Học cách đối phó với sự căng thẳng trong mùa dịch một cách lành mạnh sẽ làm cho bạn trở nên vững vàng hơn trong thời gian này.
Dịch bệnh Covid-19 không chỉ tác động xấu đến thể trạng sức khỏe người bệnh, gián đoạn sự phát triển kinh tế xã hội mà còn để lại tác động lâu dài đến tinh thần con người. WHO cũng cho biết, tác động tinh thần mà dịch bệnh Covid-19 để lại sẽ ảnh hưởng một cách sâu rộng đến nhiều người.
Dự án Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch do TS Lê Minh Công - phó trưởng khoa công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cùng với các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, tâm thần vừa mới thành lập đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
"Thời gian lâu dài, chúng tôi có thể phát triển một dự án xã hội cho những người có vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc rối loạn tâm thần".
Có 3 lý do mà các chuyên gia, bác sĩ cùng phát triển dự án này:
Thứ nhất, trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, họ nhận thấy con người ngày càng đối diện với các vấn đề sức khỏe tâm thần, rối loạn tâm thần gia tăng.
Thứ hai, bệnh nhân/ thân chủ dường như không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhất là khi bị giãn cách xã hội và cách li.
Thứ ba, khi phải giãn cách xã hội, bệnh nhân/ thân chủ không có đủ tài chính để tìm kiếm dịch vụ sức khỏe tâm thần, tâm lý.
Các thành viên dự kiến triển khai dự án ít nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid-19, xa hơn họ mong muốn có thể phát triển một dự án xã hội cho những người có vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc rối loạn tâm thần. Nhất là sau dịch bệnh, khi tình trạng stress sau sang chấn có thể ngày gia tăng.
Ngoài hỗ trợ thăm khám, tư vấn trực tuyến cho những bệnh nhân gặp phải tình trạng xấu về tâm thần, dự án còn tổ chức nhiều hội thảo, các buổi trao đổi, workshop, chia sẻ về những vấn đề liên quan đến vấn đề tâm thần đến nhiều bạn trẻ.
Dự án hỗ trợ hoàn toàn miễn phí
Dự án Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch hỗ trợ toàn diện các vấn đề sức khỏe tâm thần cho người dân và hoàn toàn miễn phí. Dự án có sự tham gia của nhiều chuyên gia, bác sĩ thuộc nhiều chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau, đó là các bác sĩ chuyên về tâm thần, các nhà tâm lý về lâm sàng, các chuyên viên tâm lý về lâm sàng, chuyên viên về âm ngữ trị liệu, giáo dục đặc biệt,… cùng sự hỗ trợ từ các bạn tình nguyện viên kết nối giữa người bệnh và chuyên gia.
Chia sẻ các biện pháp phòng ngừa các tình trạng xấu về sức khỏe tinh thần, TS Lê Minh Công đã đưa ra 3 chiến lược.
Thứ nhất về bối cảnh liên quan đến dịch bệnh, chúng ta cần hiểu được cặn kẽ về thông tin tình hình dịch bệnh, tiếp cận thông tin dịch bệnh một cách chính thống. Hiện nay người dân thường tìm kiếm thấy các thông tin sai sự thật gây hoang mang, lo lắng cho bản thân mình, chúng ta có có thể tiếp cận các thông tin chính thống từ Bộ y tế, CDC,…
Trong bối cảnh này chúng ta nên giảm thiểu thời gian truy cập vào mạng xã hội và tham gia bình luận những vấn đề tiêu cực, bên cạnh đó tuân thủ 5K của Bộ y tế, giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe chúng ta.
Thứ hai, nâng cao hơn nữa các chiến lược chống đỡ với khủng hoảng tinh thần và căng thẳng, duy trì lối sống tích cực với chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, duy trì các hoạt động thể chất, thể dục thể thao đúng giờ, đúng sức, giúp cho tinh thần và con người ta cảm thấy khỏe hơn, tốt hơn.
Thứ ba, ngồi và hoạch định lại giá trị sống hiện tại của chúng ta là gì, ưu tiên chăm sóc gia đình, làm những việc mình yêu thích nhiều hơn, khuyến khích nên liệt kê ra và hoàn thành từ từ, hãy coi giai đoạn này như một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, xả stress". Dành thời gian để kết nối nhiều hơn với những người xung quanh, trong khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng, hãy thử kết nối trực tuyến, thông qua các mạng xã hội, điều đó giúp chúng ta bớt lạc lõng và buồn chán.
Người dân nếu gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần có thể đăng ký thăm khám, nhờ tư vấn, hỗ trợ miễn phí qua fanpage "Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch".
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức có thể gây căng thẳng, choáng ngợp và gây ra những cảm xúc tiêu cực ở cả người lớn và trẻ em. Các hành động y tế công cộng, chẳng hạn như giãn cách xã hội là biện pháp cơ bản làm giảm sự lây lan của Covid-19, nhưng chúng có thể khiến chúng ta cảm thấy bị cô lập và có thể làm tăng căng thẳng, lo lắng.
Học cách đối phó với sự căng thẳng trong mùa dịch một cách lành mạnh sẽ làm cho bạn, những người mà bạn quan tâm, và những người xung quanh bạn trở nên vững vàng hơn trong thời gian này.
Nguồn: TH&PL