Hướng đi nào cho doanh nghiệp OTT nội địa sau khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) ban hành?

Luật mới thì tốt, nhưng tốt hay không khi vẫn còn có những phân biệt đối xử với những doanh nghiệp OTT trong nước?

Sau 15 năm thi hành, trước sự vận động của đời sống xã hội, đặc biệt là sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ thuật số đã và đang tác động mạnh đến ngành điện ảnh. Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp, góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện xây dựng và thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh. Đó cũng là lý do Luật Điện ảnh sẽ được Quốc hội xem xét sửa đổi toàn diện, theo kế hoạch, sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào ngày 25/5/2022.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đề cập những cơ chế, chính sách nào để tạo đòn bẩy cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam? Đây là nội dung sẽ được các khách mời: Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban VHGD của Quốc hội; Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam; Ông Lê Đình Cường, PCT kiêm Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền bàn luận trong chương trình "Trước giờ bấm nút" của Truyền hình Quốc hội.

huong di nao cho doanh nghiep ott noi dia sau khi luat dien anh sua doi ban hanh - anh 0
Ông Lê Đình Cường, PCT kiêm Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền (Ảnh chụp màn hình)

Một trong những vấn đề được Chính phủ trình ý kiến Quốc hội là việc phổ biến phim ảnh trên không gian mạng. Từ góc độ một doanh nghiệp, ông Lê Đình Cường cũng đã có những chia sẻ thiết thực về chế độ hậu kiểm được đề xuất trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ông cho biết: "Việc đề xuất chế độ hậu kiểm là một cơ chế rất phù hợp, tuy nhiên việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là cả một vấn đề không đơn giản". 

Ông lấy ví dụ về Hàn Quốc, nơi khai thác không gian mạng để truyền bá văn hoá và công nghệ giải trí ra nước ngoài. Điều này chứng tỏ năng lực quản trị của họ rất tốt, việc Hàn Quốc chuyển sang chế độ hậu kiểm từ lâu theo ông là rất thích hợp. Còn với các nước châu Âu, việc quản lý hậu kiểm của họ bằng cơ chế luật pháp rất nghiêm ngặt khi liên quan đến vấn đề tư tưởng, văn hoá của họ, khi có những vi phạm xảy ra đều được xử lí thích đáng. Ông cho rằng, thực tế việc hậu kiểm luôn có những mặt tích cực, tiến bộ dựa trên những tấm gương của các nước trên thế giới.

Nhưng với Việt Nam, muốn chuyển sang chế độ hậu kiểm phải có một quá trình chuẩn bị đầy đủ về cơ chế luật pháp. Ông Lê Đình Cường nhấn mạnh: "Ít nhất chúng ta phải quản lý được đầu vào nội dung của các chương trình, phim ảnh kể cả nước ngoài và trong nước".

huong di nao cho doanh nghiep ott noi dia sau khi luat dien anh sua doi ban hanh - anh 0
Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (Ảnh chụp màn hình)

Nói đến những nội dung gắn mác 18+, bà Ngô Phương Lan cho rằng đôi khi những quy định của Luật đối với những hoạt động, hành vi bị cấm ở trong hoạt động điện ảnh với chế độ tiền kiểm bấy lâu nay đã tồn tại những tranh cãi. 

"Với chế độ vừa tiền kiểm, hậu kiểm như vậy, cách giải quyết những khó khăn trước hết phải có những quy định rõ ràng ở những điều cấm trong hoạt động điện ảnh. Bản thân tôi sau nhiều lần đọc dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) thì thấy vẫn cần có những xem xét, điều chỉnh thêm. Tôi cảm giác những điều cấm chỉ lặp lại từ mục này sang mục khác, nhưng có những điều vẫn chưa thật sự rõ ràng. Với chế độ tiền kiểm bấy lâu nay, tôi cảm thấy đã là một thách đố, huống chi bây giờ vừa tiền kiểm vừa hậu kiểm thì tôi cảm thấy hơi băn khoăn", bà Ngô Phương Lan bày tỏ quan điểm.

Đồng thời, bà Phương Lan cho rằng từ trước đến nay việc các nội dung truyền hình xuyên biên giới từ nước ngoài vào Việt Nam đã được lưu hành tương đối phổ thông. Đặc biệt ở trên mạng có rất nhiều những bộ phim như web drama thu hút hàng chục triệu người xem nhưng hoàn toàn không có hình thức trình duyệt, cấp phép hay tiền kiểm. 

huong di nao cho doanh nghiep ott noi dia sau khi luat dien anh sua doi ban hanh - anh 0
Ông Huỳnh Long Thủy - Tổng giám đốc công ty cổ phần VieON phát biểu tại hội thảo Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hoá tư tưởng của tuổi trẻ

"Bây giờ chúng ta có đi ngược lại thì cũng rất khó. Khi đã đưa vào luật và có những cam kết quốc tế thì những nền tảng ngoài nước họ cũng sẽ chấp hành. Trong giai đoạn đầu sẽ không thể như ta mong muốn được, nhưng để muốn như ta mong muốn một cách cơ bản thì trước hết phải rõ ràng ở trong luật, có được sự đồng bộ giữa hệ thống pháp luật của chúng ta. 

Khi chúng ta đã tính đến một hình thức mở rộng, nghĩa là hậu kiểm xuyên biên giới. Nhưng ở mức địa phương, khi giao cho địa phương cấp phép nhưng sự cấp phép đó chỉ được chiếu trong địa phương thì rất là khó. Tôi đã tham khảo rất nhiều những nền điện ảnh trên thế giới, tôi thấy người ta không phân cấp như chúng ta. Một bên chúng ta mở rộng cho hậu kiểm xuyên biên giới, bên khác chúng ta lại cát cứ ở địa phương là rất bất hợp lý, và bất khả thi", bà Phương Lan nói. 

huong di nao cho doanh nghiep ott noi dia sau khi luat dien anh sua doi ban hanh - anh 0

Đối với những nền tảng OTT xuyên biên giới tại Việt Nam, ông Lê Đình Cường cho rằng các nền tảng này đã thu hàng triệu, hàng tỷ đô la tuy nhiên lại không đóng góp một nghĩa vụ thuế nào trong những năm vừa qua. Trong khi những OTT trong nước lại có những quy định đóng thuế và nộp rất đầy đủ các nghĩa vụ.

Vậy trong Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này, các nghĩa vụ tài chính đối với OTT ngoài nước có được thể hiện đầy đủ trong luật hay không? 

Trả lời cho câu hỏi này, ông Lê Đình Cường cho rằng: "Chắc chắn Luật sẽ được thể hiện rất cụ thể, nhưng cụ thể đến mức bao nhiêu thì vẫn cần có những Nghị định. Nhưng ở những đơn vị cụ thể là Bộ, đây mới là đơn vị làm Nghị định để Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành thực hiện nhưng Bộ chủ quản sẽ không bao giờ bao quát được cụ thể. Theo tôi, Nghị định chỉ là bước thứ hai, nên việc chuẩn bị Luật để thông qua là rất quan trọng. Tôi tin chắc là lần này Luật cũng sẽ tiếp thu được ít nhất 80% ý kiến của các cơ quan hội thảo. 

Chúng ta đều biết rằng bất công bằng đến mức phải dùng đến từ bảo hộ ngược cho những OTT nội địa. Cho nên tôi cho rằng cũng không dễ để thực hiện đúng Luật trên cơ sở thông qua Nghị định".

Nhưng với Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này, ông Lê Đình Cường cho rằng sẽ có những điểm tiến bộ rất lớn, đặc biệt là về vấn đề quản lý. "Chúng ta đã có những tiếp thu kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới. Hy vọng rằng Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này sẽ đem lại nhiều dự án đồng tình của người dân, đặt biệt là các đơn vị làm điện ảnh trong nước".

"Các nền tảng giải trí chính thống phải đi tiên phong định hướng chân - thiện - mỹ cho giới trẻ"

'Kẻ chiếu trên người chiếu dưới' trong công tác quản lý OTT nước ngoài và nội địa

Chủ tịch DatVietVAC: 'Xâm lăng bằng quân sự chỉ là đột phá khẩu, còn xâm lăng bằng văn hóa mới là vũ khí tối thượng'

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ