Thời gian gần đây, sân khấu kịch Việt Nam chứng kiến nhiều biến động. Có người đi, có người đến, cũng có người trở lại. Sau tất cả, sân khấu đối với những người nghệ sĩ là cả thanh xuân, cả cuộc đời.
NSND Kim Xuân
Đối với NSND Kim Xuân, làm nghệ thuật là một nghề cao quý. Suốt mấy chục năm làm nghề, những gì thuộc về sân khấu đều được bà nâng niu. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, NSND Kim Xuân giúp giới mộ điệu hiểu thêm những hoài bão của người nghệ sĩ hơn 26 năm gắn bó với sân khấu kịch nói.
NSND Kim Xuân từng xúc động nói trên trang cá nhân: "Từ tuổi thanh xuân cho đến khi mái tóc đã hai màu, cánh gà sân khấu đã cùng tôi tạo nên những ước mơ từ thời son trẻ". Những kỷ niệm với khu vực đó khiến nữ nghệ sỹ không bao giờ quên: Từ những lần chạy vội vã vì sợ trễ lớp diễn, những lần "cười như điên" vì bạn diễn nói nhầm thoại... đến nhưng tràng pháo tay giòn giã của khán giả. Cũng tại cánh gà sân khấu, nữ nghệ sỹ có thể chứng kiến sự thay đổi trưởng thành của các diễn viên trẻ.
Nghệ sĩ Bạch Long
Nghệ sĩ Bạch Long là cái tên quen thuộc với khán giả yêu sân khấu Việt nhiều thế hệ. Ở tuổi U70, nhiều người không tin một nghệ sĩ nổi tiếng như Bạch Long lại ăn "cơm hàng cháo chợ", chạy xe máy bình dân, ở nhà thuê giá rẻ.
Nội dung liên quan
Dù vậy ông vẫn đang miệt mài cống hiến cho các sân khấu kịch nói và cải lương. Nhắc tới Idecaf, ông gọi đây là nơi "cưu mang" mình giữa lúc khốn khó nhất. Theo Dân Trí, nghệ sĩ Bạch Long thành lập đoàn cải lương Đồng Ấu Bạch Long vào những năm 1990. Cải lương hấp hối, Đồng Ấu đóng cửa cũng là lúc ông đối mặt với cái đói. Idecaf chính là nơi đã tạo ra bước ngoặt của cuộc đời.
Nói với Dân Trí, ông cho rằng được sống với nghề diễn, với cải lương, với sân khấu mỗi ngày là một điều may mắn: "Nhờ cái duyên trời phú và tên tuổi có sẵn, tôi tiếp tục được khán giả ủng hộ, và tôi còn lấn sân sang phim ảnh, sống được với nghề diễn. Về sau, tôi đã được mời làm các chương trình cho đài truyền hình nhưng đó không phải là dựng tuồng dài nên vẫn chưa thấy đã. Vì vậy, khi được ông bầu Huỳnh Anh Tuấn giao sân khấu Nón Lá và mời vào vị trí chủ xị của mảng cải lương, tôi sung sướng lắm".
NSƯT Thành Lộc
Là nam nghệ sĩ kỳ cựu của sân khấu kịch Việt Nam, NSƯT đưa ra quan điểm với Đại Đoàn Kết:
"Một trong những nhân vật bậc thầy của sân khấu kịch thế giới từng nói "Sân khấu là thánh đường, như vậy những người đến với thánh đường nên phải bỏ lại những đôi hài bẩn ở ngoài cổng thánh đường". Dĩ nhiên người nào đến với thánh đường cần phải có một tâm hồn trong sáng, sạch sẽ thì mới có thể tiếp nhận được hết giá trị của nghệ thuật. Bản thân tôi cho rằng điều đó không chỉ đối với riêng những người nghệ sĩ mà với mọi khán giả chúng ta cũng cần như vậy".
Ông nói mình say mê nghệ thuật sân khấu hơn tất cả. "Tôi không lên kế hoạch sẽ giải nghệ dù nhiều rất người trong chúng ta có quan niệm đàn ông về hưu là 60 hoặc 65 tuổi. Mục tiêu của tôi là tiếp tục những công việc thú vị, được đi trải nghiệm nhiều nơi. Ở thời điểm hiện tại, hạnh phúc của tôi đơn giản là được tiếp tục đắm mình trong ánh đèn, trong các vở diễn trên sân khấu. Khi tuổi tác càng cao, chắc tôi cũng phải dành tâm sức cho nơi nào mình có thể tìm được nhiều hạnh phúc nhất. Và có lẽ tôi đã tìm thấy hạnh phúc ở sân khấu", nam nghệ sĩ nói với Đại Đoàn Kết.
Diễn viên Huỳnh Lập
Diễn viên Huỳnh Lập cũng là cái tên gây chú ý khi chuyển sang sân khấu kịch. Trước đây, khán giả biết đến Huỳnh Lập với vai trò diễn viên hài và thường đăng tải các tác phẩm của mình lên mạng xã hội. Ít ai biết rằng, nam diễn viên tốt nghiệp ngành đạo diễn sân khấu và vẫn luôn tâm niệm cống hiến cho sân khấu kịch.
Nội dung liên quan
Nói với chúng tôi, diễn viên Huỳnh Lập cho biết: "Sân khấu là cội nguồn diễn xuất, là nơi nuôi dưỡng lửa nghề, cho tôi được sống chết với cuộc đời nhân vật vào mỗi đêm diễn, điều này khác với đi đóng phim.Khi chọn sân khấu, tôi phải từ chối rất nhiều công việc bên ngoài. Mà không riêng tôi đâu, bất cứ ai diễn sân khấu cũng đều như vậy.
Để có được một vở diễn gửi đến khán giả thì chúng tôi tập cả tháng rất vất vả, cát-xê một đêm diễn sân khấu không nhiều. Nhưng dù cực cỡ nào tôi vẫn hạnh phúc với những gì mình làm. Ngày xưa sân khấu luôn sáng đèn vào mỗi cuối tuần, nhưng hiện tại rất khó để kêu gọi khán giả đi xem kịch, nhất là với những sân khấu mới. Tôi cũng như rất nhiều anh chị em trong nghề đang trăn trở về vấn đề này.Tôi luôn cố gắng làm tốt nhất có thể để khi khán giả xem 1 vở kịch thì sẽ giới thiệu với người này, người kia đến với những suất diễn sau đó. Để có sự hỗ trợ của khán giả thì mình phải làm kịch hay trước đã".
Nguồn: TH&PL