Nghĩa là khi tình nguyện viên chống dịch "được" thất nghiệp, thì cũng là lúc Sài Gòn đã được kẹt xe trở lại.
Giữa muôn ngành nghề đang khốn đốn vì dịch và hàng triệu người phải tạm thất nghiệp suốt mấy tháng qua, nhưng lại có một công việc người ta muốn thất nghiệp… nhưng chẳng được. Đó là mong ước của những bạn trẻ đang làm tình nguyện nơi tuyến đầu chống dịch, trong đó có Võ Kim Shotika, năm nay đã 19 tuổi.
Sở hữu cái tên đặc biệt như vậy là bởi Shotika mang trong mình hai dòng máu Việt - Thái. Được sinh ra tại TP.HCM, có lẽ vì thế mà cô bạn lại thêm yêu và dành nhiều nhiệt huyết cho công tác chống dịch suốt hơn 3 tháng nay.
Thất nghiệp nhưng hạnh phúc, đó là nghề: Tình nguyện viên mùa dịch
Chia sẻ với , Shotika cho biết đầu năm nay gia đình cô bạn đã chuẩn bị thủ tục để đi định cư tại Mỹ, nhưng vì dịch bùng phát nên đành phải tạm hoãn lại. Trong khoảng thời gian đó, Shotika quyết định tham gia tình nguyện từ đầu tháng 6 đến nay với nhiều trải nghiệm, công việc khác nhau.
"Thay vì lãng phí thời gian chờ đợi để được đi định cư thì mình quyết định đi tình nguyện để giúp ích được điều gì đó cho đất nước mình. Mỗi người chúng ta chỉ là những cá thể rất nhỏ và khi gom lại trở thành một sức mạnh rất lớn để mình có thể bảo vệ nhiều người, cũng bảo vệ chính bản thân chúng ta" - Võ Kim Shotika chia sẻ.
Khoảng thời gian đầu khi dịch bùng phát, vì thương lực lượng dân quân phải làm việc dưới nắng nóng 12 tiếng/ ngày tại các chốt kiểm soát nên Shotika cùng một số người dân tại phường Thạnh Lộc, quận 12 đã bỏ tiền túi và kêu gọi mạnh thường quân đóng góp để nấu nước sâm gửi tặng đến mọi người.
Sau đó khoảng nửa tháng thì tình hình dịch căng thẳng hơn và Shotika bắt đầu tham gia vào đội tình nguyện đi lấy mẫu và hỗ trợ tại các điểm tiêm, lấy mẫu tại khu F0, hay những vùng tâm dịch, vùng đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao.
"Mặc dù đi làm công việc này, biết được chắc chắn bản thân sẽ gặp nguy hiểm nhưng mình phải chuẩn bị được tinh thần để đón chờ những điều xấu nhất. Bởi vì ai cũng sợ thì sẽ không còn ai làm nữa.
Cho nên là mình vẫn luôn cố giữ sức khỏe, cũng như là động viên các bạn và mọi người cùng nhau cố lên để chờ đến ngày nhận được tin tụi mình thất nghiệp rồi, tụi mình không cần phải đi lấy bất cứ mẫu dịch nào nữa, cũng như là không còn phải tiếp nhận những ca F0 thì đó đã là điều rất hạnh phúc rồi" - Shotika chia sẻ
Gia đình là nền tảng để mình vững bước đi chiến đấu
Vì gia đình đã có dự tính đi định cư, nên có lẽ đây là những ngày cuối cùng Shotika được sống và cống hiến hết mình cho quê hình lúc này. Để ủng hộ cho công việc tình nguyện của con gái, gia đình cô bạn cũng đã chung tay ủng hộ công tác phòng dịch cho địa phương như đóng góp quỹ vaccine, hỗ trợ các suất ăn cho các chốt kiểm soát, cùng một số vật dụng như đồ bảo hộ, cồn sát khuẩn, khẩu trang...
Shotika cùng gia đình quyên góp ủng hộ quỹ từ thiện phòng chống dịch tại địa phương
Chia sẻ về điều này, Shotika cho biết: "Mình khá buồn vì có đôi lúc bị mọi người nhìn nhận một cách tiêu cực là 'tiểu thư nhà giàu đi chống dịch'. Nhưng thật ra, gia đình mới là nền tảng để mình vững bước đi chiến đấu, gia đình có của thì giúp về vật chất, còn mình có mỗi tinh thần thì sẽ nổ lực hết mình để cống hiến".
Cũng nhờ khoảng thời gian đi làm tình nguyện vừa qua, Shotika cũng đã dần trưởng thành và biết trân trọng cuộc sống nhiều hơn. Hàng ngày phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng vì dịch bệnh, cô bạn càng hiểu và cảm thông hơn với nỗi đau của người khác. "Giây phút này còn được ngồi đây, mình đã cảm thấy quá may mắn hơn so với nhiều người".
Hình ảnh Shotika cùng gia đình hỗ trợ trợ gạo và cơm cho các chốt kiểm soát
Cô gái được mệnh danh là "bàn tay vàng trong làng lấy mẫu"
Sở dĩ mọi người gọi đùa như thế là bởi vì Shotika khá "mát tay" trong việc truy lùng ca dương tính. Chia sẻ với lý do này, Shotika cho biết: "Bởi vì mình lấy ca nào mở hàng dương tính là sẽ có rất nhiều ca dương tính sau đó. Nhưng mà mình cảm thấy đó là một điều may mắn bởi vì mình phát hiện được F0 càng sớm, tách biệt được F0 để điều trị, để những cộng đồng vùng đỏ sớm trở lại được vùng xanh. Mình càng tách được nhiều F0 thì cuộc sống sẽ càng sớm quay lại bình thường".
Chia sẻ về kỷ niệm gần đây nhất khi tham gia tình nguyện, Shokita cho biết có lần đã đi lấy mẫu cho một gia đình có 8 người dương tính. Trong đó có một người là mẹ bầu đã 3, 4 tháng và một bé trai khoảng 1, 2 tuổi cũng dương tính.
"Khi mình vào đến nhà, thì thấy cả nhà đều đã khóc hết rồi, chỉ có ba của bé là người duy nhất trong nhà không dương tính. Ba của bé lại cầm tay mình và nói rằng là cố gắng test cho em bé đừng có đau vì từ sáng giờ gia đình đã tự lấy cho em bé 2 lần rồi, máu mũi em cũng chảy hết trơn... mà bé chỉ khoảng 1, 2 tuổi thôi rất là tội.
Khi mà mình lấy mẫu cho bé, mình đã rất run, mình hy vọng là em bé sẽ không sao nhưng điều gì đến thì cũng đến… em bé đã dương tính. Đó là kỷ niệm khiến mình đau lòng nhất khi nhớ lại" - Shotika tâm sự.
Vì không biết khi nào mới có thể sang Mỹ định cư, Shotika đăng ký học lớp 12 tại một trường THPT Trần Cao Vân để tránh lãng phí thời gian. Trước đó, năm 2019, Shotika nghỉ học để ôn luyện và thi IELTS nhằm chuẩn bị cho chuyến đi định cư. Bên cạnh đó, cô bạn còn làm mẫu ảnh, hát phòng trà, biên đạo múa cho đến khi dịch bùng phát khiến Shokita "thất nghiệp".
Hiện, mỗi ngày, Shotika học online từ 7h đến 11h30. Tới 12h30, cô bạn tất bật chuẩn bị đi hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tới 20h mới trở về. Nhiều hôm, cô vừa đi làm tình nguyện, vừa đeo tai nghe để nghe thầy cô giảng bài. Là người con Sài Gòn, Shotika rất yêu và mong thành phố sẽ trở lại những ngày tấp nập và Covid-19 sẽ sớm trả lại sự bình yên cho nơi đây.
"Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại" là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!
Nguồn: TH&PL