Đạo diễn Việt Linh chia sẻ về bản chất của nghệ thuật sân khấu, nhân dịp vở diễn "Cho tôi một vé đi tuổi thơ” ra mắt.
Cho tôi một vé đi tuổi thơ là vở diễn của sân khấu Hồng Hạc, chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Có suất diễn đầu tiên hôm 1/6, Cho tôi một vé đi tuổi thơ nhận được sự yêu mến của trẻ em lẫn khán giả trưởng thành. Đằng sau thành công của vở diễn là đạo diễn điện ảnh/ kịch nói gạo cội Việt Linh - người đồng sáng lập sân khấu Hồng Hạc.
Vở diễn "Cho tôi một vé đi tuổi thơ" có ý nghĩa, kỷ niệm gì đặc biệt với cô?
Nguyên tác vốn rất khó chuyển thể - như chính tác giả Nguyễn Nhật Ánh nói. Tôi đã ấp ủ nhiều năm để tìm ra phương thức chuyển thể thỏa đáng, tối ưu, giữ nguyên vẹn thông điệp/tinh thần văn học. Kỷ niệm là sự lo âu thường trực khi giao kịch bản khó cho đạo diễn trẻ. Tôi thở phào khi đạo diễn Võ Cẩm Tiên không làm mình thất vọng.
Kỷ niệm là sự lo âu thường trực khi giao kịch bản khó cho đạo diễn trẻ. Tôi thở phào khi đạo diễn Võ Cẩm Tiên không làm mình thất vọng.
Đạo diễn Việt Linh
Nghệ thuật
Cô và dàn diễn viên chuẩn bị gì để vở diễn ngày đầu tiên diễn ra thuận lợi nhất?
Như phim, vở kịch là công trình tập thể, mọi sự chuẩn bị phải đồng bộ, cực nhọc giống nhau. Nhưng với vở này việc luyện tập, chỉ đạo diễn xuất đặc biệt khó khăn vì các diễn viên chính quá nhỏ, chỉ mới lớp hai, và chưa từng bước lên sân khấu dù với thể loại nào. Kết quả bạn nhìn thấy là một quá trình của lao động cật lực và tình yêu với tác phẩm, với các em...
Như phim, vở kịch là công trình tập thể, mọi sự chuẩn bị phải đồng bộ, cực nhọc giống nhau.
Quan sát phản ứng của khán giả, cảm xúc của cô ra sao?
Khi quyết định chuyển thể/dàn dựng tác phẩm này tôi như người đi xiếc trên dây: chỉ cần sơ sẩy là rơi sang vở kịch thiếu nhi vui tươi thuần túy, hoặc rơi sang kịch luận đề; trong khi đây là vở chính kịch có nhân vật trẻ con.
Vì tính chất chông chênh đó, trong quá trình dàn dựng, tôi luôn phải theo sát, tự phản biện, tự đặt mình vào vai trò khán giả để cảm nhận sự cân bằng. Phản ứng của khán giả trong ngày công diễn cho thấy kịch gây hứng thú cho mọi lứa tuổi. Dĩ nhiên cảm xúc của tôi là lại... thở phào.
Khi quyết định chuyển thể/dàn dựng tác phẩm này tôi như người đi xiếc trên dây.
Đạo diễn Việt Linh
Nghệ thuật
Nhiều năm trong nghề, nghệ thuật sân khấu trong cô được định nghĩa như thế nào?
Dù có kiến thức, có yêu thích sân khấu nhưng tôi vốn xuất thân từ điện ảnh và văn học. Và trong mọi định danh, nghệ thuật với tôi chỉ có một định nghĩa duy nhất, đó là sản phẩm của thẩm mỹ, rung cảm và tính nhân văn.
Nghệ thuật với tôi chỉ có một định nghĩa duy nhất, đó là sản phẩm của thẩm mỹ, rung cảm và tính nhân văn.
Đạo diễn Việt Linh
Nghệ thuật
Theo cô, khó khăn về nhân lực và cơ sở vật chất có phải là yếu tố quyết định thành bại một sân khấu kịch?
Người làm quản lý sẽ phù hợp trả lời câu hỏi này hơn. Với người sáng tác, theo tôi chỉ có một tâm thế đi tìm cái đẹp trong sức vóc của mình. Cái đẹp không quá lệ thuộc vào khách quan.
Đạo diễn Việt Linh sinh năm 1952, là cái tên tiên phong trong thời kỳ làm phim đổi mới. Nhiều trang báo nhận định bà là cây đa cây đề trong làng điện ảnh. Năm 2015, sau khi thành lập sân khấu kịch Hồng Hạc, bà chuyên tâm vai trò sản xuất kịch. Tôn chỉ làm việc của đạo diễn Việt Linh là khiến kịch nói gần điện ảnh hết mức có thể.