“Những ngày tăm tối nhất" đã dần qua đi, Sài Gòn trở về với “đúng nghĩa Sài Gòn!" Cùng tìm hiểu câu nói đặc trưng Sài Gòn này “từ đâu mà có".
"Ăn quận 5" - "Hồng Kông bên hông Chợ Lớn"
Từ rất lâu người xưa đã truyền nhau rằng "Ở đâu có khói nơi đó có người Hoa". Câu nói này đã khẳng định sự hiện diện của người Hoa hầu như khắp nơi. Có thể kể đến là Chinatown Bangkok (Thái Lan), Chinatown New York (Mỹ), Chinatown San Francisco (Mỹ), Chinatown Singapore (Singapore) và cả Chinatown ở quận 5 - Sài Gòn (Việt Nam).
Nội dung liên quan
Người Quảng Đông (Trung Quốc) xưa di cư sang Việt Nam rất nhiều và văn hóa ẩm thực Quảng Đông cũng theo đó mà tụ về Chợ Lớn. Ở Sài Gòn khi nhắc đến Chợ Lớn là người ta nghĩ ngay đến "kinh đô mỹ vị" China Town, Chợ Lớn phố Tàu trong lòng Sài Gòn, nơi tập trung tinh hoa ẩm thực Trung Quốc.
Nơi đây tập trung rất nhiều hàng quán rong như phá lấu, "ngầu dìn" hay ngưu viên (người Việt vẫn thường gọi là bò viên), hủ tíu, mì vịt tiềm,... Mì người Hoa đặc trưng ở chỗ họ hay bán trên các xe gỗ rất to, đẩy đi bán rong hoặc dừng một góc đường nào đó. Loại xe mì này đang vắng bóng dần, rải rác còn vài tiệm có tiếng lâu năm như Tam Ký ở Cao Văn Lầu, Thiệu Ký hẻm 66 Lê Đại Hành…
Không chỉ riêng nổi tiếng với những gánh hàng rong nằm nép mình trong con hẻm, quận 5 cũng tràn ngập những con phố "thương hiệu" với những quán chuyên bán món độc như Hà Tôn Quyền (nổi tiếng với sủi cảo, hoành thánh), phố bán những món ăn san sát nhau đủ hết món và mùi vị từ gà ác tiềm thuốc Bắc cho đến đậu hũ Tứ Xuyên, lẩu hải sản, cơm gà, lưỡi heo dưa cải, cháo Tiều, hủ tíu sa tế, bánh bao, xíu mại, há cảo…
Nhà hàng ở quận 5 "đậm chất Trung Hoa" với rực rỡ sắc màu nhấp nháy của đèn, đặc biệt là đèn màu đỏ. Người Hoa vốn thích ăn trên lầu. Cao lầu ở Chợ Lớn không phải chỉ một lầu mà đến 5-7 lầu như Đồng Khánh, Ái Huê, Soái Kình Lâm, Bát Đạt, Á Đông, Triều Châu, Kim Thành, Ngọc Lan Đình… buổi tối lúc nào cũng "nghìn nghịt" khách ghé qua.
Ngày nay, dù quan niệm khác xưa nhưng quận 5 vẫn luôn là "thiên đường ẩm thực" không riêng gì người bản địa mà còn đối với khách du lịch trong và ngoài nước, nhất định "phải ghé qua" khi đặt chân đến với mảnh đất Sài Thành. Bạn trẻ ngày nay cũng nô nức, đua nhau làm food tour để "oanh tạc" quận 5.
"Nằm quận 3" - Đất vàng quận 3
"Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây" nếu như muốn ăn "sang" thì chọn quận 5 thì muốn sống "chảnh" chắc chắn là ở quận 3. Quận 3 nổi tiếng với những căn biệt thự với lối kiến trúc độc đáo của người Pháp để lại. Có thể nói, việc mua biệt thự tại quận 3 ngày trước chính là một cách để khẳng định "vị thế" của mình.
Những căn biệt thự nơi đây thường "nép mình" trong các con hẻm với nhiều cây xanh cao vút với những tán lá dày toả rộng trên đường như Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm, Hồ Xuân Hương…Thêm vào đó, trên những cung đường quận 3 cũng rất ít những hàng quán, cửa hàng, chợ búa ồn ào, cũng như xe cộ qua lại thưa thớt nên đất quận 3 "đắt" bởi sự tĩnh lặng và êm ái của nó.
Điển hình là đường Duy Tân, nổi tiếng với những con hẻm cụt biệt thự, đây cũng là nơi cư ngụ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Trịnh Công Sơn, Bạch Tuyết, Thẩm Thúy Hằng…
Sài Gòn "vun vút", biệt thự quận 3 cũng thế mà thay đổi. Một số biệt thự được tu sửa, nhiều biệt sự mất đi cái vẻ "cổ" ban xưa, thậm chí có nơi bị phá bỏ hoàn toàn thay vào đó là những cao ốc "chọc trời". Tuy nhiên dù như thế nào đi chăng nữa, đi dọc những con đường quận 3 vẫn còn đâu đó hơi thở của Sài Gòn xưa, của những căn biệt thự cổ "yên ả".
Nội dung liên quan
"La cà Quận 1" - "Paris thu nhỏ"
Quận 1 là thị tứ, đắc địa nhất thành phố với những dinh thự, cao ốc, công ty, trung tâm mua sắm, trung tâm giải trí, nhà hàng, khách sạn sang trọng, xa hoa. Đặc trưng nơi đây là những con đường rộng lớn như đại lộ Trần Hưng Đạo nối từ Sài Gòn vào Chợ Lớn; đại lộ Hai Bà Trưng nối quận Nhất với Phú Nhuận hay chuỗi ba đại lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Hàm Nghi khép kín tạo thành một "tam giác vàng".
Sài Gòn xưa người dân giải trí chủ yếu là phim ảnh, ca nhạc, sân khấu. Số lượng nhà hát, sân khấu kịch nói, cải lương, vũ trường, phòng trà, quán bar mọc lên như nấm. Đặc biệt là rạp phim, rạp hát có thể nói là "quá tải". Trước năm 1975, toàn bộ Sài Gòn có 68 rạp, chỉ riêng quận Nhất đã có tới… 41 rạp.
Các phòng trà - một hình thức giải trí dành cho giới trung lưu và thượng lưu rất "nổi" thời xưa. Một số phòng trà nổi tiếng xưa có thể kể đến như Queen Bee, Tự Do, Ritz, Maxim's, Đêm Màu Hồng với các ban nhạc, ngôi sao "có tiếng" đều được đặt tại quận Nhất. Không những vậy, nơi đây còn là nơi "thiên thời địa lợi nhân hoà để tổ chức lễ hội, sự kiện hay chương trình âm nhạc của các ngôi sao nổi tiếng. Dù là ban ngày hay ban đêm, nơi đây vẫn luôn nhộn nhịp và rộn ràng, đúng chất "Sài Gòn không ngủ".
Quận 1 ngày nay vẫn "sầm uất" và "không ngủ " như ngày nào, thậm chí còn náo nhiệt hơn xưa. Giới trẻ Sài thành ngày nay không ai mà không biết đến "thương hiệu" của phố Tây Bùi Viện - đậm chất "Sài Gòn về đêm"!
Nguồn: TH&PL