"Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu, tại sao cây táo lại nở hoa…"
Đây được xem là hai câu thơ "kim chỉ nam" thể hiện niềm tin, hy vọng trong cuộc sống của nhân vật Ngọc - bộ phim Cây Táo Nở Hoa đã gây sốt trong suốt thời gian dài. Nhưng ít ai biết rằng, Cây Táo Nở Hoa là tựa đề bộ phim được lấy cảm hứng từ câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Lưu Quang Vũ.
Bước ra từ trang thơ, phim ảnh đến cuộc sống thường ngày, "cây táo nở hoa" dần được sử dụng rất rộng rãi để nhấn mạnh thông điệp rằng cho dù cuộc đời có muôn điều tồi tệ và xấu xa thì đâu đó vẫn xuất hiện những điều tốt đẹp. Hiểu theo một nghĩa khác, sau bao nhiêu khó khăn, sóng gió, chỉ cần cố gắng và ứng xử bằng tình yêu thương, hạnh phúc rồi sẽ nở hoa.
Những nụ hoa chờ ngày được nở…
Sài Gòn gần 3 tháng qua đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc lịch sử chưa từng có: loạt "giao thừa" lần thứ N không bóng người trong năm; quân đội lần đầu tiên xuất hiện cùng dân trong thời bình; những mất mát, đau thương và nước mắt đổ ập xuống bao gia đình,... Tất cả chúng ta, đều đang sống trong "lịch sử".
Điểm 7h tối hàng ngày, người ta lại hồi hộp theo dõi bản tin từ Bộ Y tế, xem hôm nay tăng thêm bao nhiêu ca, có giảm đi tí nào không, hay… đã có bao nhiêu người phải trút hơi thở cuối cùng vì dịch bệnh?
Sài Gòn, đang bị thương nặng lắm! Nơi đây trở thành nơi "đứng đầu" cả nước… không phải vì danh xưng kinh tế phát triển hay sôi động nhất nữa mà là nơi có nhiều ca F0 nhất, nay đã vượt ngưỡng 300.000.
Rồi mới đây, người ta lại đau lòng hay tin TP.HCM có hơn 1.500 trẻ em phải chịu cảnh mồ côi vì thứ dịch bệnh Covid-19. Đau lòng là bởi các em còn quá nhỏ tuổi để hiểu mất mát là như thế nào? Những câu hỏi ngô nghê "Ba mẹ con đâu?" khiến người lớn nghe thấy chỉ kịp nuốt nước mắt vào trong mà cười xuề an ủi…
Sài Gòn trầm buồn và lặng thinh như thế những tháng qua. Chỉ có tiếng xe cấp cứu là ồn ào khắp mọi nẻo đường để "rượt đuổi" F0. Nhưng chính sự cố gắng và ngoan cường đó của Sài Gòn khiến người ta dần tin tưởng hơn về một "happy ending" cho thành phố.
Những hoa Táo "trộm nở" trong mùa Covid-19
Cây táo nở hoa từ phim ảnh đến đời thực, trong lúc khó khăn gian khổ nhất người ta mới thấy trọn được lòng người. Câu thơ chợt viral trong thời gian qua như để nhắc rằng vẫn còn nhiều chuyện tích cực, tươi sáng lẫn trong màu u ám của dịch bệnh.
Thương hiệu và hình ảnh của cây táo dần đi sâu vào đời sống của con người trong những ngày dịch bệnh. Như chuyện người dân ở phường Tân Hưng Thuận (Quận 12) được UBND tặng cây táo trồng và chăm sóc vào khoảng 3 tháng trước khi khu vực này thuộc diện phong tỏa phòng chống dịch Covid-19.
Để lan tỏa năng lượng tích cực trong những ngày cách ly, hội thi trồng cây được phát động với khẩu hiệu "Trồng táo xanh - Đuổi nhanh Covid-19". Sau 20 ngày, ban giám khảo dự định chấm điểm và trao giải, giải nhất trị giá 2 triệu đồng và một chậu kiểng, ba giải khuyến khích trị giá 500.000 đồng/giải.
"Chúng tôi hiểu cảm giác của bà con những ngày cách ly ở trong khu vực phong tỏa, mọi người rất bí bách, khó chịu. Chúng tôi nghĩ ra cuộc thi trồng táo, để mọi người cùng chăm cây, vun trồng để cây ra hoa thêm, kết trái thêm, từ đó thêm vui vẻ, giảm bớt lo âu, căng thẳng, 20 ngày cách ly cũng thế mà trôi qua nhanh hơn" - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường chia sẻ.
Hay như câu chuyện về chàng trai với biệt danh Lâm Ống Húc và chuyến xe rong ruổi mang đầy tình yêu thương khắp Sài Gòn. Khoác lên mình bộ đồ bình dị cùng chiếc xe cub với hành trang là chiếc gùi chứa bánh mì. Tiếng gọi: "Cô ơi, chú ơi, anh ơi…" đã vang vọng khắp mọi nẻo đường và mang đến niềm vui phút chốc cho những người có hoàn cảnh khó khăn mùa dịch. Không cần đến những điều quá cầu kỳ, cách mà anh đồng hành cùng người dân Sài Gòn là sự gắn kết của những trái tim yêu thương.
Những ngày Sài Gòn thiếu rau xanh đến cùng cực, khắp mọi nơi đều "chém giá" lên cao. Rồi người ta lại ngạc nhiên trước một người đàn ông "bặm trợn" với đầy hình xăm bán rau "rẻ như cho" cùng loạt slogan đi vào lòng người. Cụ thể, tại quầy hàng của mình chú Minh treo hai tấm bảng tự ghi với dòng chữ: "Không đeo khẩu trang bán đắt gấp đôi" và "Đeo khẩu trang hở mũi không thêm hành ngò".
Rồi những ngày Sài Gòn "ốm nặng", nhiều bạn trẻ bỏ lại phía sau là nỗi nhớ gia đình, xa quê và tự nguyện vào Sài Gòn chỉ mong góp phần nhỏ công sức để thành phố được sớm ổn định. Họ cũng có những suy nghĩ và mong muốn của riêng bản thân và hơn hết trong công việc tình nguyện vẫn có quyền được từ chối. Nhưng họ vẫn chọn xông pha vào tâm dịch vì dòng máu đang chảy trong người.
Đội ngũ y bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội đã và đang "xuất quân" chi viện cho Sài Gòn thời gian vừa qua cùng những hành động của mình đủ để ta cảm nhận được thứ tình cảm mà họ dành cho đồng bào. Dịch Covid-19 đã vô tình khiến mọi người trở nên tiêu cực hơn rất nhiều, song đó ta lại có dịp chứng kiến "những điều nở hoa" thứ tình cảm thiêng liêng từ khắp mọi miền đất nước dành cho nhau.
Cây táo cũng nở hoa sau một hành trình dài, vậy sao chúng ta không giữ niềm tin rằng Sài Gòn cũng đang đơm hoa kết trái nhờ lòng tốt, sự đoàn kết và tình người.
"Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại" là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!
Nguồn: TH&PL