Du lịch mạo hiểm không có nghĩa là nguy hiểm mà là những cung đường chinh phục, bước ra khỏi vùng an toàn.
Có thể thấy đợt bùng phát dịch Covid 19 này thực sự là một cú sốc lớn đối với toàn xã hội, đã tác động mạnh đến công việc kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch.Tỷ lệ người lao động trong ngành du lịch mất việc ngày càng cao. Các hoạt động du lịch gần như bị đóng băng hoàn toàn.
Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành du lịch Việt Nam trong suốt hai năm vừa qua, những lần liên tiếp phải đóng cửa vì dịch bệnh. Tưởng chừng như mọi thứ đã "kết thúc", nhưng ngành du lịch đã kịp trở lại với những hơi thở mới, từng bước hồi phục trên những cung đường. Đây còn là cơ hội để người trong cuộc mở ra những cơ hội khác biệt, đặc biệt là trong suy nghĩ và thói quen du lịch của khách hàng Việt.
Tạm gác lại những chuyến du lịch check-in sang chảnh, những sự ngẫu hứng khi cứ vác balo lên và đi thì du lịch mạo hiểm cũng đang trở thành một điểm hot, sự lựa chọn trong xu hướng du lịch Việt Nam hiện nay. Nói đến du lịch mạo hiểm, không thể nào không nhắc đến Tổ Ong Adventure - một trong những công ty lữ hành uy tín về những chuyến trekking. Nơi gặp gỡ "người mở đường" cho việc làm du lịch tử tế, người thầy của việc giải bài toán phát triển du lịch, bảo vệ thiên nhiên và hơn hết là kết nối cộng đồng địa phương.
Hãy cùng gặp gỡ những "đầu tàu" của Tổ Ong Adventure để hiểu hơn về du lịch mạo hiểm. Hoàng Chiến, Tuyến Hùng và Đinh Hoàng - người làm du lịch từ tình yêu với thiên nhiên, hiểu rõ sứ mệnh và sự tử tế trên từng cung đường.
Kim chỉ nam sau dịch Covid-19: "Phải sống còn cho 6 tháng sắp đến, có lại nội lực"
Dịch bệnh đã bao trùm lên sự nặng nề về những hệ quả đối với ngành du lịch nói chung và đó cũng là những ngày "đóng băng" của Tổ Ong Adventure. Những con số thiệt hại, những doanh nghiệp đóng cửa, những địa phương heo hút… là hiện thực không thể chối bỏ của suốt khoảng thời gian dài hơn nửa năm . Đợt dịch đầu tiên, công ty đã mất 90% - 100% doanh thu.
"Hai năm vừa rồi là giai đoạn khó khăn với chúng tôi. Đội ngũ điều hành đã bỏ hết mục tiêu phát triển, chỉ còn mục tiêu duy nhất là làm sao để cố gắng duy trì và tồn tại. Giờ đây khi bình thường mới trở lại, chúng tôi muốn lái được con thuyền của TOA trong 6 tháng tiếp theo để bắt đầu có nội lực trở lại để phát triển.
Có 3 tiêu chí chúng tôi luôn bám sát vào và phát triển: thứ nhất an toàn (vấn đề an toàn đặt lên hàng đầu), thứ hai chuyên nghiệp, thứ ba phát triển bền vững". - Anh Lê Tuyến Hùng chia sẻ.
Tổ Ong Adventure - câu chuyện thương hiệu cũng như sứ mệnh góp phần xây dựng du lịch nói chung, du lịch mạo hiểm nói riêng ngày càng phát triển đúng, đủ và bền vững tại Việt Nam. Nói về những nhu cầu khám phá của khách hàng ngày càng lớn mạnh cũng như những khó khăn của doanh nghiệp sau đại dịch, anh Hoàng chia sẻ:
"Về đối tượng khách hàng không thay đổi lắm nhưng có một số thứ trong suy nghĩ của họ đã khác. Mọi người không còn tự tin đi xa nhưng lại có một cái hay vì mọi người bị kìm chân không được đi nên mọi người kiểu vừa muốn đi vừa không muốn đi. Khách hàng hiện nay sẽ không những mua tour truyền thống. Mọi người sẽ hướng đến những chuyến đi tự túc nhiều hơn, các hoạt động Adventure thay vì các bạn chỉ đi resort, nghỉ dưỡng".
Sau thời gian dài cố định bản thân ở một chỗ vì dịch bệnh, trải qua những khoảnh khắc sinh tử, mọi người dường như nhận ra được những giá trị lớn lao hơn của cuộc sống, họ khát khao được đi, sải những bước chân đến những nơi ít ai biết, trải nghiệm những điều chưa ai hay, và du lịch mạo hiểm dường như là lựa chọn số một tại thời điểm này.
Anh Hoàng cũng cho biết, trải qua 6 tháng dịch bệnh, tệp khách hàng trước và sau đã có những thay đổi đáng kể: "Đúng là khách hàng đang bị cuồng chân, họ tìm kiếm những chuyến đi. Những công ty có quy trình đảm bảo Covid, cam kết chống dịch như test nhanh, vắc – xin cả những người đồng bào ở địa phương. Tuần đầu mở thì khách rất đông, ở thời điểm hiện tại chúng tôi thấy khá tốt nhưng ở tương lai mình khó nói trước được, mong mọi thứ sẽ sớm được hồi phục.
Khách hàng của chúng tôi tầm 26 tuổi – 35 tuổi. Những nhóm tuổi 18 – 20 chỉ chiếm khoảng 5-10%. Chúng tôi cảm thấy người trẻ giờ đây rất quan tâm đến các kỹ năng. Những bạn 2k chúng tôi thấy rất năng động, các bạn làm ra tiền và sẵn sàng chi tiền để chinh phục".
Tập trung toàn lực phát triển doanh nghiệp là một chuyện, nhưng nan giải hơn là làm sao để cân bằng giữa kinh tế và rủi ro hủy hoại thiên nhiên. Đây không chỉ là bài toán hóc búa của riêng lĩnh vực du lịch mạo hiểm, mà còn là của toàn ngành du lịch. Nhưng bằng tình yêu với thiên nhiên, cả đội ngũ đã nỗ lực thực hiện các phương án sao cho có thể duy trì công việc kinh doanh, cũng như nâng cao ý thức của khách du lịch trong vấn đề bảo vệ môi trường:
"Trước đó chúng tôi cũng suy nghĩ rất là nhiều về các phương án, góc nhìn về các khu thiên nhiên, khu bảo tồn. Du lịch phải gắn liền với việc bảo vệ thiên nhiên. Trước hết, rác thải trong đoàn đều dùng những đồ có thể sử dụng lại, không sử dụng những đồ nhựa một lần. Thứ hai tất cả thành viên trong đoàn đều học cách phân loại rác thải. Không sử dụng chai nhựa mà chỉ mang bình nước cá nhân nếu khách làm theo sẽ được tặng quà, hay khuyến mãi một cái gì đó. Chúng tôi luôn hướng khách hàng đến sống xanh và yêu thiên nhiên.
Chúng tôi cũng làm việc với người địa phương, làm rõ tư tưởng với người dân ở từng nơi đi qua. Sau nhiều năm làm nghề, điều làm chúng tôi thấy được là sự thay đổi hơn về rừng. Hơn hết, chúng tôi chú trọng đến việc tạo việc làm cho anh em, người dân địa phương để họ có thêm thu nhập, không phá rừng lấy gỗ nữa. Du lịch mạo hiểm là được bảo vệ môi trường thiên nhiên, kết nối con người với con người" - Anh Hoàng đại diện trả lời.
Tổ Ong Adventure - những bước chân không bao giờ mỏi
Cái tên Tổ Ong, nghe tưởng như lạ, mà lại vô cùng gần gũi với cuộc sống của chúng ta. Nhiều người khi biết đến, nghĩ rằng là tổ của những chú ong, chắc có hàm ý sâu xa gì đó, nhưng anh Hoàng - người sáng lập của doanh nghiệp lại giải thích một cách vô cùng đơn giản, tự nhiên như cách bén duyên với nghề:
"Tổ ong có nghĩa là đôi dép. Vào rừng, những đôi dép tổ ong rất bền bỉ bám vào đá, đất rất là chắc. Chúng tôi thấy những người anh em địa phương mang những đôi dép, vẫn miệt mài chẳng ngại điều gì cả. Thứ hai, đôi dép bền bỉ thì những người tham gia trekking cũng phải bền bỉ. Thứ ba, riêng mình gắn bó với Tây Nguyên họ đi dép tổ ong nhìn thân thiện và gần gũi. Từ đó mình thấy tên Tổ Ong nó phù hợp, khách hàng còn hay trêu mình là những chú Ong chăm chỉ thế là mình quyết định để tên Tổ Ong đến bây giờ".
Để tạo dựng một công ty du lịch không bao giờ là dễ dàng, lại còn là du lịch mạo hiểm và nhất là ở thời điểm dịch bệnh chưa có dấu hiệu chấm dứt. Đội ngũ nhân sự của Tổ Ong chăm chỉ như những chú ong thợ, dùng vảy sáp xây nên chiếc tổ lớn, cẩn thận từng chút một, và đó cũng là mấu chốt tạo nên thành công và tiếng tăm trong, ngoài ngành cho Tổ Ong Adventure, trở thành doanh nghiệp hàng đầu về trekking tại Việt Nam hiện nay.
"Một trong những thứ chúng tôi tự tin là đội ngũ nhân sự, những thứ liên quan đến hậu cần, họ có chuyên môn và yêu nghề. Thứ hai, chúng tôi tự hào về những người anh em địa phương, trước đó họ khai thác rừng, những nghề cha truyền cháu nối, kiếm miếng cơm. Lúc chúng tôi vào làm du lịch thì họ dần suy nghĩ nên chuyển nghề để rừng xanh hơn bằng cách làm du lịch bền vững. Đó là những điều chúng tôi thấy rất tự hào khi nói đến du lịch mạo hiểm mà mình đã làm suốt thời gian qua".
Cũng nhờ sự nỗ lực và bước chân không ngừng nghỉ, mà Tổ Ong bén duyên với Rừng Thế Mạng, phim điện ảnh thuộc thể loại kinh dị, sinh tồn đầu tiên tại Việt Nam, khởi chiếu vào 31/12/2021. Bộ phim được quay tại Tà Năng - Phan Dũng, nơi được xem là cung đường trekking đẹp nhất của nước ta, nhưng theo đó cũng kéo theo những rủi ro, nguy hiểm chết người.
Vì thế, những đầu tàu vững chắc của du lịch mạo hiểm với kinh nghiệm dày dặn, đội ngũ chuyên nghiệp đã được "chọn mặt gửi vàng" làm đơn vị đồng hành xuyên suốt quá trình thực hiện bộ phim. Chia sẻ về mối duyên này, anh Hoàng cho biết:
"Trước khi làm phim mọi người có đi khảo sát. Đoàn làm phim hỏi ai có thể tổ chức được chuyến đi nhiều ngày thì người địa phương đã nhắc đến chúng tôi. Lịch trình lên rất gấp, làm kế hoạch vỏn vẹn trong một tuần. Đoàn làm phim đặt nhiều tiêu chí an toàn, cả hai bên cùng nhau hợp tác và Tổ Ong xem đây là một trải nghiệm mới lạ với anh em.
Bình thường để làm tour chúng tôi phải mất 2-3 tuần để làm, nên để chuẩn bị cho cả 100 người vào rừng trong 10 ngày là thử thách mà Tổ Ong đã vượt qua. Bây giờ nghĩ lại không hiểu vì sao làm được, cũng nhờ có anh em địa phương giúp đỡ nên nhanh hơn. Đồng hành cùng phim Rừng Thế Mạng là một kỷ niệm khó quên với chúng tôi".
Du lịch mạo hiểm nhưng không nguy hiểm, vượt qua giới hạn bản thân
Những ngày bình thường mới trở lại, sự cuồng chân của mọi người càng trở nên cao hơn bao giờ hết. Nửa năm tù túng trong cuộc sống giãn cách, ai ai cũng mong mỏi những chuyến đi để "detox" lại bản thân và hơn hết là được đi đây đi đó sau khoảng thời gian quá lâu.
Những người trẻ như những chú chim được sổ lòng, họ sẵn sàng khám phá bao điều mới mẻ so với trước đây. Họ sẵn sàng cho việc khám phá bộ môn mới, kết nối với thiên nhiên, thoát ly khỏi thành phố ngột ngạt, khỏi dịch bệnh vẫn đang rì chặt nhiều người. Họ chọn vượt qua những giới hạn để trở về với những điều gần gũi nhất, hoang sơ nhất của thiên nhiên để chinh phục bản lĩnh.
Đây cũng là thời điểm, những chú ong thợ dẫn dắt kết nối bầy ong trên những chặng đường, cùng đường thám hiểm vô cùng đặc sắc như Tà Năng - Phan Dũng, Tà Giang, 8 Nàng Tiên,...Những tour guide cùng những người "thợ chính" đã làm nên 3 nhánh chính, tương ứng với phân khúc khách hàng và cấp bậc trong du lịch mạo hiểm, gồm: Nature Walking, Mountain Hiking và Trekking.
Du lịch mạo hiểm không có nghĩa là loại hình du lịch nguy hiểm, không an toàn cho người tham gia. Vì đối với Tổ Ong, một chuyến đi không an toàn thì không phải là một chuyến du lịch. Những người thợ xây đã cần mẫn tìm kiếm những điều mới lạ trên từng cung đường, luôn đặt sự an toàn của khách hàng lên hàng đầu.
Anh em trong đội ngũ thường sẽ mất từ 1 - 2 năm để lên cấu trúc, thử nghiệm trước khi được đưa vào phục vụ khách hàng. Đó là quá trình nhiều thử thách cho đội ngũ anh em nhà Tổ Ong từ việc xin cấp phép chính quyền, chứng minh hồ sơ năng lực, cam kết về số lượng khách, cam kết đảm bảo an toàn, kết nối & tạo việc làm cho người bản địa…
Nói về những chuyến trekking, những bộ môn có phần khác biệt với những loại hình du lịch khác, anh Chiến cũng đã có nhiều chia sẻ về Adventure.
"Thật ra mọi người nói nó mạo hiểm, đúng là nó có yếu tố nguy hiểm trong cái chuyến đi đó. Nguy hiểm ở đây vẫn có, chúng ta có thể gặp phải những mong muốn không đáng có.
Từ "mạo hiểm" trong tiếng anh được dịch là Adventure. Adventure có nghĩa là mọi người sẽ bước ra khỏi vòng an toàn của mình, tìm cái gì đó nó khác đi so với những điều trước giờ đã làm. Nên mình nghĩ du lịch mạo hiểm ở đây là bạn được bước ra khỏi chiếc hộp của bản thân, được trải nghiệm và chinh phục nhiều hơn".
Bên cạnh đó, anh cũng cho biết thêm du lịch mạo hiểm cũng liên quan đến vận động, thể lực và khám phá. Mọi người cần phải vận động ra mồ hôi, tốn nhiều sức lực hơn, thể lực tốt hơn để chinh phục những địa điểm, những cung đường đi qua. Leo núi, đi bộ, lặn biển, đạp xe, chèo sup,… rất thú vị và đáng tiền để bạn một lần nên thử qua.
"Thường chúng ta sẽ có một cái khái niệm 'Du lịch trải nghiệm', mọi người hay nói cái gì khó khăn xíu, cái gì nghèo khó xíu thì được xem trải nghiệm. Dù có phần đắt đỏ hơn trong việc chi trả nhưng nó hoàn toàn xứng đáng để vượt qua giới hạn của bản thân" - Anh Hùng nói thêm.
Nhưng với tinh thần bền bỉ của những chú ong chăm chỉ, hầu hết nhân sự của Tổ Ong Adventure đều đồng lòng. Dù đã có một chặng đường chưa thật sự dài, chỉ vỏn vẹn 3 năm nhưng những chú ong, những nhà mở đường tinh anh đã khẳng định được vị trí của du lịch mạo hiểm trong thị trường du lịch hiện nay.
Song hành với việc phát triển dự án ảo và chia sẻ kỹ năng, các cây đề vững chắc của Tổ Ong Adventure đang miệt mài mở lại những cung đường trekking, khởi động du lịch mạo hiểm sau dịch. Một khởi đầu mới chính thức bắt đầu.
Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục
Nguồn: TH&PL