"Kiên quyết yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam"

Các công ty nội dung truyền hình và phim truyện xuyên biên giới thì cứ thoải mái khai thác thị trường Việt Nam mà chưa phải chịu bất cứ hình thức tiền kiểm nào về nội dung và về các điều kiện kinh doanh khác.

Chúng ta hãy cùng tưởng tượng một kịch bản trong một tương lai gần như sau: Mọi người Việt Nam, từ lúc mở mắt thức dậy đến khi lên giường đi ngủ đều lên YouTube và Facebook, TikTok để xem, để tán thưởng hoặc bình luận mọi thứ trên đời: đọc tin và xem video mà không cần quan tâm tin mình đọc hay xem là do báo nào viết, hay do ai đưa lên; đâu là tin thật, đâu là tin giả; chương trình truyền hình mình xem do ai làm, có bản quyền hay không có bản quyền; những người đưa tin và làm chương trình cho mình xem họ kiếm tiền ở đâu, sống bằng gì… 

Trẻ em thì tìm cảm hứng và định hướng lối sống trên mạng qua các video của Khá Bảnh, Thơ Nguyễn hay bà Tân Vlog…. và không bao giờ còn cần biết biết đến các kênh truyền hình trong và ngoài nước, một khi đã có Facebook, YouTube, TikTok hay Netflix…. Với những chiếc điều khiển tivi được cài sẵn các nút bấm tắt để xem YouTube, Netflix, việc bật tivi gần như đồng nghĩa với việc bật YouTube, Netflix để xem. Không còn ranh giới giữa cái tivi truyền thống với kho tàng nội dung video trên Internet.

kien quyet yeu cau cac nen tang xuyen bien gioi phai tuan thu phap luat viet nam - anh 0
Hội thảo "Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hoá tư tưởng của tuổi trẻ" diễn ra vào ngày 11/5/2022

Nhiều thành viên trong gia đình hiện nay không còn biết bấm vào nút nào để xem được Đài Truyền hình Việt Nam hay các đài khác… Những khái niệm như "Kênh truyền hình thiết yếu", hay "báo chí chính thống" chỉ còn nằm trong trí nhớ của thế hệ 8X trở về trước…

Nghe đến đây, có lẽ chúng ta đều thấy rằng đó không còn là tương lai, mà đã là một phần thực tế cuộc sống của chúng ta ngày nay. Và tình hình này hoàn toàn có thể sẽ còn tệ hơn, nếu chúng ta không hành động ngay, một cách sòng phẳng, quyết liệt và đồng bộ, để bảo vệ các GIÁ TRỊ VĂN HÓA, TƯ TƯỞNG VÀ SÁNG TẠO CỦA NGƯỜI VIỆT trên môi trường mạng.

Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, với những đặc trưng về văn hóa, lịch sử và truyền thống không thể lẫn lộn với quốc gia khác. Chúng ta là một thị trường lớn gần 100 triệu dân. Nhiều người dân có thói quen nắm thông tin và tri thức thông qua báo chí và tin tức trên mạng. Tiềm năng sáng tạo và dư địa phát triển cho một thị trường báo chí và nội dung số của người Việt là vô cùng lớn.

kien quyet yeu cau cac nen tang xuyen bien gioi phai tuan thu phap luat viet nam - anh 0
Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm (phải) và Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương

Chúng ta có khá đủ các luật lệ để quản lý và thúc đẩy phát triển báo chí và thị trường nội dung giải trí. Các doanh nghiệp viễn thông 100% vốn nhà nước đang hoàn toàn đủ khả năng kiểm soát hạ tầng viễn thông, internet cũng như những mô hình chia sẻ doanh thu với các đơn vị làm nội dung.

Vậy mà 80% doanh thu quảng cáo trên mạng thuộc về Facebook, Google, TikTok, với doanh số hàng năm xấp xỉ 1 tỷ đôla tại thị trường Việt Nam. Các nhà mạng viễn thông của ta thì vẫn đang vất vả tìm xem có cách nào để tăng doanh thu từ nội dung số, trong khi vẫn thi nhau bán phá giá các gói nội dung video, truyền hình.

Các công ty nội dung truyền hình và phim truyện xuyên biên giới thì cứ thoải mái khai thác thị trường Việt Nam mà chưa phải chịu bất cứ hình thức tiền kiểm nào về nội dung và về các điều kiện kinh doanh khác. Nhiều công ty nội dung số của Việt Nam thì tính chuyện lập pháp nhân ở nước ngoài để tránh các quy định của quê nhà.

Tại sao chúng ta lại phải chấp nhận thực trạng này?

Chúng ta đang mất cảnh giác và mất kiểm soát ở chỗ nào?

Để giải được bài toán "Bảo vệ và phát huy các giá trị Việt trong thời buổi truyền thông xuyên biên giới", trong khuôn khổ của tham luận này, từ góc độ của một cơ quan tham mưu và trực tiếp thực thi một số chính sách, chúng tôi xin trình bày một số ý kiến như sau:

Trước hết là bài toán về nguồn lực kinh tế cho truyền thông và vai trò của Nhà nước.

Hiện nay, ngoại trừ vài cơ quan báo chí lớn tự chủ toàn phần và có doanh thu thuộc cỡ trên nghìn tỷ/năm, đại bộ phận các cơ quan báo chí không còn đủ nguồn lực để tự cân đối hoạt động, chưa nói gì đến đầu tư phát triển. Nếu để các cơ quan này tự vật lộn hoàn toàn bằng cơ chế thị trường, chúng ta sẽ biến nghề viết báo trở thành một nghề mưu sinh chật vật, sẽ bỏ trống trận địa ở những mảng nhiệm vụ thông tin tuyên truyền thiết yếu quan trọng mà Đảng và Nhà nước cần duy trì. Vì vậy, nguồn lực đặt hàng nhà nước cần được tăng cường nhưng có chọn lọc, có trọng tâm trọng điểm để không lãng phí ngân sách.

kien quyet yeu cau cac nen tang xuyen bien gioi phai tuan thu phap luat viet nam - anh 0

Nhà nước trung ương và nhà nước địa phương cần điều tiết báo chí truyền thông từ vai trò của một khách hàng lớn, khó tính nhưng sòng phẳng, tính đúng, trả đủ để các cơ quan báo chí chủ lực có tiếng nói thuyết phục, phản ánh được dòng chảy chính của đất nước trên các diễn đàn chính thống và trên truyền thông xã hội. Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng của chính quyền, và giờ đây nó cần được diễn ra ở mặt trận chính, đó là trên không gian mạng. Vì vậy, cần có nguồn nhân lực chuyên trách và nguồn lực vật chất, tài chính để làm việc này một cách bài bản hơn, trong đó có việc đặt hàng nhiều hơn cho báo chí.

Các nhà mạng viễn thông và các công ty hạ tầng số trong nước, với nguồn lực tài chính dồi dào, với tệp khách hàng "khủng" và với nền tảng cung cấp dịch vụ hội tụ, nên nhận lấy vai trò là nhà đầu tư truyền thông số, cho nội dung số, bơm vào ngành công nghiệp nội dung Việt một nguồn tài chính mới để đảm bảo cho những nội dung có chất lượng được sản xuất và lan tỏa. Đồng thời góp phần tăng doanh thu ăn chia với viễn thông, chứ không chỉ biết cạnh tranh kéo giá xuống để bán băng thông rộng cho người Việt Nam lên xem đủ loại nội dung thượng vàng hạ cám trên các mạng xã hội xuyên biên giới.

Nội dung giờ đây là hàng hóa quan trọng nhất của viễn thông. Các nhà mạng viễn thông, các công ty nền tảng số và điện toán đám mây…. giờ đây là những "ông lớn" duy nhất đủ nguồn lực làm việc này, và cần coi đây là hướng đi đúng, là trách nhiệm xã hội của mình, vì một ngành công nghiệp nội dung trong nước lành mạnh, phát triển, và vì chính tương lai của ngành viễn thông và hạ tầng số.

kien quyet yeu cau cac nen tang xuyen bien gioi phai tuan thu phap luat viet nam - anh 0

Thứ hai: Bài toán quản lý sự bành trướng của các doanh nghiệp xuyên biên giới và bảo hộ hợp lý các đơn vị sản xuất nội dung trong nước.

Đã qua rồi cái thời mà chúng ta cứ phải chấp nhận không được là "chủ chợ", không được làm người "chia bài" trong lĩnh vực sản xuất, phân phối và kinh doanh các sản phẩm báo chí, truyền thông và nội dung số ngay chính trên sân nhà của mình. Sự áp đảo, tính ưu việt của các nền tảng xuyên biên giới là một thực tế. Nhưng nếu cứ tiếp tục coi đó như một trật tự thế giới mới, chúng ta sẽ vào trận với một tâm thế "chưa đánh đã thua, chưa chiến đấu đã đầu hàng".

Không lẽ chúng ta chấp nhận bỏ nhiều nghìn tỷ tới đây để đầu tư mạng 5G, để rồi phải tiếp tục chấp nhận bán băng thông phá giá, còn lợi ích to lớn lại tiếp tục chảy về Facebook hay YouTube hay TikTok? Chúng ta nghĩ sao khi biết được rằng một phần doanh thu của Facebook, Google đến từ việc chấp nhận quảng cáo cho nội dung xấu, cho tin giả, cho sản phẩm dịch vụ bất hợp pháp, để rồi dùng chính nguồn lực đó để chi trả cho những cá nhân, tổ chức đang phát tán tin giả, nội dung xấu lên mạng, gây rối loạn và mất ổn định cho Việt Nam bằng chính nguồn lợi kinh tế thu được từ Việt Nam?

Chúng ta cần mạnh dạn khẳng định quan điểm phải bảo hộ một cách hợp lý đối với các doanh nghiệp trong nước, khuyến khích các mắt xích trong một hệ sinh thái số của Việt Nam bắt tay, hợp tác làm ăn với nhau theo một tỷ lệ ăn chia văn minh hơn, có lợi hơn cho các nhà sáng tạo nội dung trong nước. Đối với các hành vi vi phạm pháp luật của các công ty xuyên biên giới, thời gian qua Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An, Bộ Thông tin và truyền thông đã đấu tranh quyết liệt và có hiệu quả đáng ghi nhận. Bộ Tài chính cũng đã vào cuộc để buộc các doanh nghiệp xuyên biên giới phải khai và nộp thuế tại Việt Nam.

kien quyet yeu cau cac nen tang xuyen bien gioi phai tuan thu phap luat viet nam - anh 0

Đã đến lúc cần tới sự tham gia quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành liên quan khác như Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Công thương và Ngân hàng nhà nước để đấu tranh một cách khôn khéo, kiên quyết và kiên trì, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật về quản lý nội dung, lưu trữ dữ liệu, quản lý quảng cáo, quản lý thuế và thanh toán.

Cần thống nhất trong nhận thức và hành động cũng như trong công tác truyền thông rằng đây không phải là Việt Nam gây khó khăn cho các công ty xuyên biên giới, cũng không phải là vấn đề quan hệ song phương giữa Việt Nam với nước này, nước khác, mà chính là để tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, xóa bỏ định kiến rằng quản lý nhà nước đang bảo hộ ngược doanh nghiệp nước ngoài do thiếu quy định khả thi để quản lý họ. Cần xác định rõ rằng đây không chỉ là cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, bảo vệ an ninh và trật tự xã hội, mà còn là cuộc đấu tranh để giành lại quyền kiểm soát không gian số, giành lại thị phần trên không gian số của Việt Nam. Bên cạnh đấu tranh chính trị, còn cần đấu tranh bằng các biện pháp kinh tế, kỹ thuật, dân sự (trong đó ưu tiên các biện pháp kinh tế).

Thứ ba: Bài toán về đưa nội dung, giá trị tốt đẹp của Việt Nam, đưa dòng chảy chính của xã hội lên chiếm lĩnh không gian mạng.

Việc truyền thông chính thống (cả từ phía các cơ quan nhà nước và từ hệ thống báo chí) gần như bỏ trống trận địa mạng xã hội hiện nay khiến cho thông tin mất đối xứng, thiếu cân bằng và thiếu công bằng trên môi trường mạng xã hội. Thiệt thòi ở đây không chỉ thuộc về cơ quan nhà nước hay hệ thống chính trị, mà thiệt thòi là cho chính người dân, vì họ không tiếp cận được thông tin chính thống qua môi trường mạng xã hội. Xu thế này cần phải thay đổi.

Mặt khác, đã đến lúc xem xét sửa đổi chính sách để mở rộng không gian sáng tạo nội dung, đa dạng hóa các hình thức biểu đạt của người Việt, của các cơ quan truyền thông. Kích thích sự đổi mới, sáng tạo, để nội dung hay và giá trị tốt đẹp có khả năng tự lan tỏa, đưa công nghiệp nội dung số trở thành một ngành tạo nhiều công ăn việc làm, trở thành động lực thúc đẩy công nghiệp sáng tạo & kinh tế số, đưa nội dung số trở thành một khu vực kinh tế rộng lớn, quan sát, đo đếm được, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách và cho tăng trưởng.

kien quyet yeu cau cac nen tang xuyen bien gioi phai tuan thu phap luat viet nam - anh 0

Vậy thì tuổi trẻ chúng ta ở đâu trong tất cả những câu chuyện này? Sứ mệnh của chúng ta là gì?

Trước hết, chúng ta hãy cùng xây dựng được một nhận thức chung đúng đắn về những cơ hội tuyệt vời cùng với những thách thức to lớn mà kỷ nguyên số mang lại cho chúng ta, để khai thác được những mặt tốt, đồng thời hạn chế, ngăn chặn được những mặt xấu. Bảo vệ chế độ, bảo vệ an ninh tư tưởng hiện nay khó khăn nhất và quan trọng nhất là trên không gian mạng.

Internet là mặt trận chính, là tuyến đầu trong đấu tranh ý thức hệ, trong công tác tuyên truyền tư tưởng hiện nay. Chúng ta không chiếm lĩnh trận địa này, người khác sẽ chiếm. Chúng ta không đoàn kết nhân dân trên Internet, người khác sẽ lôi kéo. Chống lại sự xâm lăng của tin giả, không cổ xúy hay làm thinh trước những xu hướng văn hóa lệch chuẩn, đồng thời chuyển hướng mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo giá trị văn hóa tinh thần lên không gian mạng. Đó là những việc tuổi trẻ có thể làm.

kien quyet yeu cau cac nen tang xuyen bien gioi phai tuan thu phap luat viet nam - anh 0

Đối với các bạn trẻ đang công tác ở các cơ quan hoạch định chính sách có liên quan tới lĩnh vực này, hãy cùng nhau phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong việc tham mưu, góp ý, phản biện để hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm bảo vệ tốt hơn "biên cương văn hóa - tư tưởng". Tập trung nhiều hơn cho những việc này để tạo ra sự thay đổi thực chất, thay vì lãng phí nguồn lực và thời gian cho những hoạt động bề nổi không mang lại nhiều giá trị.

Đối với các bạn trẻ đang công tác trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, mỗi người hãy là 1 "hiệp sĩ số", tham gia truyền đi những thông tin tốt, chính thống, những giá trị văn hóa cốt lõi của người Việt Nam ra với thế giới. Chúng ta hãy nhận lấy sứ mệnh "Nâng cao thứ hạng Việt Nam" trên không gian số.

Với những hiểu biết còn giới hạn và năng lực khiêm tốn của mình, chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra những ý kiến này như một lời chia sẻ tâm huyết lên các cấp lãnh đạo và tới toàn thể hội nghị, tới tuổi trẻ Việt Nam, với một thông điệp là thế hệ trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể làm, và cần hành động ngay nhằm bảo vệ, xây dựng và lan tỏa các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam trên không gian mạng.

NẾU CHÚNG TA KHÔNG LÀM, THÌ AI LÀM?

NẾU BÂY GIỜ KHÔNG LÀM, THÌ BAO GIỜ?

Dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm, đặc biệt vấn đề tiền kiểm hay hậu kiểm để đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong và nước.

"Hệ lụy của cơ chế hậu kiểm cho OTT xuyên biên giới có thể ảnh hưởng đến 100 năm sau"

Quản phim trong hay ngoài nước đều phải chặt như nhau

"Cơ quan chức năng cần thu thuế, phí với nền tảng OTT xuyên biên giới"

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ