Đại dịch khắc nghiệt, nhưng Kỳ Anh thấy mình chẳng bị bỏ lại phía sau, không một mình giữa Sài Gòn.
Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 diễn ra, những con số nhảy vọt về ca nhiễm cứ liên tục tăng cao, việc bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào là điều không ai có thể trả lời trước được. Ngày hôm nay, ngày mai rồi dần dà việc nghe tin bạn bè xung quanh, người thân bị nhiễm Covid-19 cũng dần trở thành điều "bình thường hóa" trong cuộc sống của mỗi người.
Cuộc sống đã trở lại với không khí náo nhiệt của một thành phố hoa lệ, tấp nập. Những giới tuyến tạm bợ và thủ công "vùng xanh, vùng đỏ" ngăn cách được tháo gỡ dần, nghĩa là vơi đi một phần tâm lý nặng nề. Nhưng đó cũng chỉ là vơi dần đi sau dịch bệnh và hơn hết là hành trình vượt qua bệnh tật, hồi phục để hòa chung nhịp sống những ngày bình thường đặc biệt.
Nhớ lại điều đó, chắc hẳn ngày bình thường mới được thiết lập tại Sài Gòn cũng là ngày vui nhất đối với Kỳ Anh Nguyễn - chàng Travel blogger như được cảm nhận đủ đầy hơn ai hết về việc mình đã vượt qua căn bệnh vô hình nhưng đè dọa sự sống của triệu con người...
Niềm tin, sự lạc quan còn hơn cả một liều thuốc
Nhớ lại những ngày nhốt mình trong căn phòng nhỏ hơn 10m2, quanh quẩn góc làm việc và chiếc giường thân quen suốt hơn 10 ngày dài để cách ly và điều trị Covid-19 là hành trình vượt qua "2 vạch" của chàng kiến trúc sư. Kỳ Anh mỉm cười và thấy mình đã nhận được nhiều điều khi chẳng may mắn nhưng lại vô cùng may mắn khi biết mình là F0.
F0 là chuyện chẳng bao giờ Kỳ Anh nghĩ đến và muốn nghĩ đến, vì suốt hơn 4 tháng Sài Gòn giãn cách, những thông tin về dịch bệnh cứ chạy đua trên những trang báo điện tử, trong từng tò giấy báo in,... đã đủ ám ảnh. Sức khỏe tinh thân mùa dịch đã là một khó khăn lớn để vượt qua, điều đó còn khó khăn gấp trăm lần khi anh nhận tin mình bị nhiễm Covid-19.
"Những ngày đó mình thấy bị mất mùi, không cảm nhận được mùi dầu gội, cứ thấy nó lạ nên cứ xịt thêm xịt thêm để ngửi mùi thơm. Chẳng đi đâu cả nhưng cũng không hiểu vì sao lại lạ đến thế, mình cứ mất mùi dần đi.
Sau sinh nhật một hôm, y tế đến test cộng đồng, đó cũng là khoảnh khắc mình đã nhận được "hai vạch" rõ ràng. Thât sự, mình đã lo lắng rối và hoang mang vì việc ở chung với hai bạn, mình sợ lây cho bạn mình. Bệnh viện quá tải, dù đã tiêm 2 mũi sau gần 1 tháng thì mình lại dương tính" - Kỳ Anh kể lại về ngày nhiễm bệnh.
Hơn hết, việc đầu tiên mà Kỳ Anh làm đó chính là chấp nhận và chủ động tìm cách để vượt qua virus. Sài Gòn căng thẳng trong đỉnh dịch, y tế quá tải, việc chủ động tự cách ly và điều trị tại nhà đã được anh thực hiện, những đơn thuốc được gửi ngoài cửa nhà, những phần đồ ăn rau củ được hàng xóm gửi đến đã phần nào giúp chàng trai thêm phần tích cực vượt qua dịch bệnh.
Ổn định về mặt tinh thần là điều quan trọng mà Kỳ Anh luôn nhắc nhớ bản thân mình và mọi người xung quanh. "Khi lỡ thành F0 mình mới hiểu và thấy, có những yêu thương bên ngoài cánh cửa. Đã từng có những ngày thế này, ngột ngạt và bức bối với bốn bức tường không ánh mặt trời. Nhưng giờ nhìn lại, mình thấy vui vì những điều tử tế, nhỏ bé xung quanh mình. Mình cũng cảm thấy, khoảng thời gian dịch bệnh vừa qua đã cho mình thấy mình đã từng mạnh mẽ vượt qua như thế nào" - Kỳ Anh tâm sự.
Ngày thành phố bình thường mới trở lại, Kỳ Anh cũng đã có kết quả âm tính, một hành trình 14 ngày vượt qua Covid-19 là một trong những dấu mốc khó quên trong đời của anh chàng 9X này.
"Vaccine sẽ giúp mình không bị các triệu chứng nặng: không sốt, không khó thở, không đau nhức quá nhiều, không buồn nôn,… Vaccine không giúp chúng ta miễn nhiễm nhưng nó giúp mình ổn hơn rất nhiều. Mình cảm ơn và trân trọng khi được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine vào thời điểm đó".
Dịch bệnh lấy đi nhiều thứ, đã từng phải rơi giọt nước mắt vào buổi lễ tưởng niệm tại chùa Pháp Hoa, lặng người nhìn bao người xung quanh mình dừng lại cuộc đời còn đang nhiều dự định. Nhưng hơn hết, Kỳ Anh vẫn giữ tinh thần lạc quan và nhận thấy dịch bệnh đã cho anh nhiều thứ hơn anh nghĩ.
Vaccine không giúp chúng ta miễn nhiễm nhưng nó giúp mình ổn hơn rất nhiều. Mình cảm ơn và trân trọng khi được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine vào thời điểm đó.
"Dịch bệnh nói chung và ngày mình bị F0 nói riêng, nó đã cho mình nhiều hơn một sự sống. Mình biết quý trọng hơn khoảng thời gian ở nhà, nó có bất lợi và cả những thuận lợi khi work from home nhưng mình đã cân bằng được nó rất tốt.
Những cuộc gọi về nhà, thấy mọi người vẫn ổn, vui vì những dòng viết tay hôm mẹ gửi đồ ăn lên cho, hạnh phúc khi hàng xóm đã mua hộ thuốc men, đồ ăn những ngày mình phải điều trị F0. Mình cũng có những ngày ý nghĩa khi phát quà cho người dân thất nghiệp, hộ nghèo trong xóm vào những ngày giãn cách xã hội".
Sức khỏe tinh thân trong mùa dịch cũng như những cuộc gọi về việc nhận thông tin người quen, người thân nhiễm bệnh, qua đời cũng làm cho tâm trạng của anh chàng như một biểu đồ hình sin. Đã phải rất nổ lực để đón nhận những năng lượng tích cực và tiêu cực xen lẫn, ổn định tinh thần để bước tiếp những ngày hồi phục.
Chấp nhận chỉ như một sự chịu đựng bất đắc dĩ để vượt qua nỗi lo vì dịch bệnh vẫn còn hiện hữu. Những ám ảnh tâm lý đeo bám khiến nhiều người dần trở nên "rụt rè" với cuộc sống hơn trong những ngày trở lại. Người ta còn thấy một Sài Gòn như nhấn nút "reset" lại tất cả cho một trạng thái bình-thường-mới. Và Kỳ Anh, cũng không là ngoại lệ.
"Nhân vật của mình...đã không kịp đợi mình"
Sau bình thường mới, có nhân vật mình vẫn mãi chưa tìm lại được. chẳng biết giờ họ đang như thế nào?
Đó là những gì Kỳ Anh tâm sự khi nhắc đến dự án Sài Gòn Moments.
Những ngày dịch bệnh trở lại tại Sài Gòn, khó khăn như bao phủ lên tất cả cuộc sống của 9 triệu dân thành phố. Nỗi ám ảnh trên báo về số ca nhiễm tăng, số ca tử vong, sức ép ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly hay nơi tuyến đầu, đỉnh điểm là cuộc tháo chạy khỏi thành phố, người dân tìm đường hồi hương trở về nhà để tránh dịch vì mấy tháng trời họ không có gì ăn, không thể trụ được,...
Kỳ Anh luôn nhìn thấy những nhọc nhằn đang hiện rõ qua từng đôi mắt của người dân lao động. Bén duyên với dự án từ những tình cờ vào mỗi chiều tan làm, dự án đã bắt đầu từ trước dịch, lặng im trong dịch và tiếp tục phát triển.
"Một hôm cuối tuần thứ 7, được tan ca sớm nên mình quyết định về nhà lấy máy ảnh và chạy đi loanh quanh. Mình có theo dõi một page có tên là ĐỘI TÌNH NGUYỆN TP.HCM – page này thường xuyên đăng tải các bài viết và hình ảnh về các hoàn cảnh khó khăn ở khắp Sài Gòn đặc biệt là trong mùa dịch.
Mùa dịch này mình cảm thấy mình còn may mắn, chính vì đồng cảm và muốn chia sẻ những tín hiệu lạc quan qua những bộ ảnh về các hoàn cảnh khó khăn, đang rất cần sự giúp đỡ từ cộng đồng. Mình muốn giữ lại những khoảnh khắc lao động đẹp đẽ, đầy nghị lực, ý chí cố gắng vượt qua, có nhiều mảnh đời 'tàn nhưng không phế'. Mỗi hoàn cảnh là một câu chuyện đầy nước mắt phía sau, rất cần sự giúp đỡ, mình muốn chia sẻ để cùng chung tay giúp đỡ họ".
Anh chàng gọi họ là những "mảnh Sài Gòn". Bởi với anh, họ là người Sài Gòn, vẫn đang lao vào mưu sinh khi thành phố này đang yên ngủ vì bệnh dịch. Người giàu có thể nghỉ ngơi sống bằng tiền tích lũy, dân công sở có thể làm việc ở nhà. Nhưng còn người nghèo, họ sẽ đi đâu về đâu khi đường phố, vỉa hè chính là mái nhà của họ. Những cái tên, mảnh đời lần lượt được hiện rõ sự chân phương, đầy khó khăn qua lăng kính và góc nhìn của anh chàng này.
Nội dung liên quan
Dự án Saigon Moments gồm nhiều bộ ảnh góp nhặt mỗi ngày, Kỳ Anh cho biết sẽ làm xuyên suốt và điều mong mỏi duy nhất là các nhân vật được nhận nhiều hơn sự hỗ trợ từ các phía. Nhưng có lẽ dịch bệnh đã không nhẹ tay với bất kì ai, khi chính Kỳ Anh đã phải đón nhận thông tin nhân vật của mình đã không may qua đời vì dịch bệnh Covid-19.
Không có vòng hoa, không kèn trống, không viếng thắm, những lễ tang giữa đại dịch Covid-19 cứ lặng lẽ diễn ra. Những gia đình có người mất vì Covid-19 không biết làm gì khác ngoài chờ đợi đội mang táng đến đưa thi thể người thân mình đi và tiếp tục chờ đợi tro cốt họ trở về. Cụ Hường cũng lặng lẽ ra đi như vậy. Anh chàng cũng "chết lặng" vì sự thật đau lòng này.
"Mình đã rất buồn khi nhận tin cụ Hường mất. Thật sự hương vị chè đó mình vẫn mong muốn được ăn lại, có những dự định rất muốn được tiếp tục được thực hiện cho nhân vật. Nhưng dịch bệnh đã không đợi chờ và cho ai nhiều cơ hội, nhân vật của mình đã không kịp đợi mình" - Anh chàng 9X chia sẻ.
Gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện dự án, 15 nhân vật đã được Kỳ Anh thực hiện, giờ đây có những nhân vật anh chàng vẫn chưa được gặp lại sau bình thường mới. Chẳng mong muốn gì hơn, anh chỉ mong những cô chú được khỏe mạnh, vượt qua những khắc nghiệt của dịch bệnh.
Dự án này cũng đã giúp Kỳ Anh cảm thấy cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn, không còn là những giờ làm mệt mỏi trở về nhà mà là những cung đường, rong ruổi khắp nơi để "nhặt nhạnh" những mảnh Sài Gòn.Qua tất cả những khó khăn, ngày phục hồi đang được mỗi người cố gắng vượt qua. Kỳ Anh cũng có đôi lời gửi đến tất cả mọi người.
Bình thường mới trở lại, mọi người hãy có niềm tin, luôn cố gắng và bảo vệ sức khỏe của mình. Nỗi đau vẫn còn đó nhưng mình vẫn phải sống tiếp, bước tiếp quãng đường phía trước. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, phải vững vàn và bình tĩnh trước những chuyện khó lường của dịch bệnh.
Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.
Nguồn: TH&PL