Sự lan rộng toàn cầu của quiet quitting như một hồi chuông cảnh tĩnh doanh nghiệp về sức khỏe tinh thần của nhân sự.
Quiet quitting là gì?
Quiet quitting thực chất không phải là từ chỉ hành động đột ngột nộp đơn xin thôi việc. Theo đó, quiet quitting chính là nghỉ việc "trong tâm trí", hoặc định nghĩa được lãng mạn hóa qua tên gọi "ngừng cống hiến" cho công việc.
Nội dung liên quan
"Theo đuổi" trào lưu quiet quitting, người lao động chỉ làm những việc mà doanh nghiệp đã đặt ra trong mô tả tuyển dụng với thời gian làm việc cụ thể, được công ty và pháp luật quy định. Ngoài khoảng thời gian cùng khối lượng công việc đó, họ sẽ không tăng ca, không tham gia các hoạt động tập thể hay trả lời tin nhắn sau giờ làm.
Trước khi quiet quitting bùng nổ trên toàn cầu, một trào lưu khác mang tên "tang ping" - "nằm yên ngừng phấn đấu" đã diễn ra tại Trung Quốc kể từ tháng 4/2021. "Tang ping" được người trẻ xem như một lối sống, một phong trào xã hội đấu tranh chống lại văn hóa làm việc "vắt kiệt sức" người lao động.
Một năm sau đó, cùng với nhiều biến chuyển tình hình xã hội, ảnh hưởng sau thời gian dài thay đổi môi trường vì đại dịch Covid-19, người ta cho rằng từ khóa "tang ping" đã được "tái sinh" dưới phiên bản khác là "quiet quitting".
Tuy nhiên, các "quitters" không đơn thuần chỉ đình công, ngược lại, họ thẳng thắn chỉ ra những điểm mâu thuẫn trong môi trường làm việc. Bởi, không ít doanh nghiệp đang cho rằng hành động "tắt công tắc" sau giờ làm của nhân sự đồng nghĩa với việc họ không cống hiến đủ. Chính vì vậy, một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa doanh nghiệp và nhân sự đã diễn ra với quy mô toàn cầu.
Nội dung liên quan
Vì sao người trẻ lựa chọn quiet quitting?
Đối với người lao động, họ cảm thấy bản thân đang "cống hiến" mà không nhận được lợi ích nào, thậm chí còn phải chịu những áp lực tinh thần lớn, đời sống cá nhân bị ảnh hưởng. Ngược lại, phía doanh nghiệp lại đánh giá hành động quiet quitting của nhân sự là thiếu chuyên nghiệp trong công việc.
Với những mất mát, biến chuyển sau 2 năm đại dịch, con người dường như đang có xu hướng sống cân bằng và quan tâm đến sức khỏe tinh thần, gia đình nhiều hơn. Quiet quitting chỉ đơn thuần là một cách giúp họ "tự chữa lành" trong thời gian ngắn sau những áp lực chốn công sở.
Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến quiet quitting còn xuất phát từ sự mất kết nối giữa nhân sự và quản lý hoặc lãnh đạo doanh nghiệp. Sau khoảng thời gian dài làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử, Hoàng Duy (23 tuổi) đã quyết định nghỉ việc.
Hoàng Duy cho rằng: "Mỗi mùa cao điểm, mình đều tăng ca, thậm chí nhận thêm việc dẫn đến ăn uống không đúng bữa, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Tuy vậy, cấp trên lại cho rằng đó là công việc hiển nhiên mình phải làm, mọi sự nỗ lực, cố gắng của mình không được công nhận và mình lựa chọn nghỉ việc".
Những khúc mắc, hiểu lầm không được giải tỏa, vì vậy quiet quitting trở thành chiếc công tắc. Khi công tắc được gạt xuống, một khoảng lặng riêng được tạo ra để nhân sự suy nghĩ về tương lai bản thân và công việc hiện tại.
Minh Anh (26 tuổi) đã lựa chọn học chuyên ngành Marketing sau thời gian dài phụ trách văn thư tại khách sạn: "Trước đây, một ngày 8 tiếng mình luôn làm những công việc lặp đi lặp lại một cách nhàm chán.
Dần dần, mình chỉ muốn hoàn thành công việc ở mức đạt yêu cầu rồi ra về. Quyết định đi học lại một ngành mới ở độ tuổi này thật sự rất khó khăn, nhưng mình vẫn chọn vì chí ít mình được hạnh phúc".
Như đã nói, những người lựa chọn quiet quitting không từ bỏ công việc mà là thay đổi thái độ đối với công việc. Họ vẫn đi làm, nhưng tâm trí và nhiệt huyết đã không còn đặt vào đó.
“Giọt nước” áp lực và “chiếc ly” quiet quitting
Rõ ràng, nếu không bị đổ đầy, nước trong ly không thể tràn ra ngoài. Cũng giống như nếu người lao động được làm việc trong môi trường lành mạnh, vui vẻ và được trả công xứng đáng cho những cố gắng, quiet quitting đã không xảy ra hoặc được hạn chế ở mức thấp nhất.
Thực chất, quiet quitting đều tác động đến người lao động lẫn doanh nghiệp. Mất đi ý chí cống hiến, nhân sự phải trải qua những áp lực lớn. Từ đó, chất lượng và hiệu suất công việc không còn được tốt như trước, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Trong bản báo cáo Tình trạng Môi trường lao động Toàn cầu 2022 của Gallup, không ít tín hiệu cảnh báo về sức khỏe tinh thần của nhân sự đã được chỉ ra.
Cụ thể, năm 2014, mức độ căng thẳng trong công việc của người lao động toàn cầu là 33%. Tuy nhiên, gần 10 năm sau đó, số lượng nhân sự cảm thấy muốn được "giải thoát" vì công việc tăng lên đến 44%.
Đặc biệt, với ảnh hưởng nặng nề đến tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống sau hai năm đại dịch, chỉ số phúc lợi cùng cơ hội việc làm tại các quốc gia Đông Á giảm mạnh, thậm chí đứng vị trí thấp nhất thế giới. Đó cũng là lý do người trẻ Việt không đứng ngoài "trào lưu" toàn cầu mang tên quiet quitting.
Nguồn: TH&PL