Bạo lực chưa bao giờ là sự ưu tiên, nó chỉ đang là một minh chứng cho sự suy đồi đạo đức và cần được dư luận lên án, bài trừ. Thay vì hóng hớt, tung hô.
Trang Nemo và Trần My là hai cái tên trở thành tâm điểm bàn tán của cộng đồng mạng hiện nay. Theo thông từ các trang mạng tường thuật lại, sự việc bắt đầu từ chuyện Trần My và Trang Nemo cùng kinh doanh thạch giảm cân online. Nhưng Trần My đã tự ý sử dụng hình ảnh của Trang Nemo để bán hàng nên bị yêu cầu gỡ xuống. Sau đó, cả hai liên tục "khẩu chiến" qua lại trên sóng livestream trong khoảng thời gian dài.
Chiều ngày 16/1, hai bên đã có cuộc gặp mặt trực tiếp để "3 mặt 1 lời" tại shop của Trang Nemo. Trần My có đi cùng người bạn của mình là K. đến để nói chuyện, tuy nhiên vì thấy sự xuất hiện của K. không liên quan và cả hai bên đã có những lời nói "hơn phân" nhau dẫn đến hành vi bạo lực ngay sau đó. Tuy nhiên lực lượng chức năng đã ngay lập tức có mặt để giải quyết.
"Nắm đấm" chưa bao giờ là cách để giải quyết mâu thuẫn
Sáng ngày 17/1, K. - người phụ nữ bị nhóm người ở shop Trang Nemo hành hung đã lên tiếng về sự việc, cô chia sẻ loại toàn bộ sự vụ cuộc ẩu đả cũng như đưa các hình ảnh chụp mặt mũi xây xát, xưng bầm vì bị đánh. Đồng thời, K. cho biết mình mới sinh em bé được 4 - 5 tháng nên sức khoẻ chưa hoàn toàn ổn định và chờ kết quả giám định thương tật của bệnh viện.
Trước sự việc "chuyện bé xé ra to" này, hầu hết cư dân mạng đều đồng lòng lên án hành vi bạo lực để giải quyết vấn đề giữa hai bên. Bởi sự việc không chỉ làm tổn thương thể chất của người trong cuộc mà còn gây mất trật tự an ninh và tác động rất lớn đến tư tưởng của các em nhỏ bởi độ phổ biến "drama" trên các trang mạng xã hội.
Một người để lại bình luận: "Bây giờ các shop online nói với nhau trên livestream không xong là kéo ra ngoài giải quyết bằng nắm đấm thế này à. Nói chuyện đàng hoàng không được sao?". Điều này cho thấy, không phải drama nào cũng được tung hô, thậm chí là lố lăng, phản cảm và vượt khỏi tầm kiểm soát của một mâu thuẫn có thể giải quyết bằng lời nói.
Tương tự vào cuối năm 2021 cũng có một sự việc thương tâm xảy ra khi một nữ sinh bị chủ shop hành hung dã man vì trộm váy tại Thanh Hoá. Nhiều người tỏ ra khá bức xúc về chuyện có một nhóm "người lớn" hùa nhau làm nhục một nữ sinh còn chưa đến tuổi trường thành.
Điều đáng nói, không một ai có mặt tại thời điểm đó có hành động can ngăn, thậm chí một số người đàn ông còn "tiếp tay" cho 2 người phụ nữ thực hiện hành vi này.
Bạo lực chỉ sinh thêm rắc rối, vậy tại sao nhiều người vẫn "chuộng" giải pháp này?
Đằng sau sự xô xát và bạo lực hầu hết đều có sự can thiệp của cơ quan chức năng và những hình phạt theo quy định của pháp luật vì đã cố ý gây thương tích cho người khác. Kèm theo đó là những hệ luỵ đáng tiếc về thể chất, tinh thần và cả những tổn thương khó có thể nào lành lại.
Có rất nhiều nguyên nhân bắt nguồn cho hành vi bạo lực của con người nhưng hầu như trong mọi trường hợp đều đáng phải bị lên án, bởi trên thực tế đây chưa bao giờ là giải pháp. Nhất là trong vấn đề bạo lực thể chất, dùng tác động tay chân lên những nhóm đối tượng từ một phía hay dùng chúng để giải quyết lẫn nhau.
Từ những việc đã xảy ra, phải chăng bạo lực ngày nay đang được con người "bình thường hoá", khi chỉ cần những mâu thuẫn, xung đột dù nhỏ cũng dễ dàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" để giải quyết mọi chuyện.
Điều đáng nói ở đây chính là thái độ xem thường pháp luật của một bộ phận con người trong xã hội, từ cho bản thân mình quyết định trong việc xử lý một cá nhân. "Thích thì đánh" không kể việc người đó có gây ra lỗi lầm hay không như việc bé V.A bị mẹ kế bạo hành đến tử vong vì những lý do cá nhân, hay chỉ vì ghét một người cũng có thể dùng bạo lực để thoả cơn ghét như những sự việc bạo lực học đường, hay bạo lực công sở,...
Bạo lực chẳng thể giải quyết được gốc rễ mọi chuyện, nó chỉ đang cho thấy sự xuống cấp trầm trọng của những giá trị đạo đức, đúng hơn là nhân cách của một con người. Như lời cảm thán của một cư dân mạng trước sự việc: "Đánh nhau có lợi ích gì không ngoài hả cơn giận tức thời?"
Bạo lực chưa bao giờ là sự ưu tiên, nó chỉ đang là một minh chứng cho sự suy đồi đạo đức và cần được dư luận lên án, bài trừ. Thay vì hóng hớt, tung hô.
Nguồn: TH&PL