Nghiễm nhiên mà nói, "seen không rep" từ lâu đã trở thành nỗi niềm của khá nhiều người
Từ lâu, mạng xã hội đã trở thành đời sống thứ hai của con người. Đây được coi là nơi chốn triển lãm tất tần tật những câu chuyện liên quan đến đời sống của mỗi cá nhân. Thậm chí đây là công cụ giao tiếp phổ biến và lệ thuộc của nhiều người. Mặc dù trên thế giới có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mạng xã hội khác nhau thì ở Việt Nam nhắc đến mạng xã hội, người ta sẽ nghĩ ngay đến Facebook.
Chữ "seen" thần thánh của Facebook
Facebook phổ biến ở Việt Nam đến mức theo thống kê chính thức của Napoleon Cat (công cụ đo lường các chỉ số Mạng mạng xã hội), tính tới tháng 6-2021, tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc, tăng 31 triệu người dùng so với năm 2019 và vẫn dẫn đầu danh sách. Trung bình mỗi ngày ở Việt Nam, người ta dành ra tới 2,5 giờ "lang thang" trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.
Tuy nhiên, không giống như ứng dụng nhắn tin trên các nền tảng khác, khi nhận được tin nhắn nếu không muốn người gửi nhận được thông báo "đã đọc", thì bạn có thể tắt đi.
Đội ngũ phát triển Facebook đã cùng nhau tạo ra nút "seen" thần kỳ sau mỗi tin nhắn gửi đi đã được đọc. Chỉ cần bấm vào xem tin nhắn trên messenger, thì lập tức bên người gửi sẽ mặc định là bạn đã xem. Để rồi đằng sau chữ "seen", có nhiều chuyện chúng ta cần lưu tâm.
Quan hệ thời mạng xã hội: Có nhiều câu chuyện đằng sau mỗi chữ seen trên Facebook
Mô típ trưởng nhóm nhắn tin vào nhóm không ai phản hồi có lẽ là một câu chuyện qua bao nhiêu thế hệ sinh viên cũng chưa có hồi kết đẹp. Hay đắng lòng như cán bộ lớp: Mỗi lần nhắn tin nộp tiền, tham gia văn nghệ là cả lớp đồng loạt "seen" không rep. Hay vào hỏi giá rồi đi ra không thèm trả lời khi có nhân viên tư vấn,...
Nghiễm nhiên mà nói, "seen không rep" từ lâu đã trở thành nỗi niềm của khá nhiều người. Bạn có nhớ cái cảm giác từ đợi chờ sang thất vọng, thậm chí là tổn thương khi gửi tin nhắn trên Facebook mà người nhận chỉ seen chứ không rep. Không kể người yêu, người bạn đang thích hay tán tỉnh, mà thậm chí là bạn bè hay bất cứ một ai đó đang tham gia hội thoại với bạn - bạn đều sẽ có chung cảm giác khó chịu như vậy.
Đặt trong những trường hợp quan trọng như công việc hay mối quan hệ mang tính chất nghiêm túc, chữ "seen" sẽ rất nhỏ nhưng cảm giác bị sát thương vì "không được rep" sẽ là rất to. Người gửi sẽ tự suy diễn chính mình và luôn đặt ra những câu hỏi dằn vặt "mình có làm gì sai không?", "chắc mình không quan trọng để người ta trả lời" hay vô vàn những câu hỏi tự vắn khác.
Đối với những người nhạy cảm, "seen không rep" cũng là một loại cảm xúc tiêu cực. Đôi khi chỉ vì chữ "seen vô ý"; chữ "seen" đã đọc, để dành, nhưng sau đó thì quên luôn cả rep hay chữ "seen" không biết nói gì, không còn gì để nói, hoặc là không muốn nói nhưng đối với người nhạy cảm lại xem đó là một loại tổn thương.
Họ có thể sẽ rơi vào bi kịch đằng sau trạng thái "seen không rep" của đối phương, trong đầu luôn chứa đựng suy nghĩ tiêu cực về một mối quan hệ nào đó. Họ luôn tìm cách đi tìm nguyên nhân để giải tỏa uẩn khúc trong lòng.
Giao tiếp trên mạng xã hội là ảo nhưng cá thể tham gia mạng xã hội lại là thật
Không bỗng dưng mà dòng thông báo nhỏ tí xíu của Facebook lại có khả năng sát thương tinh thần con người ta quá lớn. Bởi vì trên phương diện của một người gửi tin nhắn đi, chẳng một ai mong nhận về vỏn vẹn một chữ "seen" bé con con và sự im lặng đến khó chịu. Nó cũng thuộc một loại phạm trù giao tiếp cần tuân thủ.
Theo định nghĩa, giao tiếp chính là quá trình trao đổi thông tin giữa người nói và người nghe. Tức là có người đưa thông tin thì phải có người tiếp nhận, khi ấy mới là trọn vẹn giao tiếp với nhau. Tương tự, giao tiếp online cũng vậy, mặc dù là ảo nhưng cá thể tham gia là thật, vẫn đặt cảm xúc của mình vào cuộc giao tiếp.
Chính vì thế, chuyện seen mà không rep cũng nằm trong phạm trù "các quy tắc ứng xử online". mà mỗi người cần tuân thủ. Sứ mệnh của Facebook là biến thế giới thành một nơi "cởi mở và có tính kết nối hơn". Vì thế, hãy là một người lịch sự khi giao tiếp online. Đã seen thì nên rep, giống như việc bạn được hỏi thì hãy nên trả lời, đó là phép lịch sự tối thiểu trong thời đại giao tiếp công nghệ số mới đấy.
Nguồn: TH&PL