Thoạt đầu tưởng là một nhưng Vintage và Retro là hai mảnh ghép khác biệt của bức tranh thời trang.
Vintage và Retro được ví như hơi thở cổ điển của những khoảnh khắc thời trang trong quá khứ. Với khả năng "miễn nhiễm" với thời trang, hai mảnh ghép này khoác trên mình một vẻ đẹp khó cưỡng và dần trở thành những items quý giá nhất trong tủ đồ của mọi tín đồ đam mê thời trang.
Tuy nhìn chung, Vintage và Retro khá giống nhau, nhưng cả hai đều có những điểm riêng thú vị mà mọi người có thể chưa biết.
Thời trang Vintage là gì?
Thuật ngữ "Vintage" lần đầu được sử dụng vào thế kỉ 15. Thuật ngữ này được bắt nguồn từ "Vendage" theo tiếng Anh – Pháp và "Vindemia" theo tiếng Latin. Thời điểm này, Vintage được dùng để chỉ các bình rượu, đặc biệt là những bình rượu vang. Vì "vendage" có nghĩa là mùa thu hoạch nho, nên các chai rượu vang có xuất xứ năm 2000 được gọi là "2000 vintage wine". Ngoài ra, còn được dùng để gọi những bình dầu lâu năm và sau này Vintage được dùng cho những chiếc xe có tuổi đời ít nhất là 50 năm.
Theo năm tháng, Vintage được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết kế, nội thất… và tất nhiên thời trang cũng không ngoại lệ. Nếu là một "con nghiện" mua quần áo secondhand, bạn sẽ không còn cảm thấy xa lạ với từ "Vintage" nữa vì chúng được người bán lẫn người mua dùng thường xuyên để chỉ những món thuộc về thời đại cũ.
Thông thường, những món đồ thời trang được sản xuất trong khoảng từ năm 1920 cho đến 1960, dao động đến những năm 1980, đều được là đồ Vintage. Nói cách khác, để được gọi là sản phẩm vintage, thì chúng phải được sản xuất tối thiểu từ 20 đến 30 năm trước so với cột mốc thời gian hiện tại. Như vậy, tất cả những sản phẩm được sản xuất trước thập niên 2000 đều có thể là sản phẩm thời trang vintage.
Với vẻ đẹp kinh điển của thời gian, những items vintage vẫn làm các tín đồ thời trang ở mọi thế hệ mê mẩn và luôn được "săn tìm". Họ luôn sẵn sàng "chi mạnh" để sở hữu không chỉ là món đồ có chất lượng, chi tiết cầu kì hay độc lạ, những cái "tag" có thiết kế thú vị mà còn là câu chuyện, giá trị lịch sử quý báu đằng sau chúng.
Tuy khó mặc vì kiểu dáng nhưng với tài năng "biến tấu" của các thế hệ đam mê thời trang sau này, họ có thể áp dụng những items khó nhằn này vào những bộ cánh của mình. Không thể "tậu" hay diện cả cây đồ vintage từ đầu đến chân được thì họ có thể phối chiếc quần jeans, váy vintage cùng với những món đồ thời trang khác để tổng thể trông "trendy" nhất có thể
Những items "cộp mác" thời trang vintage
Bắt đầu những năm 20, với phong trào nữ quyền nổi lên mạnh mẽ, sự tự do của phụ nữ được thể hiện qua các thiết kế váy len jersey và đầm hạ eo flapper. Mũ hình chuông cloche và trang sức ngọc trai cũng là những món đồ đặc trưng cho thời điểm này.
Sang thập niên 30 là sự trở lại đằm thắm của hình mẫu nữ tính với những thiết kế cổ áo khoét sâu và váy chiết eo. Những thiết kế thời này đặc biệt bởi những đường cắt giúp tôn đường cong chuẩn chỉnh của người phụ nữ. Áo khoác Bolero với thiết kế lửng đặc trưng, xu hướng quần áo dệt kim, len crochet, giày Oxfords, giày T-strap,... cũng là những items "khuấy động" làng thời trang thời này.
Khi thế chiến thứ II nổ ra, vào những năm 40, các thiết kế cũng đổi sang những nét tối giản lẫn chất liệu và màu sắc. Thời trang, quần áo tiện ích (Utility Clothing/Fashion) cũng nổi trội trong tình hình này do khan hiếm về vải vóc. Kiểu dáng cũng trông có vẻ mạnh mẽ, đậm chất quân đội.
Trang phục được thiết kế ôm dáng hơn trước, chỉ vừa đủ rộng để đứng lên, ngồi xuống và di chuyển. Vải tweed thời thượng cũng được ưa chuộng trong thời điểm này. Thiết kế "cầu kỳ" nhất được chấp nhận chắc hẳn là kiểu váy peplum. Ngay khi chiến tranh kết thúc, Christian Dior tiên phong, gây chấn động với BST New Look năm 1947 với những thiết kế tôn dáng qua vai áo nhô, áo lót nâng ngực và thắt eo tối đa.
Thập niên 50, sau bức màn tăm tối của chiến tranh, màu sắc tươi sáng lại trở về với cuộc sống và thời trang. Hậu chiến tranh cũng là lúc cánh đàn ông gác súng trở về, buộc phụ nữ phải lui về nhà và bếp - nơi vốn của mình xưa nay, nhường lại vai trò lao động sản xuất. Sự trở lại này được đánh dấu bằng sự đổ bộ của bộ váy lady, tùng xòe rộng, eo thít chặt và thân trên ôm sát.
Trang phục phải tôn lên sự khác biệt giữa hông và eo, cổ và vai và tôn lên vóc dáng đồng hồ cát của người phụ nữ. Tạo nên một tổng thể mềm mại, nữ tính, duyên dáng, làm xiêu lòng các quý ông. Marilyn Monroe và Audrey Hepburn trở thành biểu tượng phong cách của hàng triệu cô gái từ thời điểm này đến tận ngày nay. Đồ lông cũng trở nên phổ biến không kém.
Những năm 1960, thời trang được đơn giản hóa. Phom dáng và màu sắc trang phục đơn giản nhưng vẫn làm bật lên cá tính người mặc. Nói đến giai đoạn thời trang này, không thể không nhắc đến đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy cùng với mẫu váy shift màu kẹo ngọt và nón pillbox được lăng xê.
Ngoài ra, các items như váy ngắn, áo khoác cape hay áo khoác dạng váy cũng là những món đồ thịnh hành trong giai đoạn này. Phong cách Hippie/Bohemian cũng được "thổi" lên như một trào lưu thời trang mới .
Phong cách Retro là gì?
Thuật ngữ "Retro" được rút gọn từ "retrospective" (có nghĩa là hồi tưởng về quá khứ) và là gốc từ Latin trong "retrospectus" (có nghĩa là ngược trở lại). Vậy có thể hiểu Retro là một phong cách thời trang, mô phỏng những xu hướng và phong cách thời trang thịnh hành của những thập niên xưa cũ.
Nếu như Vintage là những món thời trang cũ được lưu trữ từ quá khứ và giữ nguyên hơi thở xưa cũ từ phom dáng cho đến đường kim, mũi chỉ thì Retro được dùng để chỉ những thiết kế mới toanh được sản xuất và tái hiện, "nhái" lại trên chất liệu mới, lấy cảm hứng từ "hot items" hay xu hướng của những thập niên trước.
Như vậy, bất kỳ món đồ nào, nếu mang phong phạm của xu hướng thời trang của những thập niên xưa cũ, thì đều có thể mang trên người phong cách retro.
Gen Z với nỗi hoài niệm với thời trang vô cùng lớn, giờ đây đã tạo ra những items mang đậm hơi thở của những xu hướng thời trang từ thập niên trước, mang lại một cuộc sống "hiện đại", mới mẻ và thời trang hơn cho những món đồ đã cũ. Vừa biến chúng thành những món đồ kinh điển trường tồn theo thời gian vừa làm chúng trở nên xu hướng thời trang thịnh hành một lần nữa.
Sự khác biệt giữa Vintage và Retro
Nói một cách tóm tắt, sự khác biệt giữa chúng xuất phát từ nguồn gốc sản phẩm.
Những món đồ Vintage phải là những sản phẩm được sản xuất từ cách đây tối thiểu từ 20 đến 30 năm. Còn đối với Retro có thể là những sản phẩm mới toanh hoặc những món đồ đã cũ, nhưng được sản xuất "nhại" theo phong cách của hàng vintage xưa cũ.
Trang phục Vintage vẫn giữ được nét đẹp cổ điển của những thập niên trước. Còn những items Retro là bản phối hoàn hảo của nét cổ điển và hiện đại. Sự kết hợp này được thể hiện ở mẫu thiết kế, màu sắc, kiểu dáng, chất liệu và lẫn phụ kiện.
Một cách hiểu đơn giản khác là: Retro là một phong cách, còn Vintage được dùng để nói về xuất xứ sản phẩm. Retro là một trào lưu bao gồm cả đồ Vintage và không Vintage. Bạn có thể nói các items Vintage mang phong cách Retro nhưng theo chiều ngược lại thì không được.
Call me TrendZ đưa bạn đi vòng quanh thế giới để nắm bắt những xu hướng thời trang - làm đẹp đang được Gen Z ưa chuộng trong thời điểm hiện tại. Từ phong cách ăn mặc, trang điểm cho đến những gương mặt có sức ảnh hưởng đến "gu" của thế hệ trẻ, Call me TrendZ sẽ cùng bạn khám phá!
Nguồn: TH&PL