Âm thanh của cuộc sống lặng đi giữa mùa dịch, bạn nhớ nhất tiếng gì?
Ai có biết đâu, những âm thanh ngày thường nghe đến phát chán lại trở nên khó tìm giữa mùa giãn cách thế này. Người ta bắt đầu thấy nhớ cái tiếng rao bằng loa phát của những gánh hàng rong, nhớ tiếng nói thật của giảng viên trên giảng đường, nhớ tiếng í ới "trà sữa không" tại văn phòng làm việc... thậm chí là nhớ cả "tiếng chửi" của cô hàng xóm nữa!
Bình dị vậy thôi, nhưng nó làm người ta thấy nhớ! Không quá xa xôi, không quá khó tìm, những âm thanh đó chỉ đơn giản là nhịp thở của cuộc sống mà hằng ngày người ta vẫn thường nghe. Nhưng khi con virus corona xuất hiện, nó đã làm đóng băng mọi thứ, kể cả những âm thanh nhỏ nhặt này cũng "lặng thinh" đi giữa tiếng còi xe cấp cứu, loa báo truy vết và phỏng tỏa.
Mình nhớ tiếng "tách tách" khi gạt cái cò film lên
Đối với những bạn trẻ thích lang thang khắp ngõ ngách để bắt trọn từng khoảnh khắc cuộc sống thông qua những tấm ảnh thì đây đúng là âm thanh "gây nghiện".
"Tiếng tách tách khi gạt cái cò film lên, nhớ lắm! Chỉ ước được đi ra đường để mà chụp cái này cái kia…" - bạn Kiều Anh, sinh viên năm 3 đang theo học tại Sài Gòn.
Trái lại với khung cảnh tấp nập ngày thường trong dòng xe không ngừng chuyển động, thì những bức ảnh về Sài Gòn hiện nay cũng làm người ta thấy "khác lạ". Sài Gòn nào mà vắng xe như vậy… chỉ mong ngày Sài Gòn trở lại để còn "tách tách" nên những tấm ảnh thành phố với nhịp sống vội vã.
Mình nhớ tiếng đàn hát của sinh viên trong sân trường
Cuộc sống sinh viên ấy mà, có gì vui bằng việc được ca hát, nhảy múa, hoạt động năng khiếu ngoài giờ học. Ở đâu đó trong khuôn viên trường Đại học, người ta dễ dàng bắt gặp những nhóm sinh viên đang tập tành văn nghệ, nhóm thì hát, nhóm thì đàn, có nhóm nhảy múa với tiếng nhạc sôi động.
Dịch bệnh, sinh viên phải nghỉ học offline không thời hạn, và âm thanh khiến họ nhất nhớ nhất "Chắc là tiếng đàn hát tập văn nghệ trong khuôn viên trường. Mỗi lần ngủ trưa rất ghét vì hơi ồn nhưng giờ lại nhớ" - Bạn Ngọc Nguyên, sinh viên Đại học KHXH&NV chia sẻ.
Mình nhớ tiếng "xin chào quý khách" của những quán cà phê, trà sữa
"Thông thường ở nhà mình không thể tập trung làm việc hay học tập được. Vậy mà ra quán cà phê, dù có hỗn tạp âm thanh nhưng nó lại khiến tập trung và năng suất đến lạ. Hẳn là nhớ 'tiếng xin chào quý khách, tiếng cảm ơn, tiếng máy pha cà phê, tiếng người,..." - bạn Xuân Dũng, sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện (Nhân Văn) chia sẻ.
Người ta thường nói, Gen Z là thế hệ thích làm việc ở quán cà phê, trà sữa nhiều hơn là ở nhà quả không sai. Có lẽ đó là cảm giác được hòa chung không khí làm việc, chạy deadline, học tập nên ai cũng dồi dào động lực và năng lượng.
Nhớ tiếng "tít tít" của hệ thống quẹt thẻ ký túc xá
Là sinh viên ai cũng nên thử ở ký túc xá một lần trong đời để trải nghiệm cảm giác được sống tập thể. Ở ký túc xá, ra vào đều được kiểm tra nghiêm ngặt với hệ thống quẹt thẻ, nhưng có hôm quên mang thẻ mà trót lọt qua cổng thì đứa nào cũng vui mừng hí hửng như vừa mới lập được một chiến tích.
"Mỗi lần đi học trễ là y như rằng quên luôn combo thẻ sinh viên với thẻ ký túc xá. Xuống ba lầu, đưa balo ngang qua mà chưa nghe 'títt' là khóc thét, nuốt nước mắt ngồi đợi thang máy ngược lên lầu 7 (vì sáng nào thang máy cũng quá tải). Giờ ở nhà riết, buồn mà nhớ tiếng 'tít' ấy lắm á" - Bạn Võ Lan, sinh viên ở Ký túc xá Đại học Quốc Gia TP.HCM chia sẻ.
Mình nhớ tiếng rủ nhau uống "trà sữa không" của đồng nghiệp tại văn phòng
Một trong những lý do khiến chúng ta làm việc hoài mà vẫn "nghèo" đó là do sự rủ rê uống trà sữa mỗi chiều của đồng nghiệp. Thậm chí đây còn được xem là nét văn hóa chốn công sở của giới trẻ bây giờ.
"Mình nhớ tiếng 'Trà sữa không' của mọi người tại văn phòng làm việc. Ngày trước đi làm mỗi lần nghe rủ đều nhăn nhó bảo 'Hết tiền rồi' nhưng vẫn order tích cực. Giờ thì muốn uống trà sữa cũng khó chứ nói gì đến việc được uống cùng mọi người. Nhớ lắm" - Bạn Quỳnh Như, nhân viên văn phòng tại Sài Gòn.
Mình nhớ tiếng rao "Xôi lạc bánh khúc đây" với "Bánh mì đặc ruột đây" giữa lòng thủ đô Hà Nội
Hà Nội, Sài Gòn hay bất cứ nơi đâu của Việt Nam thì tiếng rao mời hàng vẫn là nét đặc trưng văn hóa không thể thiếu. Ngày nào cũng nghe rao, thấy thèm thì mua, không thèm thì nghe rồi để đó. Nhưng lỡ một ngày không nghe thấy người ta lại thắc mắc: "Ủa, sao hôm nay xe bánh mì không đi qua vậy ta".
"Mình thấy nhớ tiếng rao 'Xôi lạc bánh khúc đây' với 'Bánh mì đặc ruột, bánh mì nóng đây', thực ra thì ít mua nhưng mà mình ở ký túc xá bốn năm, ngồi trên phòng nghe quài luôn nên nhớ" - Bạn Thanh Hoa, sinh viên năm cuối đang theo học tại Thủ đô Hà Nội.
Một ngày không nghe đã thấy nhớ, huống gì mấy tháng không được nghe. Chỉ lo cho mấy cô mấy chú bán hàng rong mỗi ngày, giờ giãn cách xã hội thế này không biết có đủ thu nhập để sống không…
Mình nhớ tiếng loa báo trạm xe buýt
"Ngày thường mình ghét tiếng loa báo trạm xe buýt lắm, đường về nhà thì xa, chỉ thèm đánh một giấc nhưng nó cứ 1 phút lại vang lên 1 trạm. Tự nhiên Sài Gòn bùng dịch, xe buýt ngừng hoạt động cũng cả tháng nay, làm mình thèm nghe thứ âm thanh quen thuộc này" - Bạn Băng Đình, sinh viên năm 3 (ĐH KHXH&NV) chia sẻ.
Xe buýt - một phương tiện thân thuộc của sinh viên cũng đã dừng hoạt động vì Covid-19. Chỉ 3 nghìn một lượt đi, sinh viên có ngay một điểm đến mà mình mong muốn, nhưng giờ, hàng loạt chiếc xe buýt cũng nằm bất động tại những trạm đầu và trạm cuối, không biết bao giờ mới lại được ngang dọc tung hoành trên những con đường trở lại.
Những âm thanh của nhịp sống ngày thường, bạn nhớ âm thanh nào nhất trong mùa dịch này?
''Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại'' là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!
Nguồn: TH&PL