Các nhà nghiên cứu tại Đại học King's College London đã xem xét dữ liệu từ 38.000 người lớn bị nhiễm bệnh và chia thành 2 nhóm nam-nữ để theo dõi.
Dữ liệu khách quan liên tục được thu thập để phân tích thống kê bao gồm lịch sử nhập cảnh và đi lại, thời gian ủ bệnh cho đến khi xuất hiện triệu chứng, số ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng và xác nhận chẩn đoán, tổn thương thấy được trên ảnh phổi chụp X quang hoặc chụp cắt lớp vi tính, số bệnh nhân nhập viện chăm sóc đặc biệt (ICU).
Tỷ lệ tử vong và các triệu chứng bao gồm sốt và viêm phổi. Dữ liệu chủ quan bao gồm khó thở, đau bụng kinh, ho, nghẹt mũi, nhức đầu, đau họng, thiếu máu, rối loạn tiêu hóa, đau cơ, tình trạng khó chịu chung và đau ngực mà bệnh nhân mô tả. Các triệu chứng ban đầu cho thấy nhiễm COVID-19 có khác nhau giữa các nhóm tuổi và cũng như giữa nam và nữ.
Nhìn chung đối với những người từ 40 đến 59 tuổi, biểu hiện ban đầu thường là ho dai dẳng và ớn lạnh hoặc rùng mình sẽ thường thấy ở những người từ 80 tuổi trở lên. Đau ngực, đau cơ bất thường, khó thở và mất khứu giác là những đặc điểm nhận biết ban đầu đối với những người ở độ tuổi 60 đến 70.
Nghiên cứu cũng đã tuyên bố rằng giữa nam và nữ có các triệu chứng khác nhau khi nhiễm Covid-19
Dữ liệu cho thấy các triệu chứng rõ ràng nhất để phát hiện sớm COVID-19 nói chung bao gồm mất khứu giác, đau ngực, ho dai dẳng, đau bụng, nổi mụn nước trên bàn chân, đau nhức mắt và đau cơ bất thường. Theo nghiên cứu, nam giới thường khó thở, mệt mỏi, ớn lạnh và sốt trong giai đoạn đầu của bệnh, trong khi phụ nữ có nhiều khả năng bị mất khứu giác, đau ngực và ho dai dẳng.
Tiến sĩ Stephen Berger một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và đồng sáng lập của Mạng lưới Dịch tễ và Bệnh Truyền nhiễm Toàn cầu GIDEON nói: "Di truyền cũng có thể đóng một vai trò lớn. Phụ nữ, do có thêm nhiễm sắc thể X, có hệ thống miễn dịch và phản ứng với các bệnh nhiễm trùng mạnh hơn nam giới".
Đàn ông và phụ nữ khác nhau về cả phản ứng miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng, có lẽ một phần liên quan đến đặc trưng cho giới tính là nhiễm sắc thể X. Nhiễm sắc thể X được biết là chứa số lượng lớn nhất các gen liên quan đến miễn dịch trong toàn bộ bộ gen.
Với nhiễm sắc thể XX, phụ nữ có một bản sao kép của các gen miễn dịch quan trọng so với bản sao đơn ở nam giới XY. Sự thúc đẩy này mở rộng đến cả phản ứng chung đối với nhiễm trùng (phản ứng bẩm sinh) và cả phản ứng cụ thể hơn đối với vi sinh vật bao gồm cả sự hình thành kháng thể (miễn dịch thích ứng). Do đó, hệ thống miễn dịch của phụ nữ thường phản ứng nhanh hơn với các bệnh nhiễm trùng. Điều này có nghĩa là phụ nữ có thể đối phó với loại virus Corona mới hiệu quả hơn.
Những hành vi sinh hoạt và lối sống hằng ngày của đa số khiến cho tỉ lệ mắc bệnh và bệnh trở nặng ở nam giới lớn hơn ở nữ giới. Tiến sĩ Berger cũng có nói: "Trong hầu hết các nền văn hóa, nam giới thường làm việc ngoài trời, khiến họ phải tiếp xúc với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và ô nhiễm, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến phản ứng của họ đối với biểu hiện và biến chứng của COVID-19".
Claire Steves, từ King's College London cho biết: "Điều quan trọng mà mọi người cần phải biết là các triệu chứng ban đầu thường dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường khác và chúng có thể không giống nhau thậm chí đối với các thành viên trong một gia đình".
Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Marc Modat cho biết: "Bằng những dữ liệu mà chúng tôi có từ các nghiên cứu có thể xác định rằng triệu chứng do Covid có sự phân biệt giữa nhóm này với nhóm khác".
COVID-19 tác động đến mỗi người theo những cách khác nhau. Hầu hết những người nhiễm vi-rút sẽ có triệu chứng bệnh từ nhẹ đến trung bình và có thể hồi phục mà không cần nhập viện. Thông thường, các triệu chứng sẽ xuất hiện sau 5–6 ngày kể từ khi người bệnh nhiễm vi-rút. Tuy nhiên, thời gian này có thể lên tới 14 ngày.
Những người có triệu chứng nhẹ và không có biểu hiện bệnh nào khác nên điều trị triệu chứng tại nhà.Hãy đi khám ngay lập tức nếu bạn gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, đau hoặc tức ngực, mất khả năng nói hoặc cử động. Luôn gọi điện trước khi gặp bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế.
Nguồn: TH&PL