Tội phạm càng nguy hiểm càng thông minh. Cảnh giác, không thừa.
Thông tin cá nhân bị lộ và rao bán tràn lan trên không gian mạng khiến người dân không những bị làm phiền mà còn rơi vào bẫy lừa đảo của kẻ gian, không ít trường hợp mất tiền từ vài triệu lên đến vài trăm triệu đồng chỉ vì "nhẹ dạ".
Thời gian gần đây, Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố liên tục phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo qua điện thoại. Mọi người cần nắm được các chiêu thức phổ biến hiện nay để bảo vệ mình.
Nội dung liên quan
*Bài viết dưới đây tường thuật lại trải nghiệm của một nạn nhân bị mắc bẫy lừa đảo qua điện thoại di động. Nếu bạn nhận được những cuộc gọi lạ với dấu hiệu tương tự nạn nhân, cần ngắt máy ngay hoặc trình báo cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.
"Câu chuyện lừa đảo qua điện thoại vốn không còn mới, tuy nhiên nó ngày càng tinh vi, bài bản và logic hơn để dễ dàng thao túng tâm lý nạn nhân. Tôi là một trong số đó.
Trưa ngày hôm đó, trong lúc đang làm việc, tôi có nhận được một cuộc gọi với số điện thoại lạ. Người gọi có giọng nói bình tĩnh, rõ ràng và mạch lạc, tự xưng mình là công an.
"Chị có phải là A không?"
"Đúng, cho hỏi ai vậy ạ?"
"Tôi là Trung tá Nguyễn Thế Dương, số thẻ ngành 258372 thuộc phòng PC03 Điều tra kinh tế - Cơ quan công an TP HCM. Hiện tại chị đang là nghi phạm của một vụ án mua bán ma tuý và rửa tiền bất hợp pháp. Chúng tôi mời chị đến Công an TP.HCM, 268 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM để hợp tác điều tra. Trước khi làm việc trực tiếp, chị vui lòng trả lời 1 số câu hỏi sau để chúng tôi xác minh".
Đây là lần đầu tiên tôi nhận phải một cuộc gọi mang tính chất lừa đảo như thế, chính vì vậy, tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm và không chút nghi ngờ gì để cảnh giác. Chỉ nghe liên quan đến công an và phạm tội là bản thân "bạt vía", sợ hãi tột cùng dù rằng tôi không hề liên quan. Đó là bước đầu những kẻ lừa đảo đã làm để thao túng tâm lý nạn nhân, đặc biệt là những người có tâm lý yếu.
"Chị có quen biết ai tên Nguyễn Văn Nam không? Người này đã dùng rất nhiều tên khác nhau trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, rửa tiền bất hợp pháp".
Vì tôi trả lời không biết ai như vậy, nên người này nói tiếp để cung cấp thêm thông tin rằng đối tượng này làm việc với rất nhiều ngân hàng ở địa bàn nơi tôi đang ở. Sau đó, hắn miêu tả chiều cao, tuổi, nước da của đối tượng Nam kia, toàn bộ thông tin đều rất chung chung và xác nhận lại tôi có biết không. Dĩ nhiên tôi một mực từ chối.
Hắn còn nói thêm: "Hiện chúng tôi nhận định chị có thể đã bị lộ thông tin trên mạng, nên đối tượng này đã lấy thông tin đó để thực hiện hành vi lừa đảo của mình". Câu này cũng là một đòn tâm lý, để tạo cảm giác "an toàn, thấu hiểu", làm người nghe tin hơn vào câu chuyện. Cách đây 1 năm, tôi cũng từng lạc mất CMND, nên tôi càng tin hơn vào giả thiết mà "vị công an" này đưa ra.
Nội dung liên quan
Hắn nói tiếp: "Hiện đối tượng này đang bị bắt giữ tại công an Hà Nội, trong quá trình khám xét chúng tôi thu giữ được khối lượng lớn ma tuý cùng nhiều thẻ ngân hàng, trong số đó, có thẻ Vietcombank với số đuôi là 4863 được đăng ký dưới thông tin của chị. Đối tượng Nam đã dùng các thẻ này để thực hiện hành vi rửa tiền bất hợp pháp. Chị có biết rửa tiền bất hợp pháp là như thế nào không?".
Sau đó, hắn đọc một loạt quy định, điều luật, khung hình phạt, chế tài,... nghe rất "uy tín". Nhưng với đa số người dân, không ai nắm vững những điều luật này có đúng hay không. Tôi cũng vậy nên chỉ nghe rồi giả vờ nói hiểu chứ tâm trạng lúc ấy đang rất rối. Bằng cách đưa ra liên tiếp các thông tin luật pháp nghe rất học thuật, nếu tâm lý không vững thì rất dễ bị thao túng, dễ bị lừa tiếp.
Sau đó, hắn nói cần chuyển máy trực tiếp ra Công An Hà Nội để tiếp tục xác nhận việc không quen biết đối tượng Nam và tôi không phải là chủ của tấm thẻ Vietcombank kia. "Khi làm việc với Công an Hà Nội, chị đọc số hồ sơ vụ án MS 021389, tên vụ án: "Nguyễn Văn Nam - mua bán ma tuý và rửa tiền bất hợp pháp để chúng tôi dễ dàng ghi nhận".
Tôi cũng răm rắp làm theo, vì lúc này tôi chỉ nghĩ phải làm cách nào đó để thoát khỏi "vụ án" từ trên trời rơi xuống này, để chứng minh mình hoàn toàn không liên quan.
Sau khi chuyển cuộc gọi, một đối tượng khác bắt máy, xưng là Phạm Duy Toàn - Phó đội trưởng đội điều tra kinh tế Hà Nội, Công an Kinh Tế, Công An TP. Hà Nội, MS thẻ ngành 189593.
Vì để tránh việc nạn nhân bị hoảng loạn và cầu cứu mọi người xung quanh, hắn liên tục nhắc nhở tôi không được tiết lộ sự việc này cho người khác biết trong vòng 3 ngày để bảo mật thông tin vụ án. Đặc biệt phải tìm nơi kín đáo, không có người thứ 3 để ghi âm lại cuộc gọi nhằm phục vụ quá trình điều tra.
"Tên công an" này bắt đầu hỏi tôi những thông tin cá nhân cơ bản bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh lẫn địa chỉ nơi đang sống. Tôi cũng "thành thật" khai thông tin cá nhân của mình một cách mù quáng.
Hắn hỏi tiếp: "Hiện tại chị đang làm công việc gì. Mức thu nhập hàng tháng của chị là bao nhiêu?".
Tôi có e ngại trả lời, thì hắn nói thêm: "Tôi là cơ quan công an, mọi câu hỏi này phục vụ cho công tác điều tra, yêu cầu chị phối hợp với chúng tôi". Sau đó hắn lại tiếp tục đọc một loạt các chế tài khung phạt đối với người gây cản trở điều tra để "đe doạ" nạn nhân khiến họ phải răm rắp trả lời những câu hỏi mà chúng đặt ra.
Sau đó, chúng đi đến bước tiếp theo: "Số điện thoại này chị có sử dụng Zalo không, chị kết bạn với số điện thoại này, cán bộ phụ trách vụ án bên Viện kiểm sát sẽ gửi công văn cho chị. Hiện chúng tôi đã có lệnh bắt giữ và phong toả tài sản của chị".
Ngay sau đó, một tài khoản Zalo đã gửi lời mời kết bạn cho tôi. Ảnh đại diện là một người đàn ông chụp ảnh cùng vợ và con trai nhỏ tuổi, thoạt nhìn đã tạo độ uy tín về một "đồng chí công an" đã có gia đình tử tế. Sau khi tôi nhắn mã số vụ án thì tài khoản này gửi cho tôi tấm ảnh như bên dưới. Và tên cảnh sát giả mạo đang giữ cuộc gọi yêu cầu tôi đọc kỹ và đặt câu hỏi nếu có vấn đề thắc mắc.
Lúc đó, tôi cũng không còn tâm trạng gì để soi cho thật kỹ tờ công văn đó với tiêu đề nghe thật đáng sợ: "Lệnh bắt giữ hình sự và phong toả tài sản". Tôi chỉ biết trên tờ giấy ấy có đầy đủ tên họ, ngày tháng năm sinh và cả địa chỉ nơi mình đang sống, nhiêu đấy thôi cũng đủ làm tôi hoảng loạn, tôi muốn thoát khỏi chuyện này thật nhanh chóng. Sau khi bình tĩnh lại, tôi mới biết lúc ban đầu hắn yêu cầu tôi khai thông tin cá nhân để gõ lại lên tờ lệnh fake này, chứ chúng hoàn toàn không có thông tin chi tiết của mình ngoại trừ số điện thoại và tên.
Sau đó, hắn đề nghị tôi đưa ra các bằng chứng để chứng minh mình vô can, và một trong số đó là phải kiểm tra biến động tài khoản ngân hàng của tôi thời gian gần đây để xem có liên can gì đến những tài khoản ngân hàng có trong vụ án. Hắn yêu cầu tôi chụp màn hình biến động tài khoản ngân hàng của mình để gửi cho tài khoản Zalo kia. Tôi cũng làm theo.
Bước cuối cùng, hắn yêu cầu tôi chuyển hết số dư trong tài khoản ngân hàng của mình cho một số tài khoản cùng ngân hàng mà tôi đang dùng để thực hiện kiểm kê tài sản. Chúng gửi tiếp cho tôi một tờ giấy có chữ ký xác nhận của Giám đốc ngân hàng mà tôi đang dùng về việc xác nhận bàn giao tài sản. Tuy nhiên, tôi cũng không có tâm trí nào để lên mạng research ngay lúc đó để xác nhận cái tên đứng tài khoản trên tờ giấy kia có đúng là Giám đốc ngân hàng đó hay không.
Dù có hoài nghi rằng liệu việc này thì chứng minh được gì? Kiểm kê như thế nào? Nhưng trong lúc bối rối tôi chỉ muốn làm theo lời chúng nói cho nhanh để thoát khỏi rắc rối này. Số dư trong tài khoản tôi lúc ấy không còn nhiều, nên tôi đã đánh liều gửi tiền cho chúng. Mà đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao mình lại dại dột như vậy.
Sau khi tôi gửi tiền, "tên công an" đó nói sẽ tạm gác máy để tiếp nhận điều tra, sau 15 phút sẽ gọi lại, nếu không có vấn đề gì sẽ hoàn trả số tiền cho tôi.
Và tôi đã mất tiền một cách như thế.
Với sự "diễn" trơn tru từ đầu đến cuối, liên tiếp mang luật ra, tuy không phải với giọng điệu đe doạ, nhưng nó cũng thao túng tâm lý người nghe. Tâm lý không vững, không cập nhật thông tin, rất dễ bị lừa. Thêm vào đó, là thái độ cực "quang minh chính đại", từ tốn của người nói, luôn yêu cầu gặp ở trụ sở cơ quan công an cũng dễ làm người nghe không đề phòng.
Tội phạm càng nguy hiểm càng thông minh. Cảnh giác, không thừa. Tôi cũng sẽ xem đây là một bài học cho mình.