Vào ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10, sẽ thật thú vị khi cùng Lucie Nguyễn nói về phụ nữ: phụ nữ đẹp, phụ nữ tự tin, phụ nữ độc lập, phụ nữ hạnh phúc và cả phụ nữ… có tiền.
Bạn thân Ninh Dương Lan Ngọc, nữ chính Người Ấy Là Ai, chủ thương hiệu thời trang cao cấp Elpis, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp… Đó là những danh xưng "nổi bần bật" mà nhiều người vốn biết về Lucie Nguyễn. Nhưng nếu đặt sang một bên tất cả những vai trò ấy, Lucie Nguyễn trong cuộc trò chuyện này, chỉ đơn giản là một người phụ nữ đang nhìn lại hành trình không ngừng tiến về phía trước của chính mình.
Khi tôi đề nghị Lucie Nguyễn chụp hình cùng món đồ hiệu đầu tiên, Lucie bước vào căn phòng "ngập tràn đồ hiệu" mà bất cứ cô gái nào trên thế giới cũng mơ ước ở phía đối diện phòng khách - nơi cuộc phỏng vấn của chúng tôi đang diễn ra. Trên tay Lucie Nguyễn nâng niu chiếc Lady Dior màu đen nhỏ xíu, đó chính là chiếc túi hiệu đầu tiên Lucie kiếm tiền mua được vào năm 25 tuổi: "Hồi mua được chiếc túi hiệu đầu tiên, tôi từng cảm giác như mình có cả thế giới!".
Vào ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10, sẽ thật thú vị khi cùng Lucie Nguyễn nói về phụ nữ: phụ nữ đẹp, phụ nữ tự tin, phụ nữ độc lập, phụ nữ hạnh phúc và cả phụ nữ… có tiền. Tất cả những yếu tố ấy, hội tụ đủ trong Lucie Nguyễn ở thời điểm hiện tại và cũng chính là những gì Lucie hướng tới trong công việc sáng tạo của mình.
"Sở thích của tôi là làm đẹp cho mọi người xung quanh. Tôi thấy phụ nữ đẹp lắm! Tôi có sự đồng cảm với những người phụ nữ. Chúng tôi chắc chắn đều phải trải qua một vài trăn trở như nhau và tôi muốn giúp họ nhận ra nên làm gì để bản thân đẹp hơn, tự tin hơn", Lucie Nguyễn hào hứng thừa nhận về cái tính "mê" phụ nữ của mình.
Nếu Local Brand không có tuyên ngôn, cá tính riêng, khách hàng có thể mua bất cứ thứ gì ngoài chợ
Từng làm nhiếp ảnh gia, sở hữu studio áo cưới và giờ là chủ một thương hiệu thời trang khá đình đám, để miêu tả cuộc sống hiện tại, chị sẽ nói gì?
Tôi nghĩ mình đang trên con đường đạt được mong muốn ở thời điểm này. Cuộc đời là một vòng quay đấy, cứ vài năm mình sẽ phải bắt đầu một chu kỳ mới và liên tục như vậy. Trước 30, tôi nghĩ mình đã đặt ra rất nhiều câu hỏi: Mình muốn gì? Tương lai mình ra sao? Nhưng sau 30, tôi đi vào một chế độ "nhịp nhàng" hơn, tự giải đáp được nhiều câu hỏi cho cuộc sống và công việc của mình, bởi những kiến thức mình tích lũy được từ khi 18 tuổi bước ra ngoài xã hội đang được sử dụng ở độ tuổi này.
Không ai có thể sống suôn sẻ hoài, kinh doanh lúc nào cũng thắng lợi hoài. Ngay cả tôi cũng phải có lúc lên, lúc xuống và những lúc mình "xuống" thì lại dần xác định được cần đi lên ra làm sao. Nếu sống mà chỉ đi ngang thì có hơi kỳ không?
Đợt dịch bệnh vừa qua, hầu hết người làm kinh doanh đều phải "đi xuống", có lẽ may mắn lắm mới "đi ngang", còn chị thì sao?
Tôi thấy mình được nhiều hơn mất. Đúng là mình phải chịu mất một phần lợi nhuận, nhưng tôi cố gắng không nghĩ đến số tiền mình mất đi trong đợt dịch này, vì càng nghĩ đến sẽ càng mệt mỏi. Kinh doanh thì phải có năm mình làm được, có năm mình làm không được. Tôi bắt buộc bản thân phải tìm xem mình nhận được gì từ những "bi kịch" này. Tôi nghĩ về những gì mình đang giữ lại được sau dịch bệnh.
Người ta nói nếu thương hiệu nào sống qua được mùa dịch này thì sẽ sống rất dai. Tôi tự nhủ: "Ok, mình sẽ sống qua đợt này!". Elpis tập trung vào thời trang công sở, đi tiệc, thì để thích nghi với dịch bệnh, tôi kinh doanh đồ mặc nhà và đang chuẩn bị cho BST nội y đầu tiên. Hết đợt dịch, tôi nghĩ mình "mất một được hai" - tôi vẫn giữ được Elpis và còn mở thêm 2 thương hiệu khác từ Elpis.
Công ty của tôi đã thực hiện "3 tại chỗ" suốt vài tháng, tất cả vẫn bán hàng online, ra mắt BST mới và cùng nhau làm việc. Nếu ở trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, kinh tế ổn định và khách hàng sẵn sàng chi tiền cho thương hiệu, tôi sẽ không có thời gian nhìn lại bộ máy và mô hình công ty mình. Dịch bệnh khiến tôi bớt "màu hồng" và tỉnh táo hơn, cũng tự tin hơn về đội ngũ của mình sau khi cùng nhau vượt qua cơn "sóng thần" Covid-19.
Theo chị, yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một thương hiệu thành công giữa dòng chảy quá nhanh của Local Brand tại Việt Nam là gì?
Phải tìm ra tôi là ai trong dòng chảy Local Brand hiện tại. Tôi luôn mong muốn mọi người nhìn món đồ ấy là nhận ra nó thuộc về thương hiệu của mình. Nếu không có tuyên ngôn, cá tính riêng, khách hàng có thể mua bất cứ thứ gì ngoài chợ, không cần phải đến một Local Brand! Người đứng đầu phải trở thành một tuyên ngôn rất rõ ràng của thương hiệu.
Khi tôi mới bắt đầu thương hiệu của mình, nói thật là tôi chưa định hình rõ và biết mình nên làm gì, nhưng dần già, tính cách của tôi đã đi thẳng vào thương hiệu. Tôi là một người cá tính và độc lập, theo đuổi tinh thần nữ quyền nhưng phải nữ tính, không quá gai góc. Tới lúc ngẫm lại, tôi nhận ra những bộ đồ hay hình ảnh của những cô gái mặc đồ do mình sáng tạo cũng chính là hình ảnh của mình.
Phụ nữ không cần phải đẹp liền trong một ngày, nhưng chắc chắn có thể đẹp lên qua từng độ tuổi!
Làm những công việc gắn liền với người phụ nữ, từ thời trang đến nhiếp ảnh, chị nghĩ cái đẹp của phụ nữ nằm ở đâu?
Nằm ở sự tự tin. Nhiều khi bạn đẹp rồi, nhưng không biết mình đẹp ở đâu, đó là bạn thiếu sự tự tin vào bản thân mình. Một khi phụ nữ hiểu rằng mình đẹp, thì họ sẽ bắt đầu tiến trình hoàn thiện mình, để đẹp hơn nữa ở nhiều khía cạnh. Phụ nữ tự tin thì khả năng thành công trong cuộc sống sẽ cao hơn, tôi chắc chắn đấy.
Có nhiều người phụ nữ vẫn nghĩ "Tôi chỉ vậy thôi, không thể đẹp hơn được nữa", tôi nghĩ điều đó rất đáng tiếc. Phụ nữ không cần phải đẹp liền trong một ngày, nhưng chắc chắn có thể đẹp lên qua từng độ tuổi. Thật ra hồi xưa tôi thấy mình cũng bình thường thôi, không phải kiểu đẹp lắm đâu nhé. Nhưng tôi luôn hướng đến việc những năm tiếp theo mình sẽ trở thành người phụ nữ như thế nào và tin rằng mình làm được.
Tôi thấy phụ nữ đẹp lắm, tôi không chụp hình nam được và cũng không thể nhìn ra nét đẹp của nam. Tôi mê phụ nữ và thấy mình có sự đồng cảm với họ. Chúng tôi từng trải qua một vài trăn trở như nhau và tôi muốn giúp họ nhận ra nên làm gì để bản thân đẹp hơn, tự tin hơn.
Người ta bảo phụ nữ đẹp thì sẽ có nhiều đặc quyền…
Đặc quyền đầu tiên là vui rồi. Giờ bạn đẹp, bạn nhìn vào gương và thấy mình đẹp, bạn có vui không? Phụ nữ đẹp không phải là để tìm kiếm đặc quyền với người khác, mà đơn giản là đặc quyền làm cho bản thân mình vui trước đã. Khi bản thân toát ra năng lượng tự tin, sống vì chính mình thì phụ nữ sẽ toả sáng luôn, không cần một tác động hay chiêu trò gì từ những người xung quanh hết.
Trước đây, tôi từng rất quan trọng vẻ bề ngoài. Không phải tôi sợ ra ngoài bị chê xấu, nhưng tôi lại nghĩ trời ơi, chủ một thương hiệu thời trang mà không ăn mặc thật đẹp thì có gây ảnh hưởng tới công việc không? Thời gian đầu, tôi rất áp lực, nhưng sau đó tôi nhận ra nếu cứ cố gắng chạy theo sự hoàn hảo thì mệt lắm.
Không nhất thiết phải make up, mặc đẹp, xài đồ hiệu thật nhiều trong cuộc sống hàng ngày thì mới là đẹp. Tôi đã trải qua thời gian kết nối với bản thân, hiểu rằng giá trị của mình nằm ở đâu và không biến chuyện phải đẹp hoàn hảo trở thành một nỗi mệt mỏi thường nhật bên trong mình.
Vậy ngoài đẹp, chị nghĩ phụ nữ hiện đại cần điều gì nữa?
Cần có kiến thức, bởi nó giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc sống. Kiến thức có thể tích lũy trong quá trình sống, hoặc mình chủ động đi học kiến thức trong một giai đoạn của cuộc đời. Phụ nữ cần hiểu bản thân muốn gì, rồi nói chuyện với người khác mà khiến người ta hiểu mình cũng là một loại kiến thức.
Trên tay tôi có một hình xăm là: Đam mê sẽ giữ bạn sống rất mạnh mẽ trong thế giới này. Đam mê rất quan trọng với tôi và tôi nghĩ phụ nữ nên có đam mê để dám bước khỏi vùng an toàn, hoàn thiện bản thân. Tôi cũng từng trải qua giai đoạn không biết mình đam mê gì, mỗi thứ thấy mình làm giỏi một chút vậy thôi. Ban đầu, tôi còn nghĩ mình đam mê nhiếp ảnh nhưng khi làm thời trang thì nghĩ đam mê của mình đây rồi. Nhưng thực ra, đam mê của tôi là sáng tạo, là làm đẹp cho mọi người xung quanh mình.
Kiếm được nhiều tiền thì tất nhiên, cuộc sống sướng hơn, nhưng cũng không bị đồ hiệu làm cho áp lực
Người ta vẫn thường "gán ghép" rằng những người phụ nữ đẹp và thường xuyên nói về sự độc lập như chị sẽ không cần gia đình, liệu có đúng?
Ngược lại với suy nghĩ phụ nữ độc lập là không muốn lập gia đình, thích tự do tận hưởng cuộc sống, tôi quan trọng chuyện gia đình lắm. Tôi rất thích và rất muốn có con, nhưng thấy tốt nhất vẫn là sinh con với người mình yêu, trong một gia đình hạnh phúc. Đối với một người sống thiên về cảm xúc và làm nghệ thuật như tôi, dù đến năm 40 tuổi tôi vẫn sẽ giữ quan điểm: Không yêu là không cưới.
Tôi ít nói về hôn nhân, gia đình trên mạng xã hội. Tôi "mê" gia đình, thậm chí trong nhóm bạn chơi chung, tôi luôn nhận mình là đứa muốn lập gia đình đầu tiên, có con đầu tiên, nhưng dần dần các bạn lập gia đình hết rồi. Nhưng tôi nghĩ dù thế nào, tôi cũng có đủ kiến thức để thuyết phục người thân, bạn bè vì sao mình lại lựa chọn lập gia đình muộn, tôi không gặp áp lực mình phải kết hôn ở độ tuổi nào.
Vậy còn áp lực về tiền bạc đối với một người đã "có rất nhiều" như chị, thì có hay không?
Năm 19 tuổi, tôi lên Sài Gòn lập nghiệp, mở studio đầu tiên vào năm 22 tuổi. Cho tới hiện tại, tôi đã kinh doanh được hơn 10 năm. Thời điểm kiếm được 100 nghìn, mình vẫn no, vẫn vui vẻ đi ăn uống cười ha hả với bạn bè thì tại sao đến thời điểm kiếm được 200 - 300 nghìn, thậm chí ăn được một bữa 500 nghìn thì lại phải lo lắng?
Đúng là kiếm nhiều tiền thì phải có áp lực, nhưng tôi biết giới hạn của mình nằm ở đâu và chủ động quyết định áp lực mình sẽ phải chịu. Tiền bạc đối với tôi chỉ là một phương tiện, tôi cố gắng kiếm tiền để trải nghiệm mọi thứ khi mình còn trẻ. Người ta bảo càng có nhiều tiền, càng sợ mất, nhưng tôi nghĩ mất mát tiền bạc thật ra là cái sẽ đến và đi, nếu có kiến thức và tự tin vào tài năng của bản thân thì mình sẽ làm lại được thôi.
Phụ nữ khi kiếm được nhiều tiền, tôi nghĩ ai cũng thích những món đồ hiệu xa xỉ như giày dép, túi xách… Chị có "cuồng" đồ hiệu?
Tôi không bị đồ hiệu làm cho áp lực đâu. Tôi là kiểu có cũng được, không có cũng không sao. Ví dụ như nguyên đợt dịch bệnh vừa rồi, tôi ở nhà và không mua món đồ hiệu nào cả, tôi vẫn ổn. Trước đó, tháng nào tôi cũng mua đồ mới là bình thường. Hồi xưa, tôi mua đồ hiệu với suy nghĩ đơn giản nhưng bây giờ, tôi sử dụng đồng tiền của mình hợp lý hơn.
Chiếc túi hiệu đầu tiên tôi mua là Lady Dior, không có sự tìm hiểu nào ở đây hết, tôi chỉ mua vì thấy mọi người xách đẹp và muốn trải nghiệm cảm giác đó. Hồi còn trẻ, tôi cảm giác mình có cả thế giới khi tự kiếm tiền mua được chiếc túi hiệu đầu tiên, rồi lại tự nhủ phải cố gắng lên để mua nhiều hơn nữa. Nhưng khi là chủ một thương hiệu thời trang với mức giá khá cao, tôi mua đồ hiệu để có được những trải nghiệm cao cấp, kiến thức kinh doanh từ các thương hiệu lớn và về phục vụ lại khách hàng của mình.
Một lời nhắn nhủ gửi đến các cô gái trẻ, như một người chị đi trước trong Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10, chị sẽ nói gì?
Đừng nên áp lực bản thân phải hoàn hảo mà hãy làm sao để hoàn thiện mình hơn mỗi ngày. Hoàn thiện khác hoàn hảo. Tôi nghĩ hoàn thiện là mình sẽ ngày một yêu bản thân hơn, tự tin hơn và chính mình trở nên có giá trị hơn bởi kiến thức nhận được trên hành trình trưởng thành.
Và phụ nữ chỉ cần cố gắng hết sức để theo đuổi đam mê là đã đẹp rồi. Không nhất thiết phải thành công vượt trội, có thật nhiều tiền thì phụ nữ mới đẹp đâu. Bản thân người phụ nữ có nhiều nội lực lắm, hãy khám phá mình từ bên trong và tin vào chính mình.
Cám ơn Lucie Nguyễn vì cuộc trò chuyện cùng !
Nguồn: TH&PL