Cách đây hơn 10 năm, Cbiz có show thi đấu thần tượng bị cấm vì lý do gây ảnh hưởng tiêu cực đến người hâm mộ.
Lệnh cấm đối với show tuyển chọn idol, chẳng hạn như các series rất nổi tiếng gồm Sáng Tạo Doanh, Thanh Xuân Có Bạn,... là một phần trong động thái gần đây của chính quyền Trung Quốc nhằm hạn chế những người hâm mộ quá khích, chấn chỉnh ngành công nghiệp bao phủ bởi sự hào nhoáng và danh tiếng này.
Hành động này cũng là một phần trong những nỗ lực nhằm mang lại sự minh bạch, trung thực cho ngành công nghiệp vốn dựa vào người hâm mộ. Không khó để nhận thấy trên mạng xã hội tràn lan những từ khoá tìm kiếm, bảng bình chọn và thậm chí thuê người cố tình đăng bài để kích động mâu thuẫn giữa các fandom.
Những vụ việc nổi cộm gần đây như tranh chấp tràn lan giữa các fan club, hay việc người hâm mộ chi số tiền "khủng" để chiều lòng idol mình thích bằng quà tặng xa xỉ cũng là những động lực chính đằng sau cuộc thanh trừng này.
Một vài người trong cuộc nói rằng sự hỗn loạn trong ngành công nghiệp người hâm mộ là không thể tránh khỏi trong thời đại mạng xã hội. Vì một số idol trẻ ngày nay chỉ có thể ở lại với ánh đèn sân khấu bằng cách phụ thuộc vào sự ủng hộ của fan, chẳng hạn như khuyến khích fan bỏ phiếu cho mình trên hàng tá bảng xếp hạng, thay vì dựa trên tài năng thật sự.
Nội dung liên quan
Jasmine Ma - fan của một cựu thí sinh Idol Producer bộc bạch: "Không chỉ mỗi chúng tôi ủng hộ và làm công tác quảng bá đâu, fan club nào cũng vậy thôi. Chúng tôi có nhiều việc khác nhau trong fan club lắm.
Có người phụ trách quyên góp tiền mua quà vào những dịp đặc biệt của idol. Một số người khác, bao gồm cả tôi, làm những việc hướng đến công chúng như đăng bài về idol trên Sina Weibo, Douban,... ".
Tuy nhiên, dù các hoạt động mà người hâm mộ đang làm để thể hiện tình yêu của họ có vẻ như là trò vui vô hại, thì đằng sau "mốt" thần tượng này là "một chuỗi đen tối trong nền công nghiệp giải trí hình thành bởi các công ty, fan club và các nền tảng", Zhang Yiwu - giáo sư Văn hoá học tại Đại học Bắc Kinh cho biết, nói thêm rằng những tác động có thể gây sức ép khiến giới trẻ đưa mọi thứ đi quá xa.
Giáo sư này cũng nhận định việc cấm các show sống còn chỉ là một cách để điều chỉnh lại một hệ thống đã bị méo mó.
Cư dân mạng tên Yi Yun nói rằng nhiều fan mà cô biết chỉ khoảng 13 - 14 tuổi, nhưng đã dùng rất nhiều tiền tiêu vặt để giúp đưa idol mình lên đầu các bảng xếp hạng thế lực minh tinh trên các trang mạng xã hội.
Một người có biệt hiệu Da Qi cũng chia sẻ mình từng bị cuốn sâu vào các hoạt động của fan trong quá trình phát sóng Thanh Xuân Có Bạn 3. Cuối cùng, chương trình đã bị huỷ bỏ ngay trước đêm Chung kết vì scandal của thí sinh cộng với hình thức bình chọn gây phản cảm.
Hình thức marketing của chương trình và nhà tài trợ là các fan club phải mua các thùng sữa để lấy mã QR trong đó bình chọn cho thí sinh mình yêu thích. Để lấy được số lượng lớn mã QR, fan đã mua hàng trăm thùng sữa. Đương nhiên, họ không thể uống hết và sau đó trên mạng nhanh chóng tràn ngập hình ảnh hàng loạt chai sữa bị đem đổ xuống cống.
"Tôi từng mua một thùng sữa để ủng hộ cho thực tập sinh mình yêu thích, nhưng tôi không biết họ sẽ đổ sữa xuống cống. Bởi vì những fan bình thường như chúng tôi chỉ có nhiệm vụ gây quỹ, còn người đứng đầu fan club chịu trách nhiệm kiểm soát việc bình chọn, Da Qi cho biết.
Thông báo tháng 9 này không phải là biện pháp duy nhất được đưa ra để hạn chế những người hâm mộ mất kiểm soát. Vào tháng 8, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã ra thông báo các nền tảng trực tuyến nên xử lý các "bot", thường được dùng để làm giả lượt thích, bình luận và lượng truy cập trực tuyến.
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc vào cuộc để kiểm soát các show thi đấu thực tế. Hồi năm 2006, show thi hát mang tính thần tượng tiên phong có tên Super Girl từng bị hủy bỏ, sau khi hệ thống bình chọn được xác định là có những ảnh hưởng tiêu cực như "cường điệu quá mức văn hóa hâm mộ" và lôi kéo khán giả bỏ tiền ra ủng hộ idol của mình.
Trong 15 năm qua, dù các show có thay đổi từ push một ngôi sao mới thành một nhóm nhạc mới, từ tập trung vào tài năng và khả năng trình diễn tốt sang chú trọng ngoại hình, thì nền tảng cốt lõi là làm fan hứng khởi vẫn không thay đổi.
Vì vậy, các công ty giải trí đã tập trung vào việc "đóng gói" một hình ảnh hoàn hảo cho các ngôi sao, chi số tiền cực khủng để tiếp thị "gà" nhà mình trên các nền tảng mạng xã hội. Cùng lúc đó thì một số fan club và các tài khoản quảng cáo bắt đầu cố tình đăng các chủ đề gây tranh cãi, nhằm đẩy các cuộc tranh luận trên mạng lên cao trào để tăng "nhiệt" cho ngôi sao rồi thu lợi nhuận.
Xu hướng "idol" từ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng được coi là "đầu vào xu hướng văn hoá" đã bị lạm dụng quá mức trong quá trình bản địa hóa ở Trung Quốc.
"Ngành công nghiệp thần tượng về cơ bản dựa trên nền tảng của văn hóa idol. Trong quá trình bản địa hóa, các nhà đầu tư đã vào cuộc để tìm kiếm vận may ở trò chơi này. Nhưng việc bản địa hóa nền văn hóa đặc biệt này không đời nào chỉ có thể dựa vào các nhà đầu tư", Shi Wenxue, một nhà phê bình văn hoá và phim ảnh Trung Quốc nói.
Nguồn: TH&PL