Nhịp thở Sài Gòn chậm lại nhưng nồng ấm tình người, quán xá vắng bóng người trẻ, thành phố bước vào những ngày tĩnh lặng.
"...này đâu phải Sài Gòn của tôi!"
Câu nói được vang lên từ chị gái chạy xe Lead trên đường Lê Duẩn làm tôi cũng kịp nhìn lại thành phố mà mình trú ngụ mấy năm qua nay sao lại lạ kỳ đến vậy. Khoảnh khắc từ 0h00 ngày 31/5 khi chỉ thị số 15 và số 16 được thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, đó cũng là lúc Sài Gòn nhộn nhịp này trầm mặc một nỗi buồn hiện rõ, hít thở một hơi thật sâu rồi lặng thinh bước vào giãn cách xã hội.
Ngõ hẻm cứ lần lượt bị phong toả, số ca bệnh cứ tăng lên tăng lên. Sài Gòn như chết lặng khi cái hắt xì hơi chết người năm ấy đã quay trở lại hoành hành dữ dội. Mấy hôm trước thành phố còn nhộn nhịp với cái danh "thành phố không ngủ". Vậy mà chỉ vì "Cô Vy", nơi đây lại một lần nữa đớn đau khép lại thanh cửa sắt, những bảng hiệu bán mang về được treo lên, đường sá lặng thinh, xe cộ thưa thớt, vắng bóng người, đìu hiu. Người người phải thốt lên trong nao lòng "Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, y tế phường không đến để giăng dây".
Thành phố sống trong những ngày âu lo, một giấc ngủ chẳng yên lòng, ngày ngày báo chí cứ vang lên tin tức "hôm nay Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện thêm ca lây nhiễm…", khắp trang mạng xã hội bạn bè ủ rũ vì xóm mình ở đã bị phong toả, cái hẻm nhỏ lại nghe tin có người phải đi cách ly. Sài Gòn giờ đây chỉ còn biết thương nhau bằng cách ở yên trong nhà. Yêu thương giờ đây không còn thể hiện qua cái ôm thân mật mà là "Bộ Y Tế đề nghị người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và không tụ tập đông người".
Vì yêu thương nơi này, những kẻ trú ngụ tạm bợ đành kéo vali rời xa. Người trẻ lần lượt rời Sài Gòn, để lại một khoảng trống lặng im. Họ rời thành phố trong sự nuối tiếc, tiếc chưa kịp ghé qua nhà hát Thành phố mua ly trà đào, thèm món tré trộn cùng ly trà dâu góc đường Đông Du, thiếu luôn ly cà phê nói chuyện phiếm ở Vợt, dạo quanh một vòng Sài Gòn để xem nay Phố đi bộ đông đúc đến nhường nào,...
Vì an toàn cho bản thân, vì muốn thành phố sớm ổn định, những đứa trẻ Sài Gòn gốc cũng ở yên trong nhà, từ thường trú đến trạm trú ai cũng gác lại Sài Gòn sau vai, hẹn gặp lại khi dịch qua đi. Đây cũng là lúc thành phố như được "detox" trở lại sau nhiều ngày vội vã, xô bồ, ôm ấp bao dung hàng triệu con người. Sài Gòn rộn ràng, huyên náo là vậy mà giờ tuênh huênh những khoảng trống, hàng quán đông đúc người ngồi giờ đây chỉ còn là chốt đóng then cài.
Mặt hồ con Rùa cũng soi bóng mình trong cô đơn, vắng bóng đám trẻ tụm năm tụm bảy ăn hàng buôn chuyện. Góc bờ kè Thanh Đa cũng thiếu vắng tiếng cười nói, trẻ con cũng không còn nô đùa trước hành lang chung cư. Hẻm bia Phạm Viết Chánh cũng không ai ngồi "chill". Đường sá trung tâm, nay chỉ còn lại chú bảo vệ trực cổng, anh công an đứng gác, cô công nhân môi trường quét rác.
Lượn một vòng Sài Gòn, tất cả "sạch" trong sự vắng bóng người, thinh không đến ngỡ ngàng, sự lặng im Sài Gòn đẹp đến lạ thường. Nơi này như một người nghệ sĩ "debut" trở lại sau nhiều năm, những nốt âm vang, ngữ điệu riêng biệt được ngân nga. Vang lên lời ca cảm ơn vì túi đồ ăn gửi vào khu vực phong tỏa, lời động viên gửi nhau khi thực hiện cách li, nụ cười thật tươi của chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi khi bước vào "vùng Gò Vấp".
Khi thành phố "lockdown", sự im lặng cất lời, chúng ta như được thấy một đời sống rất khác ở nơi đây. Nhịp thở Sài Gòn chậm lại nhưng nồng ấm tình người. Quán xá vắng bóng người, những người trẻ "vô tư vô tâm" nay lại xông pha vào ổ dịch, hàng triệu sinh viên nhường chỗ ở để đón người vào cách ly. Sài Gòn, giờ đây như được tạm nghỉ phép sau khoảng thời gian làm việc chăm chỉ. Nghỉ ngơi đi Sài Gòn, chúng ta rồi sẽ gặp lại nhau, Gen Z nhớ lắm rồi đấy!
Dẫu chúng ta vẫn đang lo lắng nhiều, nỗi bất an về dịch bệnh vẫn canh cánh trong lòng, nhưng yên tâm nhé, mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi. Chúng ta đã từng mạnh mẽ đến nhường nào, đã từng đi qua cơn sóng dữ này, giờ chỉ là đôi chút khó khăn cần phải vượt qua. Hãy xem đây là cơ hội để chúng ta được nhìn lại, sau thử thách này chúng ta lại tiếp tục cuộc hành trình của mỗi người.
Sài Gòn rồi sẽ trở về với những ồn ào quen thuộc, góc đường quen sẽ lại rộn tiếng người trẻ bông đùa, đường sá lại đông đúc giờ tan tầm, chiếc áo dài trắng lại phấp phới nơi sân trường. Bình tĩnh "mua mang về", ở yên trong nhà và hẹn nhau khi mùa dịch qua đi.
Sài Gòn hết giãn cách, bạn sẽ làm gì?
Nguồn:TH&PL