Ám ảnh tích trữ là tình trạng dai dẳng khó khăn trong việc vứt đi món đồ nào đó, do nhu cầu nhận thức yêu cầu phải giữ lại.
"Con ơi, mẹ vứt mấy thứ linh tinh này đi nha, mỗi lần dọn nhà cực chết đi được..."
Mùa dịch mọi người không phải đi ra ngoài nhiều hoặc ngại ra ngoài để mua đồ lặt vặt trong gia đình, việc tiếp cận những ứng dụng mua bán trực tuyến như Shopee là một trào lưu lớn xảy ra gần đây với các Gen Z. Điều này dẫn đến việc thế này: "Mỗi lần mua hàng trên Shopee, tôi đều giữ thùng carton lại để sau này nhỡ cần dùng đến". Đây là một dấu hiệu trong vô vàn dấu hiệu khác của việc ám ảnh tích trữ.
Ám ảnh tích trữ là gì?
Ám ảnh tích trữ hay còn gọi là rối loạn tích trữ là tình trạng dai dẳng khó khăn trong việc vứt đi món đồ nào đó, do nhu cầu nhận thức yêu cầu phải giữ lại. Một người mắc bệnh này thường hay lưu giữ những đồ vật đã cũ thậm chí không còn giá trị sử dụng trong một thời gian dài. Người bệnh sẽ trở nên khó chịu và cáu gắt mỗi khi ai ngỏ ý muốn vứt nó đi.
Những đồ vật tích trữ thông thường là những thùng carton lớn, bao bì đã sử dụng, dây chun, các hoá đơn, hay thậm chí là giấy báo cũ,.... Trong thời buổi hiện đại, email, hình ảnh hay dữ liệu điện tử cũng là một dạng tích trữ đối với những người mắc bệnh này.
Ánh ảnh tích trữ không giống với sưu tầm. Nghe thì có vẻ hai khái niệm này na ná với nhau, nhưng chúng khác ở chỗ cách con người lưu trữ và sắp xếp chúng. Vì đồ vật sưu tầm thường có giá trị cao và hiếm, nên những người thích sưu tầm thường sẽ trân quý những món đồ mà họ sưu tầm được, có nơi cất giữ riêng và được lâu sạch bóng, nhìn ngắm chúng mỗi ngày.
Ngược lại, những người bị mắc chứng rối loạn tích trữ thường chỉ vứt chúng đâu đó ở trong kho, hoạ may những đồ vật tích trữ cùng loại sẽ được xếp chung với nhau. Đôi lúc họ còn quên béng đi sự xuất hiện của chúng trong căn nhà.
Chứng rối loạn tích trữ thường gặp ở những người lớn tuổi, tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là người trẻ không mắc phải hội chứng này. Thậm chí, các Gen Z còn bệnh nặng hơn vì họ tiếp xúc nhiều đến môi trường trực tuyến.
Đối với học sinh sinh viên, chắc hẳn ai cũng đã từng có cảm giác muốn "thâu tóm" tất cả mọi tài liệu liên quan đến môn học, ngành học của bạn, lưu chúng về và cất vào một file nào đó trên máy. Và rồi qua ngày hôm sau bạn chẳng buồn nhớ tới sự tồn tại của chúng. Hay việc chụp ảnh các bài giảng của thầy cô để về nhà sẽ xem lại hay nhỡ cần thì lôi ra xem. Nhưng kết quả chúng vẫn mãi nằm im trong album ảnh.
Hay mỗi lần lướt mạng thấy cái gì hay hay, cái túi này xinh xinh, cái váy kia đẹp đẹp là nhanh chóng lưu về album lưu, đặt cho chúng cái tên đáng yêu đợi nhớ "những chiếc túi bé cần mua" để đợi có tiền thì sẽ "hốt" chúng về. Bẵng một thời gian sau, album đầy nhưng túi tiền bạn vẫn rỗng.
Việc tích trữ đồ vật này thường nằm ở khía cạnh tâm lý. Khó khăn trong việc vứt hay xóa đi một món đồ nào đó khiến cho không gian sống của họ bị thu hẹp lại, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và vệ sinh cá nhân người mắc bệnh.
Mẹo sống tối giản cho Gen Z mùa dịch
1. Quần áo, mỹ phẩm
Đối với phái đẹp, quần áo và mỹ phẩm là hai thứ không thể thiếu đối với họ. Thói quen mua sắm vô tội vạ là thứ cản trở bạn trên con đường thực hiện lối sống tối giản. Thay vì dành nhiều thời gian trên các diễn đàn mua sắm trực tuyến, các nàng hãy dọn dẹp lại tủ quần áo của mình.
Vứt, thanh lý hoặc làm từ thiện đối với những loại quần áo bạn không mặc lần nào hay đã chật. Những loại quần áo bạn mặc không quá 3 lần, cũng hãy vứt hoặc đem cho chúng. Các nàng chỉ nên giữ lại những loại nàng thường xuyên mặc nó.
Hay trước khi bạn muốn mua món đồ nào đó, hãy nghĩ xem chúng mặc cho dịp gì thì phù hợp, có thể mặc đi học hay đi làm được không Hãy cố gắng mua những "bộ cánh" có thể mặc trong nhiều dịp khác nhau, bạn nhé.
Việc "tối ưu hoá" tủ quần áo sẽ giúp bạn tìm được những món đồ cần thiết nhanh chóng hơn, nhìn thoáng mắt hơn, đặc biệt đối với những bạn sinh viên ở trọ, điều này sẽ tiết kiệm thời gian và công sức mỗi khi chuyển chuyển nhà.
Đối với mỹ phẩm cho da mặt hoặc cơ thể, hãy vứt đi những chai lọ đã dùng hết. Tối giản tủ đựng mỹ phẩm của mình. Những sản phẩm liên quan đến chăm sóc bề ngoài, các nàng nên ưu tiên về chất lượng hơn là mua nhiều thứ nhưng không giúp bạn đẹp lên. Trừ khi bạn là một beauty blogger.
2. Không gian sống
Không gian sống ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách và chất lượng công việc. Mỗi nhà đều nên có một cái kho chứa đồ riêng, tránh vứt lung tung, nơi này một thứ, nơi khác một thứ.
Người xưa hay nói "Tốt khoe xấu che" cho nên hãy cất những thứ vặt vãnh vào kho để lại một không gian sạch sẽ và thoáng mát. Quy tắc cơ bản của việc tối ưu hoá không gian sống là đừng nên chọn quá 3 màu cho "tổ ấm" của mình. Hãy ưu tiên chọn tone màu trắng và xám hay màu gỗ làm tông màu chủ đạo cho ngôi nhà.
Ánh sáng tự nhiên luôn luôn được ưa chuộng hơn là những nguồn sáng phát ra từ bóng đèn. Hãy tận dụng ánh sáng tự nhiên hết mức có thể, để những tia nắng buổi sáng chiếu xuyên qua cửa sổ làm ngôi nhà bạn bừng sáng. Không những thể, ánh sáng mặt trời còn giúp tiêu diệt vi khuẩn, tránh ẩm mốc cho ngôi nhà.
3. Dữ liệu trực tuyến
Để giúp bạn làm việc nhanh chóng và dễ dàng tìm tài liệu mình muốn, hãy sắp xếp file trong máy tính của bạn. Những loại file liên quan tới nhau hãy cho chúng vào một file chung, tránh tình trạng để tất cả vào một chỗ, chúng vừa khiến bạn mất thời gian để tìm kiếm vừa trông chẳng có thẩm mỹ và gọn gàng, điều này phần nào nói lên tính cách của bạn đấy.
Tuy cuộc sống có bộn bề nhưng bạn đừng làm chúng rối ren thêm về chứng rối loạn này. Hãy tối ưu hoá mọi thứ trong căn nhà của bạn, cả trên laptop và điện thoại để bạn thấy thư thái hơn mỗi khi làm việc mệt mỏi. Không cần phải đắn đo mỗi khi nghĩ tới chúng.
Giãn Cách Không Sai Cách: Làm như thế nào để kỳ giãn cách xã hội của bạn không chìm trong mạng xã hội và những giấc ngủ? GenVie sẽ cùng bạn khám phá hàng loạt những hoạt động thú vị cho dịp ở nhà, cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để có một mùa giãn cách "đúng cách".
Nguồn: TH&PL