Hồi phục giáo dục: Thật khó để… tạm gác hết những âu lo!

Chiến thắng được dịch bệnh, khắc phục được những hậu quả nặng nề mà nó để lại trên phương diện xã hội và con người là rất lâu dài, giáo dục lại càng cần một khoảng thời gian nhiều hơn thế nữa.

Sáu giờ bốn mươi lăm sáng, tiếng trống vào học lại tuần tự vang lên như mọi khi, át đi sự náo nhiệt ở sân trường khi các cô cậu học sinh vội vàng đi vào lớp. Mấy gian lớp học lại ồn ào tiếng khảo bài, tiếng lật sách rột roạt, rồi bỗng dưng im lặng hẳn đi khi bước chân của thầy cô ngày càng gần cửa lớp. 

Quang cảnh đó, đã lâu rồi, không còn được thấy nữa.

"Chưa bao giờ một điều rất đỗi bình thường, giản dị là học sinh tới trường học lại trở nên khó khăn, thách thức đến vậy". Và chúng ta rõ ràng, không còn cách nào ngoài chấp nhận thách thức. 

Như lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã viết trong thư gửi các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục nhân ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam 20/11, "Năm nay, đại dịch đã làm thay đổi rất nhiều thứ. Những công việc mà chúng ta đang làm cũng thật khác biệt so với những năm trước. Chúng ta chúc nhau cùng làm thật tốt công việc, cùng nhau vượt qua khó khăn thử thách và gặt hái thành công". 

Dịch bệnh khiến việc dạy và học cần hết sức linh hoạt, linh hoạt để điều chỉnh, để ứng phó với các tình huống phức tạp. Đối với toàn ngành, linh hoạt thích ứng là một năng lực của ngành, thích ứng với các hoàn cảnh là năng lực của từng cá nhân. Những phương pháp vạn năng để học và trưởng thành trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay đang được phát huy tối đa và sự nỗ lực hết mình của cả thầy và trò.

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Đại dịch vẫn đang khiến những trăn trở về việc truyền đạt kiến thức cho thế hệ tương lai của đất nước ngày càng trở nên khó khăn, những nỗi lo canh cánh về nền giáo dục nước nhà vẫn còn đó. Nhưng, đâu đó, mỗi sáng, mỗi ngày trên đất nước chúng ta, những người giáo viên nhiệt thành vẫn ngồi trước màn hình, và nỗ lực mang tri thức đến cho học trò một cách dễ dàng nhất, và cũng kiên cường nhất. 

Có lẽ, dù con đường trở lại với mái trường có thể đã rất gần, hoặc cũng có thể còn rất xa. Tuy nhiên, "ngày nào những người giáo viên tận tụy, và những người học trò vẫn còn khát khao với tri thức, tôi vẫn vững tin vào nền giáo dục nước nhà. Họ không chỉ cố gắng tận tâm, tận lực vì tương lai của Tổ quốc, mà còn vì những giọt mồ hôi nơi tiền tuyến, và vì cả những sự hy sinh".

Giáo dục nói chung và tinh thần "ngừng tới lớp, không ngừng học tập" cùng với đó là những cố gắng từng ngày để trường học được mở cửa, học sinh lại được đến trường. Hồi phục đối với giáo dục vẫn đang từng bước "bình phục".

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Hàng triệu học sinh trên cả nước đã ở yên trong nhà suốt 7 tháng ròng rã và đang tiếp tục học trực tuyến khi năm học mới đã sắp kết thúc học kỳ 1. Mong muốn được trở lại trường trở nên cháy bỏng khi Covid-19 đã dần được kiểm soát, tuy nhiên nỗi lo lắng lại càng tăng thêm vì dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào, bài toán về sự hồi phục với ngành giáo dục gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. 

Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần được xác lập. Kinh tế và các hoạt động xã hội dần phục hồi, 2 tháng qua Hà Nội và TP.HCM cùng các tỉnh, thành phố bước vào cuộc sống bình thường mới. 

"Bình thường mới" của ngành giáo dục lại bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn, thách thức vẫn vẹn nguyên, và thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước. Hậu quả do dịch bệnh gây ra để lại lâu dài và sự khắc phục không thể trong một sớm một chiều là những điều mà toàn ngành Giáo dục trăn trở. 

Theo báo cáo nhanh của UNICEF có đến 37, 9% trẻ em gặp phải các sự cố kỹ thuật khi học trực tuyến, gián đoạn kết nối internet, thiếu thiết bị học tập, không có âm thanh, video,... Đến 22,7% trẻ bị gặp nhiều vấn đề về mặt tâm lý, thói quen, các vấn đề về sức khỏe khi thay đổi hình thức học tập.

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Trong 2 năm qua, ngành giáo dục đã phải đối mặt với những hệ quả nghiêm trọng do đại dịch để lại. Học tập vốn là một quá trình để người học được liên tục tích lũy kiến thức, tuy nhiên trải qua bốn "làn sóng" của đại dịch, việc dạy và học của tất cả các cấp nói chung đã không ít lần bị gián đoạn.

Hình thức dạy và học online cứ ngỡ chỉ là một phương án tạm thời nhưng hai năm dịch bệnh diễn ra. Từ "tạm thời" đã thành một điều quen thuộc kéo dài suốt nhiều tháng. Hai năm trôi qua với bao kỳ học online, những câu chuyện học và dạy diễn ra vô cùng khó khăn, thử thách. Những công văn về việc mở cửa lại trường học vẫn chưa ấn định ngày, trường học mở cửa lại có ca nhiễm, cả một kỳ thi đại học đầy cam go cho học sinh cuối cấp chưa từng có tiền lệ,...

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 đã sắp bước vào giai đoạn kết thúc nhưng việc đến trường vẫn chưa định ngày. Học online vẫn được diễn ra mỗi ngày như một thói quen mới, thích nghi với tình hình dịch bệnh, mỗi thầy cô như một pháo đài, mỗi học trò như một chiến binh trong cuộc chiến cùng đại dịch, ngừng đến trường nhưng không vì thế mà ngừng học tập

Khi học online tâm lý học sinh sẽ được chia làm nhiều giai đoạn, những thay đổi được dần hiện rõ. Ở giai đoạn đầu thì học sinh nào cũng có xu hướng tiếp nhận học online theo kiểu chống đối. Các bạn học cho qua môn, cho có tiết học, học hành nhưng không vào kiến thức mấy. Thời gian sau, các bạn ấy sẽ dần thay đổi và điều này phụ thuộc vào thái độ lẫn nhận thức của mỗi người. Có lẽ giờ đây, học online đã không còn là nỗi sợ lớn nhất đối với các bạn học sinh, sinh viên.

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Những cô cậu học sinh 2k4 không thể nào ngồi yên được khi là thế hệ "nhận đủ" hết những khó khăn và sự gián đoạn về việc học suốt hai năm qua. Cơn bão dịch bệnh đã làm cho Quốc Việt không khỏi những lo lắng khi bước vào năm học cuối cấp và kỳ thi THPT sắp diễn ra. 

"Suốt nhiều tháng qua, mình đã học online và dần phải thích nghi với việc giao tiếp, trao đổi với giáo viên, bạn bè trên những phòng học ảo qua Zoom, Google Meet,...Hai năm từ không quen, cảm thấy khó chịu đến nay là thích nghi, chờ đợi những điều tích cực sẽ đến để mình và các bạn được quay trở lại trường học".

Hải Dương lại có một nỗi niềm khác hơn so với Quốc Việt, vượt qua một kỳ thi THPT vô cùng đặc biệt, lứa học sinh 2k2 gọi đó là kỳ thi lịch sử. Đi qua kỳ thi đầy khó khăn, nhập học bằng hình thức trực tuyến, và bước vào giảng đường đại học cũng không thể nào thiếu đi cụm từ "online". 

"Việc đầu tiên mình phải chia sẻ, mình chưa từng có cảm giác học online ở cấp 3 nên mình năm học này học online là một điều vô cùng mới. Thêm đó, học đại học cùng với các cách học mới, kiến thức mới, môi trường mới làm mình khá chênh vênh và bỡ ngỡ rất nhiều. 

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Chọn cho mình ngôi trường Tôn Đức Thắng vì thích cơ sở vật chất của trường, nhưng đã hết một học kỳ mình vẫn chưa được tận hưởng cảm giác đó cũng khiến mình cảm thấy rất tiếc. Mọi sự kiện, hoạt động khi được trực tiếp trải nghiệm đều mang lại một cảm xúc chân thật hơn nhiều so với việc theo dõi sự kiện đó trực tuyến - Lễ Khai Giảng cũng vậy, việc khai giảng online chưa thực sự làm mình háo hức đón chào năm học mới như cách mình kỳ vọng ở một môi trường học đường mới".

​​Thầy trò chưa kịp gặp mặt nhau, bạn bè cùng lớp cũng chưa một lần gặp gỡ, lớp học mới cũng hứa hẹn ngày gặp lại. Việc học và dạy trong cơn bão dịch bệnh là thách thức cho cả thầy và trò, những sự cố không may trong quá trình học online như học sinh chửi mắng thầy giáo, giảng viên không giữ được bình tĩnh khi dạy online, có người lạ lọt vào lớp chọc phá, thi online thì rớt mạng/tiếng ồn, bị đuổi ra khỏi lớp… Từ sự cố nhỏ đến lớn đều cho thấy việc học online để lại nhiều hệ quả cho học sinh - sinh viên, cho cả thầy cô và toàn ngành giáo dục trong suốt thời gian qua.

Gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Trên 7 vạn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực. Việc học tập trực tuyến, học truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài, những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể xiết.

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Những con số tiêu cực vẫn hiện hữu, một năm học đặc biệt, những dấu mốc cũng trở nên đặc biệt, chúng ta chính là những nhân chứng của lịch sử - đủ mạnh mẽ để vượt qua mọi khó khăn của đại dịch thế giới. Nhưng cởi mở và tích cực hơn khi nhìn nhận việc học online đã để thầy và trò trở thành những chiến binh dũng cảm trên con đường chinh phục tri thức.

Hơn hết, giờ đây khi việc học trực tuyến diễn ra trong thời gian dài cũng là lúc các bạn học sinh trân trọng hơn những giờ học trực tiếp tại trường. Sự kết nối là điều mà hơn 17 triệu học sinh trên toàn quốc mong muốn nhất vào lúc này.

Sandy Mackenzie - Giám đốc Trường Quốc tế Copenhagen dự đoán: "Có khả năng Covid-19 sẽ gây rối theo hướng tích cực. Điều này có thể khiến các trường loại bỏ những gì đã lỗi thời, sử dụng công nghệ một cách hiệu quả và đảm bảo rằng các nhà giáo dục đang phát triển các kỹ năng mà các thế hệ mới cần trong nhiều thập kỷ tới".

Nhìn nhận ở một khía cạnh cởi mở và tích cực hơn, trường học, thầy cô và học trò đã và đang có những "hồi phục" và đổi mới trong sự nghiệp trồng người và những con thuyền nhỏ chinh phục tri thức. Thời gian học trực tiếp giờ đây như được xem là "khoảng thời gian vàng" mà ai cũng mong chờ ngày được trở lại.

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Covid-19 như cơn bão cuồng phong càn qua, quét lại đã "cướp" đi nhiều thứ quý giá của con người. Là người cầm lái cả con thuyền lớn, thầy cô phải bình tĩnh và sáng suốt để vượt qua sóng to, gió lớn. 

Nhắc về những ngày căng thẳng trong đại dịch Covid-19, thầy Huỳnh Thanh Phú (THPT Nguyễn Du, TP.HCM) không thể nào quên được "trường có 9 thầy cô cùng người nhà dương tính, còn học sinh và gia đình học sinh thì nhiều lắm. Riêng gia đình tôi có 23 người thân dương tính, trong đó có 2 người mất, 1 người nguy kịch". 

Trường Nguyễn Du cũng trở thành khu trưng dụng để cách ly, có thể thấy những khó khăn thách thức đã được người cầm lái nén chịu nỗi đau để không gục ngã, người lãnh đạo vẫn miệt mài cùng các sở ban ngành để từng bước mở cửa lại trường học, đón học sinh trở về với trường lớp.

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Khó khăn dịch bệnh cùng những tác động tiêu cực, nhưng thầy cô vẫn là "chiến binh" vô cùng mạnh mẽ, không khuất phục trước thời cuộc. Các thầy cô còn chính là những người đóng vai trò giáo dục học trò - thế hệ trẻ về sự mất mát, đau thương trong dịch bệnh, và tinh thần trân trọng cuộc sống. 

Năm học này, việc dạy và học trực tuyến chẳng hứa hẹn trước được ngày kết thúc. Vấn đề đặt ra là làm sao cho quá trình này diễn ra một cách tốt đẹp. Đây được xem là bài toán và thử thách đến với những người lái đò, phải là người tạo động lực và khơi nguồn cảm hứng cho học sinh. 

2021 là một dấu mốc không thể nào quên trong quãng đời học sinh, sinh viên của mỗi người. Đây cũng là một năm nhiều chông gai và đầy ắp những kỷ niệm trong sự nghiệp giáo dục của các thầy cô. Trải nghiệm học tập của thầy trò trên nền tảng công nghệ 4.0 đầy ắp buồn vui, những câu chuyện dở khóc dở cười được chia sẻ khắp mạng xã hội, nhờ đó chúng ta thêm phần nào hiểu được thầy cô đã hết lòng với học sinh đến nhường nào. 

Giáo dục là một nghề cao quý, thầy cô đang từng ngày chống lại dịch bệnh, khắc phục được những hậu quả nặng nề "cô vy" gây nên cho những lỗ hổng kiến thức vẫn đang còn lở loét.

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Thầy cô đã quen với phương pháp giảng dạy trực tiếp hay những thao tác trình chiếu đơn giản, nhưng xã hội vẫn còn mắc kẹt trong Covid-19. Họ phải thay đổi cách truyền đạt kiến thức sao cho học sinh vẫn hiểu được bài, thành tích học tập không bị ảnh hưởng. Dù dịch bệnh vẫn đang ở đó, nhưng thầy cô vẫn vững tin qua màn hình chiếu, kết nối và lạc quan vì học trò.

Bước vào ngành giáo dục cũng đã hơn một thập kỷ trôi qua, hai năm làm quen và thích nghi với việc giảng dạy online. Sự kết nối giữa giảng viên, học sinh và phụ huynh thêm phần khó khăn và nhiều thách thức. 

Khi được hỏi về việc dạy online và thích nghi trong suốt quá trình giảng dạy trong hai năm dịch bệnh vừa qua, Thạc sĩ Đoàn Hữu Hoàng Khuyên - Phó Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cũng không thể quên được những ngày làm quen với việc sử dụng LMS của trường, kết nối và soạn bài giảng cũng có nhiều sự thay đổi.

"Cô đã có một khoảng thời gian dài để thích nghi với các nền tảng để giảng dạy và truyền đạt kiến thức đến các bạn sinh viên. Khó khăn của giảng viên là phải soạn lại bài giảng vì nó tốn nhiều thời gian so với bài giảng trực tiếp. Phải sắp xếp, cắt khúc cho bài giảng thêm sinh động và linh hoạt, nó rất là hao chất xám và hao tốn thời gian, cô muốn giảng một bài giảng 1 buổi với sinh viên thì cô mất ít nhất 3 bữa trước đó để cô làm lại bài giảng". 

Giảng dạy và có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc đứng lớp, từng phải đương đầu với những "ca khó" học trò nhưng cô Thu Hiền (giáo viên bộ môn Ngữ Văn, THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển) cảm thấy khó hơn việc dạy học học trò là việc thích ứng và dạy học trực tuyến. May mắn trong năm học trước, Cà Mau vẫn là vùng xanh an toàn nhưng năm học này dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến tỉnh nói chung và ngành giáo dục tỉnh nhà nói riêng, bài toán về việc dạy và học đã làm thầy cô gặp nhiều trắc trở. 

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Việc thay đổi phương thức dạy học sang các phần mềm trực tuyến sẽ làm một trở ngại lớn đối với giáo viên lớn tuổi. Trước nay, hầu hết các thầy cô vẫn quen với phấn trắng, bảng đen và chỉ sử dụng công nghệ khi cần soạn thảo văn bản hay bài giảng bằng PowerPoint. Cô luôn trăn trở và cố gắng thích nghi từng ngày để làm quen với việc giảng dạy và sử dụng các phần mềm, bên cạnh đó còn là ghi hình dạy trực tuyến trên sóng truyền hình tỉnh. 

"Tôi đã rất lo lắng khi bắt đầu nhận tin dạy học trực tuyến. Lớn tuổi việc sử dụng công nghệ có phần chậm chạp hơn so với các giáo viên khác. Hơn hết, tôi dạy Văn nên việc kết nối và trao đổi trực tiếp là vô cùng quan trọng. Nhưng bất đắc dĩ, cả thầy và trò đều phải cố gắng và học cách thông cảm cho nhau rất nhiều. Vất vả hơn nhưng tôi thấy thương học trò mình hơn, chỉ còn vài nữa đã phải bước vào kỳ thi THPT Quốc gia". 

Ngoài những rào cản về việc bắt đầu dạy với hình thức mới, áp lực của người thầy khi đứng lớp online luôn nhận được sự quan sát của phụ huynh, những trò nghịch phá online của học trò. Các tiết học dường như trở thành những tiết "dự giờ" bất đắc dĩ, việc học cũng không còn là không gian riêng của thầy và trò. 

Thử thách cứ tưởng chỉ đến với giáo viên lớn tuổi trong việc thích ứng và sử dụng công nghệ, nhưng với thầy cô trẻ tuổi việc dạy học trực tuyến cũng không hề dễ dàng. Thế hệ thầy cô 8X, 9X cũng đã không tránh khỏi những câu nói quen thuộc "mạng nhà em lag thầy ơi, mic em hỏng, camera không mở được cô ạ",...

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Từ những tác động ngoại cảnh cũng là một trong những yếu tố làm giảm đi chất lượng của tiết học, đến những mánh khóe chiêu trò của học trò cũng đã tác động không nhỏ đến quá trình giảng dạy của thầy cô. 

"Giáo dục được xem là một trong lĩnh vực chiụ những thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Tôi là một giáo viên cấp ba nên học trò của tôi cũng đã lớn để tiếp xúc và sử dụng công nghệ. Khó khăn trong việc chuyển đổi hình thức dạy là không đáng kể về mặt kỹ thuật, nhưng khi xử lý những tình huống trong lớp học trực tuyến mới là điều đáng lo ngại" - Thầy Minh Huân (Giáo viên Tiếng Anh, THPT Phan Liêm) chia sẻ. 

Việc xem xét các bạn học sinh về cảm xúc trong từng tiết học, đôi lúc có chút bất lực và sự vô vọng vì không được học trò hồi đáp, những lần không kết nối được với trò trong quá trình tiết học diễn ra đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và tinh thần của các giáo viên. 

"Dạy online là một khóa học quản lý cảm xúc mà mỗi giáo viên cần trải qua, nó như một khóa học rèn luyện thêm nghiệp vụ sư phạm cho người trẻ chúng tôi. Tôi công tác tại một trường thuộc huyện còn nhiều khó khăn nên càng thêm thử thách cho thầy và trò trong hoàn cảnh này. 

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Các bạn thiếu thiết bị học tập, vừa học vừa mưu sinh và phụ giúp gia đình. Các bạn phải lao động phụ giúp gia đình nhưng vẫn cố bám trường, bám lớp. Có học trò cũng không may trở thành F0, F1, có những lúc 'ức chế, giận trò' nhưng hơn hết vẫn là tình thương và sự nể phục các cô cậu tuổi 17 của mình. Đó cũng là động lực để tôi truyền đạt và nỗ lực hết mình trong từng giờ học".

Thử thách với những người lái đò đến từ rất nhiều tác động chủ quan và khách quan, thầy cô thuộc thế hệ Z lại có những va chạm "đầu đời" khi bước vào nghề, đây được xem như khoảng thời gian gian nan thử sức, lửa thử vàng với thế hệ này. Việc tiếp xúc với công nghệ có phần dễ dàng hơn song họ cũng gặp những cái khó của riêng mình trong nghiệp vụ cùng những trò nghịch phá đúng chuẩn nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò.

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

"Thú thật tôi may mắn khi khoá luận tốt nghiệp của mình làm về vấn đề Dạy học trực tuyến. Tôi đã có thời gian để nghiên cứu cũng như ứng dụng những phương pháp thích hợp trong dạy học trực tuyến. Vì vậy, tôi cũng đã ứng dụng những gì mình đã được học, đã được thử nghiệm, và nghiên cứu đến với những bài dạy của mình. 

Tôi đã học hỏi thêm nhiều từ bạn bè trong giảng dạy, đánh giá cao khả năng của học sinh nên tôi luôn đặt học sinh làm trung tâm và giáo viên sẽ là người gợi mở để giúp các em tìm được kiến thức nên tôi chủ yếu sử dụng mô hình lớp học đảo ngược, nhằm thúc đẩy sự chủ động học tập từ các em" - Cô Phương Linh (Giáo viên bộ môn Ngữ văn, trường THPT Lương Thế Vinh) chia sẻ. 

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Năm học đặc biệt, khoác trên mình hai màu áo hai vai trò, những người thầy người cô đang nhận trọng trách trên vai trong sự nghiệp dẫn dắt những sinh viên của mình trở thành những y bác sĩ, những lương y trong tương lai vẫn đang miệt mài nơi tuyến đầu. Đây được xem là một năm vô cùng khác biệt đối với thầy cô trong ngành Y tế, trường học của thầy và trò là "giảng đường tâm dịch", nơi truy vết, cấp cứu và trực tiếp điều trị F0.

"Cuộc chiến chống dịch cần sự chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân. Bất kỳ một ngành nghề nào, bất kì một cá nhân nào cũng cần phải góp sức hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp để chúng ta có thể giành chiến thắng trước dịch bệnh. Ngành y cũng vậy. Những "chiến sĩ" áo trắng trong tuyến đầu chống dịch. Cuộc sống bị thay đổi, xáo trộn rất nhiều. 

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Nhưng hơn hết là một người thầy, một bác sĩ tôi hạnh phúc khi thấy học trò mình trưởng thành. Thời gian mà các bạn học được sự cống hiến vì cộng đồng. Ở đây là sức trẻ, là chuyên môn khi các bạn ấy đăng ký tham gia chống dịch. Mỗi một mẫu các bạn ấy lấy hàng ngày, mỗi một mũi tiêm vaccine các bạn ấy thực hiện, đều góp phần đẩy lùi dịch bệnh, mang lại sức khỏe cho người dân" - cô Hồng Hạnh, Giảng viên khoa Y tế công cộng - Đại học Y Dược Thái Nguyên tâm sự về những tiết học "trực tiếp" nơi tuyến đầu chống dịch.

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Năm học mới đúng vào mùa dịch dịch bệnh trở lại, học sinh phải tham gia lớp học trực tuyến, thử thách không còn dừng lại đối với nhà trường, giáo viên và học sinh mà còn là nỗi niềm, những âu lo đến từ các bậc phụ huynh. Học trực tuyến kéo dài, thời gian con em tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu như hiện nay, làm nỗi lo của phụ huynh càng lớn. Họ lo lắng về sức khỏe và tinh thần của con cái mình, sẽ gây hại tới sức khỏe về mắt, phát triển cơ thể. Lo lắng hơn cả là việc này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của trẻ khi các em đang trong giai đoạn hình thành về tính cách. 

Khi việc học được diễn ra tại nhà, phụ huynh cũng trở thành những người thầy người cô bất đắc dĩ, trở thành người bạn của con, là người kết nối và đồng hành cùng con, cùng thầy cô trên chặng đường nhiều khó khăn này. 

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

"Tôi đã rất khó khăn trong việc hiểu con và đồng hành cùng con suốt thời gian qua. Con học nội trú tại trường suốt hai năm qua, do dịch bệnh phức tạp nên con về nhà học tập. May mắn là con học trong môi trường sử dụng giáo trình điện tử, sử dụng công nghệ, nhưng điều khó khăn là tôi khó kết nối và hiểu con đang như thế nào. Việc học ở nhà cũng không thuận tiện vì ở vùng sâu vùng xa nên đường truyền khá kém. Tôi lo lắng hơn nữa là những lúc con thay đổi cảm xúc khi các tiết học trôi qua" - Cô Bích Thuỷ (Kinh doanh tự do) cho biết. 

Chị Hồng Ngân (nhân viên ngành Dược) cũng cùng cảm xúc như bao phụ huynh khác trong những tháng vừa qua, việc học online và tiếp xúc quá sớm với thiết bị điện tử, đặc biệt là mạng Internet khiến chị rất khó kiểm soát và nhiều lo lắng. Chị cho biết lúc hai con học phải dành không gian riêng tư cho hai bé chứ không thể kề cạnh được vì chị cũng có công việc tại cơ quan, chị chỉ lâu lâu vào xem con mình đang làm gì, hỏi con hôm nay thế nào. 

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

"Để cải thiện tình trạng "dán mắt" của con vào màn hình, những tác động về mặt tâm lý do việc học online kéo dài, tôi thường xuyên đồng hành cùng con, tranh thủ vào cuối tuần, đọc sách, trao đổi kiến thức cùng con. Cho con tham gia cùng nấu ăn, cùng làm những điều con thích. Thời gian giãn cách, bên cạnh những tiêu cực thì tôi thấy trân trọng khoảng thời gian này vì được gần con và có thời gian cho con hơn".

Những ngày qua, khi cuộc sống bình thường mới trở lại, trường học cũng đã có những thông báo trở lại trường. Niềm vui của bậc làm cha làm mẹ khi thấy con được thoát ly khỏi màn hình máy tính, được đến trường gặp thầy cô, bạn bè. Những ông bố bà mẹ có con đang năm học cuối cấp cũng như thở phào khi con sẽ sớm được lấp đầy những lỗ hổng kiến thức vừa qua để vững vàng bước vào kỳ thi THPT sắp đến. Nhưng hơn hết, vẫn là một nỗi lo về dịch bệnh đang diễn biến phức tạp từng ngày. 

Khoảnh khắc nhìn con bước vào cổng trường học, ngoài kia dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Những bậc làm cha làm mẹ cũng không khỏi những bối rối và lo lắng khi cho con trở lại trường. Vui vì con được đến trường, được học tập hiệu quả hơn nhưng vẫn sợ, một nỗi sợ vô hình về dịch bệnh. 

Đưa con đến cổng trường nhưng chú Bảo Minh vẫn không ngừng dặn dò con mình về việc phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch. Chú Lê Bảo Minh (Trình dược viên) chia sẻ: "Có một điều không thể giấu được, tôi rất lo lắng vì dịch vẫn tăng cao. Nhưng cũng vui mừng khi con được đến trường được tiếp thu kiến thức trực tiếp, được tương tác với thầy cô và bạn bè. Bậc cha mẹ ai cũng mong muốn con mình được đến trường học tập thay vì học online".

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Cùng nỗi lòng như chú Minh, nhưng cô Diễm cảm thấy phần nào vơi đi sự lo lắng khi được nhà trường kết nối và có những công tác phòng chống dịch rất tốt để con em họ được trở lại trường trong giai đoạn này. 

"Thật sự cô vừa lo lắng vừa vui vì thật sự mong muốn con được đi học trực tiếp trở lại trường. Nhưng khi đến trường cũng lo vì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Giờ đi học cô cũng yên tâm hơn việc con học ở nhà. Cô nhắc nhở con cái phải thực hiện 5K đầy đủ, nếu không thì ba mẹ ở nhà lo lắm".

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Hồi phục giáo dục luôn được xem là bài toán khó cho toàn ngành. Chiến thắng được dịch bệnh, khắc phục được những hậu quả nặng nề mà nó để lại trên phương diện xã hội và con người là rất lâu dài, giáo dục lại càng cần một khoảng thời gian nhiều hơn thế nữa. 

Làm thế nào để giữ an toàn cho học đường trong dịch bệnh đang là câu hỏi lớn của cả xã hội. Việc trường học mở cửa trở lại, được "bình thường" như trước đây là một điều khó mà tất cả các ban ngành, thầy cô và học sinh như những pháo đài vững chắc để "bình phục" được sớm trở lại.

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Việc tiêm vaccine đã được từng bước phủ sóng cho học sinh khắp cả nước, những tỉnh thành lần lượt thông báo mở cửa trường học. Hà Nội cho học sinh khối 6 và khối 12 đi học trở lại từ ngày 6/12, TP.HCM đón học sinh khối 9 và khối 12 đến trường từ ngày 13/12,...tất cả đều đó như một tín hiệu tích cực trên chặng đường hồi phục và bình thường mới giáo dục sau hai năm covid trì hoãn và gián đoạn. 

Dù khó khăn vẫn còn phía trước, dịch bệnh vẫn đang diễn ra nhưng hơn hết một tín hiệu tích cực đã trở lại với ngành giáo dục. Hơn 7 tháng chờ mong một ngày sân trường lại được rộn ràng đón học sinh trở lại trường, thầy cô được đứng trên bục giảng, buổi chào cờ đầu tiên vang lên Quốc ca đã diễn ra tại một số tỉnh thành. Đây được xem là một bước chuyển mình tích cực của giáo dục. 

hoi phuc giao duc that kho de tam gac het nhung au lo - anh 0

Nhưng hơn hết, Covid-19 vẫn đang tồn tại và giúp tất cả chúng ta - thầy và trò hiểu nhau hơn và trân quý từng giờ đến trường đến lớp. Đó là sự kết nối và đồng hành của phụ huynh, sự quan tâm của toàn xã hội. Sau tất cả, ở bất kỳ vị trí nào trong sự nghiệp trồng người thiêng liêng, ai cũng có những thay đổi tích cực, thêm trân trọng vị trí của mình, học cách thông cảm và sẻ chia.

Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.    

Nguồn:TH&PL

Kiều Anh|