 1-2 năm với sinh viên mới ra trường. Thế nên, việc làm thêm hay trở thành thực tập sinh ngay khi còn ở giảng đường là điều cần thiết.
Những công việc này sẽ góp phần tạo nên những nền tảng vững chắc trong nghề nghiệp và cũng sẽ tạo được lợi thế với nhà tuyển dụng. Nhìn vào thực tế mà thấy, ít có công ty nào lại lựa chọn một CV chỉ có mỗi thông tin, nói các khác họ sẽ ưu tiên hơn nhiều cho những ai đã có được kinh nghiệm làm việc từ trước đó.
Khi làm thêm ta sẽ có cơ hội được tiếp xúc và gặp gỡ nhiều người ngoài môi trường đại học. Đó không chỉ là mối quan hệ bạn bè, mà sẽ còn có đồng nghiệp, sếp, khách hàng… Thậm chí, nếu may mắn ta cũng sẽ gặp được những người tiền bối thành công đi trước sẵn sàng hỗ trợ ta trong công việc và học tập. Cũng chính những môi trường rộng lớn như thế này, sinh viên cũng sẽ học được cách chọn lọc được những mối quan hệ tốt xấu xung quanh.
Những tác động tiêu cực
Đã là công việc tạo ra thu nhập thì sẽ không đơn giản như những gì chúng ta nghĩ. Với cường độ cao vừa học vừa làm đôi khi sẽ khiến nhiều bạn trở nên rất mệt mỏi. Chưa kể đến những mùa thi, việc vừa ôn bài đến tận khuya cùng với việc phải làm cả ngày khiến tình trạng sức khỏe trở nên không ổn định. Nếu duy trì trong một thời gian dài thì sẽ dẫn đến những ảnh hưởng to lớn đối với sức khỏe.
Khi tình hình sức khỏe có vấn đề thì kéo theo việc học cũng trở nên không được hiệu quả, việc có những áp lực từ công việc và học tập dễ dàng khiến các sinh viên trở nên stress và thậm chí là những nguy cơ về trầm cảm.
Nhiều trường hợp các bạn chưa chủ động và ý thức được việc cân bằng, cũng sẽ dễ bị cuốn vào luồng công việc, dẫn đến tình trạng bỏ học hay không dành thời gian cho việc học, nếu không may ta vẫn phải đóng một khoản phí tiền học lại do rớt môn.
Xã hội vốn chưa bao giờ an toàn, việc tiếp xúc với những con người xa lạ sẽ tiềm ẩn nguy cơ ta bị những cám dỗ về vật chất và tự đưa bảo thân vào những điều không tốt đẹp. Ngoài ra, ở những thành phố lớn cũng sẽ dễ dàng gặp lừa đảo, đặc biệt là đa cấp hay môi giới việc làm.
Nội dung liên quan
Bằng những lời gọi mời ngọt ngào với những khoản thu nhập khủng thì nhiều sinh viên hiện nay vẫn dễ dàng bị "mắc bẫy". Và còn rất nhiều những điều không an toàn từ cuộc sống đại học ở các thành phố lớn cần sinh viên phải luôn chủ động tỉnh táo.
Việc quyết định vấn đề làm thêm sẽ diễn ra theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực vẫn phụ thuộc vào sự chủ động của sinh viên. Công việc làm thêm cũng quan trọng nhưng hơn hết vẫn là học tập, vì nó mới chính là những sự ổn định và định hướng nghề nghiệp trong tương lai mỗi người. Khi đã quyết định việc vừa học vừa làm thì hãy nên dung hòa và cân bằng thời gian một cách hợp lý, và nếu không thật sự cần thiết thì đến các kì thi ta nên tạm dừng công việc để tránh ảnh hưởng.
Nguồn: TH&PL