Sau cơn ốm nặng, cuộc sống sẽ trở lại những năm tháng huy hoàng mà nó đã từng có.
Hơn ba tháng qua, một viễn cảnh thật lạ đã xảy ra trên nơi ở của chúng ta. Những con đường ngày nào đông đúc xe cộ qua lại, nay vắng bóng đìu hiu. Chợ quê, chợ tỉnh cũng không còn rôm rả buổi sớm. Trên những chiếc loa đại chúng lúc "17 giờ" là những con số biết nói khiến lòng người nhức nhối hơn bao giờ. Truyền thông, báo đài thì liên tục cập nhật tin tức, số ca nhiễm ngày một tăng, cảnh khốn khó ngày càng nhiều.
Âm thanh của những ngày này cũng không phải là tiếng xe nổ mà là những tiếng còi xe cấp cứu cứ ngày đêm xung quanh các con hẻm. Là dây chắn, rào chặn hay thật buồn hơn là những cuộc chia ly không kịp nhìn mặt nhau lần cuối.
Hơn ba tháng qua, tất cả chúng ta đã trải qua chuỗi ngày vô vùng gian khó
Khi dịch bệnh tấn công vào cộng đồng, chúng ta đau xót chứng kiến những câu chuyện không cầm được nước mắt. Đó là cảnh khốn khó của những người yếu thế trong xã hội. Đó là những người sống vô gia cư, lang thang cơ nhỡ bên lề đường, chắc chắn sẽ khiến những người động lòng trắc ẩn cảm thấy bất an.
Đớn đau hơn là Covid-19 còn cướp đi người thân yêu của con người. Câu chuyện đau lòng về hai phận người nhỏ bé nương tựa vào nhau qua ngày trên khắp nẻo đường Sài Gòn. Họ là người vô gia cư, cùng nhau đi qua no đói từng ngày, chịu đủ mưa nắng nhưng vẫn đồng hành hơn 50 năm qua. Thế mà giờ đây chỉ còn lại một người phụ nữ với niềm đau đớn khôn nguôi.
Có khi chẳng đợi đến lúc bị Covid-19 tấn công, thì họ - những người bám mặt đường làm kế sinh nhai đã phải mong đến một sự giải thoát dù xót xa nhưng nhẹ nhàng hơn cả cuộc sống của họ.
Đó là những ngày chứng kiến từng câu chuyện sinh tử trong bệnh viện khi dịch Covid-19 hoành hành. Đằng sau lớp khẩu trang và chiếc đồ bảo hộ là những người đã chiến đấu với thần chết để giành lại sự sống cho các bệnh nhân.
Trong 45 phút phim không lời bình của Ranh Giới, khán giả đã được chứng kiến, được nghe, được cảm nhận những gì đang ngày đêm diễn ra sâu bên trong khu nhà của bệnh viện. Chỉ có một ranh giới mỏng manh để đội ngũ y bác sĩ giành giật lại sự sống cho các thai phụ - những con người mang hai sinh mệnh và đang phải chịu đựng những gì khắc nghiệt, khốc liệt nhất của căn bệnh này.
Covid-19 đã đặt phận người vào sự chia ly tàn nhẫn. Nhìn thấy người thân ở đó, biết người thân đang hấp hối trên giường bệnh, mà cũng đành bất lực đứng im rơi nước mắt. Và cũng không ít những người lìa bỏ cuộc đời vì Covid-19 mà bệnh viện không còn liên lạc được với người thân.
Nhưng có lẽ, nạn nhân đáng thương nhất là những đứa trẻ bỗng dưng mồ côi sau dịch bệnh Covid-19. Hơn 1.500 trẻ em mất ba mẹ được thống kê - một con số đau lòng hơn bao giờ hết. Những đứa trẻ này sẽ ra sao? Những phận đời này sẽ lớn lên như thế nào trong khi nỗi đau về tinh thần vẫn ám ảnh day dứt?
Cũng hơn ba tháng qua, người ta không chỉ lo một nỗi lo về dịch bệnh mà còn lo về kế sinh nhai. Phải làm sao khi giờ đây những người công dân nghèo không còn được đến công ty để làm việc, sự sống tạm bợ trong căn trọ chật hẹp cũng không còn bám vững nữa khi tiền nhà, tiền sinh hoạt không còn đủ sức lo liệu.
Chịu đựng khó khăn do dịch Covid-19 ròng rã suốt mấy tháng qua, có lẽ 15 người "thông chốt" trên xe lạnh trở về quê đã lâm cảnh cùng đường nên họ mới chuyển vào tình cảnh đánh thuế với số phận hết sức nguy hiểm.
Nhìn lại khoảng thời gian dịch bệnh: Hãy trân trọng ngày hôm qua và sống trọn vẹn ngày hôm nay
Hơn ba tháng vừa qua, chúng ta đã trải qua quá nhiều khó khăn và mất mát. Dịch bệnh giúp chúng ta nhận ra, cuộc sống vốn có quá nhiều điều không như ý nguyện, có quá nhiều nhân tố bất định, có quá nhiều vui khổ hợp tan.
Những ai còn may mắn được ở nhà với ba mẹ trong những ngày này thì hãy làm tròn sứ mệnh của một người con, phụ ba một ít, phụ mẹ một ít để gia đình vui vẻ, thuận hòa. Những ai đang tạo dựng gia đình nhỏ của mình thì hãy chăm sóc nó tốt nhất từng ngày bằng những bữa cơm nhà, sẻ chia những câu chuyện mà ngày thường bận rộn mình bỏ lỡ. Những ai đang cố gắng làm việc gì thì hãy toàn tâm làm việc đó.
Hãy vứt bỏ những tâm trạng tiêu cực đến từ vô vàn những luồng thông tin khác nhau trong thời buổi dịch bệnh khốn khó. Điều chỉnh lại tâm thái của bản thân, để rồi chúng ta sẽ thấy cuộc sống tràn đầy ánh dương.
Sau cơn ốm nặng, cuộc sống sẽ trở lại những năm tháng huy hoàng mà nó đã từng có. Việc của chúng ta bây giờ là hãy ở yên vì bạn yêu đất nước và đất nước yêu bạn. Mỗi người đong cho nhau một chút tấm lòng, "của ít lòng nhiều" vì dân mình yêu thương nhau.
"Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại" là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!
Nguồn: TH&PL