Phụ nữ một lần nữa lại bị đặt lên "pháp trường" của những định kiến trong thời hiện đại.
Trong chương trình Có Hẹn Lúc 22 Giờ, các nghệ sĩ khách mời sẽ cùng bàn luận về chủ đề: "Học thức có ảnh hưởng gì tới hạnh phúc gia đình không?". Tại chương trình, đạo diễn Lê Hoàng đã gây tranh cãi với phát ngôn gây sốc "Con gái làm nghề nail, bán hàng online thì học vấn thấp". Cụ thể, đạo diễn Lê Hoàng cho rằng nếu giữa vợ và chồng có sự chênh lệch về học thức sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình.
Phát ngôn của đạo diễn Lê Hoàng đang khiến cộng đồng mạng dậy sóng vì đã "đụng chạm" tới hội chị em làm nail hay bán hàng online. Dù xếp trong ngữ cảnh nào thì câu nói cũng đã ngầm khẳng định một định kiến về nghề nghiệp khá lớn và áp đặt lên phụ nữ. Tại sao lại là phụ nữ?
Có hay không ranh giới giữa nghề nghiệp danh giá và nghề nghiệp tầm thường?
"Bất kỳ ngành nghề nào cũng cao quý và đáng được trân trọng", đây là một câu nói muôn thuở mà bất kì ai cũng từng được nghe nhưng để "hiểu" thì không phải ai cũng hiểu. Tất cả vì một lý do duy nhất đến từ định kiến nghề nghiệp.
Người ta thường tỏ ra đề cao và an tâm hơn về những công việc nghe có phần học thức và trọng dụng bằng cấp Đại học. Như tiến sĩ Phí Hồng Minh, nguyên giảng viên Đại Học từng chia sẻ với : "Thực tế có không ít ông bố bà mẹ bắt con mình rằng: Hãy đi học đi, có tấm bằng, rồi về xin cho con một vị trí công chức nhà nước, vào đây ổn định này! Nhưng thực chất có ổn định không với mức lương chỉ đôi ba triệu? Tất cả đều suy nghĩ lối mòn đã ăn sâu vào tư tưởng của người Việt về nghề nghiệp" .
Và dĩ nhiên, người ta thường xem nhẹ những ngành nghề gọi là "lao động chân tay" và không có tính trọng dụng bằng cấp. Thậm chí chính những người trẻ với cái tôi cá nhân khá cao cũng đặt ra cho mình ranh giới về nghề nghiệp. Bằng chứng là "...mình mang tiếng mười hai năm đi học trên ghế nhà trường, lại thêm bốn năm học đại học, vậy mà bây giờ ra làm nhân viên bán hàng. Mình thấy như bị sỉ nhục vậy đó", đó là câu trả lời của Linh, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh của một trường Tư nhân.
Lật lại một câu hỏi, tại sao vấn đề này lại gây ra tranh cãi lớn đến như thế? Phải chẳng vì sự nhạy cảm nghề nghiệp trong tâm thức của người Việt Nam còn quá lớn nên người ta mới có phản ứng mạnh mẽ đến như vậy?
Thời đại sòng phẳng: Nghề nào hái ra tiền nhiều hơn nghề đó thắng?
Vượt ra ngoài ranh giới Việt Nam với những rào cản về định kiến nghề nghiệp thì quan điểm này đúng thật là một dòng chảy của thời đại. Trong khi những công việc được cho là "kém sang" thì ở nước ngoài lại là công việc hái ra tiền và cực thịnh!
Thậm chí nghề làm nail ở Mỹ còn được xem là một ngành công nghiệp làm đẹp và đang ngày càng phát triển, đặc biệt tại bang California có đến 80% chủ tiệm và thợ làm nail là người Mỹ gốc Việt. Giờ đây, người ta cũng đã hạn chế bớt định kiến là những người ít học mới đi làm nail, thậm chí có những người học đại học về vẫn theo nghề nail. Nghề nail cũng không phải là nghề tay chân nữa mà còn đòi hỏi có đầu óc thẩm mỹ, tính nghệ thuật cao.
Tương tự với công việc bán hàng online - một xu hướng tất yếu trong mùa dịch, đồng thời cũng trở thành nguồn kiếm sống chính của rất nhiều bạn trẻ, thậm chí còn giúp họ có thu nhập khủng lên đến hàng trăm triệu mỗi tháng, đủ cả tiền tiền tậu nhà, mua xe. Dĩ nhiên để đạt đến "trình độ" đó thì không phải ai cũng có "duyên" để bán hàng mà cần có nhiều kỹ năng về giao tiếp, óc kinh doanh khôn ngoan.
Rất nhiều bạn trẻ đã thẳng thắng bày tỏ: "Thời đại này bây giờ người ta so sánh túi tiền chứ không so sánh học thức". Tuy nhiên, nghề nào cũng quý và không quá đề cao bằng cấp. Bạn có thể làm nông dân, tiểu thương… hay bất cứ một ngành nghề tự do nào bạn muốn, miễn là nó làm bạn hạnh phúc. Đừng mang giá trị đồng tiền ra so sánh, nó làm chúng ta nhìn lệch lạc và phiến diện!
Vấn đề đáng quan tâm ở đây: Tại sao lại là phụ nữ?
Phụ nữ một lần nữa lại bị đặt lên "pháp trường" của những định kiến trong thời hiện đại. Những tưởng trong xã hội hiện tại thì đã có được sự bình đẳng về giới tính, nhưng thật ra những định kiến từ lâu vẫn đang ẩn sâu bên trong suy nghĩ của nhiều người. Như câu hỏi tiêu đề của chương trình: "Học thức có ảnh hưởng gì tới hạnh phúc gia đình không?". Và phụ nữ lại là trọng tâm của câu chuyện về học thức.
Từ xưa đến nay, phụ nữ luôn bị xem là "ít học" hơn nam giới bởi những quan điểm như: "Con gái thì học nhiều để làm gì?", "Học xong cũng đi lấy chồng và ở nhà chăm con".
Ngày nay, phụ nữ lại bị ép vào khuôn mẫu vừa phải đảm việc nước, giỏi việc nhà thì mới "chuẩn" hình mẫu phụ nữ hiện đại. Học thức của phụ nữ lại "bị" đặt lên bàn cân phải "môn đăng hộ đối" với người chồng hoặc cũng không được phép quá giỏi hơn người chồng để họ phải tự ti. Vì như thế sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình. Suy cho cùng, tại sao lại là phụ nữ phải đảm lấy những trách nhiệm đó?
Chúng ta luôn cho rằng với những bộ luật về quyền cho phụ nữ, những chiến dịch về nữ quyền thì sự bất bình đẳng sẽ được thu hẹp, nhưng trên thực tế thì nó chưa bao giờ biến mất. Chẳng qua xã hội ngày một hiện đại và văn minh thì trong suy nghĩ của một bộ phận con người cũng buộc tuân theo xã hội.
Sau cùng, chúng ta cần có lối nhận thức mở hơn về phụ nữ, với nữ giới thì hãy vẫn cứ tiếp tục nỗ lực trong chính công việc và đam mê của mình.
Nguồn: TH&PL