Nhiếp ảnh gia Minh Hòa và hành trình tìm vẻ đẹp của Sài Gòn mùa dịch

Sài Gòn đẹp, nhưng không phải là cái đẹp nhuốm màu bi thương.

Còn nhớ gần một năm trước, Sài Gòn trước làn sóng dịch bệnh như bị bao trùm bởi vẻ cô quạnh, đau thương. Mọi hoạt động cuộc sống bị ngưng trệ, phố xá lặng thinh vì giãn cách xã hội, chỉ có tiếng còi xe cứu thương ám ảnh vang lên dồn dập. Nhưng không gian ấy, qua lăng kính của nhiếp ảnh gia Minh Hòa, lại hiện lên như một nét đẹp mới lạ của Sài Gòn, một nét đẹp của sự tĩnh lặng và bình yên.

Với bộ ảnh Có Một Sài Gòn Bình Yên Đến Lạ, nhiếp ảnh gia Minh Hòa đã ghi lại hình ảnh những con đường, góc phố vốn rất đông người, xe qua lại vào những giờ cao điểm, bỗng hóa vắng lặng trong mùa giãn cách, qua một góc máy đầy chất thơ. Như để thể hiện niềm thương yêu tha thiết với mảnh đất quê hương, đồng thời lan tỏa một tinh thần lạc quan, tươi sáng trong những ngày cả thành phố đang "gồng mình'' chống dịch.

Một Sài Gòn không có buồn đau

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sài thành, tuổi thơ lại là những ký ức Sài Gòn xưa với những công trình kiến trúc, những tòa nhà cổ, cái tình yêu với Sài Gòn cứ thế mà lớn dần trong tim anh. Đây cũng là lý do chính để nhiếp ảnh gia Minh Hòa cho ra đời bộ ảnh Có Một Sài Gòn Bình Yên Đến Lạ.

Về ý tưởng bộ ảnh, nhiếp ảnh gia chia sẻ rằng, khung cảnh Sài Gòn trong trạng thái tĩnh lặng vào một sáng mùng 1 Tết năm 2017 qua góc máy của anh đã từng nhận được rất nhiều sự yêu mến của cộng đồng. Từ đó, anh vô tình phát hiện ra sức hút của dáng vẻ lạ lẫm ấy, đặc biệt là đối với các bạn trẻ từ các tỉnh đến Sài Gòn học tập và ở lại làm việc. Khi mỗi năm cứ đến dịp Tết các bạn về quê sum họp với gia đình, chưa từng chứng kiến cảnh Sài Gòn vắng lặng.

nhiep anh gia minh hoa va hanh trinh tim ve dep cua sai gon mua dich - anh 0
Anh Minh Hòa là nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong lĩnh vực thời trang, ảnh cưới, chân dung ở Việt Nam

Và hơn hết, anh muốn ghi lại những thời khắc lịch sử, điều chưa từng xảy ra từ lúc Sài Gòn hình thành hơn 300 năm. Qua đó anh muốn truyền tải một thông điệp lạc quan, tích cực, đầy hy vọng vào tương lai của thành phố cũng như niềm tin vào một Sài Gòn luôn đẹp, luôn lung linh, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.

"Trong khoảng thời gian đó, từ số ca nhiễm tăng cao đến sức ép ở các bệnh viện dã chiến, những mất mát người thân, thiếu lương thực thực phẩm thiết yếu... chừng đó là quá đủ để khiến người ta tuyệt vọng, đau buồn. Vì thế, tôi muốn ghi lại những hình ảnh chưa từng có của Sài Gòn theo một cách tích cực hơn, với mong muốn vơi đi nỗi ngột ngạt trong lòng người".

Điểm nổi bật nhất trong album Có Một Sài Gòn Bình Yên Đến Lạ có lẽ là sự kỳ công trong việc ghi lại mọi khoảnh khắc, mọi cột mốc của Sài Gòn giữa giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp. Vẫn là khung cảnh Sài Gòn nhưng lại có sự khác biệt nhất định trong từng khoảng thời gian khác nhau của một ngày. Và càng khác biệt hơn nữa khi trải qua từng cột mốc như ngày bắt đầu giãn cách (từ 0h ngày 9/7), 67 đêm giới nghiêm, ngày tạm dừng hoạt động các chuyến xe bus (từ 0h ngày 20/6)... mang đầy tính lịch sử.

Sài Gòn thật lạ mà cũng thật quen

Ngày 1/10, Sài Gòn chính thức bước vào trạng thái bình thường mới và với nhiếp ảnh gia Minh Hòa, đây cũng chính là khoảnh khắc hồi sinh của thành phố sau một giấc ngủ dài. "Trên đường phố trung tâm khi ấy vẫn lác đác xe, nhưng chỉ khi đi đến khu vực Chợ Lớn thì mới nhận ra mọi thứ gần như đã quay về nhịp sống cũ"  - anh chia sẻ.

Dẫu vậy, bởi vì sức ảnh hưởng từ cơn dư chấn của đại dịch, cho đến hiện tại, Sài Gòn bắt buộc phải tiếp nhận nhiều thay đổi so với trước đây. Theo nhiếp ảnh gia Minh Hòa, một điểm khác biệt lớn là số lượng xe cộ. Do Sài Gòn là nơi người dân tứ xứ đổ về, mà trong những ngày dịch bệnh, các công nhân, nhân viên gặp khó khăn về kinh tế đều đã quyết định hồi hương và hiện tại một số đều đã ổn định được việc làm nơi quê nhà, nên nhiều người trong số đó đã không còn trở lại.

nhiep anh gia minh hoa va hanh trinh tim ve dep cua sai gon mua dich - anh 0
Anh có tình yêu đặc biệt với các công trình kiến trúc cổ và tất cả những gì thuộc về Sài Gòn

Bên cạnh đó, khẩu trang hiện tại vẫn là vật bất ly thân của toàn dân, cộng thêm quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng, vì thế, những chiếc khẩu trang cũng trở thành một nét mới so với giai đoạn trước khi đại dịch nổ ra.

Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng làm thay đổi các mô hình kinh doanh và phương thức làm việc của nhiều cá nhân, tổ chức. Với nhiếp ảnh gia Minh Hòa, đây cũng là hai điểm khác biệt nhất của Sài Gòn hiện tại so với trước đây.

Anh nói: "Thay vì phải lên công ty thì có thể làm việc online ở nhà. Các hình thức đặt thức ăn online phát triển mạnh. Một số quán ăn trước đây không bán hàng qua app thì bây giờ cũng phải cập nhật theo xu hướng. Đó cũng là sự khác biệt của Sài Gòn, trước và sau dịch".

Tuy nhiên, con người Sài Gòn, phần hồn của thành phố thì vẫn luôn như vậy, vẫn hào sảng và năng động. Dù trải qua nhiều mất mát, đau thương bởi sức tàn phá dã man của Covid-19, họ vẫn không dừng lại quá lâu mà nhanh chóng bước tiếp, để sống cho mình và cho Sài Gòn thân thương.

BS Trương Hữu Khanh: 'Khi Covid-19 hết, người ta cũng quên tôi là ai'

15 sự kiện nhắc bạn nhớ lại khoảng thời gian ‘băng qua’ đại dịch

28 mảnh ghép đáng quý giúp 'Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi'

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ