Việc phổ biến phim trên không gian mạng vốn đang diễn ra một cách tự phát thì nay sẽ được luật hoá như thế nào?
Dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm, đặc biệt vấn đề tiền kiểm hay hậu kiểm để đảm bảo sự công bằng giữa OTT trong và ngoài nước. Đây là nội dung sẽ được các khách mời: Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban VHGD của Quốc hội; ông Bảo Thái - Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần VieON; Luật sư Hà Thị Kim Liên - Giám đốc chi nhánh Phan Law Vietnam tại Hà Nội bàn luận trong chương trình "Trước giờ bấm nút" của Truyền hình Quốc hội.
Nội dung liên quan
Cần có một cơ chế để đảm bảo không có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa hai nền tảng OTT trong và ngoài nước
Thực trạng hiện nay, việc phổ biến phim trên không gian mạng vốn đang diễn ra một cách tự phát thì nay sẽ được luật hoá, điều này đòi hỏi không chỉ có cơ chế kiểm soát mà còn cần phải có những cơ chế bảo vệ liên quan về nội dung. Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Hà Thị Kim Liên cho biết với xu thế của thời đại bây giờ, để tiếp cận một nội dung trên môi trường số là một điều rất dễ dàng với bất kỳ ai mà không bị giới hạn về thời gian lẫn không gian, đối với phim ảnh cũng không ngoại lệ.
"Với những bộ phim khi được phát hành lên trên không gian mạng mà có những sự vi phạm thì cơ chế xử lý sẽ như thế nào. Trước hết phải có hệ thống cơ sở hạ tầng nhất định để có thể kiểm soát những nội dung này. Để khi phát hiện có nội dung độc hại, vi phạm pháp luật thì cơ quan Nhà nước có thể ứng dụng ngay những cơ sở hạ tầng đó để gỡ bỏ ngay lập tức nội dung vi phạm, đồng thời có những chế tài phù hợp để xử lý các đơn vị phát hành", Luật sư Hà Thị Kim Liên chia sẻ.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Bảo Thái cho rằng đối với các nền tảng OTT xuyên biên giới, khi họ vào nước ta và phát hành những bộ phim của họ, thì chắc chắn phải có những yêu cầu cần thiết để kiểm định chất lượng nhằm đáp ứng được nhu cầu thị trường và nhu cầu tiêu dùng của quốc gia đó.
Trong khi đó, tác hại về hậu kiểm đối với phim trên môi trường Internet là rất lớn. Ông Bảo Thái cho rằng:"Vì phim ảnh là một sản phẩm mang tính văn hoá rất cao. Kiểm duyệt nội dung theo tôi thấy là một hành động bắt buộc. Và khi OTT xuyên biên giới đưa những nội dung có sự khác biệt lớn về văn hoá với nước ta cũng dẫn tới nhiều bức xúc trong xã hội của mình", ông Bảo Thái bày tỏ quan điểm.
Ông dẫn giải thêm, hiện nay, tại các nước phát triển, họ thường có xu hướng ra phim trên không gian mạng trước khi ra rạp vì lượng người xem trên Internet là rất khổng lồ so với lượng người chịu bỏ tiền ra rạp xem phim. Nhưng theo ông, xu hướng này cũng nên cân nhắc trong môi trường Việt Nam vì các đơn vị phát hành phim điện ảnh tại Việt Nam hiện nay vẫn đang chịu vấn đề tiền kiểm nội dung. Còn các nền tảng OTT xuyên biên giới họ đã phát hành phim trên không gian mạng, nếu mình để họ ở chế độ hậu hiểm thì đang tạo nên một sự bất hợp lý và bất bình đẳng trong thị trường phát triển phim ảnh của nước ta.
"Ai cũng cũng muốn thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển vì giúp mang lại nhiều giá trị về văn hoá và con người Việt Nam, thì mình cũng cần có một cơ chế để đảm bảo không có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa hai nền tảng này.
Hiện tại với sự phát triển mới của công nghệ, chúng ta có thể sử dụng AI để scan nội dung phim rất dễ dàng vì lượng phim trên không gian mạng thì khổng lồ nhưng không có nghĩa là chúng ta không làm được. Điều này giúp chúng ta thay đổi lại cái nhìn của mình về kiểm duyệt nội dung.
Dù biết số lượng phim phát hành trên không gian mạng là rất lớn nhưng nếu so với hậu quả của việc để họ tuân theo những quy định pháp luật của họ và họ tự kiểm thì sẽ rất tai hại. Đôi khi họ không cố tình vi phạm pháp luật của mình nhưng văn hoá của họ là như thế, còn văn hoá của mình hoàn toàn khác. Vấn đề ở đây là làm sao để các OTT xuyên biên giới có thể hiểu được văn hoá của chúng ta như thế nào thì họ mới đưa vào những sản phẩm phù hợp được", ông Bảo Thái cho biết.
Dẫn chứng cho điều này, ông Bảo Thái cho biết hiện nay có gần 200 kênh truyền hình Việt Nam mỗi ngày phát sóng gần 4800 giờ nội dung và tất cả nội dung đó đều được tiền kiểm cẩn thận. Cộng với sự giúp sức của công nghệ thì việc tiền kiểm đã không còn là vấn đề.
Muốn toàn cầu hoá thì càng phải chú ý vấn đề lưu giữ bản sắc văn hoá của người Việt Nam
Ở góc độ doanh nghiệp trong nước, ông Bảo Thái nhận thấy rằng tất cả các nội dung mình sản xuất thì yếu tố văn hoá Việt Nam sẽ phải đưa lên hàng đầu. "Đó là điều bắt buộc vì nếu như tôi không làm được điều đó thì sẽ không ai tiêu thụ phim ảnh của mình cả. Khi đó, các nền tảng OTT xuyên biên giới vào, họ cũng sẽ thuê các doanh nghiệp Việt Nam đi sản xuất lại các nội dung để đảm bảo các sản phẩm này phải phù hợp văn hoá với người bản địa. Theo tôi, nếu như chúng ta muốn toàn cầu hoá thì càng phải chú ý vấn đề lưu giữ bản sắc văn hoá của người Việt Nam", ông Bảo Thái nhấn mạnh.
Để đảm bảo công bằng giữa những phim trên mạng và phim chiếu rạp, ông Bảo Thái cho rằng: "Dưới góc độ là một đơn vị OTT trong nước, tiền kiểm là một cơ chế mà chúng ta bắt buộc phải làm. Và nếu xác định đó là cái mình phải làm thì cần có những giải pháp công nghệ và con người để thực hiện việc tiền kiểm đó. Việc tiền kiểm đối với phim điện ảnh và hậu kiểm đối với OTT xuyên biên giới theo tôi đó là một bất công đối với các doanh nghiệp".
Nội dung liên quan
Nếu như ở trong nước có thể dễ dàng xử phạt khi vi phạm thì khi các OTT có máy chủ đặt tại nước ngoài thì chúng ta có thể xử phạt được không? Trả lời cho câu hỏi này, luật sư Kim Liên cho biết xét về một góc độ nào đó thì cả doanh nghiệp và khán giả ai cũng mong muốn được hậu kiểm. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải thấy được hậu quả của hậu kiểm là gì để có cơ chế kiểm soát và lường trước được những kịch bản có thể xảy ra. Để khi những bộ phim nào vi phạm những nội dung nào thì sẽ có ngay kịch bản để áp dụng và xử lý kịp thời.
"Chế tài hiện nay cũng đã được quy định, khi có vi phạm xảy ra thì cơ quan nhà nước sẽ tiến hành rà soát và xử lý", Luật sư Kim Liên nói.
Với quan điểm của Luật sư Kim Liên, bà cho rằng xét ở khía cạnh của cơ quan quản lý nhà nước, khi các nội dung phim được đưa lên không gian mạng để người xem có thể tiếp cận được, bên cạnh kiểm soát nội dung còn phải xem xét đến các đối tượng và rất nhiều khía cạnh khác.
Do đó, khi các doanh nghiệp cung cấp nội dung phim trên không gian mạng với hình thức tự kiểm, tức tự xem xét về nội dung, tự phân loại xem thuộc hình thức nào và tự chịu trách nhiệm. Nó sẽ tạo ra một cơ chế linh hoạt, cho người dùng cơ hội được tiếp cận những nội dung đa dạng. Tuy nhiên, cũng mang lại một số hậu quả khó lường, như việc để "lọt" một số nội dung xâm phạm lịch sử, an ninh quốc gia, hay nội dung mang tính chất tiêu cực như xâm hại trẻ em, ma tuý.
"Thiết nghĩ cơ quan nhà nước cũng cần xem xét và có cơ chế phù hợp để đảm bảo rằng những nội dung này cần được xem xét một cách đúng đắn. Nếu trong trường hợp áp dụng hậu kiểm thì phải xử lý được ngay lập tức nội dung vi phạm ", Luật sư Kim Liên nói.
Nội dung liên quan
Tốt nhất vẫn là tiền kiểm
Ông Bảo Thái cho rằng, ngay cả khi chúng ta đưa ra những tiêu chí cụ thể để kiểm duyệt thì chính sự khác biệt về văn hoá cũng khó để OTT nước ngoài tuân thủ theo. Lý giải cho vấn đề này, ông nói: "Nếu vẫn áp dụng cơ chế hậu kiểm cho các OTT nước ngoài thì họ vẫn sẽ kiểm duyệt sản phẩm theo chính văn hoá của họ và chúng ta không thể nào yêu cầu họ sửa sản phẩm của họ theo cái của chúng ta được vì họ là doanh nghiệp xuyên biên giới.
Chính vì thế, tôi thấy việc hậu kiểm vẫn ảnh hưởng rất lớn đến văn hoá, con người và thế hệ trẻ của chúng ta. Nếu chúng ta cụ thể hơn về các tiêu chí tiền kiểm thì sẽ giúp cho các đơn vị trong và ngoài nước hiểu được điều mà chúng ta mong muốn".
Nói về các hình thức xử phạt khi vi phạm nội dung trên các nền tảng OTT, ông Bảo Thái cũng đưa ra những nhận định về sự chênh lệch và bất công bằng. Ông cho biết thời gian vừa qua, Bộ Thông tin Truyền thông và Văn hoá vẫn làm việc rất chặt chẽ nếu như các OTT nội địa có những sai phạm dù là nhỏ nhất. Theo đó, các doanh nghiệp OTT nước ngoài thì họ chỉ có thể chấp nhận xử phạt nếu họ thành lập một pháp nhân tại Việt Nam.
"Còn hiện tại họ không thành lập một pháp nhân nào, do vậy khi chúng ta áp luật của mình với họ thì xem chừng về mặt pháp lý nó đang bị lỏng lẻo ở đây".
Đó là lý do từ trước đến giờ mình chưa thể kêu gọi sự hợp tác, và mình cũng không có cơ sở pháp lý nào để ràng buộc việc nếu họ làm sai thì mình sẽ xử phạt như việc xử phạt các OTT nội địa. Sự chênh lệch này vẫn còn một khoảng cách rất xa và rất cần sự công bằng trong việc xử phạt giữa 2 nền tảng", ông Bảo Thái bày tỏ.
Nguồn: TH&PL