Việc chuyển đổi sang làm việc từ xa và giao tiếp trực tuyến giữa các cá nhân buộc nhiều người phải dành nhiều thời gian hơn để nhìn vào màn hình kỹ thuật số.
Trong thời gian cách ly Covid-19, cách duy nhất để nhìn thấy mọi người là kết nối trên Zoom hoặc các nền tảng ảo khác. Hội nghị truyền hình, các sự kiện xã hội và hẹn hò qua không gian trực tuyến dường như là một phương thức không thể thiếu.
Có khi bạn đang video call với một người bạn, chợt nhìn vào camera và cảm thán rằng: "Ôi trời, mặt tôi làm sao thế này" không? Nhiều người trong chúng ta thỉnh thoảng có cảm giác bất an và tự ti về ngoại hình của mình. Điều đó lại càng xảy ra nhiều hơn khi phải work from home qua hình thức trực tuyến.
Bà Shadi Kourosh, thuộc Trường Y Harvard và Massachusetts cùng đồng nghiệp đã khảo sát các bác sĩ da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ, xem xét câu hỏi liệu làm việc trực tuyến trong thời gian lockdown vì đại dịch có phải là một yếu tố lớn ảnh hưởng đến chứng rối loạn biến đổi cơ thể hay không.
Họ nhận thấy rằng: "Khi sự phụ thuộc vào các cuộc gọi video ngày càng tăng, chúng tôi bắt đầu thấy hậu quả của việc thời gian nhìn chằm chằm vào bản thân kéo dài đã ảnh hưởng đáng kể đến bệnh nhân của chúng tôi như thế nào". Và họ gọi đó là Zoom Dysmorphia – rối loạn hình ảnh phóng đại.
Zoom Dysmorphia – rối loạn hình ảnh phóng đại đề cập đến một loại BDD (Body Dysmorphic Disorder, rối loạn biến đổi cơ thể) được gọi là rối loạn hình ảnh trên khuôn mặt: Lo lắng mỗi lúc tham gia cuộc họp video khi phải mở camera; chăm chút mình trông thật hoàn hảo trước khi gọi điện video; tập trung vào sự xuất hiện trên màn hình của bạn và soi xét những nhược điểm trên khuôn mặt hoặc tự cho rằng những người khác đang tập trung vào những khiếm khuyết mà mình nhận thấy.
Khác với thuật ngữ "Snapchat dysmorphia" được đặt ra vào năm 2015 để mô tả số lượng ngày càng tăng những người muốn trông giống như hình ảnh của mình qua bộ lọc thay đổi khuôn mặt, họ đang tự so sánh mình với hình ảnh được lọc của chính mình với đôi mắt to hơn, đôi môi đầy đặn hơn hoặc làn da mịn màng hơn,... những hình ảnh phi thực tế.
Zoom Dysmorphia khiến họ soi xét kỹ lưỡng hơn mũi, da, răng, tai và các khía cạnh khác trên khuôn mặt của mình. Nhìn thấy chính mình trên màn hình máy tính giống như nhìn vào một chiếc gương hài hước khiến họ luôn muốn khắc phục để có thể tự tin giao tiếp hơn khi cho rằng hình ảnh bị bóp méo phản ánh hình ảnh thực tế. Đó là tất cả những gì mà người có triệu chứng Zoom Dysmorphia có thể gặp phải.
Camera trước có thể gây một vài biến đổi không đẹp mắt với hình ảnh của bạn hệt như một "chiếc gương soi vui nhộn" - chúng làm cho mũi trông to hơn, mắt trông nhỏ hơn, và đôi khi khiến khuôn mặt bị lệch do ngược camera. Hiệu ứng này càng trầm trọng hơn khi ở gần ống kính, khi nó gần và phóng sát khuôn mặt bạn hơn so với những cuộc giao tiếp ngoài đời thực. Việc nhìn xuống camera của điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay phô ra những góc mà nhiều người cho là nhiều khuyết điểm nhất (nọng cằm, mũi to…).
Thế hệ MySpace sẽ cho bạn biết vị trí camera tốt nhất là từ trên cao, do đó gậy tự sướng có mặt ở khắp mọi nơi. Ngoài ra, nhiều người cũng dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội, xem những bức ảnh đã qua chỉnh sửa kỹ lưỡng của người khác, gây ra những so sánh không lành mạnh với hình ảnh của chính họ qua camera trước trong những cuộc họp trực tuyến, những hình ảnh bị bóp méo và không hề phản chiếu đúng gương mặt ngoài đời thực.
Thế giới đã có sự bảo vệ của vắc xin và nhiều người có thể đến văn phòng làm việc trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Nhưng một cuộc khảo sát khác của nhóm bác sĩ Shadi Kourosh với hơn 7.000 người được hỏi, cho thấy những vết sẹo tinh thần của coronavirus - Zoom Dysmorphia sẽ ở lại với chúng ta trong một thời gian dài sau đó.
Cứ 10 người thì có 3 người cho biết họ dự định đầu tư vào ngoại hình của mình để có thể tự tin hơn với việc quay trở lại các sự kiện trực tiếp. Với thời lượng dài dành cho làm việc trực tuyến, những lo ngại về tăng cân, màu da, nếp nhăn và mụn,...dường như tăng cao hơn.
Bác sĩ Kourosh nói: "Những người dành quá nhiều thời gian soi xét, ngắm nghía về ngoại hình của mình khiến Zoom Dysmorphia trở nên tồi tệ. Đặc biệt là những người trẻ, tầm 18-24 khi tiếp xúc với nhiều bộ lọc của những "tấm gương công nghệ" khiến họ đặt nặng việc làm sao cho hoàn hảo hơn".
Bác sĩ Kourosh cho một vài lời khuyên thay đổi đơn giản có thể hữu ích: "Một người càng ngồi gần máy ảnh phía trước, khuôn mặt càng bị bóp méo. Ngồi xa hơn có thể làm cho vẻ ngoài bình thường hơn. Máy ảnh độ nét cao hơn có thể hữu ích, ánh sáng và định vị tốt hơn có thể giúp loại bỏ một số hiện tượng méo hình. Đừng dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội cũng là một giải pháp, vì việc sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng có liên quan đến sự thiếu hài lòng về cơ thể và khiến mọi người tự so sánh đâm ra tự ti nhiều hơn".
Nguồn: TH&PL