Đã hơn ba tháng "chôn chân" trong nhà, giới trẻ sợ nhất điều gì khi nhắc về Covid-19?

Giờ đây, những điều giới trẻ từng mong mỏi - không đến trường, không học tập, được nằm lướt mạng xã hội cả ngày,... đã trở thành nỗi niềm trăn trở.

Người trẻ đã từng mong chờ vào một cuộc sống vốn sẽ "không bình thường" nhưng khi dịch bệnh bùng phát, chúng ta lại thở dài ngao ngán khi có quá nhiều sự thay đổi bên cạnh nỗi lo về thể chất và tinh thần.

Người ta lại thấy thèm những ngày rong ruổi, thèm được kẹt xe, thèm được đến trường,... và thèm được làm những điều mà mình từng than thở. Có lẽ, điều duy nhất mà tất cả chúng ta đều mong muốn hiện tại là một cuộc sống bình thường trở lại.

da hon ba thang chon chan trong nha gioi tre so nhat dieu gi khi nhac ve covid 19 - anh 0
Những điều vốn tưởng chỉ có trên phim ảnh, giờ đây đã hóa hiện thực cuộc sống  

Chưa bao giờ, người ta lại thấy sợ sự ở yên trong nhà như thế này! Những cô chú công nhân, anh chị văn phòng không còn những giờ làm việc ở công ty 8 tiếng mỗi ngày, cũng không cáu gắt vì những giờ tan tầm đường đông mà trễ bữa ăn tối với gia đình. Học sinh, sinh viên cũng không đến trường, không còn những giờ chạy deadline xuyên đêm ở quán cà phê, không phải lên lớp trong trạng thái buồn ngủ, điểm danh mỗi ngày. 

Nhiều người nghĩ rằng Gen Z sẽ rất vui vẻ và hào hứng khi được "chôn chân" trong nhà, tự do làm điều mình thích, dành nhiều thời gian để lướt mạng xã hội. Nhưng thật ra đó là một sự đánh đổi rất lớn. Nỗi sợ ngày càng nhân đôi khi những vấn đề mùa dịch như một bàn cờ domino, đổ một quân là xô theo cả chuỗi dài.

Sự ngột ngạt và tù túng khi ở trong nhà quá lâu trở thành nỗi sợ tâm lý

Bạn Nguyễn Bảo Hân, 20 tuổi, đã có chia sẻ về nỗi sợ của mình trong dịch bệnh: "Mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình, cuộc sống của mình cứ tuần tự diễn ra theo quy trình ăn, ngủ, xem phim rồi bấm điện thoại. Tự cảm thấy bản thân là một người vô dụng vì mình không có động lực để học tập hay làm việc gì. Suốt ngày ru rú ở nhà khiến tâm trạng bức bối kinh khủng, thiếu năng lượng".

da hon ba thang chon chan trong nha gioi tre so nhat dieu gi khi nhac ve covid 19 - anh 0
Bạn Nguyễn Bảo Hân, 20 tuổi

Đồng thời, ở nhà quá lâu, có nhiều sự mâu thuẫn trong gia đình diễn ra. Lướt mạng xã hội cả ngày, Gen Z cũng không thể tránh khỏi tâm lý bất an về sự nhiễu thông tin. Sự bất an trong tâm lý còn xuất phát từ vấn đề dịch bệnh khiến mọi người mất việc, thất nghiệp. Dịch bệnh khiến những kết nối con người phần nào đứt gãy; chúng ta là những con người xã hội và gần như không thể sống một mình. 

Theo một nghiên cứu gần đây, tại Nhật Bản, tỷ lệ tự tử tăng cao hơn ở nữ giới trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh. Cứ 4/10 người trưởng thành tại Mỹ cho biết họ trải qua những trạng thái căng thẳng, lo lắng trong mùa dịch, tăng cao so với con số 1/10 người Mỹ được khảo sát vào năm 2019. (Theo báo cáo của tổ chức Kaiser Family Foundation)

Học online - những tưởng sẽ là phương pháp học tập tối ưu nhưng giờ đây nó là nỗi sợ của nhiều bạn trẻ

Ngày chưa có dịch, nỗi ám ảnh mỗi sáng thức dậy đến trường luôn làm người trẻ oằn mình, ngán ngẫm. Ai cũng khóc than cảnh 5 tiết học dài quá đỗi, ngáp ngắn ngáp dài ở lớp, vậy mà giờ đây khi dịch diễn ra, được ở nhà, không phải đến trường nhưng chẳng vui tí nào!

Như lời của Thanh Tuyền chia sẻ khi đã học online gần hai tháng qua, "Mình sáng nào cũng thức dậy lúc 7h để vào tiết trên Google Meet, học trực tiếp ở trường đã khó tập trung học ở nhà còn khó hơn rất nhiều lần. Mình luôn trong tình trạng đầu bù tóc rối, đang học thì nấu cơm, gọi ăn cơm... Nói chung, mình mong dịch qua nhanh để đi học lại, để được gặp thầy cô, bạn bè. Mình hơi ngán học online".

da hon ba thang chon chan trong nha gioi tre so nhat dieu gi khi nhac ve covid 19 - anh 0
Thanh Tuyền, 22 tuổi

Bạn Ngô Triệu Kha, sinh viên năm tư của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn nói rằng: "Khi sử dụng internet để học tập thì có rất nhiều thứ làm mình bị phân tâm bởi vô vàn những thứ hay ho khác trên mạng xã hội, các bộ phim hay ở trên YouTube hay những màn đấu game quyết liệt. Điều này khiến cho hiệu quả những lần học online mình thấy không cao".

da hon ba thang chon chan trong nha gioi tre so nhat dieu gi khi nhac ve covid 19 - anh 0
Ngô Triệu Kha, 22 tuổi

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc học trực tiếp ở trường trở nên khó khăn hơn nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để học online. Vấn đề không truy cập được vào Internet, đường truyền không ổn định, tốn quá nhiều tiền cho việc đăng ký dữ liệu mạng. Đây là nỗi trăn trở chung của khá nhiều bạn. Thêm vào đó là sự mất tập trung, mất tương tác trực tiếp với thầy cô, bạn bè gây ra những khó khăn nhất định cho việc học như thế này.

Sự kết nối online làm cho chúng ta cảm thấy sợ hãi khi không được kết nối trực tiếp

Trong căn phòng chật hẹp, nhiều người không thể làm gì khác để giải tỏa ngoài việc nằm dài trên giường và khóc lóc. Những lúc như vậy, điều họ cần là một người ở bên; sự kết nối online đôi khi chỉ khiến họ thấy bất lực vì không cảm thấy được kết nối con người. Nhưng đó là lựa chọn duy nhất vào thời điểm này.

Bạn Thảo Uyên, 24 tuổi, sống tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Vài ngày đầu tiên ở nhà, mọi chuyện vẫn ổn. Tuy nhiên, những ngày tháng sau đó khiến mình rất khó chịu vì mình cảm thấy chất lượng học giảm sút khi phải chuyển qua hình thức online và tương tác trên máy tính. Bạn bè hay người yêu cũng gặp ít đi, khiến mình bất ổn tâm lý".

da hon ba thang chon chan trong nha gioi tre so nhat dieu gi khi nhac ve covid 19 - anh 0
Thảo Uyên, 24 tuổi

Làm việc ở nhà đồng nghĩa với việc mất sự tương tác trực tiếp. Ngồi bên bàn máy tính cả ngày, có những lúc không biết là ngày hay đêm, chỉ biết lúc nào cảm thấy mệt quá thì ngã trên bàn làm việc. Mệt mỏi, không biết giãi bày với ai, sự cô đơn biến thành nỗi sợ. Đương đầu với một vài nỗi sợ đơn lẻ có thể dễ dàng nhưng khi tất cả kết hợp lại, chúng ta lại cảm thấy sự bế tắc bủa vây.

Dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả chúng ta theo những cách khác nhau. Điều chúng ta có thể làm là lắng nghe những chia sẻ của mọi người, thực sự thấu hiểu và đồng cảm cho mọi áp lực dù ở hình thức này hay hình thức khác.

Và cùng nhau cố gắng làm những gì tốt nhất, để chờ đợi đến khi dịch qua đi.

"Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại" là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!

Cuối cùng, Cây Táo đã Nở Hoa, Sài Gòn rồi sẽ "Nở Hoa" như thế!

Gen Z "than trời" vì học online: Tiền điện tăng vèo vèo, ám ảnh group chat, tai nạn quên tắt mic

Nhiều người trên mạng xã hội nói "nghỉ việc" là "chăm sóc bản thân"?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ