Tuần giãn cách xã hội thứ 3: Sài Gòn chỉ "cảm cúm", rồi sẽ "khỏe" lại sớm thôi!

Lần giãn cách xã hội thứ hai của thành phố, Sài Gòn "cảm cúm" dài hẳn một tháng sáu.

14 ngày chạy dọc chạy xuôi, những ngày truy vết, gồng mình chống dịch, kiểm soát rồi lại nhận tin vết thương lại lở loét rộng ra khắp cộng đồng. Những đôi dép tổ ong mòn đế, bộ đồ xanh ướt đẫm mồ hôi, những vết lằn ở khoé tai...vậy mà Sài Gòn vẫn ốm đau, lần này bệnh nặng hơn, hai tuần điều trị vẫn chưa khoẻ. 

Tiếng xe cứu thương khắp mọi nẻo đường, ngõ hẻm đột ngột giăng dây, trường học, công ty, chung cư,...có nơi nào được yên với “Cô vy”. Tháng sáu này, cả thành phố như lặng im mong cầu một liều thuốc chữa lành. Người người sẽ khó lòng quên được, Sài Gòn bệnh lâu quá, cả tháng mưa nắng chỉ toàn là giãn cách xã hội.

tuan gian cach xa hoi thu 3 sai gon chi cam cum roi se khoe lai som thoi - anh 0

Cảnh hàng ngàn người xếp hàng chờ xét nghiệm, 22 quận huyện của thành phố đều dính bệnh, “đòn giáng” nặng nề nhất lại ôm hết vào Gò Vấp, Thành phố Thủ Đức. Tất cả chỉ biết lặng im trong đau đớn, giãn cách xã hội, cuộc sống mưu sinh trở nên oằn mình, kỳ thi chưa định ngày tổ chức, ngày ra trường sao xa đến độ,...

“Người Sài Gòn vậy đó, tưởng khó ưa chứ thương dữ lắm!”

Sài Gòn trong mắt bao kẻ thập phương tìm đến cũng chỉ là chốn để mưu sinh, vì sinh kế mà rơi quê hương lập nghiệp. Nơi đây là điểm để trú ngụ, no cho cái bụng, tìm kiếm hành trang tri thức và cả kế sinh nhai với đủ thứ chuyện kiếm ra được đồng tiền. Ở đây, từ lúc mặt trời mọc đến lúc đặt lưng xuống giường có bao giờ thở một cái nhẹ nhàng vì hết đi những lo toan. Thành phố này, ai ai cũng vội, đậu mấy mươi giây đèn đỏ cũng thấy mất thời gian, bữa cơm lùa nhanh để còn giao cho kịp hàng, giấc ngủ 2,3 giờ của deadline,...Vậy mà giờ chỉ ước nó được lặp lại sự bận rộn đến đau đầu đó cũng khó. 

Kẹt xe mỗi giờ tan tầm, việc làm hoài chẳng hết, quán xá đông nghẹt người, bar pub mở ùm ben đến sáng,...Mấy điều hằng ngày làm bao người khó chịu nay có muốn làm mình làm mẩy cũng chẳng thể nào diễn ra. Người người hay trách nơi này vô tình, hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo nhưng giờ đây ai ai cũng phải rơi lệ vì thành phố bệnh nặng, bệnh thì ai cũng bệnh, nhưng lần này lâu đến mức ai cũng âu lo, sầu muộn. 

tuan gian cach xa hoi thu 3 sai gon chi cam cum roi se khoe lai som thoi - anh 0

Ốc đảo Thanh Đa vắng thưa hẳn người so với ngày trước, không còn ai lui đến chụp ảnh mỗi chiều. Quán xá bên bờ kè cũng xếp gọn lại một góc, trận cờ tướng cũng không còn ai bu quanh, chợ cũng bớt ồn ào, náo nhiệt đến nao lòng. Mấy đứa nhỏ không chạy xe đạp, quán trà sữa, bò viên hay hàng ốc cũng chỉ bán mang về. Cuộc hẹn nào cũng ngừng lại, mấy cô hàng xóm cũng buồn miệng, nhớ nhau mà chỉ dám gặp lúc vắng người, bắt cái ghế, đeo khẩu trang ngồi xa nhau tận hai mét. 

“Rầu lắm chứ, buồn nhiều nhưng cũng tự an ủi mình là còn may mắn lắm chứ! Khu cô sống vẫn ổn, hôm dưới Bình Quới có ca bệnh, cả khu phong tỏa, lo cho cả mình, lo cho mấy nhà dưới đó. Tự nhiên ập đến, đảo lộn hết cả lên mà không biết phải làm sao. Ngày xưa chiến tranh còn có hầm, còn biết chỗ để trốn. Giờ Sài Gòn dịch, cả nước chống dịch, ca nhiễm cứ tăng lên, không biết dịch nó đang bay ở đâu, khi nào đụng đến mình. Cô không đi làm, chỉ ở nhà giữ cháu, nhìn con cái đi làm mà lo, nhìn người ta bán buôn ế ẩm mà thương, mà xót”. - Cô C tâm sự, cười nhẹ nhưng mủi lòng.

tuan gian cach xa hoi thu 3 sai gon chi cam cum roi se khoe lai som thoi - anh 0

Sài Gòn những ngày bận bịu vô tâm đến không thể ưa nổi. Nhưng thành phố bệnh, chẳng ai nói ai lời nào, cùng chung tay giúp Sài Gòn nhanh khỏi. Cô Tám cười khi nhận được bịch khoai tím từ phường tặng cho, những túi đồ ăn được chuyền tay nhau vào con hẻm nhỏ, cách ly nhưng chẳng phải khổ sở thiếu thốn, tủi thân nào cũng được dân Sài Gòn ôm ấp, sẻ chia. Nồi bánh hôm tết Đoan Ngọ ở hẻm 411 cũng làm ấm áp thêm mấy mươi ngôi nhà, đòn bánh tét để kịp cười một cái, nhìn lại nửa năm đã qua, mong tháng sáu này sẽ không còn sầu đau vì “cảm cúm, hắt xì”.

“Tụi nhỏ cứ buồn rầu vì học mãi chẳng đến ngày thi. Kỳ thi chuyển cấp dài nay lại dài hơn, cứ học ôn rồi dời ngày thi vì dịch. Thương con mà chẳng biết phải làm sao, chỉ mong dịch không còn tăng, ca nhiễm nào cũng sẽ sớm khỏi bệnh về nhà. Mấy đứa nhỏ được thi cử, mặc áo dài, đứa thì thành sinh viên. Mong vậy thôi đó, hết dịch để còn bán cà phê, tám chuyện nữa!”. Chị T chia sẻ khi đang lo lắng cho cậu con trai đợi ngày thi chuyển cấp. 

tuan gian cach xa hoi thu 3 sai gon chi cam cum roi se khoe lai som thoi - anh 0

Lúng túng ở lần đầu, thích nghi rồi quen dần với giãn cách xã hội nhưng lần này Sài Gòn giãn cách lâu đến vậy, nhiều ca nhiễm đến thế! Thương cho thành phố Chủ tịch, thương cho người dân gốc, người dân tạm, người ở nhà, người lấy đường làm nhà. Người người thương mến và cần nơi này như hơi thở, như chiếc phao cứu sinh, như người bạn lớn luôn bao dung, chở che.

“Hứa ngày gặp lại sẽ không bùm kèo nữa, thực tập đợi đám mình”

Giãn cách lần một, cái group chat ting ting lên tin nhắn, đứa nhanh chân trở về nhà, đứa rầu vì ký túc xá thành khu cách ly, đứa thì dân thường trú Sài Gòn, đứa vì công việc mà chẳng về,...rồi bảo nhau cẩn thận, đừng có ra đường ở yên trong nhà, hết dịch lại cà kê hàng quán, nhoi nhoi mỗi sáng góc căn tin, ngủ gà ngủ gật ở giảng đường. 

Ở nhà mới mười bốn ngày mà ngỡ sao lâu quá, cảm giác cuồng chân đến khó chịu. Ngày nào tin nhắn group cũng hỏi nhau “mày ở trên đó ổn không, ở nhà chán quá thèm nói chuyện xàm ghê, quên luôn cách giao tiếp, mớ quần áo đẹp đẽ cũng không được mặc,...”. Đủ thứ âu lo cứ thế mà ngày trôi qua ngày, gạch từng số trên tờ lịch bàn, canh từng tin tức ca nhiễm trên báo, chỉ mong giảm nhanh, mong dịch sớm ổn định như năm trước để còn được đi học. 

tuan gian cach xa hoi thu 3 sai gon chi cam cum roi se khoe lai som thoi - anh 0

Lặng lẽ, một dòng link trong group được hiện lên, “TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội hai tuần nữa”, vậy là xa nhau tiếp nữa. Nhưng đứa nào cũng an ủi nhau thôi thì ở nhà thêm tí đỡ hơn ra đường làm hại người khác chỉ vì sự vô tư của chính mình. Người trẻ là vậy đó, nhớ Sài Gòn những ngày uyên náo, đám bạn cứ mãi ngồi nhắc lại mấy hôm Sài Gòn chưa ốm, mấy hôm chưa phải bị băng bó vết thương. 

“Có cách nào ship cho ly trà dâu xuống Vũng Tàu không?”, “nhớ nồi lẩu chay làng đại học quá!”, “hứa luôn đi học lại không bùm kèo nữa, sẽ đi nhiều hơn với tụi mày”. Ai cũng nhớ Sài Gòn, cũng mong thành phố vượt qua khó khăn, mong tất cả cùng chung tay mà cố gắng thêm chút, một chút nữa. 

tuan gian cach xa hoi thu 3 sai gon chi cam cum roi se khoe lai som thoi - anh 0

Bảo nhau ở yên trong nhà, tháng sáu rồi sẽ qua, đợt giãn cách lần hai cũng sẽ là lần cuối, tháng bảy sẽ thắng đại dịch. Chuyến thực tập thực tế sẽ diễn ra, kịp cho nhau kỉ niệm không thể quên của đời sinh viên, kịp cho con bạn chuyến đi xa khỏi Sài Gòn, rồi dăm ba bữa nữa nó lên đường định cư. 

Dịch mới để thêm trân trọng những ngày bình thường đã qua, dịch để thấy Sài Gòn làm người người nhớ thương đến nhường nào. Nơi này khó lòng mà ngoảnh mặt quay đi, ai cũng có một miền ký ức riêng cho mình tại thành phố hoa lệ này.

Con chó đã kịp ăn, cây táo đã ra hoa, đội tuyển vào vòng loại cuối…chỉ mong Sài Gòn mau khỏi

Cộng đồng “Tôi là dân Bình Thạnh” cũng khó lòng quên được lời mong cầu, giúp đỡ khi gia đình phải đi cách ly, đàn ngỗng sau nhà, con chó nhỏ trước sân vẫn còn đang đói meo vì chưa được cho ăn. 

Chị H không giấu khỏi những lo lắng khi nghe tin gia đình em họ đi cách ly, "Đó là nhà em gái tôi, cả gia đình nó vừa được đưa đi cách ly tập trung dưới Củ Chi. Trong nhà còn 6 con chó và mấy con ngỗng, có cách nào giúp tụi nó không anh?". Chị đến trước hẻm nhưng lại bị phong toả, chẳng thể nào vào được. 

May mắn, lời kêu cứu đã nhận được nhiều sự quan tâm và được hồi đáp. Chị hàng xóm tên Trinh đã nhận lời chăm sóc, lo cho đám nhỏ đó mỗi ngày. Sau khi nhận thức ăn, chìa khóa nhà, chị Trinh mang đồ bảo hộ vào bên trong cung cấp lương thực. Đàn ngỗng vẫn kêu suốt ngày, chú chó cũng hạ sinh hai con, khỏe mạnh và vô cùng đáng yêu.

tuan gian cach xa hoi thu 3 sai gon chi cam cum roi se khoe lai som thoi - anh 0

Cây táo nở hoa từ phim ảnh đến đời thực, người dân ở phường Hưng Thuận cũng kịp đón nhận niềm vui khi những ngày cách ly đã qua có thêm niềm vui, vơi đi sự tù túng bằng việc chăm sóc cây táo trước nhà. “Chúng tôi hiểu cảm giác của bà con những ngày cách ly ở trong khu vực phong tỏa, mọi người rất bí bách, khó chịu. Chúng tôi nghĩ ra cuộc thi trồng táo, để mọi người cùng chăm cây, vun trồng để cây ra hoa thêm, kết trái thêm, từ đó thêm vui vẻ, giảm bớt lo âu, căng thẳng, 20 ngày cách ly cũng thế mà trôi qua nhanh hơn”. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường chia sẻ. 

Đúng như nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết: “Nếu cuộc đời toàn chuyện xấu xa. Vì sao cây táo lại nở hoa”, cây táo giờ đây đã ra hoa kết trái, người dân Hưng Thuận cũng đã nghiêm chỉnh chấp hành cách ly, chẳng mong riêng gì cho nhà mình, hay khu Hưng Thuận mà mong sớm thôi Sài Gòn chẳng còn nơi nào phải cảnh giăng dây, rào chắn, bảng phong toả.

tuan gian cach xa hoi thu 3 sai gon chi cam cum roi se khoe lai som thoi - anh 0

Việt Nam mấy hôm nay lại vỡ oà qua màn ảnh nhỏ, ba trận đấu vòng loại thứ hai của World cup 2022 làm xua tan hết những muộn phiền dịch bệnh. Người ta gọi chiến thắng của thầy trò Park Hang Seo như liều vắc xin tinh thần cho cả dân tộc, cho Sài Gòn dạo gần đây. Hành trình lịch sử đã được các chiến binh áo đỏ vẽ nên giấc mơ lịch sử, đội tuyển bước vào vòng loại cuối của World Cup. Các chàng trai trẻ làm nên câu chuyện cổ tích về bộ môn túc câu. Người dân Sài Gòn cũng sẽ làm nên câu chuyện diệu kỳ chống dịch và đánh bại Covid-19. 

Mọi thứ nhỏ nhặt đã được bình an, điều lớn lao nào rồi cũng sẽ đến. Chuỗi ngày xám xịt này sẽ không còn bủa vây thành phố. Sài Gòn chỉ là đang ốm một chút, rồi sẽ sớm khỏi thôi! Cuộc sống thường nhật lại trở về, dòng người đông đúc, xe cộ chen chúc nhau từng mét đường, quán xá lại xôm tụ, chỉ cần mỗi người góp một phần sức mình, góp chút trách nhiệm vì bản thân, vì cộng đồng. Tháng sáu sẽ qua nhanh, dịch sẽ được dập, Sài Gòn hết bệnh.

Sài Gòn ngày “giăng dây”: Những tụ điểm của giới trẻ lặng yên giữa mùa dịch

Sài Gòn bùng dịch trở lại, Gen Z đang làm gì ngoài học online, ăn ngủ cho "qua ngày đoạn tháng"?

Gen Z - một thế hệ có tương lai đầy biến động vì sự xuất hiện của COVID-19

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ