Giả sử Facebook, Instagram không "sống" lại nữa, Gen Z sẽ làm gì để không bị "lạc hậu"?
Tối ngày 4/10, hàng loạt các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Whatsapp đồng loạt ngưng hoạt động khiến hàng triệu người dùng "hoảng loạn" ngay trong đêm. Vào lúc 6h sáng 5/10, giờ Việt Nam, Mark Zuckerberg thông báo trên tài khoản Facebook chính thức rằng "Facebook, Instagram, WhatsApp và Messenger đang trực tuyến trở lại ngay lúc này".
Tuy chỉ trong vài giờ Facebook ngưng hoạt động, nhưng có lẽ tất cả người dùng đều đã trải nghiệm một "nỗi sợ" chung về sự biến mất của mạng xã hội. Giả sử Facebook không "hồi sinh", Gen Z sẽ làm gì để liên lạc với bạn bè, người thân, và cả hóng tin tức mỗi ngày?
"Cảm giác đùng cái bị ngắt kết nối với thế giới… thật đáng sợ"
Chia sẻ về nỗi sợ hãi đêm qua, Thanh Hoa (sinh năm 1999), một sinh viên năm cuối đang học tập và sinh sống tại Hà Nội cho biết: "Tối qua khi Facebook, Instagram với Messenger bị sập mà mình... ngơ luôn. Vì Facebook và Instagram là nguồn sống của mình, không có không chịu được. Bình thường mình cũng lướt tin tức, cập nhật với thời đại bằng Facebook và Instagram nhưng khi nó bị sập thì cảm giác như bị mất kết nổi với thế giới vậy".
Cảm giác của Hoa có thể là hoàn cảnh chung của rất nhiều bạn trẻ khi những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook và Instagarm trở nên "hỏng hóc". Nhiều bạn cho rằng, dù vẫn có thể tìm cách liên lạc với mọi người xung quanh bằng những ứng dựng khác như Zalo hay Telegram nhưng không thể thay thế nền tảng cung cấp thông tin đa dạng như Facebook được.
"Mình và tụi bạn phải 'học cách' xài những ứng dụng khác để thay thế trong vài giờ sự cố, nhưng thật là chẳng thể tưởng tượng được nếu mất Facebook vĩnh viễn thì sẽ như thế nào. Chưa bàn đến chuyện mất kết nối hay ảnh hưởng đến học tập, công việc mà là 'kỷ niệm' trong suốt 7,8 năm dùng Facebook của mình nữa. Nếu mất thật chỉ biết khóc..." - Hoa chia sẻ.
Twitter đông vui, TikTok nhộn nhịp, Google vẫn không tính phí!
Trái lại với nỗi hoảng loạn, một số người dùng lại hân hoan "tràn sang" các nền tảng mạng xã hội khác để "hòa nhập".
Bạn Thảo Vy (sinh năm 1997), hiện đang sinh sống và làm việc tại Vũng Tàu đã hào hứng chia sẻ rằng: "Hôm qua Twitter đông vui lắm. Theo mình được biết, do tê liệt nghiêm trọng mà Facebook đã phải báo lỗi trên Twitter và nó rộn ràng như hội vậy. Hàng ngày mình cũng có lướt Facebook để hóng xem mọi người quan tâm chuyện gì, có chủ đề gì đang hot thôi, mình chỉ xem Facebook là một nơi để bàn luận chứ không hẳn là một nơi cập nhật thông tin chính thống".
TikTok - một nền tảng chia sẻ video chưa bao giờ hết hot trong mùa dịch vẫn tiếp tục làm tròn tốt vai trò của nó. Như "ngựa mọc thêm cánh", cộng đồng TikTok loạt lên ngôi với hàng loạt video mang nội dung báo cáo sự cố của Facebook một cách hài hước.
Với nhiều người dùng mạng xã hội lúc này, sự biến mất của Facebook hay Instagram đôi khi là tổn thất lớn nhưng cũng chẳng thành vấn đề khi còn rất nhiều những nền tảng khác để họ truy cập và kết nối. Tuy vậy, nhiều bạn cho rằng đây vẫn là một nền tảng mạng xã hội khó có thể thay thế bởi bất kì một ứng dụng nào.
"Từ lúc cấp cấp 3, mình nhắn tin qua messenger là chủ yếu, giờ lên đại học thì bắt đầu dùng Zalo nhiều hơn, đôi khi còn dùng Zalo nhiều ơn cả Messenger vì group học tập bên đó hết. Còn giải trí ngoài Facebook thì mình lướt TikTok là chủ yếu. Còn để cập nhật thông tin thì mình lên xem những trang thông tin chính thống, còn để hóng "biến động xã hội" thì chắc vẫn cần Facebook vì hiện tại mình chưa biết đến trang mạng xã hội nào cung cấp đa dạng như Facebook cả" - Bạn Lan Võ, một sinh viên năm nhất tại TP.HCM chia sẻ.
Bạn Khang Huy, một nhân viên Marketing làm việc TP.HCM cũng đã chia sẻ về sự "bất lợi" của cuộc sống khi không còn Facebook: "Mình dùng Facebook đã 8 năm nay và còn 'kiếm cơm' từ đó, nếu Facebook mất đi sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến công việc của mình nữa. Dù biết vẫn có nhiều nền tảng khác để chúng ta sử dụng nhưng Facebook vẫn là một công cụ 'truyền thống' của rất nhiều người dùng Việt Nam. Mà cái gì đã thuộc về thói quen và quy củ thì rất khó để loại bỏ. Mình nghĩ vậy".
Mạng xã hội, sau cùng chỉ là một phần của cuộc sống, đừng để bản thân bị phụ thuộc quá nhiều dẫn đến nhiều điều tiêu cực về tâm lý và cả sức khỏe của mình. Hãy xem sự cố vừa qua nhưng một "khoảng lặng" để chúng ta nhận ra sự phụ thuộc "quá đà" vào mạng xã hội và tìm cách "chỉnh đốn" và cân bằng lại cuộc sống của mình.
Nguồn: TH&PL