Chủ nhân giải thưởng Tình nguyện Quốc gia: "Không làm vì giấy chứng nhận, hay gom điểm rèn luyện"

Lê Văn Phúc, 19 tuổi - độ tuổi còn quá trẻ để nói về "phụng sự" cho cộng đồng, nhưng cậu bạn đã làm được điều đó!

Chỉ mới 19 tuổi, nhưng cậu sinh viên năm hai Lê Văn Phúc đã ngồi đây và "từ tốn" kể cho tôi nghe về chặng hành trình phụng sự cộng đồng đầy tự hào của mình. Chỉ đơn giản là làm tình nguyện - loại hoạt động mà bất kì học sinh, sinh viên nào cũng có thể tham gia góp sức để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh bớt đi sự bất hạnh.

Nhưng hai chữ "tình nguyện" đối với chàng thủ lĩnh Fly To Sky lại là một điều thiêng liêng, là ước mơ chinh phục và còn là sứ mệnh mà cậu bạn "buộc mình" phải hoàn thành."Hoạt động tình nguyện với bản thân mình nó còn là đam mê nữa, mình khao khát được tham gia, được cống hiến".

Đó là lời khẳng định của Thủ lĩnh Fly To Sky - một tổ chức thiện nguyện do Phúc sáng lập đã 2 năm và thu hút gần 200 thành viên tham gia ở cả hai chi nhánh Gia Lai và TP.HCM. Ngoài ra, Phúc còn là thành viên Ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Nam thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia - Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. 

Cậu bạn sinh viên năm hai, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP. HCM còn là người trẻ nhất trong 10 cá nhân nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2020 do T.Ư Đoàn trao tặng. 

chu nhan giai thuong tinh nguyen quoc gia khong lam vi giay chung nhan hay gom diem ren luyen - anh 0
Lê Văn Phúc (2002), thủ lĩnh tổ chức thiện nguyện Fly To Sky và là thành viên Ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Nam thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia

Một tình nguyện viên thực thụ là người biết lấy thành tích làm động lực chứ không phải là mục đích

Ở tuổi 16 còn khá trẻ, đã có sự tác động như thế nào để Phúc theo đuổi con đường tình nguyện "mãnh liệt" như thế? 

Từ nhỏ mình cũng đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trong những lần tham gia các chương trình tình nguyện nhỏ của gia đình, người thân đến các bệnh viện. Điều đó làm mình trăn trở mong muốn, khao khát được phụng sự. Mặc dù trước đó chưa từng tham gia hoạt động phong trào hay hoạt động ngoại khóa, nhưng do bản thân mong muốn tạo môi trường cho các bạn trẻ được tham gia các hoạt động tình nguyện "thật", bền vững, chuyên nghiệp, dài hạn vì vậy mình đã thành lập nhóm từ thiện Fly To Sky và bắt đầu theo đuổi con đường làm tình nguyện đến nay.

Bản thân mình quan điểm về hoạt động tình nguyện có thể sẽ khác với nhiều người. Mình định hướng hoạt động này bên cạnh việc làm một điều gì đó tích cực cho cộng đồng thì còn là thay đổi nhận thức của người trẻ thông qua các hoạt động đó. Tức là không toan tính qua mỗi lần mình giúp ai đó, giúp không mong nhận lại được quyền lợi gì trong mỗi lần tham gia các hoạt động tình nguyện.

chu nhan giai thuong tinh nguyen quoc gia khong lam vi giay chung nhan hay gom diem ren luyen - anh 0

Và tình nguyện, từ thiện không phân biệt tuổi tác, địa vị, tầng lớp, giới tính, dân tộc, chỉ cần mình tình nguyện hướng tới và dám hành động vì cái thiện, cái tốt đẹp ở đời là mình sẽ làm được. Với mình, một tình nguyện viên thực thụ là người biết lấy thành tích làm động lực chứ không phải là mục đích. 

Bạn đã gửi gắm điều gì thông qua cái tên "Fly To Sky" mà bạn đã đặt cho tổ chức tình nguyện của mình?

Fly To Sky - Bay lên bầu trời nó như ước mơ, khao khát của bản thân cũng như đội ngũ của mình. Fly To Sky mang trong mình sứ mệnh muốn chắp cánh những ước mơ đặc biệt là ước mơ của trẻ em vùng cao, trẻ em khó khăn, yếu thế, dân tộc thiểu số,... được tiếp cận với những vấn đề giáo dục, văn hóa, cải thiện môi trường sống, tiếp cận xã hội, y tế,.... một cách công bằng. 

Từ trước đến nay, học sinh sinh viên rất hăng say làm tình nguyện, nhưng kéo theo đó có nhiều định kiến như là "rỗi hơi", "lo chuyện bao đồng",... thậm chí là bị nói "làm màu". Bạn nghĩ sao về việc này và có từng vấp phải những định kiến như vậy chưa?

Mỗi người sẽ có những suy nghĩ, định hướng và dự định khác nhau trong cuộc sống nhưng hoạt động tình nguyện với mình nó còn là đam mê nữa. Mình khao khát được tham gia, được cống hiến nhưng mình cũng xác định rất rõ là làm phải cụ thể, rõ ràng, bài bản từ những điều nhỏ nhất chứ không phải làm hình thức, làm để truyền thông hay làm để đánh bóng tên tuổi.

chu nhan giai thuong tinh nguyen quoc gia khong lam vi giay chung nhan hay gom diem ren luyen - anh 0

Mình vẫn luôn minh chứng cho cộng đồng thấy rằng việc tham gia hoạt động tình nguyện và vẫn đảm bảo được việc học của mình. Minh chứng cho điều đó là 2 năm liên tiếp mình đạt Giải Ba kỳ thi HSG cấp Quốc gia môn Địa lý và được tuyển thẳng vào đại học. Qua đó cho thấy rằng nếu mình cân đối được thời gian của bản thân, vừa có thể đảm bảo được việc học mà vẫn có thể giúp rất nhiều người thì tại sao mình lại không làm?

Còn về những định kiến thường không phải là vấn đề mình cần phải quan tâm vì hơn ai hết bản thân mình hiểu mình đang làm gì và như thế nào vì vậy mình sẽ tiếp thu những góp ý tích cực để có thể làm tốt hơn. Còn những định kiến tiêu cực thì mình vẫn tôn trọng và lắng nghe họ, tuy nhiên nó không phải là điều khiến mình phải suy nghĩ, bận tâm.

Tình nguyện với mình không phải là hoạt động nhất thời và "dã chiến"

Để huy động được một nguồn tài trợ lớn là không phải dễ dàng ở độ tuổi học sinh, sinh viên. Nhưng bạn đã làm cách nào để tạo dựng được lòng tin từ các nhà tài trợ để có thể huy động lên đến hàng tỷ đồng như vậy?

Mình nghĩ đó là cái may mắn và cũng là sự nỗ lực của bản thân cũng như cả đội ngũ Fly To Sky. Một điều mình nghĩ rằng có thể giúp cho Fly To Sky có sự tin tưởng hơn đó là các sứ mệnh mà nhóm đặt ra và luôn nỗ lực tuân thủ:

3T-CT²: Tâm, tín, trí, chân thành, chính trực.

Cộng Đồng – Community: phi lợi nhuận, hoạt động phụng sự cộng đồng.

Hiệu Quả – Effective: hoạt động với mục tiêu đem lại hiệu quả cao nhất.

Minh Bạch – Transparent: công khai minh bạch về hoạt động và tài chính.

Bền Vững – Sustainable: hoạt động hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo cân bằng về mọi mặt, bình đẳng, hài hòa, đồng thuận.

chu nhan giai thuong tinh nguyen quoc gia khong lam vi giay chung nhan hay gom diem ren luyen - anh 0
"Anh hùng diệt khuẩn" - là chiến dịch cứu trợ khẩn cấp do Nhóm từ thiện Fly To Sky phát động, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Tình nguyện Quốc gia

Tại những trường đại học không thiếu những CLB tình nguyện với rất đông sinh viên tham gia nhưng có vẻ không "sáng" được như hoạt động tình nguyện của Phúc về tiếng vang. Đó có phải là lý do Phúc luôn chọn cho mình lối đi riêng thay vì tham gia nhiều hoạt động của Khoa, của Trường như các bạn sinh viên khác?

Có thể mỗi người có một lối đi, tuy nhiên mình nghĩ mình có định hướng và lối đi tương đối khác và có thể sẽ đi ngược lại hoạt động tình nguyện của sinh viên hiện nay. Quan điểm của mình làm tình nguyện không phải để lấy giấy chứng nhận, gom điểm rèn luyện,... Có thể đối với nhiều sinh viên điểm rèn luyện nó là mục tiêu lớn nhất khi tham gia nhưng với mình luôn đặt một câu hỏi rằng là: "Làm thế nào để có thể phụng sự được tốt hơn, hỗ trợ cộng đồng hiệu quả hơn? Làm thế nào để dự án đó bền vững, phục vụ được lâu dài hơn cho cộng đồng mà không phải là nhất thời, dã chiến?" 

Từ đó sẽ thôi thúc mình sẽ nỗ lực để cống hiến, từ sự nỗ lực đó bản thân mình sẽ học hỏi được rất nhiều thứ và chắc chắn một điều rằng điểm rèn luyện sẽ được công nhận một cách thuyết phục nếu ta đã cống hiến "đủ". Môi trường đại học là môi trường thích hợp để thanh niên cống hiến, mỗi người sẽ có sự lựa chọn riêng của mình và mình chọn Fly To Sky là ngôi nhà để định hướng phát triển. Bên cạnh đó là định hướng và hỗ trợ cho thanh niên có cái nhìn khác về hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

Dự án "Triệu bữa cơm" do Nhóm từ thiện Fly To Sky Chi nhánh TP.HCM thực hiện, dưới sự điều phối và bảo trợ của Trung tâm Tình nguyện Quốc gia

Khi đi tình nguyện thì vấn đề an toàn của đội công tác tình nguyện cũng là chuyện mọi người quan tâm. Phúc còn trẻ như vậy có bao giờ nghĩ tới điều đó không, hay chỉ nghĩ tuổi trẻ cứ đi là đi, giúp được càng nhiều người càng tốt? 

Bản thân mình và đội ngũ Fly To Sky luôn quan tâm đến các vấn đề, quyền lợi để bảo vệ tốt tình nguyện viên trong đó vấn đề an toàn là trên hết.

Fly To Sky có 2 quỹ độc lập (Quỹ từ thiện - Quỹ thu từ nguồn đóng góp của cộng đồng, Quỹ thành viên - Quỹ thu từ sự đóng góp hội phí của thành viên mỗi tháng để phục vụ cho thành viên và bảo vệ quyền lợi của thành viên). Mỗi Quỹ có hội đồng quản lý riêng biệt. Từ nguồn Quỹ thành viên này thì Fly To Sky đã có những chính sách rất cụ thể cho thành viên.

Ví dụ Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát Hội đồng Quản lý Quỹ này đã sử dụng kinh phí mua khẩu trang, gel rửa tay sát khuẩn để gửi tặng cho từng thành viên một; Hay bất cứ thành viên nào nằm viện đều có trích nguồn quỹ từ quỹ thành viên này để thăm hỏi, động viên,...

chu nhan giai thuong tinh nguyen quoc gia khong lam vi giay chung nhan hay gom diem ren luyen - anh 0

Bên cạnh đó bản thân mình cũng như Fly To Sky luôn tham mưu, xin góp ý từ các anh chị trong khu vực cũng như Trung ương để có sự định hướng phù hợp trong mỗi chuyến đi, đồng thời cũng xin ý kiến của địa phương để đảm bảo làm sao an toàn cho cả người đi tặng và người được nhận.

Vẫn sẽ làm tình nguyện đến khi không còn đủ duyên

Có khoảnh khắc nào đó bạn quá mệt mỏi với sứ mệnh này mà muốn từ bỏ hay "nhượng quyền" lại cho một ai đó...?

Đến hiện tại thì mình vẫn chưa có ý định từ bỏ hay nhượng quyền, thậm chí mình còn có ý định mở rộng quy mô thêm nữa. Để làm được điều đó thì mình cũng cần phải có đội ngũ kế thừa để mình có thể yên tâm hơn mở rộng quy mô của tổ chức.

Còn đối với mình thì được tham gia tình nguyện là một cái duyên vì vậy mình vẫn sẽ làm đến khi mình không còn đủ duyên nữa. Dù cho ở bất kỳ vị trí nào thì mục tiêu vẫn như vậy và không thay đổi: Phụng sự cộng đồng là mục tiêu cao nhất. 

chu nhan giai thuong tinh nguyen quoc gia khong lam vi giay chung nhan hay gom diem ren luyen - anh 0
Lê Văn Phúc đang là sinh viên năm hai khoa Địa lý học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM 

Tập trung cho "sự nghiệp" tình nguyện khá nhiều vậy còn việc học của bạn ở Đại học thì sao? 

Hiện tại mình đang tham gia chương trình song ngữ Việt Pháp AUF, có thể bây giờ chưa thể nói trước được điều gì nhưng mình nghĩ rằng mình sẽ bảo vệ được luận văn bằng tiếng Pháp để lấy thêm bằng đại học của Trường Đại học Pháp. Nếu có đủ điều kiện mình sẽ học cao học với chuyên ngành mà mình đang lựa chọn - Địa lý học. Đây cũng là một ngành mà mình thích, mình là học sinh Chuyên Địa (Trường THPT Chuyên Hùng Vương), không phải là người giỏi hay năng khiếu mà mình nghĩ rằng mình có đam mê thì từ đó cho mình động lực để mình quyết tâm chinh phục.

Có một câu nói trong quá trình học tập mình luôn nhắc bản thân: "Vượt qua chính mình để thành công". Mình không đặt mục tiêu để đạt được như ai đó, mình chỉ đặt mục tiêu để vượt qua chính bản thân mình và nếu mình đã vượt qua rồi mà nó vẫn chưa thể bằng ai khác thì mình vẫn vui vì đó là chính mình.

Cảm ơn những chia sẻ của Phúc!

Vượt qua ranh giới tuổi tác của Gen Z, Gen Y..., Gen Vie - Thế hệ những người trẻ Việt Nam không thiếu câu chuyện truyền cảm hứng và nhiều hành trình thú vị để kể bạn nghe. Tuyến bài Humans of GenVie sẽ giới thiệu đến bạn những gương mặt Việt, và cả trải nghiệm của những người Việt đầy đam mê, năng lượng tích cực trong mọi lĩnh vực. 

Khép lại mùa hè đặc biệt của Gen Z: Tình nguyện chống dịch hơn 160 ngày tại Sài Gòn!

Trần Tuyên: Chàng cựu sinh viên "ẵm" gần 30 học bổng, học tiến sĩ ở tuổi 24

Chàng trai người Pháp muốn "khôi phục" âm nhạc truyền thống Việt Nam

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ