Cứ đến mùa nhập học đại học, những post "thắc mắc" sinh hoạt phí lại được dịp "ồn ào".
Lên đại học, trở thành những cô cậu sinh viên tự chủ hơn trong sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày, trừ những bạn nhà gần trường thì hẵng còn được bố mẹ lo thêm vài năm nữa. Nhưng đa số các bạn sẽ phải tự lập với số tiền "trợ cấp" hàng tháng bố mẹ gửi cho. Câu hỏi đặt ra là: "Liệu tiêu bao nhiêu là đủ và chi như thế nào cho hợp lý?".
Trước tiên trả lời hai vấn đề đó là nhu cầu của bạn bao nhiêu và khả năng kinh tế của gia đình mình như thế nào. Chúng ta giống nhau những phần chi tiêu cơ bản, còn gia đình bạn nào khá giả hơn thì tiền "tiêu vặt" sẽ thoải mái hơn.
Những khoản chi tiêu cấp thiết bao gồm phục vụ cho học tập (học phí, giáo trình, tài liệu, dụng cụ,…), sinh hoạt phí (ăn ở, điện nước, wifi, thuê trọ,…), đi lại (xăng xe, vé tàu, xe bus,…). Tùy trường học và tùy nơi bạn chọn sinh sống mà giá cả sẽ khác nhau, những thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn chắc chắn sẽ đắt đỏ hơn. Nếu biết tính toán chi li, khoa học thì với mức chu cấp cơ bản bạn vẫn có thể thoải mái sống ở bất cứ đâu.
"Trời 5 triệu mà than không đủ, thêm 2 triệu nữa là đủ đóng tiền học cho cả 1 học kỳ của tui luôn rồi. Không đủ tiêu thì tự mà lo kiếm tiền chứ sao giờ. Làm bưng bê, phục vụ, partime lễ tân, trà sữa, thể hình, bán quần áo, bán hàng online, gõ văn bản thuê, ship hàng thuê… đủ thứ nghề để tự phục vụ bản thân. Mỗi ngày dặn lòng chỉ được phép tiêu 30-50k, còn để dành tiền đóng tiền học nữa.
Này nhá, sáng ăn gói xôi 10k, xôi xéo với mỡ hành ngon lắm chẳng đùa, trưa ăn hộp cơm 20k, tối 20k là xong. Lâu lâu thì nạp điện thoại, 3-4 hôm thì 40k tiền xăng xe, quần áo thì chợ xanh, chợ đêm 70-120k/1 món, lựa mà phối là vẫn đủ đẹp rồi. Lựa khéo thì mỗi lần shopping Hàng Ngang, Hàng Đào là vẫn rủng rỉnh 2-3 túi đồ "hiệu" xách về đàng hoàng nhé, đủ thể loại "Dolce, Gucci, LV" gì cũng có. Chứ 5 triệu còn không đủ nữa thì muốn gì trời" - bạn Hoài Việt chia sẻ.
Những khoản tiêu vặt khác như giành cho sắm sửa quần áo, giày dép, phục vụ giải trí có lẽ nên xem xét điều kiện kinh tế gia đình, nếu "con nhà lính, tính làm quan" thì bố mẹ sẽ là người phải gồng gánh hơn rất nhiều.
Thời gian đầu còn bỡ ngỡ, cần làm quen với môi trường mới và thích nghi với cách học tập mới nên việc kiếm một công việc bán thời gian trang trải sinh hoạt phí có lẽ còn khó khăn với nhiều bạn. Nhưng sau khi ổn định, một công việc làm thêm giúp ích cho bạn rất nhiều, độc lập tài chính, rèn luyện nhiều kỹ năng sống và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm giá trị.
Chắc hẳn bạn cũng từng nghe nhiều lời khuyên trái chiều về cái lợi, cái hại của việc đi làm thêm. Cái lợi đầu tiên là giúp chúng ta độc lập trong tài chính hơn, đỡ gánh nặng cho bố mẹ, đi làm tiếp xúc với nhiều người hơn, kết được nhiều mối quan hệ tốt,... Còn cái hại của đi làm thêm là ảnh hưởng nhiều đến việc học vì không cân bằng được thời gian, suy nghĩ về đồng tiền quá lớn khiến chúng ta lơ là, chểnh mảng trong việc học,...
Nội dung liên quan
Thực ra lời khuyên nào cũng đúng, quan trọng là ở cách quản lý thời gian, tài chính của chúng ta như thế nào. Vẫn có rất nhiều bạn sinh viên ngoài kia vừa học vừa làm, học tập tốt và cũng đảm bảo được tài chính cá nhân, họ làm được mình cũng làm được. Nếu gia đình bạn không khá giả thì sau khi ổn định việc học, tìm một công việc làm thêm cũng là sự lựa chọn không tồi.
Bố mẹ cho bao nhiêu, không bao giờ là đủ cả nếu bạn tiêu xài hoang phí, đồng ý nếu gia đình bạn đủ sức lực kinh tế để đáp ứng. Cũng đừng vì vấn đề "hạn hẹp" chi tiêu mà lo lắng về cuộc sống sinh viên sắp tới, không hẳn màu hồng nhưng cũng không hề quá khó khăn. Có khi vì sự "trợ cấp" khiêm tốn sẽ là động lực để bạn phấn đấu, nỗ lực và chăm chỉ hơn.
Nguồn: TH&PL