Không biết từ bao giờ, điểm rèn luyện lại trở thành nỗi sợ của nhiều sinh viên.
"Sinh viên năm nhất như tấm chiếu mới chưa từng trải", câu nói ví von của nhiều người khi nhắc về những cái mới ở môi trường đại học.
Nếu ở cấp 1, 2, 3, hai yếu tố để đánh giá học sinh là học lực và hạnh kiểm thì ở môi trường đại học, người ta sẽ có một phương thức đánh giá khác đó chính là tính điểm học tập cùng với điểm rèn luyện.
Thực trạng của một số sinh viên hiện nay: Dùng "nick ảo" để kiếm điểm rèn luyện!
"Điểm rèn luyện" là cụm từ để đánh giá đạo đức, tác phong, tuân thủ nội quy của nhà trường, pháp luật nhà nước và tích điểm cho các hoạt động của sinh viên. Chúng ta biết rằng, môi trường đại học không giống với 12 năm đèn sách trước đây. Sinh viên trở thành những người tự chủ trong cuộc đời của mình. Một sinh viên được đánh giá cao là người vừa học giỏi, năng nổ cống hiến và dấn thân.
Nếu như điểm học tập có thể chứng minh được bạn chăm chỉ, siêng năng, thông minh trong việc học như thế nào thì điểm rèn luyện là con số chứng tỏ bạn là người tích cực và năng động ra sao. Đồng thời, mọi thể loại học bổng trong trường hay ngoài trường, mọi danh hiệu từ cấp cơ sở đến trung ương cũng đều xét duyệt đồng thời dựa trên hai con điểm ấy. Vì vậy, điểm rèn luyện thực sự rất quan trọng.
Tuy nhiên, đối với một số bạn thì điểm rèn luyện khó kiếm hơn bất cứ thứ gì. Vì ở môi trường đại học, không có điều gì ràng buộc hay nhắc nhở các bạn như 12 năm đèn sách. Các bạn thường biện ra nhiều lý do để không tham gia các hoạt động ở thời đại học hay kiếm điểm rèn luyện bằng nhiều chiêu trò trá hình khác nhau.
Cụ thể như dùng nick ảo để kiếm điểm rèn luyện trong mùa dịch bệnh. Hay đến check-in phong trào để làm hình ảnh minh chứng. Thậm chí, nhiều bạn còn "khai gian" để điểm rèn luyện cao ngất ngưỡng.
Dạo quanh một vòng cõi mạng, đặc biệt trong các group Gen Z, chúng ta khó để nhìn thấy những dòng than thở hay nỗi ám ảnh của sinh viên trường a, b, c nào đó là phải tham gia 7749 chương trình để kiếm điểm rèn luyện.
Từ mục đích để biến sinh viên thành những người năng động và trách nhiệm hơn, điểm rèn luyện vô tình trở thành nỗi sợ. Một mối quan ngại có tầm ảnh hưởng và gây áp lực đến với sinh viên như thế nào. Bởi có những trường, bạn phải đù bao nhiều điểm rèn luyện, điểm rèn luyện phải trên bao nhiều thì mới được ra trường?
Đôi khi, việc tham gia phong trào để kiếm điểm rèn luyện như một liệu pháp bắt buộc, xem điểm rèn luyện là mục đích tối cao để góp mặt thì chúng ta vừa làm mệt bản thân mà lại vô tình làm tổn thương ý nghĩa của chương trình.
Chúng ta có đang thực sự hiểu hết giá trị của điểm rèn luyện?
Với tư cách là một giảng viên đồng thời là cựu sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV, cô Trương Hoàng Tố Nga có chia sẻ: "Với tư cách là một cựu sinh viên gần như không bỏ sót bất kỳ chương trình nào của khoa, của trường, mình thấy bản thân đã "lột xác" nhờ vào việc tham gia những câu lạc bộ đội nhóm. Thông qua các chương trình giao lưu, mình học hỏi rất nhiều từ anh chị bạn bè em út, tích lũy vô số kinh nghiệm làm chương trình và khả năng kết nối cũng tăng mạnh".
Giá trị của điểm rèn luyện không nằm ở chỗ bạn kiếm được bao nhiêu điểm mà thông qua các hoạt động, các phong trào bạn tích lũy được bao nhiêu kiến thức, nâng cao được bao nhiêu kỹ năng và góp nhặt được bao nhiêu mối quan hệ. Không giống như những năm tháng cấp 3, môi trường đại học thật sự cho chúng ta nhiều cơ hội hơn để phát triển bản thân và thỏa sức vẫy vùng sáng tạo.
Môi trường Đại học mang đến cho chúng ta nhiều hơn một bài học kiến thức và ở cũng đó có nhiều hơn 1 câu lạc bộ-đội-nhóm. Đây là điểm khác biệt lớn nhất của môi trường đại học so với môi trường giáo dục phổ thông.
Bạn sẽ được sống trong tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, được chơi và làm việc với những người có chung sở thích, thói quen. Khi ra trường bạn sẽ mang theo mình những kỷ niệm thanh xuân tuổi 20 mà không phải ai cũng có.
Vậy nên, những ai còn đăng băn khoăn trong vấn đề kiếm điểm rèn luyện. Hãy thoát khỏi tư duy "kiếm điểm" mà thay vào đó hãy tích lũy điểm rèn luyện một cách thông minh. "Hãy lên kế hoạch tham gia tất cả các hạng mục và khi "trọn vẹn" một hạng mục rồi bạn lại lên kế hoạch tham gia một hạng mục khác. Cứ như vậy, vừa vặn, đủ đầy, vừa vui lại vừa ý nghĩa" như cô Tố Nga đã chia
Nguồn: TH&PL