Kỹ thuật viên X-quang mùa Covid-19: "Ám ảnh đồ bảo hộ và nỗi sợ khi nhìn phổi bệnh nhân"

Các y bác sĩ và KTV X-Quang tuyến đầu chống dịch khi nhìn phổi của bệnh nhân đều có chung nỗi lo: Liệu họ có vượt qua nỗi không?

"Trời ơi, sao nhìn nó kinh khủng quá vậy?", đây là câu nói mà các y bác sĩ cùng các kỹ thuật viên X-Quang phải thốt lên mỗi ngày sau khi chứng kiến những hình ảnh chụp phim phổi của bệnh nhân Covid-19. 

Những lá phổi bị tổn thương vì Covid-19 "ăn mòn" với những đốm nhỏ bị đục khoét hay thậm chí là trắng xóa, có lẽ là hình ảnh đáng sợ mà ít ai có can đảm để theo dõi và nhìn thấy mỗi ngày. Nhưng đối với Trần Lộc Huy - một Kỹ thuật viên X-Quang - đó vừa là nỗi sợ vừa là động lực để anh cố gắng trên hành trình tình nguyện chống dịch của mình với hy vọng: "Chúng ta sẽ sớm được thấy một Sài Gòn phồn hoa".

ky thuat vien x quang mua covid 19 am anh do bao ho va noi so khi nhin phoi benh nhan - anh 0
Anh Trần Huy Lộc - một Kỹ thuật viên X-Quang tại BV Quân Dân Y Miền Đông

Ám ảnh mang tên bộ đồ bảo hộ và khẩu trang 3M 

Trần Lộc Huy (sinh năm 1995), từng là sinh viên trường Đại học Y Dược TP.HCM. Hiện anh chàng đang là Kỹ thuật viên X-Quang công tác tại Bệnh viện Quân Dân Y Miền Đông. 

Sở hữu một ngoại hình ưa nhìn, chàng trai này còn đang là một Tiktoker thu hút nhiều sự chú ý của đông đảo chị em phụ nữ. Tại nền tảng TikTok, Huy thường xuyên chia sẻ những video về công tác tình nguyện mùa dịch, đặc biệt là công việc KTV X-Quang đặc thù của mình để đưa ra những lời khuyên cần thiết cho mọi người trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng. 

Chia sẻ về lý do tham gia chống dịch, Huy cho biết: "Bản thân mình học ngành y và nó thôi thúc trách nhiệm của mình là phải ra sức đi giúp mọi người trong lúc này, đặc biệt Sài Gòn đang là tâm dịch lớn. Mình đã sinh sống ở Sài Gòn được 8 năm, một khoảng thời gian không dài cũng không ngắn nhưng 'nó' đã cho mình cảm giác đây là quê hương thứ 2 của mình". 

Tính từ lúc bùng dịch đến nay, Huy đã đi tham gia chống dịch được hơn 1 tháng. Khoảng cuối tháng 6 đến gần giữa tháng 7, anh chàng tham gia trực tiếp vào lực lượng lấy mẫu cộng đồng theo lệnh của bệnh viện. Sau đó, từ 10/7 đến nay Huy bắt đầu "ôm vali đồ" vô bệnh viện để chuẩn bị nhận nhiệm vụ chụp phim phổi của bệnh nhân Covid-19 cho đến nay. 

ky thuat vien x quang mua covid 19 am anh do bao ho va noi so khi nhin phoi benh nhan - anh 0

Chia sẻ về khó khăn trong suốt thời gian vừa qua, Huy tiết lộ: "Mình có một nỗi ám ảnh mang tên đồ bảo hộ và khẩu trang 3M. Một ngày làm việc của mình có thể thay tới thay lui gần 10 bộ đồ bảo hộ. Nhiều lúc chẳng muốn thay, nhưng mặc lâu quá lại chịu không nổi giữa cái thời tiết nắng nóng của Sài Gòn. Với công việc này mình còn phải đi chụp film cấp cứu lúc nửa đêm và rạng sáng 2, 3h". 

Chia sẻ thêm về tính chất đặc thù của một Kỹ thuật viên X-Quang, anh chàng cho biết công việc này sẽ không giống với bác sĩ và điều dưỡng cho bệnh nhân Covid-19. Chỉ khi nào bác sĩ cần chụp thì mới mặc đồ bảo hộ vào rồi lên khoa. "Mỗi lần chụp xong thì lại về khu nghỉ riêng ở khoa, tắm rửa xong xuôi mới dám vô phòng ngủ. Vì sợ virus bám vào người rồi lây chéo cho nhân viên là xong luôn" - anh chia sẻ.

Lo lắng vì phổi nặng như thế này không biết bệnh nhân sẽ chống cự nổi không? 

Tham gia tình nguyện với tinh thần cống hiến "hết sức" mình đúng nghĩa của một nhân viên y khoa, dù có đôi lúc mệt lả đi, bụng đói và không còn sức để tiếp tục. Nhưng Huy cùng đồng đội của mình chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc với những đôi chân không mỏi. 

ky thuat vien x quang mua covid 19 am anh do bao ho va noi so khi nhin phoi benh nhan - anh 0

Huy chia sẻ kỷ niệm nhớ nhất với lần đi lấy mẫu cùng đồng nghiệp trong khoa: "Lần đó lấy mẫu cho một công ty đông lắm, tụi mình đã làm từ 13h30 đến 18h vẫn chưa xong, đến nỗi phải tăng cường thêm nhân viên lấy mẫu. Lúc đó đứa nào cũng đói lả, ai cũng hỏi qua hỏi lại: 'Ăn hay làm tiếp?'. Nhưng tất cả đều quyết định làm nốt cho xong. Đến tận 10h mới về tới viện, cầm hộp cơm trên tay mà trông mặt ai cũng thảm. Tụi mình vừa ăn vừa cười, tuy mệt nhưng vui". 

Những ngày qua dịch bệnh vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, thay vào đó, hàng ngày các bệnh viện vẫn còn tiếp nhận những ca rất nặng. Tình nguyện viên hay y bác sĩ cũng đều giảm dần do tình trạng lây nhiễm chéo trong lúc làm việc. Gương mặt ai cũng đen nhẻm, tóc tai thì bù xù cùng với những vết hằn trên má do khẩu trang để lại và những vết thâm quầng trên mắt do thức đêm mà ra. 

ky thuat vien x quang mua covid 19 am anh do bao ho va noi so khi nhin phoi benh nhan - anh 0

Dẫu khó khăn là vậy, nhưng các y bác sĩ và tình nguyện viên tuyến đầu chưa từng bỏ cuộc mà chỉ biết làm mọi cách để "giành lại bệnh nhân" khỏi cửa tử: "Khi chứng kiến những hình ảnh viêm phổi do sars-covid-2 gây ra, bản thân mình rất lo lắng và sợ. Nhìn những hình ảnh đó, mình và các bác sĩ đọc phim phải thốt lên kiểu: Trời ơi? Sao nhìn nó kinh khủng quá vậy? Mình lo lắng vì phổi nặng như thế này không biết bệnh nhân sẽ chống cự nổi không?". 

Dù làm một công việc nguy hiểm và thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân F0, bản thân các y bác sĩ và tình nguyện viên đều là những đối tượng bị lây nhiễm bất kỳ lúc nào. Nhưng vượt lên nỗi sợ đó, điều họ quan tâm nhất là làm sao dập được dịch càng nhanh càng tốt để trả lại một cuộc sống an toàn cho cộng đồng và những người thân yêu của họ. 

ky thuat vien x quang mua covid 19 am anh do bao ho va noi so khi nhin phoi benh nhan - anh 0

"Ở nhà mình còn gia đình gồm cha mẹ, ông bà, cháu nhỏ và em út. Mình mong họ được an toàn trong hoàn cảnh dịch bệnh như thế này. Mình cũng sợ bản thân bị lây nhiễm nên lúc nào cũng cẩn thận trong việc tiếp xúc và sau tiếp xúc, luôn tự trấn an bản thân và vững tin vào chuyên môn sau nhiều đợt được tập huấn phòng dịch" - Huy chia sẻ. 

Với tư cách là một nhân viên y khoa và đang tham gia chống dịch tại Sài Gòn, Huy hy vọng tất cả mọi người sẽ thực hiện tốt nguyên tắc 5k, không nên trì hoãn việc tiêm ngừa vaccine để bảo vệ chính bản thân mình và cộng đồng. "Mỗi người đều có y thức phòng chống dịch thì chúng ta sẽ sớm đẩy lùi "cơn bão" này. Và chúng ta sẽ sớm được thấy một Sài Gòn phồn hoa trở lại". 

''Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại'' là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!

Nhật ký tình nguyện của "gã điên" từng đi bộ xuyên Việt: "Nhìn F0 không qua khỏi, mà chẳng dám khóc"

Nhật ký tình nguyện: "Nhận tin 2 ca dương tính, sốc phản vệ và thở phào khi qua cơn nguy kịch"

Nhật ký tình nguyện của mẹ đơn thân 38 tuổi, 2 con nhỏ: "Hết 5 lần bị chủ trọ dọa đuổi đi!"

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ