Sự việc một Hoa hậu bị tố từng bạo lực bạn học gây ra không ít tranh cãi, sự việc tuy vẫn chưa rõ ràng nhưng có thể nhận thấy bạo lực vốn mang lại rất nhiều hệ lụy.
Mới đây, cộng đồng người hâm mộ sắc đẹp lại rầm rộ trước thông tin một hoa hậu bị bạn học cấp 2 tố cáo trên mạng xã hội vì từng bạo lực học đường. Sự việc với rất nhiều những luồng ý kiến, sự tranh cãi khác nhau đến từ người trong và ngoài cuộc, tuy nhiên đây cũng chỉ là những thông tin một chiều và hoàn toàn chưa có được sự kiểm chứng rõ ràng cho những việc làm trong quá khứ.
Không bàn cãi đến sự đúng sai hay drama vẫn đang diễn ra trên mạng xã hội, phía dưới những bình luận tại các bài đăng nhiều người cũng để lại những câu chuyện của bản thân hay những hậu quả mà bạo lực học đường mang lại. Tất cả cũng phần nào mang đến cho chúng ta một góc nhìn đầy thực tế về những hệ lụy ghê gớm mà bạo lực học đường đã mang đến cho những học sinh.
Ngoài những chấn thương thể chất, tinh thần cũng bị ảnh hưởng
Với độ tuổi đang trong quá trình khám phá bản thân mình, nhiều cô cậu học sinh thường có tâm lý muốn chứng tỏ bản thân hay trọng sĩ diện, thực tế hơn là sự "háo thắng". Từ đó, mà hành vi này trong suốt nhiều năm qua vẫn luôn được xem là chủ đề vô cùng "nóng" của giáo dục.
Với những cuộc đụng độ giữa các học sinh với nhau chỉ dừng lại ở mức độ sai phạm trong hành vi, nhưng với những bạn đang từng ngày chịu cảnh ức hiếp của tập thể hay sự hội đồng, chấn lột… sẽ để lại di chứng tinh thần rất lớn. Đó là khi các bạn sẽ phải luôn sống trong cảm giác lo sợ, ám ảnh trong suốt một thời gian dài nếu không có được sự can thiệp giúp đỡ.
Số khác thì cũng thiếu mất đi sự tự tin trong việc học, sợ hãi đến trường hay luôn sống trong những chuỗi ngày lo lắng, điều này vô tình gây ra những căng thẳng bên trong tâm trí khiến nhiều học sinh rơi vào trầm cảm và giải quyết mọi thứ bằng cách tự tử. Một hệ lụy gián tiếp vô cùng thương tâm với vô số những sự việc vẫn đang diễn ra tại nhiều nơi trong suốt những năm qua.
Đáng buồn hơn hết là dù giáo dục và rất nhiều các tổ chức đã luôn chung tay để nâng cao ý thức của học sinh trong các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường thì tình trạng này vẫn không thể hạ nhiệt. Theo thống kê vào năm 2019 thì chỉ trong 10 năm trở lại đây, nạn bạo lực học đường đã tăng gấp 13 lần, lên đến hơn 1.000 vụ mỗi năm. Bên cạnh đó, còn là sự gia tăng của mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng của sự việc, nhất là khi bắt đầu có sự can thiệp của thế giới ảo và cộng đồng mạng.
Những ám ảnh đeo bám trong suốt quá trình trưởng thành
Một bình luận từ cư dân mạng cho biết: "Dù mọi chuyện đã trải qua nhiều năm nhưng mình vẫn ám ảnh khoảnh khắc ngày hôm đó, mình chỉ biết ngồi im chịu trận và bất lực mà chẳng có bất kỳ sự giúp đỡ nào". Có thể thấy được một thực tế, bạo lực học đường đã để lại những di chứng nặng nề đến tâm lý, đôi khi còn tác động đến cả tư duy và hành động của một con người.
Đó không còn là những vết thương da thịt, mà là sự e ngại trong giao tiếp hằng ngày, những tổn thương tồn tại bên trong hay sẽ chính là người dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Tất cả dường như đang diễn ra theo một vòng lặp bên trong tâm lý con người, ám ảnh và rồi thay đổi để dẫn đến hành vi sai trái lên những người khác, hay nạn nhân tiếp theo.
"Chỉ những ai từng là nạn nhân của bạo lực học đường mới thấy nó đáng sợ đến mức nào, dù biết là tâm lý tuổi chưa trưởng thành nhưng đừng dùng điều này để bao biện cho sự sai trái", một bình luận từ phía cư dân mạng. Có thể những tổn thương về mặt thể chất có thể sớm được chữa lành hoàn toàn nhưng những ảnh hưởng tâm lý sẽ mãi mãi luôn là vết sẹo trong cuộc đời.
Những tổn thương do bạo lực gây ra sẽ mất một khoảng thời gian rất lâu sau mới có thể quên hết được, thậm chí sẽ không thể chữa lành hết bởi hậu quả mà chúng mang lại rất nặng nề. Đừng cho rằng đó chỉ là những hành vi của đứa trẻ chưa trưởng thành khi chính những điều này lại đang có những tác động trực tiếp đến cuộc sống và tương lai của mỗi cá nhân.
Nội dung liên quan
Sai lầm có thể bỏ qua, nhưng tổn thương sẽ rất khó quên đi
Ai cũng có những sai phạm của bản thân trong quá khứ, với học sinh thì điều này hầu như diễn ra rất nhiều, kể cả những sai lầm lớn nhưng suy cho cùng khi biết thừa nhận và sửa chữa thì vẫn nên được bỏ qua. Song đó, thì chỉ mất một thời gian sau mọi chuyện cũng sẽ rơi vào quên lãng hay chỉ dừng lại ở một bài học cuộc sống, nhưng với những đứa trẻ từng là nạn nhân thì rất có để quên được những điều đã diễn ra.
Bạo lực bất cứ dưới hình thức nào, lời nói hay hành động, thái độ đều mang đến những tác động tiêu cực đến mỗi một cá nhân, đừng chỉ nghĩ đơn giản nó sẽ có thể qua đi theo thời gian khi vốn những tác động tinh thần còn nặng nề hơn tất cả mọi thứ. Đặc biệt là khi những tổn thương đó lại đang diễn ra trong những giai đoạn của sự hoàn thiện và thời gian đẹp đẽ của đời người.
Chính những tác động to lớn này đòi hỏi hơn nữa những giải pháp lâu dài không chỉ để răn đe học sinh, mà còn hướng đến việc giáo dục hành vi đúng đắn, giúp các em hiểu được sự nguy hiểm của bạo lực học đường và giải quyết mọi chuyện một cách ôn hòa. Sự bốc đồng, háo thắng vẫn sẽ có ở mỗi học sinh nên cần những người làm nghề giáo quan tâm hơn nữa trong những sự thay đổi tâm lý của học sinh.
Bản chất con người có thể được quy định và biểu hiện từ khi chưa trưởng thành, nhưng nếu để những điều tiêu cực và tệ hại vẫn tiếp tục diễn ra thì chắc chắn hành vi sẽ bị tác động vô cùng lớn. Không chỉ nạn nhân bị ảnh hưởng tinh thần mà chính những đứa trẻ tạo nên câu chuyện cũng sẽ bị lệch lạc trong nhân cách.
Nguồn: TH&PL