Cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp sau bốn năm dài, có kiến thức nhưng ra trường lại dán mác thất nghiệp.
Linh năm nay 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh của một trường Tư nhân. Ngoại hình đẹp, diện style chất, có kiến thức, có phẩm chất, những gì Linh có khiến những người đồng trang lứa như chúng tôi có đôi chút ghen tị. Thế nhưng, có một sự thật khá buồn cười, Linh có tất cả nhưng ra trường lại… thất nghiệp. Đó không phải là câu chuyện của riêng Linh, không phải câu chuyện của riêng ai. Đó là câu chuyện của tất cả chúng ta - bao người trẻ có kiến thức, nhưng ra trường lại dán mác thất nghiệp.
Linh thất nghiệp là vì không có kiến thức, hay là vì không muốn chọn ngành nghề kém sang?
Linh mỉm cười bảo rằng: “Mình mang tiếng mười hai năm đi học trên ghế nhà trường, lại thêm bốn năm học đại học, vậy mà bây giờ ra làm nhân viên bán hàng. Mình thấy như bị sỉ nhục vậy đó”.
Đây là câu trả lời của Linh khi được hỏi vì sao lại chọn thất nghiệp. Cuộc sống của người Việt Nam đang thay đổi hằng ngày với điều kiện sống dần trở nên tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn đa dạng và nhiều cơ hội để phát triển. Trưởng thành trong bối cảnh đó, Linh cũng như những người thuộc thế hệ Z có những thay đổi trong suy nghĩ về định hướng nghề nghiệp của mình. Ở cái thời đại chủ nghĩa “coi trọng cá nhân” lên ngôi, người trẻ có hàng tỉ tỉ cách để định vị mình. Thế nhưng, Linh và bao người trẻ hiện nay chọn “nghề nghiệp” là công cụ để mình định vị bản thân, để kêu ca với xã hội “Tôi tốt nghiệp và phải làm danh này, chức nọ chứ không phải là một nhân viên suốt ngày phục tùng sự sai bảo của người khác”.
Quan điểm về cái tôi thường được chia thành hai loại. Cái tôi tích cực có nghĩa đó là sự hãnh diện về công việc phù hợp với những giá trị của bản thân còn tiêu cực là sự nhận định sai về việc chọn công việc làm những giá trị cho bản thân. Tuy nhiên ranh giới của hai cái tôi này thường rất nhỏ. Nhưng đáng tiếc là hầu hết các bạn trẻ hiện nay đều mang cái tôi tiêu cực. Chính cái tôi quá lớn đã giam cầm của một số người trong nhà tù của sự tự mãn và kiêu căng của chính mình.
Giới trẻ ngày nay có quá nhiều điểm mạnh, mạnh về kiến thức, kỹ năng nhưng mạnh quá sẽ thành điểm yếu. Giới trẻ có rất nhiều mối quan hệ xã hội, rất nhiều bạn bè nhưng cái gì nhiều quá nó sẽ thành dư. Chính sự tự tin vào những năng lực bản thân hiện có mà đa số các bạn chê bai hay phũ bỏ những công việc bình thường. Và luôn tìm cách đặt ra hàng ngàn lý do, “công việc này thấp kém”, “ai đời đi làm việc tay chân”, “tốt nghiệp ra trường phải đi làm phục vụ”.
Bạn biết đấy, có nhiều lý do khiến một người trẻ ngại ngùng khi chọn ngành nghề cho bản thân mình
Đa số, người trẻ trong thế hệ chúng ta rất sợ sự phán xét của người khác về mình nên thường e dè trong cách chọn ngành nghề cho bản thân. Họ sợ phải đối mặt với những câu hỏi định kiến của họ hàng, “Tốt nghiệp ra làm việc gì rồi con”, “Con làm chức cao không?”, “Lương tháng bao nhiêu củ?”,... Nếu bạn làm trong ngành nghề đang hot thì hết mực được vuốt ve khen ngợi. Nhưng liệu rằng nếu bạn làm những công việc bình thường thì cái mà bạn nhận lại là cái bĩu môi, chỉ trách. Rõ ràng những định kiến của xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hiện tại, cũng chính là những vật cản vô hình ngăn cản sự phát triển của bản thân chúng ta.
Đa phần, ở các quán cà phê hay các shop quần áo lân cận các trường Đại học, hầu hết các nhân viên ở đây chủ yếu là sinh viên đi làm part time. Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát thì đều là sinh viên năm nhất, năm hai. Một phần là vì muốn trải nghiệm thực tế, một phần là muốn có thêm tài chính. Nhưng đến năm ba hoặc năm tư thì các bạn không còn đi làm phục vụ nữa.
Khi được hỏi lý do vì sao, bạn Nguyễn Phú Tường, hiện đang là sinh viên trường Đại học FPT chia sẻ: “Mới lên năm nhất mình chăm đi làm lắm! Nhưng sau khi đi học một thời gian, quen được nhiều bạn hơn mình ngại đi làm vì phải gặp bạn bè. Có hôm, mình phải trốn dưới quầy bar khi bạn mình đến order. Vì mình có cảm giác rất ngại.” Thật ra thì cũng đúng thôi, trong chúng ta ai mà không sĩ diện. Hơn nữa, chúng ta đặc biệt sợ sự phán xét của người khác dành cho mình nên thôi thà thất nghiệp chứ không chọn ngành nghề kém sang.
Người trẻ không chọn ngành nghề kém sang là vì ngại khổ, ngại khó. Tôi có quen một người cô làm trong bộ phận Food & Beverage của một nhà hàng. Cô có tâm sự về chuyện con cô vừa mới ra trường nhưng lại chưa có việc làm. Tôi bảo: “Nhà hàng đang tuyển nhân viên, sao cô không kêu con cô đến xin thử, may ra còn có việc để làm.” Cô đáp vỏn vẹn một câu: “Mấy cái việc chân tay này nó thấy cực khổ, ai đời cầm bằng tốt nghiệp đại học mà đi bưng ly.” Đó chính là suy nghĩ của giới trẻ trong thời đại này. Công việc mà không được làm trong môi trường sang trọng, chuyên nghiệp thì khổ lắm! Họ mặc định trong đầu đi làm nhân viên phục vụ, nhân viên xây dựng thì vừa cực, vừa mệt lại còn kém sang.
Thế hệ trẻ luôn đề cao sĩ diện của bản thân trong tất cả các khía cạnh hiện nay của cuộc sống. Có một sự thật lạ lùng như thế này, khi trò chuyện với Linh, tôi vô tình có hỏi “Tại sao Linh thất nghiệp mà không đi tìm một công việc khác, các công ty tuyển nhân viên bán hàng không cần kinh nghiệm rải tờ đơn khắp nơi đấy?”, Linh mỉm cười trả lời: “Tốt nghiệp ra trường cũng bằng khá mà giờ đứng mấy tiếng đồng hồ ngoài nắng phát tờ rơi, mình thấy hổ thẹn quá, lỡ đâu không may mà gặp người quen thì không biết trốn cái mặt đi đâu.”
Đây chắc hẳn không chỉ là câu trả lời của Linh mà còn là câu trả lời của rất nhiều bạn trẻ khi được hỏi về câu hỏi này. Các bạn sẵn sàng ngửa tay xin tiền bố mẹ, thất nghiệp nằm không chứ nhất quyết không làm nghề nghiệp kém sang. Ngành nghề kém sang thì vứt sĩ diện vào đâu, bạn bè đồng trang lứa sẽ đánh giá như thế nào, mình có còn được coi trọng không,... đó là những câu hỏi liên tiếp xuất và đặt ra trong đầu giới trẻ.
Thực ra, mỗi người đều có những lý do cho vấn đề này. Thất nghiệp - nguy hiểm hay cơ hội?
Tất cả mọi thứ tồn tại trên đời đều có hai mặt của nó. Thất nghiệp có thể là một cơ hội để phát triển bản thân. Khái niệm thất nghiệp dùng ở đây là chưa có công việc ổn định hay ưng ý. Bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc đầu tư kiến thức cũng như kỹ năng cho ngành nghề bạn mong muốn với điều kiện bạn có quyết tâm. Thế nhưng, nó chỉ là cơ hội cho những ai đang dành thời gian đầu tư cho công việc mình thực sự mong muốn. Những kẻ thụ động, lại thêm tính tự mãn, “thà chọn thất nghiệp chứ nhất định không chọn ngành nghề kém sang” thì là một mối nguy hiểm. Bạn nên nhớ rằng, khoảng thời gian vừa ra trường mới chỉ là điểm khởi đầu của vạch đích.
Chúng ta đôi khi không hài lòng với việc ra trường phải làm nhân viên, vì cái chúng ta được học toàn lý thuyết quản trị. Nhưng để được vạch đích, chúng ta phải khởi điểm. Khởi điểm càng thấp, cũng có nghĩa phải nỗ lực càng nhiều. Thành công cả một quá trình cố gắng từ thấp đến cao chứ không phải là định vị ở thời điểm hiện tại. Nỗ lực ở hiện tại mới thành công cho tương lai. Bạn có biết Philip Beriman, hiện tại đang là Tổng giám đốc của khách sạn Intercontinental Nha Trang Philip Beriman, ông là minh chứng cho việc thành công với việc bắt đầu từ vị trí thấp. “Là một quản lý khách sạn, ông không ngại bắt đầu từ vị trí thấp nhất.”, ông đã từng chia sẻ như vậy.
Outside of the box - Hãy tư duy bên ngoài chiếc hộp của bạn. Đừng để bạn thất nghiệp chứ nhất định không chịu chọn ngành nghề kém sang
Trong chúng ta, ai cũng giữ riêng mình một chiếc hộp. Chiếc hộp chứa đựng những nỗi sợ khiến chúng ta không thể thoát ra những suy nghĩ tiêu cực giữa một xã hội câu nệ. Vì thế, hãy học cách tư duy bên ngoài chiếc hộp của bạn! Các bạn trẻ nên phá bỏ mọi giới hạn vô hình, bắt đầu công việc với suy nghĩ của “kẻ bắt đầu”. Và dĩ nhiên, giới hạn đặt ra là bạn nỗ lực bức phá bằng hết khả năng của mình, chứ không phải là điểm dừng ở một vị trí hiện tại trong công việc của bạn. Chiếc hộp chứa đựng tư duy chai sạn, lỗi thời khiến bạn không thoát ra khuyết điểm lớn nhất của bạn. Khuyết điểm ở đây được đề cập đến chính là tự cao. Người ta tung hô bạn, nhưng lại chặt lưỡi kín đáo khi bạn bạn cứ tự cho mình thích hợp với một ngành nghề cao siêu mà bản thân thì thụ động chờ nó tới.
“Mỗi buổi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất nếu không muốn bị giết. Mỗi sáng, một con sư tử thức dậy, nó biết nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ bị chết đói.” Cuộc sống cũng như thế, nó là một loại đường đua sinh tồn. Người làm chủ cuộc đời chúng ta không ai khác ngoài chúng ta. Chính vì thế, hãy thoát khỏi chiếc hộp của những sợ hãi vô hình mà làm chủ cuộc đời mình. Đừng nên phí hoài một phút giây nào của tuổi trẻ trong việc lăn tăn với nghề nghiệp. Đừng để bản thân thất nghiệp vì những chiếc hộp chứa đựng tư duy lỗi thời.
Nguồn: TH&PL