Khi việc học và chơi đều được "online hóa", vấn đề sức khỏe của học sinh nên được đặc biệt quan tâm.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, hình thức học online cũng dần trở nên phổ biến, chất lượng của những lớp học trực tuyến được cải thiện nhiều hơn. Tuy nhiên việc học online vẫn tiềm ẩn những ảnh hưởng tiêu cực khiến các bậc phụ huynh lo lắng.
Thời gian sử dụng thiết bị điện tử trong một thời gian dài khi tham gia các lớp học online, khiến nhiều người đặt câu hỏi về thời lượng sử dụng thiết bị như thế nào là tốt cho sức khỏe của các bạn học sinh, sinh viên. Trong đó, sức khỏe về thị lực được quan tâm hơn cả,nhất là khi thời gian các bạn học sinh "dán mắt" vào màn hình máy tính hoặc điện thoại tăng lên rõ rệt kể từ khi các trường khai giảng năm học mới trên nền tảng trực tuyến.
Vậy nhìn vào màn hình bao lâu là đủ?
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã đưa ra một bộ hướng dẫn về việc sử dụng thiết bị cho từng đối tượng cụ thể. Theo đó, đối với trẻ em dưới 5 tuổi, thời gian nhìn vào màn hình thiết bị nên giới hạn dưới 1 giờ/ngày và cần có sự giám sát của phụ huynh. Đối với độ tuổi từ 5 đến 18, thời gian tiếp xúc với màn hình thiết bị nên được điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu.
Mặc dù các mô hình học trực tuyến mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho nền giáo dục trong thời kỳ khó khăn này, nhưng việc học online cũng đi kèm những cái giá nhất định. Thời gian dán mắt vào màn hình quá lâu có thể dẫn đến một số ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe.
Đầu tiên, quá nhiều giờ nhìn chằm chằm vào màn hình sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể. Ánh sáng xanh phát ra làm chậm quá trình giải phóng melatonin, một loại hormone liên quan đến chu kỳ giấc ngủ, khiến đẩy giờ ngủ bị đẩy lùi. Khi các trường học bắt đầu vào những khung giờ định sẵn vào sáng sớm, việc ngủ muộn chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng tiếp thu bài học vào ngày hôm sau.
Bên cạnh thời gian học trực tuyến, các thiết bị điện tử còn được dùng cho mục đích giải trí. Có vẻ như sự căng thẳng của việc học trực tuyến không thể ngăn cản trẻ em sử dụng các thiết bị tương tự như một cách để thoát khỏi sự nhàm chán. Nếu không có sự giám sát của phụ huynh và ý thức tự giác thì sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh rất dễ bị ảnh hưởng.
Vì cả hai yếu tố học và chơi này đã hiện hữu song song trong cuộc sống của các bạn học sinh, nên họ thường không nghĩ quá nhiều về việc sử dụng thiết bị bao lâu là an toàn và lành mạnh. Cộng thêm tình hình dịch bệnh như hiện tại, việc tìm nguồn giải trí khác ngoài cách sử dụng thiết bị có kết nối Internet dường như khó khăn hơn.
Do đó, các bậc cha mẹ thường để con cái họ sử dụng thiết bị trong nhiều giờ hơn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian sử dụng thiết bị kéo dài cũng có thể dẫn đến chứng lo âu xã hội. Khi phải đối mặt với những ảnh hưởng xấu từ việc online liên tục, hầu hết các bậc cha mẹ, đều có cùng một câu hỏi: "Vậy thì tôi nên làm gì?"
Khi phần lớn nguồn giải trí được tích hợp vào các thiết bị điện tử, nhiều cha mẹ và giáo viên đều đồng ý rằng điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Ngoài sự phát triển về cảm xúc, tinh thần và thể chất, một khía cạnh cũng có thể bị ảnh hưởng chính là sự phát triển xã hội của trẻ nhỏ.
Đối với những đứa trẻ đang lớn, giao tiếp xã hội và tiếp xúc với thế giới bên ngoài là một phần thiết yếu trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, trước những thay đổi trong những năm trở lại đây, kết nối xã hội dường như đã trở thành dĩ vãng.
Với sự tương tác thường xuyên với công nghệ, trẻ em ngày nay đã trở nên hiểu biết về công nghệ hơn bao giờ hết, đó là một kỹ năng cần thiết trong thời điểm hiện tại. Trong khi một số trẻ em thu mình lại với những tương tác xã hội, những đứa trẻ khác đã tìm thấy sự tự tin với những kỹ năng mà mình được học thông qua những tiếp xúc với máy tính và điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, trẻ càng nhỏ thì càng dễ bị dồn nén năng lượng từ việc thiếu hoạt động thể chất, vô tình khiến chúng trở nên tăng động. Những dấu hiệu thường thấy sau khi tiếp xúc quá lâu với thiết bị có thể kể đến như không thể đi vào giấc ngủ mặc dù rất mệt mỏi. Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Sleep Foundation, thiếu ngủ xuất phát từ sự chậm trễ trong việc giải phóng melatonin, khiến giấc ngủ bị trì hoãn.
Do đó, với tình hình học online như hiện tại, các bậc phụ huynh nên chú ý đến những thay đổi về thói quen sử dụng thiết bị của con cái. Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của các bạn học sinh trong thời gian này, việc giới hạn tương tác liên tục với thiết bị trong thời gian dài là điều cần thiết. Các bài tập về mắt có thể giúp ích rất nhiều trong thời gian này.
Nguồn: TH&PL