Dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm, đặc biệt vấn đề tiền kiểm hay hậu kiểm để đảm bảo sự công bằng giữa OTT trong và ngoài nước. Theo đó, OTT trong nước đang chịu những vấn đề gắt gao về tiền kiểm, trong khi đó OTT nước ngoài vẫn còn "nhọc nhằn" giữa hậu - tiền kiểm. Vậy những nội dung nào cần tiền kiểm dưới góc độ pháp lý?
Phân biệt nội dung nào cần tiền kiểm
Cần phân biệt rõ có 2 loại hình phân phối văn hoá phẩm số (hình ảnh, âm thanh) để có ứng xử khác nhau về "kiểm duyệt", gồm:
- Loại hình mạng xã hội cung cấp nội dung không chuyên nghiệp do người dùng tạo ra và tự tải lên (YouTube, TikTok, Facebook...). Với loại hình này không thể "tiền kiểm" mà chỉ có thể "hậu kiểm".
- Loại hình các ứng dụng OTT chuyên cung cấp nội dung phim ảnh, âm nhạc giải trí được sản xuất chuyên nghiệp tới thuê bao (Netflix, Apple TV, Amazon, IQiyi, Disney+, HBOGo…). Loại hình này nhất thiết phải tiền kiểm và hoàn toàn có thể làm được, kể cả từ góc độ pháp lý, công nghệ và quy trình.
Nội dung liên quan
Tiền kiểm như thế nào từ góc độ pháp lý
1. Chính phủ đang sửa đổi Nghị định 06/2016 theo hướng quản cả dịch vụ OTT xuyên biên giới như sau:
- Việc cung cấp dịch vụ vẫn phải đăng ký với Nhà nước (bản chất vẫn là phải xin phép rồi mới được cấp).
- Đối với nội dung phim cụ thể vẫn yêu cầu phim trước khi cung cấp qua mạng cho người dùng Việt Nam phải được cấp phép phổ biến bởi Bộ Văn hoá hoặc được 1 cơ quan báo chí (đài truyền hình) biên tập nội dung, tóm lại vẫn "tiền kiểm".
2. Vi phạm quy định này, doanh nghiệp sẽ bị chặn dịch vụ hoặc thu hồi giấy phép, hoặc bị phạt. Như vậy Việt Nam có chế tài để buộc doanh nghiệp nước ngoài phải tuân thủ tiền kiểm.
3. Nếu Quốc hội thông qua Luật Điện Ảnh với nguyên tắc áp dụng "Tiền kiểm" đối với cả phim chiếu rạp, chiếu trên truyền hình trong nước thì đương nhiên sẽ phải áp dụng cả với phim cung cấp đến tận nhà thuê bao qua các OTT xuyên biên giới, vì thực chất đây đều là phim "phổ biến tại Việt nam" (phải cùng 1 nền tảng pháp lý, không thể "phân biệt" đối xử chỉ do yếu tố công nghệ, vì ở đây Việt Nam quản lý cả nội dung lẫn dịch vụ).
4. Về kỹ thuật lập pháp, chỉ cần Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh với nguyên tắc phải "tiền kiểm" cho dù là cung cấp phim ảnh theo phương thức nào, rồi giao Chính phủ quy định chi tiết cụ thể, thì Chính phủ sẽ ban hành nghị định giao cụ thể bộ ngành nào chịu trách nhiệm, và làm như thế nào (trình tự, thủ tục, quy trình, nguyên tắc tiền kiểm…)
5. Về trách nhiệm thực thi thì hiện nay Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch quản phim ảnh chiếu rạp, còn trên truyền hình và trên mạng đang giao Bộ TTTT quản với công nghệ số hoá và được thực hiện trên những phần mềm chuyên dụng.
Nội dung liên quan
Tiền kiểm bằng công nghệ và quy trình
1. Với các dịch vụ OTT nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam, phần lớn phim là những phim đã từng được cấp phép phổ biến (lượng phim "cũ" chiếm khoảng 60% các "kho" nội dung. Số này không cần "tiền kiểm lại" mà chỉ hậu kiểm nếu phát hiện có những nội dung cần biên tập kỹ hơn. Như vậy, chỉ "tiền kiểm" đối với những phim mới, tác phẩm mới.
2. Tuỳ theo chính sách về biên tập nội dung của từng nhà cung cấp OTT phim ảnh, âm nhạc nước ngoài mà chọn cách "tiền kiểm" phù hợp.
Ví dụ: Với Netflix, chính sách của họ là không chấp nhận "biên tập" nội dung sáng tạo, không "cắt bỏ" cảnh hay lời thoại trong tác phẩm, mà sẽ hạ xuống, hoặc không đưa tác phẩm đó vào cung cấp cho người dùng ở Việt nam. Vì vậy việc "tiền kiểm" đơn giản chỉ là xem trên danh sách phim mới dự kiến cung cấp hàng tuần vào Việt Nam để yêu cầu họ loại bỏ khỏi danh sách những phim thấy không phù hợp. Việc này nhanh hơn và đỡ tốn công hơn rất nhiều lần so với tiền kiểm chi tiết từng tập phim, từng cảnh nhạy cảm hoặc từng lời thoại.
3. Việc "tiền kiểm" chi tiết đến tận từng phim trước khi được cung cấp lên các OTT xuyên biên giới vào Việt Nam hiện nay đều có các phần mềm do chính các hãng đó cung cấp quyền truy cập để xem trước khi họ đưa đến cho thuê bao, hoặc do ta yêu cầu họ cung cấp các phiên bản xem thử (trial version) kèm theo lời thoại (script) để xem và duyệt trước. Các công đoạn tiền kiểm này hiện nay đều đã được số hoá và được thực hiện trên những phần mềm chuyên dụng.
4. Đài Truyền hình Việt nam và Thông tấn xã Việt Nam hiện nay đang duyệt từng chương trình truyền hình nước ngoài (bao gồm cả hàng chục ngàn bộ phim mỗi năm) trên hàng chục kênh truyền hình nước ngoài phát sóng 24/7 vào Việt Nam. Đây là công việc đang được làm tốt, nên không thể đưa ra lập luận không tiền kiểm được.
Nguồn: TH&PL