Sự kiện Apple ra mắt iphone thu hút được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt cũng có những cá nhân bất chấp mọi thứ chỉ để sở hữu món hàng công nghệ đắt đỏ.
Không thể phủ nhận trong thời đại như hiện nay công nghệ có rất nhiều đóng góp cho cuộc sống của con người, nó giúp ta dễ dàng kết nối hơn, đáp ứng nhu cầu về giải trí hay thậm chí giải quyết công việc một cách dễ dàng. Nhưng chẳng biết từ bao giờ nhiều người đã hình thành trong mình thói quen chạy đua với các mặt hàng công nghệ xa xỉ.
Đó đôi khi là vấn đề thuộc về sở thích của mỗi cá nhân nhưng nhiều người vì điều này mà có thể chi tiền bừa bãi hay vay nợ chỉ để muốn có được chiếc điện thoại vừa ra mắt. Không khó để thấy thói quen này trên mạng xã hội và cuộc sống, nhất là ở các bạn trẻ. Điển hình khi iphone mỗi khi vừa công bố sản phẩm thì người tiêu dùng lại rục rịch tìm cách rinh về, đôi khi chẳng cần suy nghĩ.
Tâm lý chung từ sự ảnh hưởng của thương hiệu
Vào ngày 15/9 vừa qua Apple đã chính thức giới thiệu dòng iPhone mới, mạng xã hội lại tiếp tục có dịp xôn xao bàn luận. Trải qua nhiều dòng điện thoại cùng lịch sử hình thành lâu đời, không ngừng cải tiến về mẫu mã, hình thức và chất lượng nên ngày nay iPhone hay nhiều mặt hàng công nghệ khác luôn trở thành "món mồi" đắc đỏ cho các "tay săn".
Cuộc cạnh tranh hay "chạy đua" của công nghệ không chỉ dừng lại giữa các thương hiệu mà chính là người tiêu dùng trong xã hội hiện đại. Thực tế cho thấy họ có thể dành ra cả một ngày cuối tuần để đợi mua hàng, cắt giảm nhiều khoản chi tiêu hay việc dùng chính sự nỗ lực, cố gắng của bản thân trong công việc để bao biện cho lối sống có phần hoang phí.
Các nhãn hàng dần khẳng định vị thế và mức độ phủ sóng của mình trong cộng đồng thì cũng là lúc mà những tâm lý tiêu cực về sự ganh đua, tự ti và sợ bị thua kém được hình thành. Một bộ phận đông con người chỉ vì những ảnh hưởng từ một thương hiệu mà chẳng băn khoăn chi một khoảng tiền lớn. Họ dành toàn bộ nhiều giờ lao động của mình chỉ để có được chiếc điện thoại mà nhiều người mong muốn.
Nhãn hàng chỉ làm nên thương hiệu khi được sự quan tâm và đón nhận từ nhiều người, song vấn đề này cũng khiến tâm lý sở hữu và chứng tỏ bản thân được biểu hiện rõ rệt. Sống trong xã hội mà con người chỉ còn quan tâm đến hình thức khiến vấn đề về việc thể hiện cái tôi được đẩy lên cao. Họ tự quy định rằng việc sở hữu những mặt hàng đắt đỏ sẽ có thể khẳng định được bản thân mình trong xã hội.
Công nghệ phục vụ con người, không phải thứ đánh giá đẳng cấp
Có thể ngay thời điểm mà chúng ta sở hữu các mặt hàng đang thu hút trên thị trường thì sẽ được bạn bè, đồng nghiệp ngưỡng mộ nhưng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn mọi thứ cũng sẽ trở nên bình thường. Có thể nói chỉ trong vài năm tới nó cũng bị chính những nhãn hàng đào thải để thay thế cho những dòng máy sau tân tiến hơn.
Quả thật với chất lượng như hiện tại thì công nghệ giúp cuộc sống chúng ta trở nên dễ dàng hơn, nhưng đây liệu có phải vấn đề mà nhiều người quan tâm? Hay chỉ đơn giản vì việc sở hữu những chiếc điện thoại hiện đại sẽ có thể khẳng định được đẳng cấp khiến người khác phải ngước nhìn? Trên thực tế thì chẳng ai có thể đánh giá bạn là người như thế nào chỉ qua chiếc điện thoại mà bạn đang dùng, tung hô bạn với những món hàng xa xỉ.
Địa vị của chúng ta chỉ được hình thành khi bản thân có những đóng góp và nỗ lực tạo nên thu nhập riêng chứ hoàn toàn không phải việc khẳng định chỉ qua chiếc điện thoại. Không ai lại đi ngưỡng mộ một người dùng điện thoại đời mới nhưng phía sau đó là những khoản nợ chưa được thanh toán. Người ta chỉ chú ý đến các cá nhân đã đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống và công việc.
Mặt khác thì vẫn có nhiều người sở hữu những món hàng công nghệ, điều này cũng đến từ sự phấn đấu của họ trong công việc để tạo nên thu nhập. Họ dùng chính điều này để sở hữu những mặt hàng đắt tiền như một minh chứng khẳng định vị thế hay đơn giản là phục vụ cho khối công việc to lớn. Còn với bản thân ta nếu thu nhập vẫn chưa ổn định, có thể nói là còn eo hẹp thì đừng nên đánh đồng sự việc này để tự cho mình quyền được hoang phí.
Những ảnh hưởng từ việc chi tiêu không hợp lý
Tác động trực tiếp vẫn là thu nhập của con người trong khoảng thời gian nhất định và hơn hết là ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế của bản thân. Đó là chưa kể ta không thể mãi chạy theo cùng công nghệ bởi sự đào thải của nó trong thời đại hiện tại và tương lai là rất lớn. Đây giống như một cuộc chạy đua ảo không có điểm dừng và cuối cùng là vô số những hệ lụy tiêu cực kéo theo.
Những người giàu trong xã hội không hẳn là do may mắn và tài năng mà bởi họ có cách chi tiêu hợp lý, biết xem xét những thứ cần thuộc về bản thân mình, hơn hết là tư duy đầu tư và tích lũy. Cổ xúy cho lối sống không hối tiếc, tận hưởng sự xa hoa là điều không nên vì ta không chỉ đối mặt với sự thiếu hụt, mà đôi khi còn là những khoản nợ phải gánh trong một thời gian dài.
Chúng ta chỉ đang sống với những mong muốn của người khác, để rồi chỉ vì khẳng định đẳng cấp qua sự xa xỉ mà khiến cuộc sống trở nên khó khăn và những điều này phải do tự chính mình chịu trách nhiệm. Ai có những mưu cầu về cuộc sống đầy đủ và sung túc, thậm chí như người trẻ hay nói: "Shopping không cần nhìn giá", điều này hoàn toàn không sai bởi đó chính là mục tiêu mà ta hướng đến, nhưng phải sau tất cả những cố gắng và phấn đấu của bản thân.
Nếu vẫn chưa có điều kiện kinh tế ổn định thì trước khi mua bất cứ thứ gì cũng nên có sự tính toán từ trước, hãy nhìn về sự lâu dài và tính hiệu quả của nó để biết có thật sự hữu ích. Chính sự nỗ lực của chúng ta mới là thước đo cho những vị thế, đừng cố chạy đua theo công nghệ mà hãy bước vào cuộc đua của tư duy và những cơ hội thăng tiến.
Nguồn: TH&PL