Thrifting đã giúp Gen Z có thể thỏa sức sáng tạo với một “budget” vừa phải, đồng thời có thể giảm đi phần nào những tác động tiêu cực lên môi trường và hệ sinh thái chung của thế giới.
Trong thực tế, “thrifting” không còn là một xu hướng quá mới mẻ đối với giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, thrifting đang ngày càng trở nên phổ biến đối với những Gen Z trên toàn thế giới. Ngoài ra, thrifting chính là một giải pháp hữu ích cho những bất cập mà ngành công nghiệp đặt lên môi trường trong suốt những năm qua.
Thrift shop: Nơi “lưu trữ” xu hướng thời trang
Xuất hiện từ những năm 20 của thế kỷ trước, “Thrifting” - về cơ bản, là thuật ngữ chỉ việc đi mua đồ dùng đã qua sử dụng tại các “Thrift shop” (lược dịch: Cửa hàng tiết kiệm). Những đồ đạc người ta thường mua lại ở các thrift shop bao gồm từ quần áo, giày dép đến đồ điện tử, đồ gia dụng. Tuy nhiên, kể từ sau Thế chiến II, các thrift shop bắt đầu tập trung hơn vào lĩnh vực thời trang tiết kiệm và âm thầm tồn tại, phát triển cùng ngành công nghiệp thời trang trong suốt thời gian qua.
Kể từ khi nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thrifting trở thành một xu hướng tất yếu cho thời trang của giới trẻ vì cả yếu tố tài chính, cũng như tái sinh những phong cách thời trang tưởng chừng đã “qua thời”. Dựa trên định nghĩa “Thời trang là một vòng lặp”, các thrift shop chính là “bộ nhớ lưu trữ” lý tưởng cho các vòng lặp không tuần hoàn đó. Những phong cách từ thập niên 80s-90s trở lại mạnh mẽ với thị trường thời trang trong thời gian gần đây cũng một phần bắt nguồn từ việc tăng cường thrifting của giới trẻ.
Việc các thương hiệu nổi tiếng trở nên quá phổ biến khiến các Gen Z cần một hướng đi khác để có thể tạo nhiều sự khác biệt hơn và khiến họ tự tin hơn với thời trang của mình. Do đó, thrifting đem đến những điều Gen Z cần: một kho tàng nguyên liệu rộng lớn và vô cùng đa dạng, với mức giá phải chăng, đồng thời tạo điều kiện cho họ tuỳ ý sáng tạo theo ý mình. Nổi bật lên giữa đám đông bởi cách ăn mặc cổ điển, nhưng sáng tạo và pha chút nghệ thuật, rõ ràng đó là điều mà rất nhiều bạn trẻ mong muốn, và họ hoàn toàn có thể làm được điều đó với thrifting một cách hoàn toàn tự do và không cần suy nghĩ quá nhiều về tài chính.
Tại Việt Nam, các thrift shop cũng ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là tại các thành phố lớn như TP.HCM. Việc mua đồ cũ từ các thrift shop này cũng dần được các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên ưa chuộng hơn trong thời gian gần đây. Việc nhiều bạn yêu thích các phong cách cổ điển hơn cũng giúp các thrift shop thu hút được nhiều Gen Z hơn. Do đó, thrifting ngày càng thu hút được nhiều người tham gia hơn, ở Việt Nam cũng như là trên thế giới.
Giá cả cạnh tranh cùng trải nghiệm mới lạ
Thời gian vừa qua, “Fast Fashion” hay “thời trang nhanh” nổi lên với những lợi thế về giả cả hợp lý, tính thẩm mỹ và việc liên tục cập nhật những xu hướng của thị trường. Tuy nhiên, việc Fast Fashion phát triển nhanh đến chóng mặt đã phát sinh ra những bất cập mà sẽ được đề cập ở phần sau. So với thời trang nhanh, thrifting hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh với Fast Fashion về mặt giá cả. Trên thực tế, không chỉ vậy, sự đa dạng của sản phẩm cũng là một điểm thu hút của thrifting đối với những Gen Z, khi không cần bỏ ra quá nhiều chi phí nhưng vẫn sở hữu được những sự kết hợp “không đụng hàng”.
Bên cạnh đó, việc đi đến một thrift shop không khác gì một chuyến đi săn, một chuyến đi phiêu lưu thực thụ khi bạn hoàn toàn không biết bất kỳ điều gì đang chờ đợi bạn ở phía trước. Nhiều khả năng bạn sẽ tìm được thiết kế vừa mắt với mức giá rẻ bèo, hoặc một chiếc áo gần như mới 100% nhưng lại rất “vừa túi”. Ở một góc nhìn tích cực, trải nghiệm đi thrifting không chỉ khác với việc shopping thông thường, mà còn giúp người mua sở hữu được những món đồ chính hãng với mức giá vô cùng phải chăng.
Khi được hỏi về thrifting, bạn H.N, sinh viên trường Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân Văn chia sẻ: "Em cảm thấy đồ secondhand tại cái thrift shop rất dễ mặc và dễ kết hợp với nhau. So với đồ hiệu hoặc local brands thì đồ secondhand rẻ hơn rất nhiều, phù hợp với túi tiền của sinh viên hơn. Ngoài ra, quần áo em mua được ở các thrift shop nhìn rất indie, rất ngầu và em mặc khá thoải mái vì không cần phải giữ nó quá cẩn thận. Nói chung, em thấy đây là trải nghiệm rất thú vị, vừa chọn được đồ phù hợp, lại vừa tiết kiệm được tiền, rất phù hợp với sinh viên như em".
Giải pháp cho những vấn đề môi trường của ngành công nghiệp thời trang
Nhìn chung, tiết kiệm trong việc đầu tư cho vẻ bề ngoài của bản thân cũng góp phần không nhỏ cho việc bảo tồn tài nguyên trên hành tinh này. Theo đó, việc cho quần áo của bạn một “cơ hội thứ 2” được sở hữu bởi người khác sẽ giúp giảm thiểu rác thải hàng năm của mỗi cá nhân nói riêng và cộng đồng nói chung. Với thực trạng quần áo ngày nay đa phần được tạo nên từ chất liệu tổng hợp, khi bạn vứt quần áo đi, nó sẽ chiếm rất nhiều diện tích tại bãi rác công cộng, đồng thời sản sinh ra khí nhà kính, làm tổn hại trực tiếp đến môi trường sinh thái.
Việc tái sử dụng quần áo cũng sẽ làm giảm lượng khí thải từ các nhà máy dệt máy, cũng như các tài nguyên cần thiết cho quá trình sản xuất. Theo Quartz, mỗi chiếc áo cotton cần tổng cộng 2700 lít nước xuyên suốt quá trình sản xuất. Ngoài ra, toàn bộ quá trình vận chuyển nguyên liệu thô - sản xuất - vận chuyển đến nhà phân phối, cửa hàng tốn rất nhiều thời gian và năng lượng. Do đó, việc hạn chế lãng phí tài nguyên và năng lượng này sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ và duy trì sự cân bằng cho hệ sinh thái ở hiện tại và tương lai.
Thrifting: Từ một xu hướng đến những giá trị nhân văn
Không chỉ là một xu hướng cho giới trẻ, thrifting mang đến những giá trị ý nghĩa hơn trong việc đem đến một trong những nhu yếu phẩm là quần áo, đến với những người thu nhập thấp với mức giá phải chăng. Theo thống kê năm 2020 tại Mỹ, có đến 10,5 triệu tấn quần áo bỏ đi hàng năm. Do đó, việc mang chúng đến các thrift shop sẽ giúp những người có thu nhập thấp hơn có thể sử dụng chúng thêm một lần nữa. Ngoài ra, đối với những người trẻ và tình hình tài chính có phần chênh vênh, thrifting giúp họ có thêm nhiều trải nghiệm với thời trang cao cấp hơn với những mức giá vừa túi tiền hơn nhiều.
Tuy nhiên, việc thrifting cũng cần được kiểm soát ở mức độ vừa phải, tuỳ theo thu nhập cá nhân của mỗi người. Vì nếu tất cả mọi người đều đến các thrift shop để mua sắm, mặt bằng giá của các sản phẩm này sẽ bị tăng lên đột ngột, từ đó mất đi tính nhân văn nguyên bản là mức giá phù hợp cho những người chưa có thu nhập ổn định. Tuy vậy, việc này hoàn toàn có thể kiểm soát và khống chế, dựa trên ý thức cá nhân của mỗi người.
Nhìn chung, việc thrifting trở nên phổ biến với Gen Z đem lại rất nhiều khía cạnh mới lạ cho ngành công nghiệp thời trang nói chung. Nhờ thrifting, Gen Z có thể thỏa sức sáng tạo với một “budget” vừa phải, đồng thời có thể giảm đi phần nào những tác động tiêu cực lên môi trường và hệ sinh thái chung của thế giới.
Nguồn: TH&PL