Sài Gòn ơi, cảm ơn và biết ơn lắm lắm!

Sài Gòn đã hết bệnh, những nỗi đau cũng đã được chữa lành và lời tri ân đặc biệt cũng kịp gửi trao.

Có thông báo nhập học, tiếng còi xe inh ỏi, dây giăng cách ly không còn, phố đi bộ hay góc trà dâu Đông Du tấp nập trở lại. Đường sá kẹt xe cứng ngắc như một "đặc sản", người ta cũng dần "cởi mở" chiếc khẩu trang để nói chuyện với nhau. Và dường như chẳng còn ai nhắc gì về Covid-19 nữa.

Hình như, cuộc sống đã bình thường trở lại, thay vì cách gọi "bình thường mới".

Cách đây 1-2 tháng, trên mạng xã hội vẫn còn "nô đùa" về chuyện: Cấm nói bất tử; nghèo vì mua kit test khi xung quanh toàn F0; F1 còn hơn FA… Vậy mà bây giờ những gì liên quan đến Covid-19 dường như chẳng còn nữa, dù loại virus này chưa hẳn đã "đăng xuất".

sai gon oi cam on va biet on lam lam - anh 0

Đây chẳng phải chủ quan, nhưng có thể xem đó là hiệu ứng tâm lý tích cực - loại miễn dịch cộng đồng đáng tuyên dương - để xoa dịu đi những tổn thương từ trong đại dịch. Phải rồi! Chẳng ai muốn sống lại thời khắc ấy một lần nào nữa. 

Liệu chúng ta còn nhớ hay đã quên, có những tháng ngày "lịch sử" như vậy?

sai gon oi cam on va biet on lam lam - anh 0

Bộ đội đi chợ hộ, giấy đi đường, phiếu đi chợ, biển cảnh báo F0, rào chắn, dây giăng "bịt đầu" mọi ngõ ngách… nếu không gợi lại, chắc ai cũng đã quên rằng chưa đầy 1 năm trước, mình từng sống trong điều kiện khắc nghiệt như vậy.

Đó là một cuộc chiến không thể nào quên với Sài Gòn, theo mọi cách hiểu. 

Sài Gòn bắt đầu giãn cách xã hội tháng 6, tháng 7, tháng 8 rồi hết tháng 9. Bốn tháng ròng xe cứu thương chạy dọc chạy xuôi, kêu inh ỏi những ngày truy vết, kiểm soát rồi lại nhận tin vết thương "lở loét" khắp cộng đồng. Những đôi dép tổ ong mòn đế, bộ đồ xanh ướt đẫm mồ hôi, những vết lằn ở khoé tai rỉ cả máu, bình xịt khuẩn nặng trì trên vai... vậy mà Sài Gòn vẫn ốm đau hoài không khỏi. Ai cũng lo! 

sai gon oi cam on va biet on lam lam - anh 0

Khi đó, "Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại" là mong muốn chung của nhiều người lúc bấy giờ, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng trong đỉnh điểm của đợt dịch.

Trong tuyến bài này, ghi nhận mọi tâm tư dành cho Sài Gòn. Có thể là câu chuyện của người nổi tiếng, cũng có thể là chia sẻ của người trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường sá đông vui trở lại!

Rồi Sài Gòn cũng đã được kẹt xe. Cuộc chiến tạm thời khép lại. Ngày 1/10/2021, khai sinh khái niệm bình thường mới. Nhiều người xem đây là cơ hội trở về quê sau những tháng ngày oằn mình bám trụ. Nhưng còn đó nhiều ngổn ngang bởi ai biết được chuyện gì sẽ lại xảy đến khi bước chân ra đường. Hay là… họ phải chứng kiến thêm một sự chia ly nào nữa.

sai gon oi cam on va biet on lam lam - anh 0

Lúc Sài Gòn đã kẹt xe trở lại, nhưng đâu đó vẫn "kẹt" trong nỗi mất mát, đau thương không thể lành. 

Thời điểm đó, đã khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương. Đồng thời gửi gắm thông điệp không để ai phải lẻ loi khi Sài Gòn dần hồi phục. 

Bẵng đi một thời gian ngắn, những tổn thương phần nào đã nguôi ngoai. Nhịp sống Sài Gòn hồi sinh như chưa từng có một đợt dịch nào đã xảy ra trong quá khứ. Đó cũng là lúc chúng tôi biết cần phải nói một lời TRI ÂN để gửi đến những ai đã và đang góp sức làm nên kỳ tích này cho Sài Gòn. 

sai gon oi cam on va biet on lam lam - anh 0

Nhân dịp ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, thực hiện chuyên đề Tri Ân Sài Gòn như một lời cảm ơn gửi đến những người có công xây dựng, gìn giữ và bảo vệ Sài Gòn đi qua từng cuộc chiến. 

Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Đó là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước. Sài Gòn với cái danh "thành phố không ngủ" của Việt Nam chưa từng bị soán ngôi kể từ ngày thống nhất. 

sai gon oi cam on va biet on lam lam - anh 0

Sài Gòn có tất cả và dành cho tất cả. Nơi đây trở thành vùng đất lý tưởng cho những đứa trẻ háo hức theo đuổi giấc mơ. Bằng không, Sài Gòn cũng là nơi cưu mang đúng nghĩa, cho những người lớn có thể tìm được một công việc để lao động kiếm sống.

Cho đến khi, một cuộc chiến với Covid-19 xuất hiện. Sài Gòn chẳng bỏ rơi một ai và cũng không ai bỏ rơi Sài Gòn. 

Để giành lại sự bình yên "tạm thời" cho mảnh đất này, đã có biết bao thứ phải đánh đổi. Ngày Sài Gòn "kiệt sức", lực lượng chi viện khắp mọi nơi đã đổ về tâm điểm dịch bệnh như một cuộc chạy đua để giành lại sự sống cho từng người dân. Lần đầu tiên lực lượng quân đội xuất hiện và sống cùng dân trong thời bình; lực lượng y tế phải ngày đêm canh từng hơi thở cho F0 tại các bệnh viện dã chiến và cả nỗi ám ảnh đồ bảo hộ, khẩu trang 3M của những tình nguyện viên nơi tuyến đầu. 

sai gon oi cam on va biet on lam lam - anh 0

Bình thường mới rồi cũng hóa bình thường. Nhiều người từng bí bách vì dịch mà phải "bỏ phố về quê" nay đã quay lại để lao động, kiếm sống và phục vụ cho Sài Gòn.

Anh Nguyễn Hữu Thiện (27 tuổi) đã gắn bó cùng Sài Gòn 5 năm chia sẻ với rằng: "Mình quay trở lại vì quả thật chẳng đâu bằng Sài Gòn. Thành phố này dễ sống, dễ có cơ hội kiếm tiền. Trừ lý do khách quan vì dịch bệnh thì có bao thứ nghề để kiếm sống. Chỉ mong dịch bệnh một đi không trở lại để mọi người có thể yên tâm ổn định cuộc sống, hay ít nhất để không gánh chịu nổi mất mát nào nữa". 

sai gon oi cam on va biet on lam lam - anh 0

Những điều nhỏ bé chứa đầy tình người trong chuỗi ngày cam go đã trở thành sức mạnh để chúng ta vượt qua đại dịch. Tất cả đều xứng đáng để nhận một lời tri ân, như chính câu nói: "Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh" trong lời kêu gọi cả nước chống dịch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Sài Gòn đang tiếp tục phát triển, diện mạo Sài Gòn ngày càng năng động, đầy sức sống và hiện đại hơn với các công trình xây dựng mới và những tòa nhà chọc trời. 2022 sẽ như một "sự phục thù" của Sài Gòn và tất cả mọi người sau một năm có quá nhiều đau thương và mất mát. 

sai gon oi cam on va biet on lam lam - anh 0

Tri ân Sài Gòn sẽ là "lá thư cuối cùng" gửi đến Sài Gòn sau gần một năm gắn bó với những bài viết, câu chuyện đã được sẻ chia đến độc giả qua từng tuyến bài đặc biệt. Sài Gòn đã hết bệnh, những nỗi đau đã được chữa lành và lời tri ân đặc biệt cũng kịp gửi trao. 

vẫn sẽ đồng hành cùng Sài Gòn, nhưng bằng phương thức khác: thay lời muốn nói để viết tiếp những hy vọng mới, những giấc mơ mới, những kỳ vọng lớn lao mới trong một cuộc sống "bình thường cũ" trên mảnh đất Sài Gòn, từ những người Sài Gòn đầy thân thương. 

*Hình minh họa trong bài được sử dụng từ ảnh của Quỷ Cốc Tử và sưu tầm từ Internet 

Nguồn:TH&PL

Quỳnh Như|