Thạc sĩ tâm lý kiêm giảng viên: "Học online không hiệu quả là do ý thức người học"

Trước thực trạng học online nhiều khó khăn như hiện tại, Thạc sĩ tâm lý Võ Minh thành đã có những chia sẻ và lời khuyên gửi đến sinh viên.

Trước tình hình dịch Covid-19, lần đầu tiên ngành giáo dục phải dự phòng phương án dạy học từ xa trong 75% thời gian năm học. Cho đến thời thời điểm này, thì dạy học trực tuyến không còn là chuyện mới mẻ, thậm chí đã trở thành một trạng thái "bình thường mới" của giáo dục. Nhưng ngay khi đã là điều hiển nhiên của thời cuộc thì việc triển khai dạy học trực tuyến vẫn tồn tại và phát sinh nhiều khó khăn bấp cập.

đã liên hệ với Thạc sĩ Tâm lý Võ Minh Thành - Giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM để bàn về những khó khăn khi học online. Đồng thời, thầy cũng đã có những chia sẻ thiết thực về tâm lý của tân sinh viên để thích nghi với việc học Đại học trong thời cuộc Covid-19. 

thac si tam ly kiem giang vien hoc online khong hieu qua la do y thuc nguoi hoc - anh 0
Thạc sĩ tâm lý Võ Minh thành - Giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM 

Giảng viên dạy online mà không cập nhật được công nghệ là thua!

Học sinh, sinh viên gặp khó khăn trong học online thì giảng viên cũng không ngoại lệ, những khó khăn đó là gì thưa thầy?

Thực tế, có rất nhiều sinh viên chia sẻ khó khăn về học online như đường truyền không ổn định, không có đầy đủ thiết bị, thiếu máy móc hỗ trợ… làm cản trở quá trình học tập của các bạn thì giảng viên cũng có một khó khăn chung với sinh viên về những yếu tố khách quan đó. Đơn cử, các bạn sinh viên thì chỉ cần truy cập vào một đường link để vào lớp, còn giảng viên thì phải chia sẻ rất nhiều link vì ứng dụng học trực tuyến như Google Meet vào được tối đa khoảng 100 người, còn có những lớp số lượng đông hơn thì mình phải kèm theo 2 đến 3 link.

Điều đó cũng gây ảnh hưởng rất nhiều đến đường truyền và khó để truyền tải hết nội dung của mình giảng dạy đến các bạn sinh viên. Đó là khó khăn chung của cả người dạy và người học.

thac si tam ly kiem giang vien hoc online khong hieu qua la do y thuc nguoi hoc - anh 0
Dạy học trục tuyến tồn tại nhiều khó khăn chung cho cả người dạy và người học (Ảnh: Người lao động)

Còn những đặc thù trong dạy học trực tuyến này, để cho hiệu quả thì giáo viên cần phải "cực" nhiều hơn, làm nhiều hơn. Ví dụ khi dạy học trực tiếp, giáo viên chỉ cần đứng lên chia sẻ và trao đổi tương tác với sinh viên như đặt câu hỏi, tổ chức hoạt động trò chơi,... còn khi chuyển sang dạy học trực tuyến, nếu mình chỉ nói và giảng không thì rất là nhàm chán. 

Vậy thầy đã làm thế nào để bài dạy online của mình trở nên thú vị hơn?

Cách tốt nhất là phải đầu tư hơn về kỹ thuật, phải dùng những phần mềm, ứng dụng điện tử mới mẻ hơn. Vì giảng dạy online mà không cập nhật được công nghệ là thua!

Với một số thầy cô lớn tuổi, để vào được ứng dụng Zoom hay Google Meet để dạy thôi cũng đã là một vấn đề. Với bản thân tôi ban đầu cũng khó khăn để tiếp cận nhưng rồi tôi cũng phải cố gắng mày mò để học được những cái cơ bản nhất nhằm tương tác được với học trò của mình. 

thac si tam ly kiem giang vien hoc online khong hieu qua la do y thuc nguoi hoc - anh 0
Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành thường có những buổi chia sẻ, tư vấn hướng nghiệp cho các bạn học sinh phổ thông (Ảnh: NVCC)

Thứ hai là nội dung chuyên môn bài giảng cũng phải thay đổi. Vì dạy online nên mình sẽ không thể tổ chức các hoạt động thực hành được. Vì tôi dạy bên tâm lý giáo dục và buộc phải ứng dụng nhiều kỹ năng sống, lẫn kỹ năng mềm. Do đó, các em phải thông qua những hoạt động, trò chơi để rèn luyện kỹ năng,... Thì khi giảng dạy oline mình cũng phải biết những trò chơi và hoạt động trực tuyến để áp dụng vào bài giảng, dù nó sẽ không có hiệu quả tốt như bài giảng trực tiếp nhưng chúng ta cần phải chấp nhận và thích nghi. 

Giảng viên dạy online: "Một tiết dạy nhưng có đến trăm mắt nhìn". Thầy có áp lực khi bây giờ số người tham gia vào lớp học của mình không chỉ có sinh viên mà còn là phụ huynh và có thể là bất kì ai…?

Khi dạy trực tiếp, tôi cũng đã tiếp xúc với rất nhiều đối tượng khác nhau. Đối với những giáo viên trẻ và mới vào nghề thì đó sẽ là một áp lực lớn nhưng với những người đã có kinh nghiệm rồi thì tôi cảm thấy rất bình thường dù có cả phụ huynh tham dự vào tiết học. Miễn là chúng ta đảm bảo nội dung, kiến thức và chuyên môn thì không có gì áp lực cả.

Áp lực thật sự là khi chúng ta chưa chuẩn bị kỹ nội dung, chuyên môn và không tự tin vào vấn đề mình đã nói. Còn với những thầy cô đã dạy rất nhiều thâm niên và "vững" thì với hình thức giảng dạy nào cũng sẽ có bản lĩnh để vượt qua. 

thac si tam ly kiem giang vien hoc online khong hieu qua la do y thuc nguoi hoc - anh 0

Học trực tiếp mà không đúng cách cũng chẳng hiệu quả và hình như chúng ta chỉ đang "đổ lỗi" cho việc học online

Có quan điểm cho rằng học online không hiệu quả là do ý thức người học, thầy nghĩ như thế nào về quan điểm này?

Thực tế là có rất nhiều sinh viên nói rằng học online là không hiệu quả như khó tương tác với giảng viên, đường truyền không ổn định, khó tiếp thu bài giảng... Nhưng, hiệu quả hay không là do bản thân mình nên tôi rất đồng ý với câu nói này.

Thứ nhất, nguyên tắc học dù là online hay offline thì đều phải có sự chuẩn bị bài trước ở nhà, khi vào lớp vẫn có thể lắng nghe và tương tác đặt câu hỏi với giảng viên qua hình thức trực tuyến. Các công cụ trực tuyến vẫn có nút giơ tay, vẫn có công cụ chat để chúng ta chia sẻ với nhau. Chắc chắn sẽ có những khó khăn, nhưng đó chỉ là yếu tố khách quan, còn yếu tố quyết định vẫn là chủ quan. Yếu tố khách quan không bao giờ quyết định được gì cả mà là do bản thân mỗi người học có tốt hay không?

thac si tam ly kiem giang vien hoc online khong hieu qua la do y thuc nguoi hoc - anh 0

Thực tế vẫn có rất nhiều câu chuyện học online và thiếu thốn trăm bề tại những khu vực vùng sâu vùng xa nhưng họ vẫn nỗ lực và vẫn học tốt được. Điều kiện khách quan mà thuận lợi chỉ là yếu tố để giúp chúng ta phát triển nhanh hơn còn không thuận lợi thì mình phải nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn thì mới đạt được hiệu quả.

Trên mạng xã hội, nhiều bạn đùa rằng kiến thức học online thời gian qua như một tờ giấy trắng. Thầy nghĩ sao nếu tình trạng này cứ kéo dài và sẽ tạo thành một thế hệ học sinh - sinh viên "lủng đoạn kiến thức" vì dịch bệnh?

Tôi rất quan tâm đến nguyên nhân tại sao các bạn lại cho rằng học online không hiệu quả… dẫn đến việc bỏ lơi luôn việc học. Nhưng chúng ta cần phải lật lại một câu hỏi: Nếu học trực tiếp các bạn có học hiệu quả hay không?

Thực tế, khi tôi dạy trực tiếp trước đó cũng có nhiều bạn sinh viên vẫn nói rằng học không hiểu, không tập trung được và dẫn đến… nản. Chính vì đã nản rồi và giờ lại học online nữa thì các bạn sẽ có thêm một "cái cớ" cho việc học không hiệu quả của mình. 

thac si tam ly kiem giang vien hoc online khong hieu qua la do y thuc nguoi hoc - anh 0

Thật sự khi học trực tiếp mà học không đúng cách thì cũng sẽ không hiệu quả và hình như chúng ta chỉ đang "đổ lỗi" cho việc học online. Nếu các bạn đang cho rằng học online làm lủng đoạn kiến thức và không hiệu quả thì cần xem lại cách học của mình đã đúng chưa?

Trước hết là thay đổi tư duy và suy nghĩ, thay vì than và trách cũng không làm được gì hết thì cần phải chấp nhận. Không hiệu quả chỗ nào thì mình tìm ra nguyên nhân và khắc phục để thay đổi. Chỉ sợ rằng các bạn xem phương pháp học online không hiệu quả là một lý do chính đáng nên "thôi không học nữa!". Rõ ràng, chúng ta không nên vịn vào lý do này để bao biện cho việc học không hiệu quả.

Tân sinh viên thời Covid-19, kỹ năng quan trọng nhất là thích nghi

Tân sinh viên năm nay sẽ là thế hệ khá đặc biệt khi phải nhập học online và bắt đầu đại học cũng bằng hình thức trực tuyến. Thầy có nghĩ đây là một trải nghiệm thiệt thòi?

Hiện tại tôi cũng đang chuẩn bị tổ chức chương trình đón tân sinh viên của trường Đại học Sư phạm TP.HCM bằng hình thức trực tuyến. Từ đầu năm đến giờ, chúng tôi chỉ liên lạc với các bạn qua email là chủ yếu để sắp xếp các bạn vào một group lớp chung và cũng chỉ qua mạng xã hội. Đúng là các bạn tân sinh viên năm nay rất thiệt thòi, kể từ lúc thi THPT Quốc gia thì đã thiệt thòi rồi… nên tôi rất thương. 

thac si tam ly kiem giang vien hoc online khong hieu qua la do y thuc nguoi hoc - anh 0

Đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm cảm giác làm một chương trình tiếp đón tân sinh viên online. Nhưng khi nghe các em tâm sự tôi rất đồng cảm. Đa số các em rất muốn lên Đại học "ngoài đời thực" để có trải nghiệm bước đến giảng đường là như thế nào nhưng mọi thứ đều phải tạm gác lại hết. 

Nhưng tôi vẫn luôn động viên các em rằng cần cố gắng chấp nhận, tích luỹ những kỹ năng cần thiết ngay từ lúc này để đến khi có cơ hội xuất phát các em sẽ bùng nổ nhiều hơn. Hãy xem như đây là một bước khởi động, từ từ mình sẽ bắt đầu. Đó là cách để tôi chia sẻ để giảm bớt tâm lý thiệt thòi cho các bạn.

Theo thầy, là tân sinh viên trong năm Covid-19 đặc biệt này thì cần chuẩn bị tâm thế như thế nào để đối diện với cuộc sống đại học? 

Một câu hỏi cực kỳ hay và tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Rất nhiều bạn sinh viên đã hỏi tôi rằng các bạn cần gì để chuẩn bị lên thành phố, đặc biệt là trong thời buổi covid-19 như thế này.

Trước tiên, các bạn cần phải cố gắng chuẩn bị cho mình một sức khỏe tốt, hiện tại không gì quan trọng bằng sức khỏe. Thứ hai, các bạn phải cập nhật thời đại và thích nghi với cuộc sống "học online" có thể kéo dài. Ngoài ra, các bạn phải học thêm cách tương tác online để có thể thích nghi không chỉ trong việc học mà còn là tham gia các hoạt động, phong trào đều là online cả!

thac si tam ly kiem giang vien hoc online khong hieu qua la do y thuc nguoi hoc - anh 0
Tân sinh viên thời Covid-19 cần phải rèn luyện cho mình kỹ năng thích nghi và ứng phó trước một hoàn cảnh

Thứ ba, các bạn phải chuẩn bị tâm thế khi quay trở lại trực tiếp các bạn sẽ bị "sốc" vì chưa quen. Từ việc thay đổi nếp sống, thích nghi với cuộc sống độc lập, rồi tìm chỗ ăn ở đến cuộc sống tập thể sẽ như thế nào.

Quan trọng nhất, các bạn phải nhớ rằng: Dù dịch bệnh hay không, dù học trực tiếp hay học trực tuyến thì các bạn phải xác định mình mục tiêu cho cuộc đời của mình. Học đại học là quá trình chuẩn bị nghề nên các bạn vẫn phải chuẩn bị cho mình một kế hoạch cụ thể chi tiết. Và mục tiêu đó sẽ giúp các bạn tạo động lực để phấn đấu. Đây là khoảng thời gian rất quý báu để chúng ta có thời gian sống chậm lại hơn và hiểu bản thân mình muốn gì.

Kỹ năng lớn nhất của các bạn phải là kỹ năng thích nghi và ứng phó trước mọi hoàn cảnh. Không than, không đổ lỗi mà chấp nhận và ứng phó.

Cảm ơn những chia sẻ của thầy ạ!

Tiến sĩ, nguyên giảng viên Đại học: "Các ông bố, bà mẹ hãy tỉnh ngộ đi"

Dạy online qua góc nhìn giảng viên: "Nếu xem học trò là kẻ thù, nên làm cai ngục chứ đừng chọn sư phạm"

Giáo dục "online hóa" có đang làm đảo lộn giá trị "tôn sư trọng đạo"?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ