Tính đến ngày 21/6 thì Singapore là nước Đông Nam Á đầu tiên xác nhận có ca đậu mùa khỉ trong bối cảnh căn bệnh lây lan tại nhiều quốc gia.
Hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ đang trong giai đoạn diễn biến phức tạp, mặc dù vẫn trong tầm kiểm soát của các chuyên gia y tế nhưng mọi rủi ro đều có thể xảy ra. Tính đến ngày 21/6 thì đã có khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm liên quan. Đây không phải là loại bệnh mới, trước đó chúng hầu như chỉ diễn ra ở Châu Phi, song lại dần chuyển hướng lây lan sang nhiều châu lục khác.
Nội dung liên quan
WHO từng nhận định về loại bệnh này vào tháng 5 và cho biết hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy virus đậu mùa khỉ đột biến, đồng thời cũng đã dự báo số ca mắc đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc, tuy nhiên trước nguy cơ lây lan, Cục Y tế dự phòng cũng đã yêu cầu tăng cường giám sát và phát hiện.
Một số triệu chứng thường thấy của bệnh đậu mùa khỉ
Triệu chứng của bệnh tuy dễ nhận biết nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với các loại bệnh thông thường. Theo đó, đậu mùa khỉ có các biểu hiện như: đau nhức vùng cơ, sưng hạch, phát ban trên tay và mặt, đi kèm với sốt, mệt mỏi…
Bệnh kéo dài trong khoảng 2-4 tuần, vấn đề này sẽ tùy thuộc về thể trạng cơ thể của từng người, song các triệu chứng nêu trên có thể xuất hiện sau khoảng 5-21 ngày kể từ khi nhiễm virus. Sau khi có biểu hiện sốt thì bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ có thể sẽ phát ban ngứa sau 1-3 ngày, đặc biệt là nổi mụn mủ tại một số vùng trên cơ thể và tiếp tục lan ra.
Theo đó, số lượng cũng sẽ tùy thuộc vào từng bệnh nhân, có thể là vài nốt hoặc vài nghìn nốt, sau khi vỡ ra thì sẽ gây cảm giác khó chịu và mất thẩm mỹ. Chúng phát triển theo từng ngày, ban đầu có thể phẳng, rồi trở thành mụn nước và mụn mủ, cuối cùng là đóng vảy trước khi biến mắt khỏi cơ thể.
Biện pháp phòng tránh và hạn chế sự lây lan của đậu mùa khỉ
Bộ Y tế cũng đã đưa ra một số giải pháp:
-Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa; tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
-Che miệng khi ho, hắt hơi.
-Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn.
-Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục.
-Người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi được điều trị khỏi.
-Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ; không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã; không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
Đậu mùa khỉ là loại virus có họ hàng với đậu mùa nhưng hiếm gặp, chúng có thể lây lan qua dịch cơ thể, nước bọt hoặc đường hô hấp, dịch vết thương… Biểu hiện rõ nhất của bệnh là các vết phát ban lây lan khắp cơ thể gây tổn thương da, niêm mạc và đường hô hấp. Hiện tại, virus vẫn chưa thuần với con người nên tốc độ lây lan còn chậm nên chưa thể phát triển thành dịch.
Nguồn: TH&PL