Một năm đầy biến động vì dịch bệnh, nhưng không vì thế mà MXH lại trở nên trầm buồn bởi những tin tức tiêu cực mà nhiều câu nói hài hước trở nên viral khắp nơi từ mọi sự kiện của đời sống.
Khi nói đến giới trẻ, người ta cũng sẽ nghĩ ngay đến những thanh niên nhiệt huyết và sáng tạo ra nhiều thứ mới lạ. Đặc biệt, khi mạng xã hội ngày càng "Gen Z hóa" thì sự sáng tạo này càng trở nên mặn mòi và thú vị nhiều hơn bởi sức trẻ và sự cá tính của họ.
Những câu nói bá đạo của giới trẻ thuộc rất nhiều chủ đề khác nhau như cuộc sống, gia đình, tình yêu, học tập, con gái, con trai,… thường được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, từ đó ngày càng lan rộng và trở nên phổ biến với mọi người. Cùng nhìn lại một năm đầy biến động với những câu nói trendy nhất năm 2021 của Gen Z.
1. Ơ mây zing gút chóp em
Đầu năm 2021, câu nói "Ơ mây zing gút chóp em" của BinZ trở nên bùng nổ MXH kể từ sau chương trình Rap Việt mùa 1. Nguyên văn của câu nói tiếng Anh này là: "Amazing Good job em", dịch nghĩa ra sẽ là "Thật tuyệt vời, làm tốt lắm em!".
Binz sử dụng câu nói này như một lời khen ngợi dành cho một bạn thí sinh nào đó sau mỗi lần biểu diễn. Với mục đích chính là động viên và chúc mừng các bạn thí sinh. Nhưng vì tần suất sử dụng quá cao như một câu cửa miệng quen thuộc và sự xen lẫn Anh - Việt của câu nói khiến khán giả cảm thấy thú vị và hài hước. Dần dần câu nói được nhiều bạn trẻ sự dụng rộng rãi trong đời sống như một cách nhại lại HLV Binz khi muốn dành sự khen ngợi cho ai đó.
2. Đưa tay đây nào, mãi bên nhau bạn nhé!
Nếu là một tín đồ của TikTok, chắc hẳn bạn sẽ biết đế câu nói quen thuộc "Đưa tay đây nào, mãi bên nhau bạn nhé". Được biết, câu nói được giới trẻ yêu thích và sử dụng rộng rãi này xuất phát từ nền nhạc beat mở đầu bằng câu hát "yeah yeah yeah yeah" và bỗng tiếng nhạc dừng lại rồi cất lên tiếng "Đưa tay đây nào, mãi bên nhau bạn nhớ". Ngay sau đó là một loạt giai điệu vui nhộn khiến ai nấy cũng muốn nhảy múa theo.
Trend #duataydaynao ra đời và phát triển trên nhiều điệu nhảy sau đó, đến đầu năm 2021, bài hát Tình Bạn Diệu Kỳ của bộ ba AMEE, Ricky Star và Lăng LD đã sử dụng câu nói này làm lời bài hát và trở nên cực thịnh hành trong đời sống của giới trẻ một khoảng thời gian dài để kết nối tình bạn.
3. Không hề giả trân
"Nụ cười giả trân", "nét diễn giả trân", "lời khen giả trân" ... là những câu nói điển hình của giới trẻ khi muốn dành lời nhận xét cho bạn của mình. Được biết, "giả" có nghĩa là không thật, "trân" là sự trơ trơ, không cảm xúc.
Thời gian trước, mạng xã hội xôn xao với những đoạn clip xuất phát từ kênh TikTok của nữ CEO Hà Bang Chủ với những nét diễn xuất "giả trân". Lối diễn như diễn của các diễn viên trong clip này đã khiến khán giả phải thốt lên "quá là giả trân".
Câu nói "không hề giả trân" từ đó trở thành một lời nhận xét phổ biến trên mạng xã hội bởi sự hài hước và không mang tính nặng nề, trách móc.
4. Đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về
Đây là một trong những câu nói cực kì viral của nữ doanh nhân N.P.H trong những lần livestream bóc phốt của mình. Nhiều người cho rằng, bà chủ doanh nghiệp nghìn tỷ có năng khiếu ở khoản chơi chữ khi ý tứ trong câu nào câu nấy đều vần điệu nhịp nhàng, chẳng khác gì... rapper. Thế nên, những câu nói đó nhanh chóng được lan truyền vì dễ nghe, dễ thuộc.
"Đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về", với ý nói đừng vội vui mừng trước những thành quả nhỏ lẻ mà quên đi những biến cố, chông gai đường dài.
5. Khi cuộc sống quá khó khăn, hãy chọn 1 tụ bài, lắng nghe vũ trụ mách bảo
Tarot từ lâu đã hòa nhập vào cuộc sống như một niềm tin không thể thiếu của những người tin vào huyền học, thuật ngữ "chọn một tụ bài" cũng không còn là điều quá xa lạ đối với một lượng lớn "tín đồ" mê Tarot - đặc biệt là thế hệ trẻ - Gen Z.
Những tụ bài có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề người đọc đang gặp phải trong cuộc sống, sự mường tượng về tính sáng tạo, thiền định, cải thiện bản thân, là công cụ hỗ trợ trí tuệ, bói toán, tiên tri. Dần dần nhiều người trẻ thường bảo ban nhau rằng: "Khi cuộc sống quá khó khăn, hãy chọn 1 tụ bài, lắng nghe vũ trụ mách bảo".
6. Nhà tôi 3 đời…
Từ làn sóng quảng cáo đông y vô cùng khó chịu và xuất hiện dày đặc trên YouTube, bắt đầu bằng câu "Nhà tôi 3 đời"... Điều đáng nói là nội dung của quảng cáo rất khó xác định tính chân thật, và tần suất xuất hiện dày đặc đến mức khiến người dùng cảm thấy ám ảnh..
Gen Z đã nhanh chóng biến hóa mẫu câu này thành trào lưu với nhiều nội dung, nhiều tầng ý nghĩa. "Nhà tôi 3 đời đều có người yêu", "Nhà tôi 3 đời nghèo khó",... có lúc mang ý hài hước, có lúc lại mỉa mai, châm biếm.
7. Vẻ bề ngoài quan trọng đến thế sao?
"Vẻ bề ngoài quan trọng đến thế sao" xuất hiện lần đầu vào ngày 27/3/2020 trong một bộ phim tình cảm ngắn của kênh Gãy TV. Nhân vật nam chính đã sử dụng lời thoại này để chất vấn bạn gái – người rời bỏ anh vì một người khác có ngoại hình sáng sủa hơn.
Tuy nhiên, tận hơn 1 năm sau thời điểm ra mắt, câu thoại mới được cộng đồng mạng chú ý. Không rõ cá nhân nào đã khởi xướng nhưng trào lưu này đã làm mưa làm gió trên các nền tảng mạng xã hội kể từ giữa tháng 4/2021.
8. Nếu đã không tử tế, xin đừng đẹp trai
Các nam showbiz thường xuất hiện với diện mạo bảnh bao, phong độ và là hình mẫu của rất nhiều fangirl. Thế nhưng trong năm qua, người hâm mộ bàng hoàng khi loạt sao nam đình đám châu Á đã có liên hoàn scandal gây chấn động liên quan đến phụ nữ, thậm chí có thể trở thành tội phạm hình sự.
Từ liên hoàn drama của các thần tượng nổi tiếng như Ngô Diệc Phàm, Lucas, Kim Min Gwi, Kim Seon Ho,... khiến các fan nữ dần rút ra chân lý: "Nếu không sống tử tế, xin đừng đẹp trai!"
9. Trong trường hợp bị điều tra, tôi tuyên bố không biết gì về group này!
Đây là câu nói vui của giới trẻ khi đang trong một hội nhóm hóng drama hoặc bàn chuyện có liên quan đến vấn đề... phạm pháp.
Từ đó, văn mẫu "Trong trường hợp bị điều tra, tôi tuyên bố không biết gì về group này, hoặc đã có bên thứ ba thêm tôi vào" trở thành một câu nói vui của Gen Z trong một phút giây "hèn nhát" nào đó...
10. Cái sự mà bạn nói nó đang xúc phạm tới cái người khác!
Đây là câu nói của HLV Minh Tú trong chương trình The Face năm 2017. Cụ thể, giữa lúc cãi vã với HLV Lan Khuê vì đã loại thí sinh của đội mình, Minh Tú đã có nói ra câu: "Cái sự mà bạn nói nó đang xúc phạm tới cái người khác!".
Dù đã trải qua nhiều năm, nhưng sự kiện "đại drama" của The Face 2017 vẫn luôn được nhắc lại, hoặc được các bạn trẻ tạo tình huống diễn lại màn đấu khẩu giữa 2 HLV Minh Tú và Lan Khuê một cách hài hước. Chính vì thế, câu nói này trở nên hot trở lại và được nhiều Gen Z "lạm dụng" vào văn mẫu giao tiếp hằng ngày của mình.
11. Tuổi trẻ, ta hết mình với thứ gọi là đam mê
Đây là câu nói xuất hiện trong một trend trên TikTok có tên gọi là "Trò chuyện với đam mê" của Hiếu Bò Kho. Nguyên văn câu nói là: "Tuổi trẻ, ta hết mình với thứ gọi là đam mê, vậy đã bao giờ bạn trò chuyện với đam mê của của mình chưa".
Câu nói trở nên viral và được Gen Z biến tấu thành nhiều nội dung khác nhau. Ví dụ như "tuổi trẻ, ta hết mình với thứ gọi là deadline", hoặc "tuổi trẻ, ta hết mình với thứ gọi là học online" đầy hài hước.
12. Chuyện xui rủi chắc tui muốn bà ơi!
Câu nói này trở nên viral giữa tháng 9 đến từ clip hài của Tấn Tài Hài Đời. "Chuyện xui rủi chắc tui muốn bà ơi!" như đánh trúng tâm lý của giới trẻ khi nói về những điều không may trong cuộc sống và đổ lỗi do "định mệnh" chứ không phải lỗi của mình.
Hiện câu nói vẫn đang được nhiều Gen Z ứng dụng vào đời sống một cách "mượt mà" mỗi khi gặp chuyện không vừa ý.
13. Enjoy cái moment này!
Câu nói "People make it complicated nên là mình cứ enjoy cái moment này" có nguồn gốc từ phát ngôn của Chi Pu trong một lần livestream trò chuyện cùng người hâm mộ.
Dịch ra nghĩa tiếng Việt: "Sự thật thì luôn luôn đơn giản nhưng mọi người cứ làm phức tạp lên nên là mình cứ thư giãn với khoảng thời gian này". Câu nói có lẽ sẽ chẳng trở nên viral đến vậy nếu như Chi Pu không sử dụng song ngữ Anh - Việt để miêu tả. Điều đó đã gây nên tranh cãi về chuyện cô nàng chỉ mới qua Mỹ được vài tuần đã bắt đầu nói chuyện lồng tiếng Anh vào tiếng Việt một cách khó hiểu khiến nhiều người tỏ ra khó chịu.
14. Cho xin cái in tư!
Cụm từ "in tư" thực chất là "information" trong tiếng Anh, có nghĩa là thông tin. Từ này thường được cộng đồng mạng viết tắt thành "in4" hay "info", dùng để chỉ thông tin cá nhân của một người.
Bởi từ "fo" trong "info" khi phát âm thì nghe rất giống với "four" là số 4 trong tiếng Anh. Chính vì vậy, cách viết tắt "in4" ra đời để thay thế cho "info" cũng như "information". Và "in tư" là cách phát âm Việt hóa của "in4".
15. Bạn chê tôi làm slide xấu là powerpoint-shaming
Shaming xuất phát từ cụm "bodyshaming", tức miệt thị ngoại hình mà giới trẻ thường dùng để lên án hành vi này. Tương tự, Gen Z đã biến tấu cụm từ này với một nghĩa khác thành "miệt thị powerpoint", tức powerpoint-shaming đầy hài hước và sáng tạo.
Qua câu nói này, nhiêu Gen Z cũng đang truyền tải thông điệp rằng đừng nên chê bai ai đó bất kì điều gì không chỉ riêng ngoại hình. Vì ai cũng xứng đáng là một cá thể đặc biệt trong một xã hội nhiều tiêu chuẩn.
Nguồn: TH&PL