Bạo lực gia đình không còn là vấn đề mới nhưng nạn nhân của bạo lực gia đình lại thường xuyên bị "làm mới".
Ngày 24/06, cả mạng xã hội lan truyền hình ảnh, video một người phụ nữ bị chồng cũ đấm thẳng vào mặt sau khi đôi co. Cư dân mạng phẫn nộ vì một người đàn ông sức dài vai rộng như thế mà lại “dùng sức” với phụ nữ giữa một địa điểm công cộng. Sự việc nổ ra với rất nhiều ý kiến trái chiều, những điều đáng suy ngẫm về tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện đại.
Không hiểu vì điều gì mà nhiều người đàn ông cứ tự cho mình quyền được đánh vợ?
Không ít những vụ án bạo hành gia đình, sát hại vợ con xảy ra hằng năm trên tất cả các nước. Chính vì những vụ án như này mà phong trào nữ quyền mới ngày càng được đề cập tới, nhưng lạ thay, cho đến giờ, dường như người ta vẫn chỉ coi bạo lực gia đình là “chuyện cá nhân”.
Có lẽ là vì sở hữu sức mạnh vượt trội trời ban, có lẽ là vì ám ảnh hay lầm tưởng về vị trí trụ cột của bản thân trong gia đình, cũng có lẽ là vì tâm lý gánh trên vai nhiều “chuyện lớn” nên dễ “phát tiết” là chuyện có thể thông cảm. Nhưng bạo hành chưa bao giờ là một việc làm đúng đắn và cũng không được pháp luật chấp nhận.
Bạo lực, đặc biệt với phụ nữ, chỉ là hành động đê hèn, thiếu hiểu biết hay sự bất lực về khả năng sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp và thiếu kỹ năng giải quyết sự việc.
Khi bạo lực gia đình xảy ra, không phải lúc nào số đông cũng ủng hộ nạn nhân
Người ta cũng lại nhìn về phía phụ nữ, phần lớn nạn nhân trong bạo lực gia đình, với cái nhìn đầy nghi hoặc, đại loại kiểu: “Cứ coi như đàn ông là những người kỳ lạ và xấu xa đi. Thứ không thể hiểu là phụ nữ kìa. Tại sao cô ấy không chạy trốn sớm hơn?”, “Có đúng là cô ta có yêu chồng mình chứ?”, “Sao cô ta không thể bỏ tên chồng bạo lực vậy? Là do không đủ tự tin về tài chính nên phải ăn bám ư?”.
Hay ngay vụ việc bạo lực gia đình ngày hôm nay, nhiều người qua đường để lại bình luận chỉ trích, đặt ra nghi vấn rằng hẳn là cô ấy đã làm gì sai thì người chồng mới hành hung như thế, rằng chắc cô ấy cũng “không ra gì” thì mới đi đến bốn đời chồng.
Bạn có giật mình khựng lại khi đọc được những lời phán xét từ vô cảm đến vô lý này? Từ bao giờ mà người ta cho mình quyền sử dụng vũ lực với đối phương để giải quyết mâu thuẫn? Từ bao giờ mà mưu cầu hạnh phúc cá nhân trở thành “lỗi” của người phụ nữ khi mưu cầu ấy chẳng ảnh hưởng đến ai? Và tự bao giờ, nạn nhân của bạo lực gia đình trở thành đối tượng đáng bị chỉ trích đến vậy?
Luôn không chỉ có một nạn nhân trong bạo lực gia đình
Hình ảnh những người con chứng kiến cha mẹ cãi vã, cha bạo hành mẹ không còn xa lạ. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là nhiều bậc cha mẹ lại vô tâm, không nghĩ nhiều về trường hợp ấy.
Trẻ em là đối tượng non nớt nhất, đặc biệt dễ bị tổn thương không chỉ về thể xác mà còn về tinh thần. Không chỉ xâm phạm về thể xác mới gọi là bạo lực mà tác động về tinh thần cũng gọi là bạo lực. Khi phải chứng kiến những chuyện vượt quá khả năng tiếp nhận, những vấn đề tâm lý sẽ xuất hiện và một khi đã kéo dài, có thể sẽ dẫn tới những chứng bệnh nghiêm trọng và đôi khi cũng dẫn tới kết thúc đau buồn. Bởi vậy mới nói, không phải cứ bị đánh mới bị tổn thương, không phải cứ bị đánh mới là nạn nhân.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình Việt Nam quy định rằng nạn nhân bạo lực gia đình có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Tuy nhiên, nạn nhân cũng phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Trong khi đó, luật của nước ta không nhắc tới quyền mà chỉ quy định nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực gia đình, như: Tôn trọng sự can thiệp hợp pháp của cộng đồng; chấm dứt ngay hành vi bạo lực; kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình; bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bạo lực gia đình khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật…
Nếu nhìn nhận một cách tổng quát, có thể thấy rằng những hành vi bạo lực gia đình xuất phát từ sự nhẫn tâm, tàn ác, đê hèn không nhiều mà do những quan niệm sai lầm, do thiếu hiểu biết, do không được trang bị kỹ năng giải quyết tranh chấp hoặc do nóng giận.
Cùng hướng đến một xã hội văn minh và lành mạnh, mong rằng một ngày nào đó, nỗi lo sợ về bạo lực có thể hoàn toàn biến mất khi, tất cả chúng ta đều nhận thức được sự nghiêm trọng và vấn đề của bạo hành. Mong rằng chúng ta sẽ trân trọng đối phương, trân trọng quyền con người hơn bất cứ điều gì để chỉ nói, lắng nghe rồi thấu hiểu.
Nguồn: TH&PL