Chính phủ Việt Nam tăng cường đề ra những giải pháp để phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em.
Dù tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam không cao và có xu hướng giảm theo từng năm, nhưng đây vẫn là đề tài nhức nhối, được xã hội đặc biệt quan tâm.
Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này thường xuất phát từ môi trường sống. Đầu tiên có thể do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhận thức của một bộ phận phụ huynh còn hạn chế. Bên cạnh đó, đại dịch COVID - 19 đi qua làm suy giảm sự tăng trưởng kinh tế dẫn đến việc tỷ lệ lao động trẻ em càng tăng thêm.
Nội dung liên quan
Nhận thấy thực trạng vấn đề và sự ảnh hưởng nghiêm trọng của nó. Chính phủ Việt Nam đã đề ra những giải pháp cơ bản nhằm giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em để thế hệ tương lai của đất nước được phát triển toàn diện.
Phổ cập giáo dục phổ thông, chính sách xóa mù chữ
Từ khi thực hiện chính sách phổ cập giáo dục và các chính sách hỗ trợ kịp thời trẻ em thiếu điều kiện kinh tế được cắp sách đến trường, Việt Nam đạt được nhiều thành công đáng kể. Cần tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định theo quy định của pháp luật.
Phổ cập giáo dục tiểu học được thực hiện trên cả nước và các vùng, miền. Đảm bảo công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em thuộc các hộ gia gia đình nghèo và trẻ em thuộc diện hoàn cảnh đặc biệt. Tình trạng các em nhỏ trong độ tuổi đi học không đến trường giảm mạnh kéo theo tình trạng lao động trẻ em giảm.
Nội dung liên quan
Chính sách an sinh xã hội dành cho trẻ em
An sinh xã hội được hiểu là một hệ thống các chính sách và chương trình do Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện nhằm bảo đảm cho mọi người dân ít nhất có được mức tối thiểu về thu nhập, có cơ hội tiếp cận ở mức tối thiểu về các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin.
Trong Luật trẻ em cũng chỉ rõ: Trẻ em có Quyền được đảm bảo an sinh xã hội. Hiện nay, chính sách này được triển khai thực hiện một cách sâu rộng, trong đó trẻ em là đối tượng ưu tiên để hướng đến mục tiêu giảm thiểu lao động trẻ em.
Hiện nay, Chính phủ đề ra khá nhiều chính sách miễn giảm học phí và học bổng được trao cho trẻ em hay học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cùng với đó là loạt các chính sách hỗ trợ khác để trẻ được đến trường.
Chính sách hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành lao động
Các cấp, ngành cần có nhiều hơn nữa những việc làm cụ thể để giúp trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp cho những trẻ em có nguy cơ trở thành lao động, tạo điều kiện cho gia đình các em có được nguồn tài chính ổn định. Tạo các cơ hội học nghề cho trẻ, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng có điều kiện phát triển kinh tế thấp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa lao động trẻ em. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng lao động trẻ em. Xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá việc thực hiện chương trình, định kỳ khảo sát quốc gia về lao động trẻ em.
Thực hiện công tác truyền thông
Cần đổi mới truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, người sử dụng lao động, nhất là đối với cha mẹ và trẻ em.
Nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là các hộ nghèo về vai trò, tác dụng của giáo dục đối với việc thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền rộng rãi và đề cao hơn nữa về Quyền trẻ em là việc làm cấp thiết.
Nguồn: TH&PL