Là du học sinh Nhật, Mỹ và từng làm sinh viên tại VinUni, Vừng có cả một hành trình thú vị để truyền cảm hứng cho bạn học những điều mới mẻ.
Vừng, tên thật là Lê Nam Thuận An, được biết đến với chuỗi vlog YouTube review trường đại học có học phí đắt đỏ nhất nhì Việt Nam - Vin University. Nhưng theo dõi hành trình của Vừng, người ta mới nhận ra cô gái Gen Z này còn có nhiều trải nghiệm "ngầu" hơn cả việc làm sinh viên tại VinUni:
Đi du học Nhật Bản từ năm cấp 3 tại UWC ISAK Japan, sau đó tiếp tục giành học bổng du học Mỹ lên đến 7,2 tỷ đồng ở một số trường đại học top đầu, trở thành sinh viên đại học Cornell, và còn sở hữu một bài luận giành 30 tỷ đồng học bổng.
Ở Vừng có rất nhiều câu chuyện "điển hình" của một Gen Z chính hiệu: sự tự lập, sáng tạo, dám thể hiện bản thân và quan trọng là tinh thần sẵn sàng học những điều mới mẻ ở bất kì vùng đất nào. Cùng gặp gỡ cô gái "con nhà người ta" để nghe những chia sẻ thú vị từ Vừng!
"Những sinh viên VinUni thực sự giỏi, họ nhận được nhiều học bổng bằng chính thực lực của mình"
Vừng được biết đến rộng rãi thông qua nhiều video chia sẻ về học tập, đặc biệt là "series" review trường VinUni tường tận và chi tiết. Từ đâu bạn chọn làm nội dung về VinUni, có phải định hướng lâu dài của bạn là trở thành Influencer lĩnh vực học thuật chăng?
Mình nghĩ những trải nghiệm ở trường đại học, như VinUni, thì không nhiều người có cơ hội để học ở những môi trường như vậy. Thế nên thông qua những video mình làm, mình muốn giới thiệu cho mọi người biết về việc học tại ngôi trường VinUni, nó có những cơ hội như thế nào, và kỹ năng và kiến thức đem lại cho sinh viên ra sao.
Có rất nhiều người giỏi hơn mình trong thực tế, chẳng qua họ không yêu thích hoặc không muốn bắt đầu việc sản xuất nội dung, chia sẻ trên mạng xã hội thôi. Những kỹ năng mình có không phải quá phổ biến trên thị trường, nên mình muốn "lấp đầy" khoảng trống ấy. Mình không đề cao tiêu chí nổi tiếng, hay trở thành Influencer để kiếm tiền, mình chỉ làm những gì mình thích!
Tại Việt Nam, VinUni là một ngôi trường mới và nổi tiếng, kéo theo cũng có nhiều "lầm tưởng", nhất là những mặc định sinh viên trường VinUni là "rich kid", có tiền là chính, còn những yếu tố khác là phụ. Theo quan sát và trải nghiệm của bạn, những lầm tưởng này có chính xác không?
Mình mới học ở đây 1 năm thôi, theo dạng sinh viên trao đổi. Dựa trên sự tiếp xúc của cá nhân mình khi học tại VinUni, mình thấy trường đòi hỏi kỹ năng khá toàn diện, chương trình học trường xây dựng rất bao quát. Trường có chương trình rèn luyện kỹ năng cho sinh viên năm nhất, để luyện tập kỹ năng sống xa nhà, kỹ năng mềm, giáo dục giới tính,...
Trường cũng chú trọng đến những kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm video hay kỹ năng giao tiếp. Ngoài ra còn có chương trình về sức khỏe, bắt buộc sinh viên phải tham gia một bộ môn thể thao nào đấy. Trường tổ chức cả ngày hội thể thao và mời các cái trường đại học khác đến tham dự, thi đấu với nhau. Mình cảm nhận môi trường ở đây cởi mở với sự đa dạng của những bạn sinh viên quốc tế, hay cộng đồng LGBT.
Trên mạng xã hội, sinh viên VinUni bị nói là nhà giàu, kênh kiệu. Nhưng page confession duy nhất mà mọi người có thể tìm được trên Facebook lại là một page giả, không có sự tham gia của sinh viên thật. Khi theo học tại trường, trực tiếp tiếp xúc với các bạn xung quanh, mình thấy có quá nhiều bạn thực sự tài năng và họ dành được nhiều suất học bổng bằng thực lực của bản thân.
Không nói về điều kiện gia đình của những bạn ấy như thế nào, mình thấy ai cũng thân thiện, và đều hiểu được rằng chúng mình ở trong ngôi trường này để học tập. Mọi người quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ nhau. Sau này, khi các bạn học sinh VinUni khóa đầu tiên hoàn thành việc học và tốt nghiệp vào năm 2024, họ sẽ có những đóng góp cho xã hội. Và chứng tỏ được là các bạn thực sự có tài năng, có thể đóng góp cho Việt Nam.
"Bố mẹ không thể đóng toàn bộ học phí của mình, tiền đi du học là do mình tìm kiếm từ học bổng"
Bạn đi du học vào khoảng thời gian những năm cấp 3. Điều gì khiến bạn có quyết định du học sớm như vậy, thay vì du học từ bậc đại học?
Từ bé, mình đã luôn muốn đi du học, để được trải nghiệm cuộc sống ở những nền văn hóa khác nhau. Thời mình còn nhỏ, các bạn của mình đi du lịch nước ngoài, hoặc đi du học hè rất nhiều. Mình cũng mong muốn có những chuyến đi ngắn hạn như vậy. Nhưng mình biết bố mẹ không thể đóng toàn bộ học phí của mình, nên tiền mình có để đi du học là do mình tìm kiếm từ những học bổng. Nhưng bố mẹ luôn là hậu phương vững chắc, khi mình đi xa có vấn đề gì, mình đều gọi điện về chia sẻ.
Quay lại thời đó, từ sự yêu thích cuốn truyện Totto-chan Bên Cửa Sổ, mình tìm hiểu và yêu thích nền giáo dục Nhật Bản. Mình biết tới trường UWC ISAK Japan là một trường cấp 3 ở Nhật Bản có học bổng. Hơn nữa, trường có giảng dạy bằng tiếng Anh, nên mình đã "apply" vào trường này.
Thực ra, mình đã luôn nghĩ sẽ học hết cấp 3 ở Việt Nam rồi mới đi du học đại học. Vì mình rất thích trường Hà Nội Amsterdam, dẫu từng thi trượt trường này hồi chuyển tiếp cấp 2. Sau đó, khi vào lớp 10 và có cơ hội đỗ vào trường Ams rồi, mình lại bẻ lái đi du học như vậy, mình cũng nhớ các bạn ở trường và tiếc vì không thể tham gia hoạt động ngoại khóa - những thứ mình không được làm khi học ở Nhật.
Kinh nghiệm du học dày dặn tại những trường top nổi tiếng, từ Nhật qua Mỹ, học tại VinUni một thời gian nhưng hoàn toàn dựa vào học bổng, bạn có chia sẻ gì đặc biệt về cuộc sống học tập của mình không, hẳn là bạn cũng gặp rất nhiều khó khăn?
Những năm đầu tiên học tại nước ngoài mình có gặp khó khăn. Về kỹ năng, đối với mình, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân khá khó, vì mình sang Nhật từ năm 15 tuổi. Bố mẹ gửi cho mình một quỹ tiêu vặt, nhưng giá trị đồng tiền Nhật cũng khác đồng tiền Việt Nam, mình đã phải đắn đo rất nhiều trong việc chi tiêu.
Ngoài ra, mình phải cân bằng cảm xúc giữa các hoạt động trong những năm sống ở Nhật. Đi học xa nhà như vậy, nhiều lúc tâm lý của mình buồn chán, nhớ nhà nhưng không thể về. Nhưng mình phải học cách vượt qua và tập trung, ưu tiên việc học, không thể để cảm xúc làm ảnh hưởng đến học bổng.
Dẫu vậy mình vẫn nghĩ rằng, việc có học bổng, được đi du học chỉ là một phần giúp đỡ mình bắt đầu con đường học tập thôi, rất nhiều người có xuất phát điểm như mình. Mình không nghĩ bản thân là người giỏi nhất, đạt bao nhiêu học bổng không quyết định thành công trên con đường học thuật, sự nghiệp của mình về sau.
Nhật Bản được nhìn nhận là một nền văn hóa khắt khe và lễ nghi. Trên trải nghiệm thực tế của bạn tại Nhật, bạn có thấy thế không?
Ở đất nước nào cũng có nhiều nhóm người khác nhau. Những nhận định rằng người Nhật khắt khe, mình nghĩ do cách họ thể hiện sự tôn trọng trong cuộc sống khác người Việt Nam. Ở Việt Nam, mình có thể niềm nở, tươi cười nói chuyện, nhưng người Nhật đề cao quy củ, nói chuyện nhỏ nhẹ và dùng kính ngữ nhiều.
Thế so sánh với nền giáo dục hay văn hóa Mỹ thì sao, bạn có chia sẻ gì đặc biệt không, về cuộc sống hoặc học tập?
Được trải nghiệm sớm môi trường học tập quốc tế, mình thấy các môn học sắp xếp rất mở. Những trường đại học ở Mỹ rất đề cao kỹ năng làm những bài nghiên cứu nhỏ. Mỗi môn học mình đều được viết bài nghiên cứu tầm 2000 từ trở lên. Ngoài ra, sự đóng góp, tranh biện của học sinh trong lớp cũng rất quan trọng.
Bài luận cũng thế. Mình nghĩ mình có thể chia sẻ về bài luận, đó là cần ngắn gọn, cô đọng và thể hiện qua đó sự thuyết phục thầy cô rằng mình kết nối được niềm đam mê của bản thân. Bài luận của mình, mình cũng cố gắng kết nối niềm đam mê giữa hai ngành mình muốn học, là quan hệ quốc tế và phim. Qua một bài luận, dẫu ngắn, nhưng thể hiện được lối tư duy, suy nghĩ của mình về cuộc sống và nhân sinh.
Thầy cô còn luôn khuyến khích học sinh tham gia vào tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong trường, mà bổ trợ cho kiến thức mình đã học ở trên lớp.
Nội dung liên quan
"Đạt bao nhiêu học bổng không quyết định thành công trên con đường học thuật, sự nghiệp của mình về sau"
Đảm đương cả hai công việc học tập căng thẳng và làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, bạn có bị xung đột thời gian hay vai trò không?
Việc này phụ thuộc vào cách mọi người quản lý thời gian. Tất nhiên, không thể tránh được trường hợp sản xuất nội dung trên mạng thì sẽ bị giảm bớt thời gian học tập. Nhưng mình coi nó như một sở thích, làm trong thời gian rảnh, chứ không để ảnh hưởng đến kết quả học tập. Sau này, mình muốn làm những công việc của giới học thuật, không có định hướng sản xuất nội dung mãi mãi.
Việc làm vlog đã giúp mình có những kỹ năng thiết thực khi tự quản lý dự án cá nhân. Trong những dự án chung mình làm cùng các bạn ở đại học, bọn mình bàn với nhau và quyết định một deadline. Chúng mình phải cam kết đi đến cùng với deadline ấy, để giữ uy tín của bản thân trước mọi người. Với dự án cá nhân, mình cũng đặt ra những mục tiêu và con số cụ thể mình muốn hướng đến, quản lý thời gian để hoàn thành chúng.
Các bạn theo dõi sẽ khá tò mò về cuộc sống bình thường của một Influencer học tập như bạn đấy. Cuộc sống bình thường của bạn ngoài chuyện học hành, làm vlog, thì sẽ là gì?
Bình thường mình cũng đi ăn với bạn bè, đi chơi và cởi mở, hoà đồng. Đó là những kỹ năng sống cần thiết để cuộc sống "balanced & healthy" hơn. Mình cũng tò mò và muốn tham gia nhiều hoạt động xã hội, làm các dự án cá nhân nên đôi khi hơi ôm đồm. Nhưng mình muốn cố gắng hết sức khi còn trẻ để đóng góp cho xã hội.
Vừa học, nghiên cứu và làm vlog là áp lực không nhỏ, thật ra mình không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống. Nhưng mình cũng thích quay lại những khoảnh khắc đẹp trong cuộc đời để chia sẻ với mọi người. Đôi khi, mình thấy khá áp lực trong việc phải luôn tung ra những sản phẩm mới hơn, hay hơn.
Theo dõi Vừng tại các kênh mạng xã hội: YouTube | Instagram | Facebook
Nguồn: TH&PL