Cuộc sống vốn đã rất khó khăn đối với các bệnh nhi ung thư, đại dịch Covid-19 lại càng khiến những thiên thần ấy gặp nhiều tổn thương, mất mát.
Đại dịch Covid-19 đi qua, càn quét biết bao sinh mệnh và làm nhiều mảnh đời càng trở nên khốn khó. Khi xã hội dần khôi phục lại trạng thái bình thường, người người trở về với cuộc đua "sống chung với dịch" thì phía sau còn biết bao em nhỏ phải chịu tổn thương.
Cuộc sống vốn đã có quá nhiều khó khăn đối với các bệnh nhi ung thư, nay các em lại phải gánh trên mình nỗi đau hậu Covid. Mất cha mẹ, mất người thân, những thiên thần nhỏ này khiến người ta đau đến lặng người khi chứng kiến các câu chuyện, mảnh đời kém may mắn.
Nội dung liên quan
Trò chuyện với chị Lê Thị Mai - Trưởng câu lạc bộ Nét Chữ Xinh tại bệnh viện Nhi Đồng 2, có dịp hiểu thêm về hoàn cảnh của các bé. Qua lăng kính của người phụ nữ dành 13 năm liền gắn bó, sẻ chia với bệnh nhi ung thư, câu chuyện của các bé càng khiến người ta chết lặng...
Chị Mai chia sẻ: "Thời điểm đại dịch, các bệnh nhi ung thư ảnh hưởng rất lớn. Các bé bị ảnh hưởng gấp đôi người thường vì thành phố bị phong tỏa, quá trình điều trị gặp nhiều gián đoạn.
Nhiều bé không có thuốc chữa trị kịp thời, nhiều bé vừa bị ung thư lại vừa bị nhiễm Covid, vì có bệnh nền nên sức đề kháng rất yếu, việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Một số bệnh nhi không may qua đời, một số bé vượt qua được nhưng lại bị tách rời người thân nên tinh thần vô cùng suy sụp".
Trước dịch bệnh, chị Mai thường vào viện săn sóc, chăm nom, đồng hành cùng các bé. Để tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các "chiến binh nhỏ", chị mở lớp dạy học, dạy đàn hát, vẽ tranh, cho các bé giao lưu văn nghệ. Gắn bó với các bé nhiều năm liền, chị thấu cảm và càng xúc động hơn khi chứng kiến thời gian đại dịch các bé phải trải qua.
Chị kể, thời điểm bị phong tỏa, các bé ở tỉnh lẻ rất khó khăn trong việc di chuyển, mà bệnh nhi ung thư phải vào viện vô thuốc định kỳ. Thời gian đó, nhiều em đã không chống đỡ nổi. Cũng có nhiều trường hợp, đại dịch đi qua cuốn luôn những người thân của em đi mất. Tuổi còn nhỏ, mắc bệnh hiểm nghèo, nay em còn không có chỗ dựa, nỗi đau chất chồng nỗi đau.
Chị Mai tâm sự: "Có một trường hợp rất đau lòng, hai chị em mồ côi cả cha và mẹ, những người thân thích gần như không còn. Bệnh viện cố gắng tìm những người còn lại để đưa các bé về nhà, nhưng ngày đưa các bé trở về, người thân lại không nhận. Sau một thời gian nỗ lực tìm thân nhân và gửi gắm, các bé mới được về nhà an toàn.
Trong đợt dịch, các bệnh nhi rất hoảng loạn và sợ hãi vì phải gánh chịu cùng lúc hai căn bệnh trên người. Lúc đó, người lớn còn phải sợ huống gì trẻ con.
Hiện tại, những lúc tâm sự cùng mình, nhiều bé bảo: 'Con sợ chết lắm' nhưng vẫn rất kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Các bệnh nhi được các cô điều dưỡng quan tâm, chăm sóc nên cảm thấy an toàn và suy nghĩ tích cực hơn".
Thông thường, trẻ con đều rất hồn nhiên và có những ước mơ giản dị. Các bé muốn được đi chơi và có cuộc sống hạnh phúc, có cha, có mẹ như bao người. Đối với các bệnh nhi ung thư, ước mơ đó lại càng mong manh và ngắn ngủi. Bởi tuổi đời của các em rất ngắn, có khi chưa kịp thực hiện thì đã ra đi rồi. Bởi thế, chị Mai cùng những cộng sự luôn cố gắng để đồng hành, giúp các bé có khoảng thời gian vui vẻ nhất có thể.
Trước dịch, dù đối mặt với bệnh tật nhưng các em vẫn còn người thân, còn nguồn động lực để chống chọi trong cuộc chiến giành giật sự sống. Với mỗi đứa trẻ, cha mẹ là chỗ dựa vững chắc cả về vật chất và tinh thần. Khi trẻ được sống trong gia đình đầy đủ cha mẹ và tình yêu thương, các bé sẽ hoàn thiện nhân cách một cách đầy đủ nhất, có thể dễ dàng hòa nhập với cuộc sống dù hoàn cảnh có khó khăn.
Mùa dịch đi qua, không ít các bé phải chịu nỗi đau mất người thân, những đứa trẻ ấy trưởng thành sớm hơn khi nhận thức được sự mất mát ập đến. Nỗi đau mất cha mẹ, người thân đối với các em nhỏ thông thường đã là quá sức, đối với các bệnh nhi ung thư lại càng hằn sâu hơn.
Nhiều người đã tự hỏi: "Những bệnh nhi ung thư mồ côi sau đại dịch sẽ sống tiếp thế nào?", "Ai sẽ lo bữa cơm, giấc ngủ…cho các em?".
Tưởng rằng, mất cha mẹ, lối rẽ vào đời của các em sẽ đi vào ngõ cụt. Tưởng rằng, nỗi đau tột cùng vì mất người thân sẽ kéo các em ngã quỵ vì không còn chỗ nương thân. Nhưng thật đáng mừng, đã có nhiều tổ chức, cá nhân dang tay, mở lòng, sẵn sàng chia sẻ, làm chỗ dựa để các em thêm vững tin trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Với tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm, các em cũng phần nào được cưu mang sau đại dịch. Các em mồ côi, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh được hỗ trợ, cuộc sống phần nào được ổn định hơn. Những bù đắp đó góp phần giúp các em vượt qua nỗi đau và chống chọi với bệnh tật khi không còn điểm tựa.
Nội dung liên quan
Hiện tại, một vài thiên thần nhỏ không chống đỡ nổi đã giã từ cõi đời, nhưng một số em vẫn rất kiên cường, mỗi ngày chiến đấu với bệnh tật. Những đứa trẻ hồn nhiên, trải qua dịch bệnh, các em thêm mạnh mẽ, ý chí cao hơn và cũng trân quý sự sống hơn.
30/4/2022, thực hiện tuyến bài Tri ân Sài Gòn, tri ân những người đã kiên cường vượt qua đại dịch, tri ân những tấm lòng vàng đã đồng hành cùng các bé, và tri ân những thiên thần nhỏ đã cố gắng từng ngày dù cuộc sống lắm chông chênh.
Ảnh chụp các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng do chị Lê Thị Mai và câu lạc bộ cung cấp.
Nhân dịp ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, thực hiện chuyên đề Tri Ân Sài Gòn như một lời cảm ơn gửi đến những người có công xây dựng, gìn giữ và bảo vệ Sài Gòn đi qua từng cuộc chiến.
Nguồn: TH&PL