Những sự thật liên quan đến lịch sử và văn hóa Hàn Quốc ẩn sau bộ đồ "tracksuit" màu xanh lá đặc trưng trong Squid Game.
Squid Game bộ phim thuộc thể loại sinh tồn, giật gân và mới lạ của đạo diễn kiêm biên kịch Hàn Quốc Hwang Dong-hyuk, nhận được nhiều lời khen vì phản ánh những vấn đề nhức nhối trong xã hội tư bản, vẫn đang tiếp tục là một cơn sốt trên toàn thế giới.
Theo Netflix, đã có khoảng 142 triệu người xem loạt phim này kể từ khi bộ phim ra mắt vào tháng 9 và việc các thành phần trong phim được xây dựng, liên kết tỉ mỉ đã khiến người hâm mộ đặt ra giả thuyết về mọi yếu tố có thể tưởng tượng được.
Trong đó, những bộ quần áo thể thao (tracksuit) màu xanh lá cây được đánh số và mặc bởi các nhân vật chính của phim cũng đáng để chúng ta một lần nhìn nhận kỹ lưỡng hơn. Bởi vì chúng còn ẩn chứa ý nghĩa cụ thể và biểu tượng về văn hóa Hàn Quốc. Bất chấp sức hút toàn cầu của Squid Game, bộ trang phục phổ biến, phi giới tính đóng vai trò như một lời dẫn giải về các tầng lớp xã hội, chính trị và lịch sử của quốc gia này.
Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, giáo sư Jae Won Chung, giáo sư nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học Rutgers đồng thời là một dịch giả văn học, nói rằng: "Bộ phim này thực sự nói về xã hội Hàn Quốc". Và khi nhắc đến bộ quần áo thể thao đặc trưng, ông nói: "Có rất nhiều tầng nghĩa về bộ trang phục này".
Jooyoung Shin, giáo sư ngành thiết kế thời trang tại Đại học Indiana, cho biết "tracksuit" đã trở thành một dấu ấn về địa vị xã hội trong văn hóa Hàn Quốc đương đại.
"Khi tôi nhìn thấy những bộ quần áo thể thao màu xanh lá cây, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là khái niệm 'thất nghiệp' (baeksu)", bà nói.
Trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, việc một người đi đến cửa hàng tiện lợi tại khu sinh sống trong ngày làm việc và mặc đồ thể thao đã trở thành lối tốc ký trực quan cho "những nhân vật được coi là kẻ thất bại, những người không độc lập về tài chính với cha mẹ, gia đình hoặc bằng một cách nào đó bị nhóm xã hội thống trị bỏ rơi hay bị phân biệt đối xử trong xã hội vì những thất bại của họ.
Trang phục thể thao đã trở thành biểu tượng cho cuộc sống của những người thất nghiệp, tay trắng, có cuộc sống nhàn rỗi, thậm chí là ký sinh", bà Shin chia sẻ.
Sự kỳ thị được mã hóa gắn liền với trang phục là một hồi chuông chết chóc đối với nhóm 456 người chơi trong Squid Game. Họ đoàn kết với nhau trong tuyệt vọng để giành lấy tấm vé đổi đời, giúp họ thoát khỏi vũng đầm nợ nần đầy cơ cực.
Theo số liệu gần đây nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi nghèo cao nhất trong các nước thành viên. Mặc dù quốc gia này đã vươn lên từ nghèo đói sau chiến tranh để trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới chỉ trong vòng nửa thế kỷ như hiện tại.
Kyunghee Pyun, một giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Học viện Công nghệ Thời trang, đã tìm ra sự tương tự không thể phủ nhận giữa bộ đồ thể thao màu xanh lá cây đặc trưng của Squid Game và trang phục xuất hiện trong bộ phim Secretly, Greatly, một bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng được công chiếu vào năm 2013 với sự tham gia của diễn viên Kim Soo-hyun trong vai một điệp viên ngầm của Triều Tiên giả dạng một "tên ngốc trong khu phố" vô hại và thất nghiệp. Bộ trang phục đáng nhớ của anh cũng là bộ đồ thể thao màu xanh lá cây.
Và Kim Soo-hyun cũng từng có màn xuất hiện chớp nhoáng với hình ảnh tương tự trong bộ phim Crash Landing on You.
Bà Pyun nhấn mạnh rằng: "Trong khi đồng phục học sinh là biểu tượng của hành vi kỷ luật và các tiêu chuẩn công dân", thì ngược lại, những bộ đồ thể thao giá rẻ, chất lượng thấp - đặc biệt là khi không nằm trong bối cảnh lớp học thể dục - lại là một ý tưởng phổ biến trong các bộ phim, chương trình và tiểu thuyết Hàn Quốc, "liên quan tới những người không được cộng đồng thừa nhận".
Đạo diễn Hwang từng chia sẻ rằng bộ trang phục được anh lấy cảm hứng từ đồng phục thể dục của trường học cũ của anh từ những năm 1970. "Không ai có thể nói rằng bộ đồ thể thao màu xanh lá cây xuất hiện trong bộ phim là trang phục tuyệt đẹp", biên tập viên thời trang kiêm nhiếp ảnh gia Hong Suk-woo nói. "Nó không thể hiện sở thích hay tính cách. Bây giờ, chúng tôi gọi nó là 'retro' hoặc 'new vintage'".
Đối với lịch sử hiện đại hấp dẫn của Hàn Quốc, sự "newtro" tinh tế - một xu hướng văn hóa đang được giới trẻ Hàn Quốc ưa chuộng, kết hợp giữa sự mới mẻ "new" và xưa cũ "retro" - thường được lấy từ phong cách cổ điển của Nhật Bản hoặc Mỹ. Bởi vì Hàn Quốc có từng có lịch sử chính trị về sự chiếm đóng, độc tài và rồi dân chủ hóa, hiện đại hóa nhanh chóng.
Bà Pyun cho biết, vào những năm 1970, một bộ đồ thể thao kiểu phương Tây thể hiện rằng người mặc có trình độ học vấn nhất định hoặc sống ở một vùng đô thị lớn, nơi các kiểu quần áo phương Tây khác, bao gồm cả denim và váy ngắn, bắt đầu thay thế những kiểu trang phục truyền thống. Bà nói thêm: "Nếu có logo của trường học hoặc công ty" thì một bộ đồ thể thao "có thể là biểu tượng khiến người khác ghen tị. Một người đàn ông trưởng thành nếu không có một bộ đồ như này sẽ bị coi thường".
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Korea JoongAng Daily, Giám đốc nghệ thuật của Squid Game Chae Kyoung-sun cũng đề cập đến Phong trào Nông thôn Mới của Hàn Quốc như một tài liệu tham khảo. Được khởi xướng vào năm 1970 bởi cựu Tổng thống Park Chung-hee, Phong trào Nông thôn Mới là một chương trình kinh tế và xã hội do chính phủ viện trợ và làm chủ bởi cộng đồng nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và phát triển nhà ở, cơ sở hạ tầng.
Trong thời kỳ hậu chiến, ngoài Seoul và các vùng đô thị lớn khác, Hàn Quốc vẫn là một quốc gia có phần lớn là nông thôn với những ngôi nhà lợp mái rạ. Và phong trào Nông thôn Mới, phong trào trang bị cho các cộng đồng vật liệu xây dựng để cải tạo từ đầu, được công nhận rộng rãi vì đã đặt nền móng cho sự trỗi dậy kinh tế của quốc gia này - "Kỳ tích sông Hàn".
"Thế hệ của tôi nói đùa về cách màu xanh lá cây trở thành biểu tượng của nhân viên công vụ", bà Shin nói.
Bà chia sẻ rằng là một người lớn lên ở Hàn Quốc trong thời gian đó, bà nghe cụm từ "Phong trào Nông thôn Mới" mỗi ngày. Các trường học và cộng đồng bắt đầu buổi sáng bằng bài tập thể dục hàng ngày theo nhịp điệu của bài hát đại diện cho phong trào này - do chính Tổng thống Park viết và sáng tác - mang thông điệp chính là ví sức mạnh thể chất với sức mạnh kinh tế và quốc gia. Biểu tượng của phong trào là lá cờ màu xanh lá cây sáng với hình tròn chứa mầm cây ở giữa.
Và vì nó liên quan đến Squid Game, nên chúng ta có thể hiểu nhiều cách về biểu tượng này. "Hiểu theo một cách mỉa mai sâu xa thì Phong trào Nông thôn Mới là phong trào về đấu tranh tập thể và tiến bộ", giáo sư Chung nói, "nhưng trong bối cảnh tân tự do, tất cả mọi người đều được huy động cho trò chơi có tổng bằng không này, nơi chỉ có duy nhất một người chiến thắng".
Tuy nhiên, lại cũng không tồn tại người chiến thắng rõ ràng. Những nhân viên quản lý Squid Game mặc bộ đồ màu hồng cũng được định nghĩa bằng sự ẩn danh và đối lập. Có thể nói, họ là những "bàn tay vô hình" (phép ẩn dụ về tư tưởng kinh tế của nhà kinh tế học Adam Smith) duy trì cuộc chơi và phép suy luận loại suy của trò chơi với sự cạnh tranh tư bản.
Theo Na Kim, một nhà thiết kế ở Berlin, mặc dù không mang nhiều tính biểu tượng như bộ quần áo thể thao màu xanh lá cây nhưng sự xuất hiện của trang phục màu hồng là một ví dụ điển hình về sự tương phản màu sắc.
"Nhiều yếu tố trong làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu có thể nói là đến từ một kiểu người ngoài cuộc cố gắng làm điều gì đó khác biệt", Na Kim nói. Cô đề cập đến việc đạo diễn Hwang đã bắt đầu phát triển ý tưởng cho Squid Game từ hơn 10 năm trước và đã rụng sáu chiếc răng do căng thẳng trong quá trình quay phim. Cô nói thêm rằng anh ấy là một ví dụ điển hình của sự cuồng nhiệt, ám ảnh văn hóa đại chúng thị trường ngách.
Cách tiếp cận sống động của đạo diễn Hwang đã chứng tỏ là sẽ thành công. Kết hợp giữa sự hoài niệm thời thơ ấu với sự cách biệt về kinh tế và hành động cá cược mạo hiểm, Squid Game thực chất là một câu chuyện nhân văn, khiến người xem đồng cảm sâu sắc về nghịch cảnh đã gây được tiếng vang lớn trên toàn thế giới.
Nguồn: TH&PL